Review phim

Thảm Họa Pompeii

Pompeii

Nội dung

Thảm Họa Pompeii là một bộ phim thảm họa lịch sử Đức – Canada 2014 của đạo diễn Paul WS Anderson. Milo (Kit Harington), người Celtic cuối cùng sau vụ thảm sát tàn bạo của người La Mã do Corvus (Kiefer Sutherland) chỉ huy, là một võ sĩ giác đấu dũng mãnh chiến đấu hết mình để giành lấy tự do. Kể từ lúc gặp Cassia (Emily Browning), cả hai đem lòng yêu nhau. Thế nhưng, hạnh phúc giữa hai con người thật ngắn ngủi khi ngọn núi lửa Vesusius phun trào đe dọa tính mạng cư dân Pompeii. Liệu họ sẽ thoát khỏi sự giận dữ của thiên nhiên và đắm chìm trong hạnh phúc?

Thể loại

6 phim hay về núi lửa là lời hồi đáp từ mẹ thiên nhiên vĩ đại - 6 phim hay về núi lửa là lời hồi đáp từ mẹ thiên nhiên vĩ đại, cho ta thấy sức mạnh khủng khiếp, đầy hủy diệt khi những ngọn núi lửa phun trào và cũng là lời cảnh tỉnh loài người hãy ngừng tàn phá môi trường sống tự nhiên vốn tươi đẹp trước khi con… Đọc thêm
15 phim hay về thảm họa khiến người xem phải suy ngẫm - Thảm họa thiên nhiên luôn là đề tài nóng bỏng được khai thác và xây dựng thành phim. 15 phim hay về thảm họa đưa người xem đến với những thiên tai, thảm họa thiên nhiên với sức tàn phá khủng khiếp và hậu quả nặng nền của nó để lại cho nhân loại. Và đây… Đọc thêm

Trailer

Các review được Vnwriter tổng hợp từ nhiều nguồn. Báo cáo vi phạm, bản quyền, spoiler tại trang Liên hệ hoặc Bản quyền.

Review

Mãn nhãn nhưng chưa thỏa mãn

Châu Mộ Văn 6.4 Zing

Pompeii mở đầu với trường đoạn toàn bộ ngôi làng người Celt của cậu bé Milo bị tàn sát dã man bởi binh lính La Mã. Chỉ nhờ có may mắn mà Milo mới có thể thoát chết. Song cậu cũng bị những tay buôn bán nô lệ bắt được khi đang trốn trong rừng rồi biến thành một võ sĩ giác đấu trong suốt gần 20 năm trời sau đó. Khi tài năng võ nghệ của Milo được tên chủ trò Graecus phát hiện, chàng trai được đưa tới thành Pompeii để tham gia vào những cuộc đấu khát máu có quy mô lớn hơn.

Trên đường tới Pompeii, Milo có dịp chạm mặt và phải lòng với tiểu thư Cassia của một gia đình quyền quý. Nàng vốn đang chạy trốn khỏi Rome bởi sự săn đuổi và tán tỉnh lộ liễu của lão nghị sĩ Corvus.

Tuy nhiên, Corvus không để cho Cassia được yên khi truy đuổi nàng về tới tận thành Pompeii. Lợi dụng quyền lực và ảnh hưởng với Hoàng đế, cộng thêm việc cha của Cassia rất cần Corvus cho những dự án cải tổ lại Pompeii, lão quyết tâm cướp Cassia về làm thê thiếp. Milo cùng với Atticus, một võ sĩ giác đấu khác sắp sửa giành được tự do, chống lại Corvus ra mặt và chấp nhận đương đầu với những cạm bẫy do lão giăng ra. Chỉ có điều, mọi toan tính của con người sớm đi chệch khỏi dự kiến khi ngọn núi lửa Vesuvius đang chầu chực nuốt chửng cả thành Pompeii rộng lớn.

Lấy bối cảnh năm 79 sau Công nguyên, Pompeii là tác phẩm mới nhất đến từ đạo diễn Paul W.S. Anderson, sau loạt phim Resident Evil, Alien vs. Predator hay phiên bản điện ảnh gần đây nhất của The Three Musketeers. Không ngạc nhiên khi dấu ấn của Anderson trong Pompeii là hết sức rõ ràng khi anh tiếp tục sử dụng hiệu ứng slow-motion cho những cảnh hành động chiến đấu với tần suất dày đặc, cũng như các hiệu ứng 3D “lao thẳng vào mặt khán giả” – nhất là khi ngọn núi lửa Vesuvius bắt đầu chuyển mình.

Tuy vậy, để chờ đến lúc thành Pompeii bị nhấn chìm, khán giả sẽ phải trải qua hơn nửa đầu bộ phim tập trung vào câu chuyện xoay quanh chàng nô lệ Milo. Thực tế, câu chuyện phim trong Pompeii chứa đựng rất nhiều chủ đề: tình yêu bị cấm đoán giữa Milo và Cassia, chuyện chính trị giữa thành Pompeii và đế chế La Mã, cuộc báo thù cho những đồng hương người Celt của Milo, ước mơ vươn tới một xã hội bình đẳng hơn thông qua nhân vật Atticus…

Đáng tiếc thay, các nhân vật trong Pompeii lại hết sức rập khuôn và không sở hữu đủ nét đặc sắc để có thể giúp cho câu chuyện trở nên có sức nặng trước khi thảm họa ập xuống. Càng đáng tiếc hơn khi dàn diễn viên phụ của Pompeii gồm toàn những diễn viên có tiếng như Carrie-Anne Moss, Jared Harris hay Kiefer Sutherland (vai lão nghị sĩ Corvus)

Ngay cả tài tử Kit Harington, người thủ vai Jon Snow trong loạt phim truyền hình Game of Thrones, cũng không gây được ấn tượng mạnh cho khán giả với vẻ mặt gần như lúc nào cũng vô cảm dành cho Milo. Nhân vật tiểu thư Cassia của Emily Browning tuy khá hơn một chút nhưng chỉ mình cô là không đủ để có thể vực dậy toàn bộ mạch truyện phim. Cặp diễn viên chính cũng không có được sự ăn ý cần thiết để có thể tạo ra được một câu chuyện tình yêu đủ lay động cảm xúc của khán giả sau khi bộ phim kết thúc.

Một điều đáng tiếc nữa của Pompeii là những pha hành động chiến đấu giữa các võ sĩ giác đấu tương đối đơn điệu và không có nhiều nét đột phá sáng tạo như các tác phẩm khác của Paul W.S. Anderson. Khán giả chỉ có thể cảm thấy cuốn hút hơn vào bộ phim khi thành Pompeii bắt đầu bị dung nham tấn công, bởi kỹ xảo và phần hình ảnh 3D chính là ưu điểm lớn nhất mà Pompeii có được.

Rõ ràng, đạo diễn Paul W.S. Anderson từng ấp ủ rất nhiều hy vọng với Pompeii khi cho quay gần như toàn bộ bộ phim bằng máy quay 3D. Thậm chí, trước khi bộ phim ra mắt, fan hâm mộ của anh từng lạc quan cho rằng Pompeii sẽ là một sự kết hợp hoàn hảo giữa Titanic và Gladiator. Chỉ có điều, các cảnh hành động chưa đạt được tới độ như Gladiator, còn câu chuyện tình yêu thì làm sao mà xúc động như Titanic được. Khán giả có thể cảm thấy thỏa mãn về mặt thị giác khi núi lửa bắt đầu phun trào, nhưng cũng đừng yêu cầu nhiều hơn thế ở Pompeii.

Người đẹp kém duyên

Chú Hề 6.2 123phim

Năm 79 sau Công nguyên, Pompeii trở thành nơi tập trung nghỉ mát của tầng lớp thượng lưu La Mã với sự văn minh, thịnh vượng và đẹp đẽ của mình. Tuy nhiên khi mọi việc đang yên bình, cả thành phố phải hứng chịu cơn thịnh nộ của thiên nhiên từ ngọn núi lửa Vesuvius. Trong hoàn cảnh khốn cùng đó, Milo, một tên nô lệ bị biến thành dũng sĩ giác đấu, phải đối mặt những trận đấu sống chết hòng trả thù cho việc bộ tộc mình bị người La Mã giết hại. Bên cạnh đó, Milo còn phải cứu lấy người yêu là nàng Cassia và cùng nàng tìm kiếm cho mình cơ hội sống mong manh giữa muôn trùng hiểm nguy.

Khác với những thể loại phim về thảm họa thiên nhiên trước đây, thường diễn ra theo mô típ con người phải gánh chịu hậu quả thiên tai vì chính mình đã tàn phá thiên nhiên, “Pompeii” đơn giản chỉ nêu lên một chuyện rằng đó là ý Trời và con người phải chịu. Nếu hên, chạy thoát kịp thì bạn sống sót, còn không, coi như là do số phận mình xui.

Điểm dở nhất của bộ phim này, nằm ở kịch bản quá tham lam khi cố ý gắn kết hai, ba đề tài vô chung một bộ phim, cộng thêm cách phân chia bố cục phim không đồng đều, khiến khán giả có cảm giác lúc thừa, lúc thiếu, lúc quá chậm lúc lại quá nhanh. Ba thứ được nhồi nhét trong hơn 90 phút phim này bao gồm thảm họa, trả thù và tình yêu.

Sự phân chia thời gian cho bộ phim bị dài lê thê ở phần dẫn dắt câu chuyện: vì sao Milo lại có mối thù cùng quân La Mã, tạo vài tình huống để dẫn đến mối quan hệ yêu đương của Milo và Cassia. Và mặc dù được dẫn dắt kiểu dài dòng như vậy, nhưng đến phần kết phim, mọi việc được đưa vào một cuộc thi chạy việt dã để kết thúc phim đúng như yêu cầu thời gian của đạo diễn. Chính vì sự gấp gáp đó, mà các chi tiết tình yêu, thù hận, thảm họa đều bị dồn cục, giải quyết song song cùng nhau, khiến người xem hơi rối. Vô lý nhất là mối tình của Milo và Cassia, dù cả hai người từ đầu đến cuối cũng không có bao nhiêu giao đãi tình cảm, thì đến đoạn cuối phim lại “bỗng dưng biết yêu”.

Ngoài việc tham lam trong đường dây câu chuyện, việc cho quá nhiều diễn viên xuất hiện trong phim khiến họ trở nên thừa thãi, không có điểm nhấn gì để khán giả chú ý đến, và đồng thời, cũng làm cho hai diễn viên chính có phần mờ nhạt. Kit Harrington vào vai Milo, về ngoại hình có thể thấy Kit không hợp với vai này lắm. Ở Milo cần sự chai lỳ của một người nô lệ nhiều hơn, thì Kit lại mang dáng dấp của một gã… Don Juan thời cổ đại. Diễn xuất của Kit trong phim khó có thể nói hay hay dở, vì nhìn chung anh không diễn gì mấy ngoài cảm xúc chán nản, bất mãn và ít nói – chắc đây là do yêu cầu của đạo diễn.

Vai nữ chính, con gái của một lái buôn, nàng Cassia xinh đẹp do Emily Browning thủ diễn. May mắn là vai diễn này ấn tượng bởi tính cách rắn rỏi, quyết đoán, đưa đường dây câu chuyện đến những nút thắt mở mang yếu tố quyết định nhất trong phim.

Hạn chế về phần kịch bản, nhưng “Pompeii” lại mang đến cho khán giả những hiệu ứng hình ảnh trên cả mức tuyệt vời. Không gian cổ đại xa xưa của La Mã được tái hiện rất sống động trong bộ phim này. Nếu chọn định dạng 3D để thưởng thức, khoảnh khắc cả thành phố chìm trong biển lửa, nham thạch núi lửa phun trào sẽ có thể khiến người xem rợn người vì đẹp đến mức ngỡ ngàng. Mặc dù chỉ được tập trung thể hiện trong phần cuối của bộ phim, nhưng khung cảnh núi lửa phun trào này chính là điểm đáng xem, đắt nhất của cả bộ phim.

Do những yếu kém trong kịch bản, khó có thể nói “Pompeii” là một bộ phim hay. Tuy nhiên cũng khó có thể chê nó là một thảm họa điện ảnh vì độ hoành tráng về hình ảnh mà nó mang đến xứng tầm bom tấn. Nếu muốn được đắm mình trong không khí cổ đại, khán giả hãy đến rạp và thưởng thức bộ phim này.

Đánh giá

Nội dung - 5.2
Diễn xuất - 5.7
Nhạc phim - 6
Kỹ xảo điện ảnh - 6
Thông điệp truyền tải - 5.2

5.6

Mãn nhãn nhưng chưa thỏa mãn

Sự kết hợp không hoàn hảo giữa Titanic và Gladiator

User Rating: 2.35 ( 1 votes)

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Chín 11, 2018 | Lần cập nhật cuối: Tháng Bảy 28, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button