Review phim

Sàn Đấu Sinh Tử

Fight Club

Nội dung

Một tay bán bảo hiểm ôtô thành đạt sống giữa cuộc sống xa hoa nơi thành phố bị mất ngủ triền miên. Gã tìm cách ‘giải thoát’ bằng việc giả bệnh và tham gia các hội chia sẻ giữa những bệnh nhân.

‘Phương thuốc’ này bị phá đám bởi sự xuất hiện của ả lạ mặt Marla Singer.

Câu chuyện đổi hưởng khi gã gặp tay buôn… xà phòng với tác phong bất cần Tyler Durden; người đặt ra cho gã hàng loạt câu hỏi hóc búa về những quy tắc sống trong xã hội lẫn ý niệm về sự tồn tại của một gã đàn ông.

Sau một cuộc đánh lộn tự nguyện với Tyler, cả hai lập nên ‘Câu lạc bộ đánh lộn’, nơi tất mọi người đàn ông đến lao vào các cuộc đánh nhau tay đôi, quên hết cuộc sống nhàm chán, rắc rối…

Thể loại

25 phim hay nhất mọi thời đại - Phim ảnh luôn có sức ảnh hưởng to lớn, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Vnwriter giới thiệu 25 bộ phim hay nhất mọi thời đại đã truyền cảm hứng và thay đổi cuộc sống hàng triệu người. Nhà tù Shawshank Andrew, một nhân viên nhà băng, bị kết… Đọc thêm
12 phim hay về đa nhân cách giúp bạn trân quý bản thân khi bạn là chính mình hơn - Những người mắc hội chứng đa nhân cách thường có tính tình thất thường vì các nhân cách hay đối lập nhau, khiến cho họ không có sự mềm dẻo trong ứng xử, giao tiếp. Họ có những hành động, biểu hiện cảm xúc khác nhau theo từng thời gian trong ngày và đặc biệt… Đọc thêm
19 phim hay về cuộc sống nên xem trong đời - Cuộc sống như một tấm gương phản chiếu , u ám khi bạn có góc nhìn tiêu cực, chán nản và ngược lại đầy màu sắc nếu bạn lạc quan, tin vào bản thân, tin vào điều tốt đẹp. 19 phim hay về cuộc sống chứa đựng các bài học giá trị được truyền tải qua… Đọc thêm

Trailer

Các review được Vnwriter tổng hợp từ nhiều nguồn. Báo cáo vi phạm, bản quyền, spoiler tại trang Liên hệ hoặc Bản quyền.

Review

Đối đầu hay chết mòn?

Minh Red Nguyen 8.6 Facebook

Sống mà như đã chết

Fight Club là lời tự truyện của một người đàn ông không rõ tên tuổi (Edward Norton). Dường như, đây có thể là bất cứ ai trong xã hội hôm nay: vật vã kiếm tiền, để xây dựng thế giới vật chất xung quanh. Về mặt thể xác, người đàn ông này, hoàn toàn khỏe mạnh. Thế nhưng, anh ta luôn cố gắng, tìm phương thuốc chữa trị cho tình trạng khắc khoải: nỗi bức bối về khẳng định vị thế trong xã hội.

Gia nhập các nhóm trò chuyện, kể cả dành cho những người mắc bệnh nan y, Người dẫn chuyện gặp Marla Singer (Helena Bonham-Carter), một phụ nữ, thích tìm kiếm cà phê miễn phí hơn là sự cảm thông. Đơn giản, vì cô ta cũng không hề mắc bệnh gì. Người dẫn chuyện phải đối đầu ánh xạ của mình, qua tấm gương giới tính.
Thế rồi, ngày nọ, trở về nhà sau chuyến công tác, Người dẫn chuyện chứng kiến căn hộ của mình, vụt trở thành đống gạch vụn, sau một vụ nổ gas.

Bức xúc và thất vọng, người dẫn chuyện cùng Tyler Durden, một gã mới quen (do Brad Pitt thủ vai), gầy dựng nên Hội Đánh Đấm – dùng bạo lực để đáp lại mọi vấn đề. Hoạt động của hội được ủng hộ khắp nơi. Sự phát triển của Hội Đánh Đấm đi kèm với mức độ bạo lực leo thang. Đỉnh điểm là Kế Hoạch Hủy Diệt – với mong muốn làm nổ tung các cơ sở tài chính.

Fight Club là một chuỗi những đối đầu, xuất phát từ những thay đổi, dường như quá nhanh, của xã hội ngày nay.

Cuộc đối đầu giới tính

Trong Fight Club, vật cản lớn nhất mà nhân vật chính – Người dẫn chuyện, phải vượt qua, là việc khẳng định danh tính/vị thế trong xã hội. Khó khăn này, bắt nguồn từ những thay đổi cơ bản trong xã hội: vai trò giới tính.

Khi vai trò của phụ nữ được xếp ngang bằng với vai trò của nam giới, đàn ông gặp khó khăn trong việc định hình sự hơn kém giữa hai giới. Nói một cách khác, khi cán cân quyền lực dần chuyển sang phía nữ giới, đàn ông cảm thấy xấu hổ, tựa như nhân vật Tyler Durden, phải thốt lên: đây là một thế hệ, mà đàn ông lớn lên, nhờ phụ nữ.

Nếu trong thời kì cách mạng công nghiệp, những vai u thịt bắp của đàn ông là điểm tất yếu để thành công, thì vẻ bề ngoài gợi cảm, cùng khả năng ăn nói lưu loát, đã giúp phụ nữ hôm nay chiếm ưu thế trong những cuộc đua. Khắc khoải, lo toan, tìm mọi cách để chứng minh khả năng của mình bằng những thuộc tính nam giới, những người đàn ông, sau thời kì vàng son của cách mạng công nghiệp, lâm vào thế bế tắc.

Trong phim, Người dẫn chuyện tham gia nhóm trò chuyện, gọi là ‘Tập hợp đàn ông sót lại’, dành cho những người mắc bệnh về tinh hoàn. Trong đó, có lạm dụng thuốc phát triển cơ bắp, khiến tinh hoàn bị teo. Người dẫn chuyện được nghe một thành viên tâm sự về người vợ cũ, chuẩn bị có con với chồng mới. Không thể đảm đương vai trò làm bố, đổ vỡ trong hôn nhân, mù quáng trong cuộc chạy đua thể hiện nam tính, hình ảnh những người đàn ông, quay quần trong khung cảnh tranh sáng tranh tối, tượng trưng cho thất bại, về giới tính, của nam giới, trong thế giới hậu hiện đại.

Thêm nữa, một hiểm họa đối với phái nam trong Fight Club, là nhân vật nữ chính duy nhất, Marla Singer. Cô là công cụ giúp Người dẫn chuyện tìm lại bản ngã của mình, giúp anh thoát khỏi sự ảnh hưởng của Tyler Durden. Mặt khác, sự xuất hiện của Marla còn luôn đi kèm với nỗi ám ảnh bị thiến. Như lời cảnh báo của Tyler: khi ngủ, dương vật [của Người dẫn chuyện] có thể bị một người phụ nữ cắt đứt. Hình ảnh ví von của Tyler, thật ra, là một lời đe dọa có căn cứ. Bởi nếu Người dẫn chuyện, nhờ Marla mà ý thức được âm mưu của Tyler, thì Kế Hoạch Hủy Diệt, nhằm khẳng định sức mạnh của nam giới, sẽ bị sụp đổ hoàn toàn, hệt như những người đàn ông trong nhóm ‘Tập hợp đàn ông sót lại’ bị làm cho bất lực.

Cuộc đối đầu với tư bản chủ nghĩa

Kế Hoạch Hủy Diệt của Hội Đánh Đấm, muốn đưa xã hội về thời kỳ sơ khai của chủ nghĩa tư bản, khi mà lao động tay chân được trân trọng. Nói một cách khác, Kế Hoạch Hủy Diệt, tạo cơ hội để thuộc tính thiên về sức mạnh vật lí của nam giới, được phát huy.

Thế giới hiện đại, đặc trưng bởi 3 chữ C lớn: consumerism – chủ nghĩa tiêu dùng, corporatism – chủ nghĩa tập đoàn và capitalism – chủ nghĩa tư bản. Ba chữ C này đã ‘máy móc hóa’ con người, đẩy họ vào dây chuyền bóc lột một cách vô ý thức. Tiền, thứ những người làm công đánh đổi bằng sức lao động, qua thói quen mua sắm, chóng vánh, quay lại về túi các ông chủ. Dù được bao quanh bởi vô số của cải, nhưng những người lao động chỉ sống một cuộc sống vô nghĩa: một vòng lặp vô tận, không thể thoát ra.

Tự xây dựng xung quanh mình, một thế giới đồ gia dụng IKEA sành điệu, thế nhưng Người dẫn chuyện trong Fight Club, cảm thấy cuộc sống, vẫn sao quá chông chênh. Những chuẩn mực, kiểu như số tiền trong tài khoản, diện tích nhà hay số đứa con, có thể xác định vị thế xã hội của một người đàn ông trong thập niên 50, nhưng những tiêu chuẩn này chẳng còn ý nghĩa, với một người sống độc thân, ít bạn bè của thời đại ngày nay.

Bộ phim Fight Club dựa trên viễn cảnh: thế giới con người dần bị thay thế và chiếm lĩnh bởi vật chất/máy móc. Giống như loạt phim Terminator (Kẻ hủy diệt) hay The Matrix (Ma trận): nền kinh tế cực thịnh và sư phát triển vượt bậc của kỹ thuật, dẫn đến máy móc – công cụ từng giúp con người, quay ngược mũi giáo, với âm mưu thôn tính cả thế giới. Trong Fight Club, một bộ phận loài người, đại diện là Hội Đánh Đấm, nắm quyền chủ động. Họ muốn ra tay trước. Đầu tiên, là làm thức tỉnh những người đang vất vả chạy theo theo đồng hồ chấm công. Tiếp theo, là đả phá việc xác định vị thế một con người, chỉ qua chiếc túi xách hay phương tiện đi lại mà anh ta đang sở hữu.

Hội Đánh Đấm muốn con người có cảm giác ‘sống’ thật sự. Hãy hình dung đến việc thoát khỏi vô số những túi ngủ, mà máy móc đã sử dụng, để lừa và khai thác con người, trong bộ phim The Matrix (Ma trận)

Triết lí của Hội Đánh Đấm

Những thành viên của Hội Đánh Đấm tham gia vào các cặp đấu tay đôi, dùng những đòn hết sức lực, giáng vào đối thủ, cho đến khi một bên xin hàng. Có thể cho rằng, những hành động bạo lực tự thân – những cơn mưa nắm đấm, mà các thành viên ban phát cho nhau, một cách tự nguyện, là để đánh thức con người thật trong mỗi cá nhân.

Mặt khác, qua lăng kính của chủ nghĩa duy dương v*, đây là một hành động khổ * (masochism): thỏa mãn tinh thần bằng cách tạo đau đớn cho bản thân. Thay vì tinh dịch là dấu hiệu, biểu hiện thuộc tính nam giới, thì ở đây là máu, những vết cắt và một thân thể sưng vù. Những đồ đạc, vật dụng hàng hiệu, từng để khẳng định danh tính/vị thế, thì bây giờ, sự đau đớn vật lí mà cơ thể cảm nhận đuợc, chính là định nghĩa mới của sự tồn tại. “Các bạn chưa từng có cảm giác sống thật sự, ở bất cứ đâu, như là ở đây” – Người dẫn chuyện tuyên bố. Bởi vì “bạn trong Hội Đánh Đấm, không phải là bạn, của thế giới bên ngoài”.

Cũng cần nhấn mạnh: bản chất của những trận đòn trong Fight Club, không phải là để tìm kẻ chiến thắng. Vì theo triết lí của Hội Đánh Đấm, cả hai bên tham chiến, đều chiến thắng: họ đều thức tỉnh, thoát khỏi thế giới ảo mà vật chất của tư bản chủ nghĩa xây dựng nên. Hành động quấn quít bên nhau trong một trận đấu, có thể so sánh với hành động làm tình: hai đối tác tham gia tìm kiếm sự thỏa mãn tinh thần và cuối cùng đều đạt được cực khoái.

Thật sự, chủ nghĩa cá nhân – tôn thờ bản thân, được thể hiện rất rõ qua nhân vật Tyler Durden. Hắn tôn thờ hình ảnh dương vật – biểu trưng cho sức mạnh nam giới. Trong thời gian làm việc tại rạp chiếu bóng, Tyler Durden rất thích chèn ảnh chụp dương vật, một cách ngẫu nhiên, vào đoạn phim đang chiếu. Những khán giả trong rạp, sẽ phải chứng kiến hình ảnh này, mà không cách nào trở tay kịp. Hành động của Tyler, như một lời tuyên ngôn về tính không thể cưỡng lại, không thể chống lại biểu tượng nam giới – hòng khẳng định sức mạnh của phái nam.

Tuy nhiên, đề cao chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến việc điều hành Hội Đánh Đấm, dưới tay Tyler Durden, ngày càng trở nên độc tài, dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng.

Cuộc đối đầu nội tại

Đầu tiên, một trong những luật của Hội Đánh Đấm là không ra đòn khi đối thủ đã xin hàng. Thế nhưng, hình ảnh hội viên bị tiếp tục hành hạ, cho dù đã gục ngã, cho thấy bước đầu loạng choạng trong việc kiểm soát hoạt động của Hội Đánh Đấm.

Tiếp theo, thay vì phá bỏ rào cản vị thế xã hội, để tập hợp những người đàn ông có cùng mục đích, thì Hội Đánh Đấm lại khẳng định quyền lực cao thấp trong xã hội: tất các hội viên phải tuân theo lời của Tyler Durden mà không được thắc mắc. Thành viên của Hội Đánh Đấm trở thành vật thí nghiệm. Họ dần trở thành những cái máy chỉ biết tuân lệnh. Lí tưởng giải phóng con người khỏi thế giới máy móc – thế giới của những dây chuyền sản-xuất-hàng-loạt, có nguy cơ bị phá sản.

Không những vậy, Tyler Durden biến Hội Đánh Đấm thành một tổ chức phát xít với những hành động khủng bố. Kế Hoạch Hủy Diệt, được Tyler Durden vạch ra, trả giá bằng mạng sống của nhiều người. Ngay cả Người dẫn chuyện và Marla Singer – nhân vật duy nhất có thể vạch trần bộ mặt của Tyler Durden, đều bị đe dọa tính mạng.

Để cứu Marla Singer, dẫn đến cuộc chạm trán cuối cùng, giữa Người dẫn chuyện và Tyler Durden. Thực chất, đây là cuộc đối đầu giữa người đàn ông và cái dương vật của anh ta – những khát khao thể hiện thuộc tính nam giới. Tuy nhiên, nếu vì Marla Singer mà Người dẫn chuyện giết chết Tyler Durden, thì chẳng khác nào, anh ta tự thiến mình vì một người phụ nữ. Nói một cách khác, lời cảnh báo của Tyler Durden, về một người phụ nữ sẽ lấy đi dương vật của Người dẫn chuyện, sẽ trở thành sự thật. Như vậy, sức mạnh của nam giới, trong xã hội, một khi đã bị nữ giới lấy đi, mãi không bao giờ có thể hồi phục được.

Bộ phim Fight Club phản ánh nỗi bức bối và thất vọng của đàn ông, trước sự bất lực của họ trong xã hội hôm nay. Thế nhưng, thông điệp cuối cùng mà bộ phim muốn gửi đến những con người đang vật vã, ghen tị với phái nữ, đó là: hãy trưởng thành hơn, hãy nhìn nhận những gì đã xảy ra, để tìm cách thích nghi, không nên đổ lỗi cho xã hội. Trong tiểu thuyết cùng tên, khi nhân vật Người dẫn chuyện chết, anh lên thiên đường, và bị đưa vào viện tâm thần. Miệng anh lảm nhảm: “Chúng ta không đặc biệt. Chúng ta cũng không phải là thứ bỏ đi. Chúng ta chỉ là chúng ta, và những gì xảy ra thì cũng đã xảy ra”.

Cảm nhận sự sống

Anne Vu 7.5 Blogger

Mình vừa mới xem xong Fight Club (1999), sau một chuỗi ngày dài trì hoãn và né tránh. Nói là né tránh thì có vẻ không đúng lắm, nhưng cũng gần như vậy, bởi mình được biết là hình ảnh trong phim sẽ tương đối “khó nhìn” và bạo lực. Bạo lực quá nhiều làm cho mình cảm thấy nặng nề và không tập trung được vào phim (bệnh này chắc chỉ mỗi mình có), cũng là lý do mà mình không thực sự thích Saving Private Ryan (1998) dù phim vẫn lọt top 20 của mình và ý nghĩa mà nó đem lại là cực kỳ lớn.

Cái nhìn toàn cảnh của mình về phim là đánh đấm, máu me be bét. Phân nửa bộ phim mình không cảm nhận được bất cứ điều gì, mạch phim diễn biến khá buồn ngủ, lời thoại tuy có nét khác biệt nhưng dài lê thê và khó hiểu, cảm giác y như mình đang nửa tỉnh nửa mê giống anh chàng nhân vật chính. Thế nhưng, mọi thứ đều thay đổi ở nửa sau, bắt đầu từ khúc mà người kể chuyện nhận được cuộc điện thoại từ cảnh sát, mình đã cảm thấy ngờ ngợ. Nhưng phải đến khi phim vạch hẳn ra rõ mồn một rồi, mình mới dám tin. Plot twist quá đỉnh, một trong những phim có plot twist đỉnh nhất mình từng xem.

Về ý nghĩa, phim có đề cập đến một vài yếu tố khá đương thời như lối sống chạy theo thời cuộc, chủ nghĩa tiêu dùng, sống không có mục đích ý nghĩa (khiến Fight Club trở thành nơi mà những người đàn ông tìm đến để được cảm nhận sự sống). Trong phim có những phân đoạn mà thành viên Fight Club đi khắp thành phố và phá hủy nhiều công trình, cửa hiệu, làm mình nhớ đến V for Vendetta (2005). Trong phim, V cũng hiện thân cho một lý tưởng, đi ngược lại với những gì xã hội cho là tốt đẹp và thực hiện “khủng bố” để phản đối và thức tỉnh người dân. Fight Club và Mayhem Project cũng gần gần như vậy, nhưng chưa đến độ đó. Một nét nghĩa nữa là hình ảnh Tyler Durden (Brad Pitt) ẩn dụ cho: 1. Hình ảnh một người đàn ông mà người kể chuyện muốn trở thành nhưng còn sợ sệt và né tránh, và 2. Hình ảnh người cha đã bỏ đi mất của chính người kể chuyện (thể hiện qua đoạn Tyler xoa đầu người kể chuyện và bỏ đi sau vụ tai nạn), nhưng điều này thì hiện lên trên phim quá rõ ràng rồi, không cần người xem phải quá động não. Đến đây thì chúng ta được biết nhân vật chính của chúng ta chính là Tyler Durden.

Nhìn chung, nhịp độ của phim được đẩy lên cao hơn từ nửa sau và nó làm cho phim hấp dẫn hơn hẳn. Mình cũng hết buồn ngủ (giống nhân vật chính), thật tốt. Phim giải trí mức vừa phải, xem thì hơi chướng mắt (do bạo lực) và mất não (suốt nửa đầu) nhưng đảm bảo chỉ cần đến nửa sau, các bạn sẽ cảm thấy khác hẳn. Đây là một bộ phim đáng xem và nhất định phải xem, vì nó quá nổi tiếng. Phim được rate 8.8/10 trên IMDb, nằm trong top 10 phim được rate cao nhất.

Mình thích nhất cách phim mô tả mối quan hệ giữa nhân vật chính và Marla Singer. Các bạn không biết còn nhớ cảnh buổi sáng hôm sau Marla và Tyler (nhân vật chính) gặp nhau ở phòng bếp, Tyler đuổi Marla về và cô không hiểu chuyện gì xảy ra, đành bỏ về. Xem đến khúc đó mình cũng không hiểu hành động của Marla, cho đến khi về sau xem lại mới thấy mọi thứ rất logic. Thế nên, mình khuyên các bạn nên xem lại phim để có cái nhìn sâu sắc hơn về các nhân vật, về thông điệp mà phim muốn truyền tải.

Riêng mình, mình đánh giá từ khoảng 7.5 đến 8/10, 8 thì mình cảm thấy hơi cao (do nửa phần đầu mình thực sự đã ngủ gật, mà theo quan điểm của mình thì không một phim phim nào được phép làm mình ngủ gật cả), 7.5 thì cảm thấy hơi thấp. Thôi thì mình cứ để vậy thôi.

Đánh giá

Nội dung - 8.8
Diễn xuất - 8.9
Nhạc phim - 7.4
Kỹ xảo điện ảnh - 7.2
Thông điệp truyền tải - 9.2

8.3

Bạn có là chính bạn?

Đối đầu hay chết mòn?

User Rating: 4.13 ( 2 votes)

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Chín 9, 2018 | Lần cập nhật cuối: Tháng Bảy 28, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button