Review phim

Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai

The Thorn Birds

Nội dung

Theo truyền thuyết có một loài chim chỉ hót lên một lần trong cả cuộc đời nó, tiếng hót đó ngọt ngào hơn bất cứ sinh vật nào trên trái đất này. Ngay khi vừa rời tổ loài chim ấy đi tìm ngay một thứ cây mận có những cành gai nhọn và tiếp tục bay mãi không chịu ngơi nghỉ, cho đến khi tìm được mới thôi. Sau đó nó cất tiếng hót giữa những cành cây hoang dại rồi lao vào một cây gai dài nhất và nhọn nhất, cây gai xuyên thủng qua ngực. Giữa cơn hấp hối một tiếng hót vút cao, thánh thót hơn cả tiếng hót của sơn ca hay họa mi. Tiếng hót tuyệt vời đánh đổi bằng cả cuộc sống. Trời đất dừng lại để lắng nghe còn Thượng Đế ở trên cao thì mỉm cười. Bởi vì sự tuyệt vời chỉ có được bằng niềm đau vô tận ấy.

Thể loại Phim tình cảm, Phim tâm lý
Đạo diễn Daryl Duke
Tên tiếng anh The Thorn Birds
Quốc gia Phim Mỹ
Năm sản xuất 1983
Thời lượng 7 tập
Diễn viênRichard Chamberlain, Rachel Ward, Christopher Plummer
IMDB 8

Thể loại

25 phim hay về tình yêu làm say lòng người xem - Tình yêu đến rất giản đơn nhưng thực chất lại mang trong mình một sức mạnh vô hình mà chỉ có những người đã và đang yêu mới có thể thấu hiểu. 25 phim hay về tình yêu giúp chúng ta mạnh mẽ hơn để vượt qua những thử thách, chông gai của cuộc sống, khiến… Đọc thêm

Trailer

Các review được Vnwriter tổng hợp từ nhiều nguồn. Báo cáo vi phạm, bản quyền, spoiler tại trang Liên hệ hoặc Bản quyền.

Review

Bản tình ca vĩnh cửu

Menandlife 7 Menandlife

Bộ phim xoay quanh câu chuyện tình đắm say mãnh liệt nhưng bi thảm của Meggie (Rachel Ward thủ vai) với Đức Cha Ralph (Richard Chamberlain thủ vai). Một tình yêu không thể có được và bị ngăn cấm mãi mãi, một bản tình ca vĩnh cửu, như tiếng hót hay nhất của con chim cất lên chỉ một lần trong đời rồi lao ngực vào chiếc gai nhọn hoắt của bụi mận gai mà nó mải miết kiếm tìm.

Định mệnh và bi kịch

Tình yêu của Meggie và Đức Cha Ralph dù vấp phải những định kiến xã hội ngay từ khi nó bắt đầu nảy nở trong tâm hồn trong sáng của Meggie và trái tim của Đức Cha Ralph, nhưng không vì thế mà nó tàn lụi theo thời gian. Ngược lại, thứ tình cảm “giành giật” từ Chúa lại ngày càng trở nên mãnh liệt để rồi họ đã lao vào nhau, cháy hết mình một lần cho tình yêu. Họ như con thiêu thân lao vào ngọn lửa cháy sáng đẹp đẽ nhưng đau đớn, như con chim kia chỉ hót một lần rồi chết dù gai nhọn đâm chảy máu.

Vào tu viện khi chưa vướng bụi trần, Ralph, một người đàn ông quyến rũ và rất có tham vọng quyền lực đã đem lòng yêu thích Meggie ngay lần đầu tiên khi cô còn là một cô bé xấu xí, ương ngạnh. “Sao con luôn ở trong trái tim Cha? Sao con có thể lấp đầy khoảng trống trong tim Cha?” Còn Meggie từ lúc nhỏ tới lúc trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, kiêu ngạo, cô vẫn luôn giữ một tình cảm duy nhất dành cho Cha Ralph. Nhưng thứ tình yêu mãnh liệt của cô gái trẻ lại bị cách trở bởi phép tắc nhà thờ, bởi tham vọng quyền lực và đức tin của Cha Ralph chỉ nguyện hiến dâng cuộc đời mình cho Chúa. “Cha yêu con và giờ Cha có thể cưới con.” “Nhưng ta yêu Chúa nhiều hơn.” Bị từ chối, để trả thù, Meggie ngả lòng mình về phía Luke, một gã đàn ông có dung mạo giống Ralph, nhưng cuộc hôn nhân của cô không hề hạnh phúc cho dù Meggie đã có một đứa con gái với Luke.

Như định mệnh trên đường đời, Meggie tình cờ gặp lại Cha Ralph. Meggie đã không thể lừa dối trái tim mình rằng Luke O” Neill – chồng nàng – một nhân dạng giống Ralph. Cũng như Cha Ralph thông minh và tham vọng kia, dù hết lòng phụng sự Chúa nhưng ông biết chỉ có tình yêu của Meggie mới lấp đầy khoảng trống trong mình. Tình yêu và ham muốn trỗi dậy, Ralph không thể gạt Meggie ra khỏi trái tim. Họ đã có một

đêm mặn nồng bên nhau để rồi sau đó sinh thành nên một cậu con trai. Đứa con trai đã được nuôi dạy tại tu viện, Ralph đã thương yêu, chăm sóc cậu con trai mà không hề hay biết đó chính là con đẻ của mình. Rồi một hôm, con trai ông bị chết đuối. Bi kịch đã đến với Ralph khi ông tới xin lỗi Meggie vì đã không cứu được cậu bé, nhưng đó chính là lúc mà ông biết sự thật. Quá đau lòng, Ralph đã vỡ tim mà chết. Một bi kịch khiến người xem thổn thức và xót xa.

Sự khác biệt tạo nên nét riêng

“Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại. Ít ra là truyền thuyết nói như vậy”. Đạo diễn Daryl Duke đã giữ lấy cái hồn tinh túy nhất của cuốn tiểu thuyết cùng với khả năng dàn dựng những cảnh quay ấn tượng và bước ngoặt mới. Chính điều này đã tạo cho bộ phim The Thorn Birds những nét riêng biệt và độc đáo. So với tiểu thuyết, một số chi tiết đã được đạo diễn thay đổi. Người đọc và người xem sẽ cảm nhận ngay sự khác biệt giữa truyện và phim. Nếu như cuốn tiểu thuyết của văn sĩ Colleen cho ta cái nhìn toàn cảnh về số phận của gia đình Meggie – một gia đình lao động thu nhỏ của xã hội Australia trong khoảng năm 1915 đến 1965, thì tác phẩm chuyển thể điện ảnh chủ yếu tập trung vào câu chuyện tình yêu của Meggie và Đức Cha. Trong truyện, Meggie đưa ra quyết định đám cưới với Luck cũng chính vì “sự đã rồi”, sau khi cô bị Luck chiếm đoạt. Nhưng trong phim, Meggie lại chủ động trong việc đám cưới như một cách để trả thù Cha Ralph, sau đám cưới Meggie và Luck mới có đêm đầu tiên. Và sự khác biệt dễ nhận thấy nhất giữa phim và truyện chính là cảnh kết thúc. Nếu như nhà văn để Cha Ralph chết trong vườn hoa đơn độc một mình, đạo diễn Daryl Duke chọn một cách kết khác khi để Cha chết trong vòng tay của Meggie. Một cái chết được đánh giá nhân văn hơn trong truyện.

Một bộ phim khiến người xem thổn thức

The Thorn Birds có những cảnh quay đẹp và ấn tượng. Mỗi nhân vật trong phim đều để lại những dấu ấn riêng khiến người xem nhớ mãi, những cảnh phim đều được chắt lọc theo một ý đồ nghệ thuật sâu sắc. Diễn xuất của Richard Chamberlain lẫn Rachel Ward khiến người xem được sống với những cảm xúc chân thực nhất. Như đêm tình yêu của Meggie và Cha Ralph, hay nụ hôn đầu tiên giữa Meggie và Ralph khiến mọi người nhớ mãi. Không thể không nhắc đến diễn xuất tài tình của Barbara Stanwyck, vai bà góa phụ Mary Carson với cảnh đứng lặng khi chứng kiến Cha Ralph đang trần truồng đứng lau khô mình, để rồi nhen nhóm ngọn lửa tình ái đến mức bà nói với Ralph trong nước mắt. “Bên trong cái xác già cỗi này tôi vẫn còn trẻ trung lắm! Tôi vẫn ham muốn, vẫn khao khát, vẫn mơ mộng, và tôi vẫn yêu ông!”. Hay người xem vẫn nhớ mãi cảm giác lặng người khi Ralph tới báo tin con trai của Meggie – người con mà bấy lâu cô che giấu thân phận, cô yêu thương nhất trong đời, bởi cô luôn nhìn thấy ở đó tình yêu đích thực của cuộc đời – đã rời bỏ cô ra đi. Cảnh kết thúc phim với cái chết tuyệt vọng của Ralph khép lại câu chuyện tình buồn nao lòng và đầy day dứt. Phim giành giải Quả cầu vàng năm 1983 với sự diễn xuất tinh tế của Richard Chamberlain (Ralph), Rachel Ward (Meggie), đồng thời nhận hai giải Quả cầu vàng cho diễn xuất của nam chính và diễn viên phụ. Tiếc rằng, câu chuyện đời thực về Richard Chamberlain khiến hình tượng của anh không được trọn vẹn như ngày đầu. Năm 69 tuổi, Richard công khai mình là người đồng tính qua cuốn tự truyện Tình vỡ. Anh đã không giống như Cha Ralph trong phim, đã sống thực với tình yêu của mình, dù phải trả giá bằng sự đổ vỡ hình tượng trong trái tim của hàng triệu phụ nữ.

Định mệnh vốn dĩ vẫn thích trêu ngươi

Đình Đình 8.5 Afamily

“Tiếng chim hót trong bụi mận gai” kể về câu chuyện tình của Mecghi xinh đẹp và Cha xứ Ranfơ. Vì thân phận, địa vị, linh mục Ranfơ buộc phải chạy trốn cảm xúc lứa đôi. Tình yêu đối với ông có lẽ chỉ – được – phép dành cho Chúa Trời, đấng vô hình thiêng liêng mà không có chỗ đứng cho nhi nữ thường tình. Mecghi vì cố quên Cha mà đành kết hôn với người đàn ông khác – người đàn ông giống Ranfơ đến lạ lùng! Nhưng định mệnh vốn dĩ vẫn thích trêu ngươi. Tình cờ cả hai gặp lại nhau, ngọn lửa âm ỉ trong lòng bấy lâu lại bùng lên hơn bao giờ hết, họ lại yêu nhau, lại sưởi ấm trái tim nhau và cuối cùng tình yêu hóa thành bi kịch.

Trải bao nỗi đớn đau, ngọt ngào, hiến dâng và kiêu hãnh, tình yêu giúp Mecghi vượt qua định kiến, lễ giáo và cả đức tin ràng buộc con người. Mecghi yêu Ranfơ hơn sự sống, hơn cả bản thân mình! Tình yêu khó kiếm tìm giữa cuộc đời rộng lớn, nếu vụt mất đi có lẽ suốt cuộc đời không tìm lại được. Vậy nên nàng chấp nhận tình yêu không lối thoát. Nàng đã yêu một người không – được – phép – yêu, một người ở thế giới khác, thế giới chỉ có tình yêu quảng đại cho Chúa, Thánh thần và tồn tại những con chiên ngoan đạo. Để bảo vệ giọt máu của Ranfơ, Mecghi đã âm thầm hy sinh và chịu đựng. Phải chăng huyết mạch ấy chính là kết tinh những gì tốt đẹp nhất mà con người ta phải trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại của đời mình? Cả cuộc đời, cả tuổi xuân cho đến khi khi bóng chiều đổ xuống mái tóc vàng óng ả, nàng cũng chỉ tôn thờ một tình yêu duy nhất. Sự giằng xé nội tâm của cô gái đáng thương với mối tình ngoài tầm tay chợt khiến người đọc quặn thắt cõi lòng…

Nếu có ai đó kể một truyền thuyết về người con gái chỉ yêu một lần trong đời, nhưng yêu bằng tình yêu mãnh liệt nhất thế gian thì trong lòng tôi sẽ xuất hiện hình ảnh nàng – Mecghi xinh đẹp. Con chim chết đi trong bụi mận gai để lại tiếng ca muôn loài ghen tị, Mecghi cũng vượt lên nỗi đau đớn xác thân và linh hồn để chiến thắng Chúa Trời. Nỗi đau cũng chính là niềm kiêu hãnh trong nàng. Bởi có ai dám vì tình yêu mà giành giật cả linh mục – người sinh ra vốn đã thuộc về Chúa? “Chính ta đã xếp đặt số phận của ta như thế, ta không đổ lỗi cho ai và ta cũng không hề tiếc nuối về một phút giây nào trong quá khứ…”.

Giá như Cha Ranfơ chịu hy sinh địa vị, chịu từ bỏ danh phận linh mục hư vô kia để sống thực với lòng mình, thì liệu mối tình ấy có trở thành bi kịch? Dù sao Cha Ranfơ cũng là con người bằng xương bằng thịt, có những lý tưởng riêng của cuộc đời. Dẫu không phải là con chim lao mình vào gai nhọn, để yêu trọn vẹn thể xác linh hồn, nhưng cuộc đời ông ít nhiều cũng đã nếm trải hương hoa của hạnh phúc. Cái cảm giác tỉnh giấc buổi mai bên cạnh người con gái mình yêu thương, thật ấm áp diệu kì. Bình yên và cứu rỗi – đôi khi lại được gởi trao bởi những con người quá đỗi bình thường và từ những điều rất ư giản dị…

Có lẽ, cuộc sống là chuỗi dài của những sự mâu thuẫn. Nó luôn đẩy con người ta vào sự lựa chọn, hoặc cái này, hoặc cái kia, mà không cho phép sự vẹn tròn tồn tại. Nếu có sự lựa chọn vẹn toàn cho tình yêu và danh vọng, đỉnh cao địa vị và hạnh phúc đơn sơ, thì có lẽ thế gian đã trở thành thiên đường… từ rất lâu rồi. Kết thúc một sự lựa chọn cũng là lúc con người tự tạo ra cũi lồng nhốt mình vào đó, với giáo lý, với đức tin, với những điều bác ái tưởng như vĩ đại không cùng. Linh mục Ranfơ phải đối mặt với nỗi cô đơn suốt cuộc đời, cô đơn khi đối diện với bản ngã của mình, cái kết cục cô đơn vì không đủ can đảm vượt thoát xa hơn. Để đổi lấy vị trí đỉnh cao của danh vọng, đôi khi phải trả giá bằng nỗi cay đắng đến tột cùng.

Số phận của loài chim bé nhỏ mải miết kiếm tìm bụi mận gai, số phận cô gái mỏng manh đi tìm cho mình tình yêu đích thực giữa cuộc đời bao la vô tận… Mecghi, hay cũng chính là những người phụ nữ khao khát yêu thương, khao khát hiến dâng dẫu phải chịu ngàn lần cay đắng. Con chim mang chiếc gai của bụi mận cắm vào ngực tuân theo qui luật bất di bất dịch của thiên nhiên; bản thân nó không biết sức mạnh nào đã buộc nó lao vào mũi nhọn và chết mà vẫn hót. Để thế gian ngưng đọng, muôn loài lặng thinh, Thượng đế trên cao phải lắng nghe tiếng ca buồn thương mà đẹp đẽ. Thời khắc ấy tôi chợt nhận ra “lúc mũi gai xuyên qua tim, con chim bé bỏng không nghĩ đến cái chết sắp đến, nó chỉ hót, hót cho đến lúc mất tiếng đứt hơi… Nhưng chúng ta, khi lao ngực vào bụi mận gai, chúng ta biết, chúng ta hiểu. Tuy thế ta vẫn lao ngực vào bụi mận gai. Sẽ mãi mãi như thế!”…

Sống là phải chọn lựa và chấp nhận trả giá cho những chọn lựa của mình

Ngọc Hiền 9.0 Blogger

Khép lại “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của Colleen McCullough, có thể người xem sẽ đọng lại rất nhiều những tình cảm yêu – hận – thương – tiếc cho từng nhân vật. “Tiếc” cho sự ân hận muộn màng của bà Fiona vì đã chưa một lần nói tiếng “yêu” với chồng là Paddy Cleary. “Thương” cho Paddy Cleary cả đời chân chất lam lũ, vất vả, chăm lo cho hạnh phúc gia đình, nhưng kết cục chết trong đau đớn tột cùng và không được gặp mặt vợ con. “Hận” bà Mary Carson giàu có mà thâm hiểm. Bà yêu Cha Ralph và khi không được đáp tình thì bà cũng không cho ai được hưởng cái quyền ấy. Nhưng có lẽ điều để lại sâu đậm nhất là nỗi day dứt, cảm thông cho bi kịch cuộc tình của Meggie và Cha Ralph. Meggie yêu Cha Ralph, nhưng Cha không chọn Meggie làm mục đích, làm lẽ sống. Cha đã chọn hướng đi với ít nhiều tham vọng riêng, để rồi kết cục trái tim già nua của ông không chịu nổi những hậu quả do chính mình gây nên. Gai nhọn đã đâm thâu nhưng tiếng hót cũng tắt lịm.

Meggie thì khác, nàng yêu và quyết tìm cho được hạnh phúc của mình, hạnh phúc theo ý mình muốn. Nàng không chấp nhận số phận. Yêu một linh mục là có tội ư? Trái tim cô mách bảo là không có tội. Cô yêu Cha, đó là quyền của cô – một quyền lợi chính đáng. Nếu không được sống như vợ chồng thì ít là được có con với Cha. Đó là ước mơ cháy bỏng đẩy cô đến hành động. Và cô đã thành công. Nhưng đang khi cô quyết định lao vào là cô đã chấp nhận trả giá. Bi kịch cuộc đời cô là một bi kịch để đời. Tiếng hót của cô là tiếng hót cả thiên đình cũng phải mỉm cười, đồng tình, thán phục.

Vậy thì, phải chăng mạch ngầm của phim vẫn là triết lý muôn đời: Sống là phải chọn lựa và chấp nhận trả giá cho những chọn lựa của mình. Con chim bay đi tìm bụi mận gai, lao vào gai nhọn để chết và hót vang. Nó không biết việc mình làm. Nhưng con người biết. Có trăm ngả đường đời để ta chọn lựa, và không nỗi đau nào giống nỗi đau nào. Nên chăng, ta sẽ chọn để hát bài ca của riêng mình và chấp nhận mọi hệ lụy của cuộc đời?

Đến đây, cũng cần phải nói thêm rằng, tác giả thật tài tình khi lồng ghép một truyền thuyết dân gian để diễn tả được bao điều muốn nói. Từ những chuyện rất bình thường của cuộc sống như tình – tiền – tài đến những vấn đề rất nhạy cảm như tôn giáo, vấn đề nữ quyền…

Ai dám nói thẳng đến vấn đề tình cảm giữa hàng giáo sĩ và giáo dân? Nó có thật! Bởi vì linh mục cũng chỉ là con người bình thường, cũng đầy ước muốn bản năng. Và tiền tài, danh vọng cũng vậy. Nó đeo bám con người linh mục như bất cứ ai. Ở đây, cái hay của tác phẩm là đã cho Cha Ralph trượt dài trên tội, để cuối cùng ông khiêm tốn nhận ra mình vẫn “còn là con người”. Đây có lẽ là nét đẹp, nét độc đáo nhất mà qua đó người đọc thấy gần gũi và cảm thông hơn đối với nhân vật này. Ở Cha Ralph, một con người lý tưởng, yêu hết mình, sống hết mình, dù thành công hay thất bại, cuối cùng ông đã sám hối và ra đi trong an bình.

Về vấn đề nữ quyền thì sao? Dường như qua nhân vật Meggie – đại diện cho những người nữ hiền nhưng không lành nói lên tiếng nói về quyền làm chủ số phận của mình, quyền yêu và được yêu, quyền bình đẳng. Tuy nhiên, phải chăng vấn đề “nữ quyền” trong tác phẩm này chỉ dừng lại ở mức “gợi lên”, khơi lên vậy thôi. Bởi nhân vật Meggie có thể gọi là nhân vật “bi kịch” – đầy bi kịch. Người đọc đồng tình cho cuộc tình của Meggie với Cha Ralph, bởi vì Meggie không khuất phục số phận. Chính nàng đã yêu Cha Ralph và quyết giành cho được tình yêu của mình, dù bao rào cản từ gia đình, từ luật đạo và từ chính tham vọng của Cha Ralph, người luôn cương quyết nói sẽ không phạm lời đã khấn hứa với Chúa… Meggie cứ lao vào, chấp nhận tất cả và làm nên khúc ca bi tráng cho đời mình. Đó là nghịch lý của cuộc đời, là khúc ca bi tráng, nhưng đó mới làm nên kỳ tích cho tác phẩm.

Đánh giá

Nội dung - 9.6
Diễn xuất - 9.4
Nhạc phim - 9.3
Kỹ xảo điện ảnh - 8.9
Thông điệp truyền tải - 9.4

9.3

Tuyệt vời

Sống là phải chọn lựa và chấp nhận trả giá cho những chọn lựa của mình

User Rating: 3.72 ( 7 votes)

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Tám 29, 2018 | Lần cập nhật cuối: Tháng Bảy 26, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button