Review phim

Tình bạn và Địa vị

Intouchables

Nội dung

Với 8 đề cử cho giải César Awards 2012 và dành chiến thắng với hạng mục Nam Diễn Viên Chính Xuất Sắc nhất, The Intouchables là một câu chuyện cảm động kể về một nhà quý tộc bị liệt sau một tai nạn nhảy dù. Ông tìm kiếm một người giúp việc có thể chăm sóc cho mình, và…một thanh niên da màu đã được lựa chọn. Vết thương thể xác không thể chữa lành, nhưng vết thương tinh thần của nhà quý tộc đã được hàn gắn và chắp cánh thêm niềm tin yêu vào cuộc sống với sự giúp đỡ của người bạn da màu này.

Thể loại

15 phim hay về sự nỗ lực phi thường của con người - Sự khác biệt lớn nhất của mỗi người là cách đối mặt với khó khăn trong cuộc sống. Có người chấp nhận từ bỏ, có người nỗ lực không ngừng vì những gì mình theo đuổi. Nếu bạn đã chấp nhận từ bỏ hay đang nỗ lực không ngừng thì những giá trị to lớn… Đọc thêm
7 phim hay về tình bạn gây xúc động mạnh - Trong cuộc đời, ngoài gia đình, bạn bè chính là những người gần gũi và dành nhiều thời gian với chúng ta nhất. Nhưng đôi khi, trong cuộc sống bận rộn, chúng ta lại vô tình, vô tâm quên mất đi ý nghĩa thật sự của tình bạn. 7 phim hay về tình bạn giúp… Đọc thêm
19 phim hay về cuộc sống nên xem trong đời - Cuộc sống như một tấm gương phản chiếu , u ám khi bạn có góc nhìn tiêu cực, chán nản và ngược lại đầy màu sắc nếu bạn lạc quan, tin vào bản thân, tin vào điều tốt đẹp. 19 phim hay về cuộc sống chứa đựng các bài học giá trị được truyền tải qua… Đọc thêm

Trailer

Các review được Vnwriter tổng hợp từ nhiều nguồn. Báo cáo vi phạm, bản quyền, spoiler tại trang Liên hệ hoặc Bản quyền.

Review

Những Kẻ Ngoài Cuộc

somitan 8.3 Blogger

Đầu tiên, chắc mình sẽ nói về cái tựa phim trước, “The Intouchables” tạm dịch theo tiếng Anh qua tiếng Việt nghĩa là “Những kẻ ngoài cuộc”.

Phải, bộ phim nói về những kẻ ngoài cuộc của chính cuộc đời mình, vô tình hay hữu ý, cái duyên của cuộc sống bao điều không báo trước, để họ được gặp, được biết và được ảnh hưởng bởi nhau.

Bộ phim nói về 1 người đàn ông da trắng rất giàu, nhưng lại bị liệt toàn thân vì gãy 2 đốt sống cổ lúc chơi môn thể thao dù lượn mạo hiểm. Ông là một người được giáo dục cực kỳ bài bản. Mà theo nhân vật trong bộ phim này nói:” Tôi được dạy để đứng trên đầu của những người khác!” Bên trong ông là một con người tuyệt vời với những nỗi niềm chất chứa của một người giàu có nhưng cũng đầy tình cảm dạt dào. Một người đàn ông luôn dành tình cảm cho người vợ yêu quý đã ra đi với ông sau 25 chung sống được đánh dấu mốc bằng 25 quả trứng Phục Sinh. Ông ấy là Philipe!

Và người đàn ông da đen, anh hoang mang, vô định, cảm thấy mình đang trôi trên dòng sông của cuộc đời, có lúc ngụp lặn trong chính dòng sông ấy. Khỏe mạnh, to cao, kè kè bên tai cái tai nghe Beast. Dẫu vậy vẫn phải sống nhờ vào tiền trợ cấp thất nghiệp thất nghiệp từ chính phủ nước Pháp. Anh ấy là Driss!

Và đây là một bộ phim dựa trên một câu chuyện, có thật!

Có những chi tiết “đắt” để lại cho mình muôn vàn những cảm xúc chắc khó nói được bằng lời. Đã lâu lắm rồi, mình mới miên man những dòng suy nghĩ như bây giờ, kể từ khi xem Shawshank Redemption.

Này nhé, chi tiết cô gái miền Bắc nước Pháp gửi hình cho Phillppe kèm theo lời nhắn ” Em muốn gặp Anh…” Mình thật sự ngỡ ngàng khi Driss phân tích 3 dấu ba chấm cuối câu. Mình thật sự xúc động lắm! Chắc bạn, đang đọc tới những dòng này, hẳn sẽ tò mò nhỉ? Nếu vậy, xem phim đi! Mình xin giữ cảm xúc này chỉ cho riêng mình. Hẳn bạn cũng sẽ có một quan điểm nào đó khác hoặc giống, so với mình!

Thật sự, vai Philippe do François Cluzet thủ vai đã thể hiện tột bậc một nhân vật. Một con người với ánh mắt nhìn xa xăm, ánh mắt có lẽ luôn hướng đến phía trước, nhưng hồn của nó luôn ngoái về phía quá khứ tươi đẹp trước đây. Đôi mắt ấy, chắc mình chẳng thể quên, đôi mắt màu hạt dẻ, tiếng xe lăn công nghệ cao rè rè trong không gian tĩnh mịch của ngôi biệt thự, chiếc xe chở Philippe theo định nghĩa của Driss là xe chở ngựa, tiếng động cơ chiếc Maserati, nụ cười của Philippe không vang thành tiếng, sự lãng mạn của một vùng hoa lệ, nước Pháp…

Đối lập, một cách hoàn toàn với vai Driss do Omar Sy thủ vai, đôi mắt vô định của một tương lai không kế hoạch, trái tim luôn nghĩ về người mẹ đã vì bản thân anh mà lo lắng. Nụ cười luôn tươi không thể nào hơn, chắc mình cũng sẽ không quên đâu, bước đi vững chắc, mạnh mẽ, cách tán tỉnh một cô gái, ánh nhìn dành cho mẹ trong ngôi nhà tồi tàn mà đông người, sợ hết nước khi tắm, headphone Beast luôn bên anh, cách anh lái chiếc Maserati, kiến thức của một nền văn hóa khác biệt đến từ Senegal,…

Người trắng, kẻ đen. Người tồn tại trong giới thượng lưu, kiến thức sâu rộng nhưng đã mất đi quyền kiểm soát cơ thể. Kẻ vô định, vừa ra tù đứng giữa ngã ba đường của cuộc đời, mạnh khỏe nhưng tồn tại ở chốn bần cùng của xã hội. Tựa chẳng một điểm chung, họ gặp được nhau trong một ngày không thể bình thường hơn…

Đối với mình, mình chỉ nghĩ rằng “Đôi khi, bạn phải bước vào thế giới của một ai đó để nhận ra điều bạn đang thiếu trong chính thế giới của mình…”. Một điều mình rút ra từ phim này rằng, trong cuộc sống, mình có thể đưa ra rất nhiều lời khuyên dành cho muôn vàn vấn đề của những người thân của mình hoặc xa lạ, nhưng lại nhiều khi, chính mình bế tắc với những vấn đề tồn tại của thực thể “chính mình”. Tình bạn thật sự là vậy, chúng ta tác động lẫn nhau theo nhiều cách, giúp đỡ lẫn nhau mà không cần một sự vụ lợi gì cả. Như Driss, vô tình một ngày nọ xuất hiện để giúp Phillippe vượt ra khỏi cái nghịch cảnh sở hữu mọi thứ trừ thân thể đã bị cướp đi mất bởi chính ông ấy. Sự tự ti, nét u buồn được giấu chặc thật chặc trong tận đáy lòng, niềm ưu tư và sợ hãi ai đó cũng chỉ đến với mình vì tiền. Driss, anh ấy đã làm được điều đó. Nhưng bản thân Driss, anh cũng vô định, cảm thấy có lỗi với người mẹ, khoảng thời gian mới ra tù, đó chắc hẳn khó khăn lắm khi ta đứng giữa ngã ba đường quay lại chốn thị phi và đầy cám dỗ hoặc trở nên tốt đẹp hơn. Và Philippe đã giúp trở ngược lại anh. Tôi thật sự đã xúc động lắm khi Phillippe nói:” Anh phải dừng lại ở đây thôi! Vì anh đã làm quá tốt công việc của mình!” Câu nói đuổi việc Driss từ Philippe làm tôi chợt thảnh thốt, như một vết xoáy sâu tận tâm can mình. Và hỏi rằng Tại sao? Đến cuối cùng, tôi cũng chợt nhận ra rằng, thật sự tinh tế và tôn trọng bản ngã của một con người, Driss!

Những con đường dài về miền Bắc nước Pháp, Driss biến hóa bộ râu của Philippe từ nhân vật này đến nhân vật khác( Mình chỉ biết có Hitler thôi). Đây cũng là một chi tiết rất “đắt”. Như một thông điệp với mỗi người, ta có thể cố gắng giống với một ai đó, nhưng để giống với chính bản thân mình nhất, luôn là điều khó khăn nhất.( Không biết mình có đi quá xa thông điệp của bộ phim đưa ra hay không? :D)

Vậy mà, đến mãi hôm nay mình mới coi phim này. Phim này được chiếu ở Việt Nam cách đây đúng 1 năm. Tháng 6.2012 năm ngoái, mình nhớ rằng đi qua rạp Galaxy ở Nguyễn Du, nhưng mình đã không coi nó. Lúc đó mình đi với người yêu, giờ người ấy đã xa rồi. Có lẽ, một lý do gì đó, đến tận hôm nay minh mới được xem phim này. Thôi thì, mọi thứ xảy ra điều mang đến một ý nghĩa nhất định.

Hôm nay, coi phim xong, tôi chợt nhận ra tôi hiểu thêm chút ít câu nói tôi luôn nhủ thầm:” Quen biết đầy thiên hạ, tri kỷ chẳng mấy ai!” Ừ, nhưng nếu đã là tri kỷ, nó giống như cả thiên hạ, đối với mình!

Âm thanh: Theo mình là hay, thích nhất bài Feeling High của Nina Simone khi Philippe quay về với môn thể thao đã tước đi phần kiểm soát cơ thể mình cũng như trải nghiệm đầu tiên lượn dù của Driss. Không kể đến Red Light của Vib Gyor có lẽ là một thiếu sót khi bài này là linh hồn của những chi tiết đầu bộ phim và cuối bộ phim.

Hình ảnh: Tinh tế, bố cục chặc chẽ, ánh sáng tuyệt đẹp

Diễn viên: Quá sức tuyệt vời với đôi mắt nâu đầy quyến rũ của François Cluzet và nụ cười tựa quảng cáo kem P/s của Omar Sy

Bonus: Bài nhạc kết thúc phim cũng thật sự quá ý nghĩa:)

Nghệ thuật của sự giản dị

ohanamivn 8.5 Blogger

Khó có thể miêu tả trọn vẹn sự giản dị. Bởi giản dị là một giá trị chân phương chỉ để cảm nhận chứ chẳng phải để vẽ vời. Và khó là bởi đối với tôi, tôi sợ mình đánh mất đi bản chất của sự giản dị khi miêu tả về nó, vì tôi biết giọng văn và trãi nghiệm của bản thân không đủ giản dị để viết về sự giản dị-thật sự. Nhưng bởi vì muốn viết về Intouchables, một bộ phim được biểu đạt vô cùng giản dị kể về những con người dường như đứng bên rìa xã hội hòa nhập với nhau, nên tôi vẫn cứ viết về sự giản đị như cách tôi vốn dĩ cảm nhận…

Tuy nói Intouchables giản dị, nhưng vẫn xin lưu ý bạn đọc rằng phim mang trong mình một tư tưởng nhân văn có chiều sâu chứ không phải là một bộ phim viết về những cảm giác đơn giản – nho nhỏ, dễ thương, đơn thuần mà văn học hiện nay thường nhắc đến như một sự giản dị gì đó. Bởi vì sao? Vì nội dung phim miêu tả về tình người và cách con người đối diện, hòa nhập với cuộc sống trong nghịch cảnh. Tư tưởng không đơn giản đúng không? Một ông da trắng gọi là tương đối già, góa vợ nhưng giàu có sống một cuộc đời bị toàn thân bất toại. Ông sống cuộc đời tương đối là hàn lâm – êm đềm và tĩnh lặng thưởng thức nghệ thuật hội họa và âm nhạc giao hưởng. Ngược lại một thanh niên da màu bình thường (aka đủ 2 tay, 2 chân) nhưng sống lông bông, vô tích sự chẳng kiếm được cắc nào cho mẹ nó với lũ em đóng tiền thuê nhà. Phim kể về quá trình tương tác giữa hai con người ấy khi họ tìm kiếm phần khiếm khuyết của bản thân đã bị quên lãng trong cuộc đời. Kể như vậy để nói rằng nội dung của Intouchables không hề đơn giản, nhưng toàn bộ phim lại giản dị đến bất ngờ. Bởi phim được dàn dựng giản dị nhưng sắc nét, và bởi vì phim hướng đến những giá trị giản dị – một thứ gì đó đơn sơ sâu lắng đọng lại trong tâm hồn.

Thật ra thì tư tưởng chủ đạo của phim không mới, khán giả hoàn toàn có thể thấy loáng thoáng đâu đó ở những bộ phim phương Tây, đặc biệt là phim Mỹ trong hành trình bức ra khỏi khuôn phép định sẵn. Nhưng điểm mới của Intouchables là ở tâm lý nhân vật, đặc biệt là nhân vật Philippe do François Cluzet thủ diễn. Đó là một hệ tâm lý tinh lanh bên trong thân xác tê liệt bất động. Khi có điều kiện “chộp” lấy thằng Driss nhanh nhẹn và láu cá thì Philippe “tóm gọn” ngay, bởi vì Philippe biết ông cần một người chăm sóc phóng khoáng và mới mẻ, và bởi vì ông biết ngoài vẻ láu cá thì Driss còn có bản năng tự nhiên, hay nên gọi là hồn nhiên cho hợp với cách nói hiện thời nhỉ?, để đưa ông về với những gì tự nhiên nhất, người nhất. Philippe muốn thay vì phải ngoan ngoãn chịu liệt luôn phần tinh thần như thân xác đã bị liệt trong vụ tai nạn với những y tá khuôn phép thì nên nắm lấy cậu trai cà chớn ấy để bản thân được … cà chớn một chút :d.

Khi có được Driss, cuộc sống của Philippe có nhiều niềm vui hơn, và có nhiều sự thoải mái hơn. Đó là những điếu thuốc phì phèo, những cuộc nói chuyện về gái gú, thậm chí là những buổi massage thanh nữ cùng với những cuộc dạo chơi bằng con xe mui trần quanh phố phường Paris giữa đêm. Driss không có được sự dịu dàng và tận tụy của những y tá chuyên nghiệp, nhưng Driss lại thừa tinh thần fair-play với một người bị liệt như Philippe, bởi vì tuy ngoài miệng Driss liên tục chế giễu về thân thể bị liệt của Philippe thì, xin được nhấn mạnh, sâu trong ý nghĩ của anh ta Philippe là một con người bình thường – với những nhu cầu bình thường về tình yêu và cả tình dục. Driss ở bên cạnh Philippe để cổ vũ, thậm chí bắt buộc Philippe đối diện, thử thách chính giới hạn mà tâm thức vô hình của Philippe đặt ra. Tất cả điều đó nhằm khiến người đàn ông liệt tứ chi tìm về bản năng đã bị giấu kín dưới những tầng sâu mặc cảm – những mặc cảm đã kiềm giữ khao khát sống và tận hưởng cảm giác sống. Vì thế có thể nói Intouchables là một viết về sự can đảm nắm giữ khao khát yêu thương.

Nếu Philippe thiếu sự thẳng thắn và can đảm của Driss thì Driss lại thiếu sự trầm tĩnh và sự thấu hiểu mà người đàn ông luống tuổi có thừa. Chính vì thế cả hai cộng hưởng để tạo nên những cuộc đấu khẩu nhẹ nhàng nhưng sâu lắng pha chút chua cay của nghịch cảnh. Cũng chính vì thế cả hai đã xây đắp nên một tình bạn thẳng thắn và chân thành, một thứ tình cảm dựa trên sự đồng cảm chứ không phải dựa trên sự thương hại – thứ tình bạn rơi đúng thời điểm mơn man những khoảng trống trong tâm hồn, giúp người đối diện nhận thức, nhìn lại cuộc đời và trưởng thành hơn. Khán giả sẽ bắt gặp rất nhiều tương tác láu cá nhưng đắt giá giữa hai tên đàn ông này với diễn xuất thượng thừa của François Cluzet. Năm 2006 anh còn chạy chối chết trong Tell no one để tìm về người vợ yêu dấu mất tích, thế mà trong phim này anh diễn một vai toàn thân bất toại “ngọt” đến bất ngờ, vẻ mặt của anh thì đầy biến hóa trong vẻ bàng bạc pha chút tửng tưng của một người từng trãi pha chút bất lực nhưng, nhấn mạnh, rất sõi đời. Diễn xuất của cả hai diễn viên (Omar Sy đóng vai Driss) đã thổi hồn cho câu chuyện lên tầm cao mới, rất đỗi tự nhiên, rất đỗi gân guốc và rất đỗi quyễn rũ trong câu chuyện gần như thiếu vắng bóng dáng phụ nữ. Tất cả đến vì thứ cảm xúc đồng điệu giữa hai tâm hồn khi người ta đồng cảm và có khả năng khám phá ra những điều mà người kia ẩn giấu – bởi khi đó người ta xem người kia là một phần của bản thân.

Tôi tâm niệm giản dị không đồng nghĩa với đơn giản, mà sự giản dị hướng đến tinh giản hóa, súc tích hóa vấn đề. Intouchables có được sự giản dị mà tôi tâm niệm, khi phim đi đúng trọng tâm, khoét đúng trọng điểm, tả đúng trung ương câu chuyện, cô đọng đúng hệ tâm lý nhân vật – thực tế, gãy gọn và đa chiều. Tất cả điều đó đã tạo nên cho Intouchables một phong cách khác biệt, giản dị pha chút chua chát bi hài đúng tinh thần nghệ thuật tinh truyền của xứ Pháp – một trong những cái nôi của nền văn hóa phương Tây hiện đại. Tuy gần đây có rất nhiều phim Pháp thể hiện tính nghệ thuật thái quá thành ra trong cảm nhận của tôi chúng không thật sự đắt giá như những lời phê bình thường ca ngợi, nhưng Intouchables đã chứng minh một ví dụ sinh động nhất rằng nghệ thuật không phải luôn cần hướng đến cái đẹp vẽ vời, mà nghệ thuật dựng nên là để tả lại cái đẹp gần gũi với cuộc sống con người, nghệ thuật không thể cách ly với cuộc sống, lại càng khó thoát ly khỏi cuộc sống khi mà cuộc sống này còn đủ yên bình để chúng ta sống, khám phá nó với những vẻ đẹp dung dị tiềm ẩn. Intouchables với hệ thống những cảnh quay chuyên nghiệp và chắc tay, hệ thống âm nhạc không lời mênh mang và réo rắt đúng thời điểm cộng hưởng cùng diễn xuất tối ưu của François Cluzet đã tạo nên một thứ nghệ thuật chân thành để đến với khán giả bằng một cung đường thân tình nhất. Đạt được điều đó bởi đơn giản Intouchables là thứ nghệ thuật của sự giản dị.

Đánh giá

Nội dung - 8.5
Diễn xuất - 8.8
Nhạc phim - 8.3
Kỹ xảo điện ảnh - 7.7
Thông điệp truyền tải - 8.4

8.3

Ý nghĩa

“Đôi khi, bạn phải bước vào thế giới của một ai đó để nhận ra điều bạn đang thiếu trong chính thế giới của mình…”

User Rating: 3.19 ( 4 votes)

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Chín 9, 2018 | Lần cập nhật cuối: Tháng Bảy 28, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button