Review phim

Về Với Thiên Nhiên

Into The Wild

Nội dung

Sau khi tốt nghiệp đại học Emory vào năm 1992, chàng cựu sinh viên và cũng là một vận động viên tài giỏi Christopher quyết định hiến hết $24,000 trong tài khoản tiết kiệm của mình cho từ thiện và đi đến vùng Alaska sống hòa mình với thiên nhiên.

Thể loại

8 phim hay về thiên nhiên hoang dã - 8 phim hay về thiên nhiên là những câu chuyện đáng khâm phục về những con người dám từ bỏ bề ngoài vật chất, tìm về bản ngã bằng cách hòa mình vào thiên nhiên, chấp nhận nguy hiểm để đón nhận món quà quý giá mà mẹ thiên nhiên ban tặng là sự tự… Đọc thêm
12 phim hay về du lịch giúp bạn nhận ra giá trị bản thân và cuộc sống - Tuổi trẻ là giai đoạn đẹp nhất của đời người, là những ngày tháng sống theo cảm tính và đam mê, là thời điểm trọn vẹn để khám phá thế giới và chính bản thân mình. 12 phim hay về du lịch như tiếp thêm sức mạnh cho bạn trên đường chinh phục những vùng đất lạ,… Đọc thêm
19 phim hay về cuộc sống nên xem trong đời - Cuộc sống như một tấm gương phản chiếu , u ám khi bạn có góc nhìn tiêu cực, chán nản và ngược lại đầy màu sắc nếu bạn lạc quan, tin vào bản thân, tin vào điều tốt đẹp. 19 phim hay về cuộc sống chứa đựng các bài học giá trị được truyền tải qua… Đọc thêm

Trailer

Các review được Vnwriter tổng hợp từ nhiều nguồn. Báo cáo vi phạm, bản quyền, spoiler tại trang Liên hệ hoặc Bản quyền.

Review

Đã gặp sẽ chia xa, thì thôi đừng khóc

hhnd2002 7.9 Blogger

Có thấy hơi tội lỗi với phim và người làm phim vì thực ra tựa đề mà chủ blog đặt cho bài này chẳng liên quan gì mấy tới nội dung phim, nhưng cảm giác tội lỗi không nhiều đủ để đổi tựa .

Trước tiên phải lấy lại “công đạo” cho phim một chút sau khi đặt cái tựa bài blog nghe ướt át đùng đùng, nhất là với những bạn chưa xem phim, thật ra phim này nói về một anh chàng tên Chris (dựa trên một câu chuyện có thật, thật tới đâu thì có anh Chris thật mới biết), gọi là điên cũng được, trầm cảm cũng được, sống quá lý tưởng hóa cũng xong nốt, cậu ta tốt nghiệp xong đại học để làm tròn nghĩa vụ với cha mẹ mình rồi bỏ lại thế giới văn minh sau lưng để đi vô rừng rú chơi với khỉ (gấu, nai, hươu, v.v.) Cậu đi từ Georgia (miền Nam nước Mỹ), đi ngang nước Mỹ đến South Dakota, Arizona, đi đến tận Mexico, nhưng mục đích cuối cùng của cậu là đến Alaska, đến một nơi ở Alaska không có ai sống và hoàn toàn hòa mình vào nơi hoang dã. Chris sẽ xoay sở ra sao ở Alaska, xem phim sẽ rõ, mình không spoil ^^. Phim do Sean Penn đạo diễn, Emile Hirsch đóng vai Chris, và các diễn viên khác như Vince Vaughn, Catherine Keener, Kristen Stewart.

Mình không thích Into the Wild như thích một bộ phim, cũng không thích nhân vật chính của phim lắm dù thấy cậu ta khá thú vị và “chịu chơi.” Dù đằng sau vẻ liều lĩnh đến mức có thể xem là xuẩn ngốc đó là những nỗi ám ảnh trong gia đình, khiến cậu muốn bỏ lại “xã hội” (gọi là xã hội cho to tát nhưng thực ra bỏ lại cha mẹ là chính để phản đối những điều họ làm)… dù lý do gia đình đó khiến mình thông cảm với Chris hơn một chút vì cậu không phải là kiểu con nhà giàu quá rảnh muốn làm trò điên rồ, nhưng với một người sợ đau và không có ý định chết sớm như mình, mình thấy điều mà Chris làm cũng không xa việc tự tử là bao. Bỏ nhà đi là một chuyện, nhưng đốt tiền (khi người – như mình – không có tiền để mà đốt!!!), đi nơi hoang vu không có phương tiện liên lạc hay lương thực lại là một chuyện điên rồ hơn nhiều. Dĩ nhiên, mình không phản đối cách sống có chút điên rồ, nhưng muốn tiếp tục sống điên rồ thì phải làm sao để mà còn – sống – được tiếp!

Nhưng lại có những khoảnh khắc phim khiến mình đồng cảm, và trên màn ảnh nhân vật ra sao thì mình cũng như vậy, nhân vật muốn khóc, mình cũng muốn khóc. Mình thích những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và chia ly trong phút chốc trong phim, vì mình từng trải qua những cuộc gặp gỡ như thế, và mình hiểu được tâm trạng của các nhân vật.

Là khi Chris (lúc đó đã mang tên Alex) từ biệt Tracy để tiếp tục con đường đến Alaska của mình. Chris nói với Tracy, “You’re magic”, và họ ôm nhau. Tracy muốn khóc còn Chris nói những lời động viên đại khái như em tuyệt như vậy blah blah muốn gì thì hãy dang tay ra mà vồ đón lấy điều ấy. Mình thích chút lãng mạn thoáng qua của Tracy với Chris, tình cảm của một cô bé nhỏ tuổi đáng yêu dành cho một thanh niên thông minh (quá) nhiều lý tưởng – không hẳn là một mối tình, vì trong lòng Chris đã biết rất rõ cậu sẽ chẳng bao giờ ở lại. Thích cách Tracy tiễn Chris trong cái buồn đau đáu của người đã biết chắc chắn sẽ phải chia tay một ngày không xa, không gào thét mà chấp nhận một cách bất lực. Thế nhưng mãi đến sau này, trong đầu Chris ngoài hình ảnh cha mẹ em gái mình ra, vẫn còn đó hình ảnh một Tracy. Không nói đến một câu, “Anh sẽ không quên em”, hay đại khái vậy, không có nghĩa là không nhớ, và có lẽ Tracy cả đời sẽ chẳng bao giờ quên được một Chris ngang tàng bỏ đi như thể chia ly là lẽ dĩ nhiên của cuộc sống.

Là khi Jan chở Chris đi một đoạn để cậu đến điểm tiếp theo của mình, bà đeo kính đen và ai biết đằng sau cặp kính đó, mặt bà đã đỏ hoe tự lúc nào… Khi bà nói, “I probably can’t take a hug”, mình hiểu, vì đôi khi chỉ cần một cái ôm thôi để người ta từ chỗ cố gắng giữ được vẻ mặt bình tĩnh đến giây phút òa khóc. Thôi thì hãy cứ từ biệt nhau với vẻ dửng dưng như ngày mai sẽ gặp lại như thế đi, để đôi bên không vì những cảm xúc bất chợt của sự chia ly mà dùng dằng, mà hoãn lại kế hoạch của cả một đời người. Và cứ thế Chris đi, không ôm không hôn từ biệt Jan, nhưng với Chris, Jan là người mẹ dịu dàng Chris chưa bao giờ có được, và với Jan, Chris là đứa con thất lạc nay lại tìm thấy.

Là khi Ron muốn nhận Chris làm con hay cháu nuôi vì ông không còn bất cứ ai trong gia đình, Chris bảo, “Khi nào cháu về chúng ta sẽ bàn chuyện này, được không?” Và Ron gật đầu, mắt ứa nước. Vì mình đã từng được nghe câu “Gặp lại sau nhé” khi cả mình lẫn người nói câu ấy biết rằng sẽ chẳng còn cuộc gặp nào nữa hết. Ron khóc, khóc vì đã được gặp Chris, hay khóc vì biết sẽ chẳng còn có ngày gặp lại?

Với mình, thì là cả hai.

Chris bỏ nhà ra đi khiến cha mẹ cậu lo lắng buồn thảm, mình không trách cậu hoàn toàn vì nếu là mình, có khi mình cũng điên lên mà bỏ đi “cho biết mặt” kiểu đó, phần để phản đối lối sống mà cậu cho là quá nặng về vật chất, phần để trả thù. Nhưng Chris trả thù cha mẹ cũng không cần phải trả thù bản thân như thế, mình không thấy cậu ta bất công với cha mẹ cậu (như Jan đã nói) vì họ chưa từng công bằng với cậu, nhưng là bất công với bản thân, với em gái, với những con người đã gặp cậu trên chuyến hành trình của cậu, dù gặp gỡ ngắn ngủi nhưng tình cảm của họ, yêu thương họ dành cho cậu không hề ít ỏi.

Nhưng mình thích những chi tiết các nhân vật thay đổi khi họ gặp Chris. Có đôi tình nhân tìm lại được tình yêu và sự nồng thắm tưởng chừng đã mất, có người mẹ tìm được hình ảnh con mình nơi cậu thiếu niên ngang tàng kia, có thiếu nữ tìm được mối tình đầu thoáng qua, ngọt ngào và cay đắng tựa giấc mơ, lại có cụ già đã mất tất cả tìm được mối an ủi có người thân thích khi tuổi đã gần đất xa trời.

Vì mình cũng đã gặp những người như thế trong những chuyến đi. Họ khiến mình thay đổi, dù chỉ là những thay đổi bé nhỏ như tập ăn những thứ trước đây không bao giờ chịu ăn, đến những thay đổi lớn hơn một chút như tập chấp nhận nhiều tính cách khác nhau, và rằng không phải chỉ những gì mình cho là đúng mới là chân lý. Mình thích những cuộc gặp gỡ trong phim, vì tuy thời gian ở cạnh nhau không lâu, nhưng không hiểu sao trong những chuyến đi, tình cảm hàn gắn người lại với người quả thật rất mạnh mẽ và sẽ còn ở lại cùng mình rất lâu sau khi chuyến đi kết thúc.

(Mà, mình thấy họ không có ảnh hưởng gì đến Chris, Chris từ đầu đến cuối vẫn là thế – trừ phút cuối – và đây cũng là một lý do khiến mình không thích Chris.)

Và mình sẽ nhớ Into the Wild lắm, vì những điều mà những người Chris đã gặp – chứ không phải bản thân Chris – trải qua, cũng là những điều mình đã trải qua.

Cuộc sống đã ngắn ngủi thế, và nếu ắt có lúc phải chia ly như thế, thì khi ở bên nhau hãy yêu thương nhau hết lòng đi nhỉ, để khi chia tay, dù có khóc hay không, trong lòng cũng không phải nuối tiếc đã có những ngày bên nhau đẹp đẽ ấy.

Đi để sống

luuminhngoc 7.8 Blogger

Cả bộ phim là những hình ảnh đẹp đẽ của thiên nhiên, của núi non, sông nước, hình ảnh của người thanh niên khao khát chinh phục, những câu chuyện cảm động về tình người trong hành trình của Chris, lúc này đã đổi tên thành Alex SupperTramp để không ai có thể nhận ra mình. Sống trong một gia đình không yên ả, Chris đọc rất nhiều sách và mang những trăn trở về cuộc đời, về cách sống của những con người trong một xã hội nhiều giả dối. Cậu quyết định đi tìm một cuộc sống mới, Chris đi một hành trình tưởng như không thể bằng đường bộ, đi nhờ xe, chèo thuyền trên sông, đi trốn vé tàu, đi bộ xuyên rừng…tất cả đều hướng về miền Bắc, về Alaska.

Phim được chia thành nhiều chương, mỗi chương là một quãng hành trình, lúc khó khăn, lúc gian nan, lúc đau buồn cô đơn, lúc tràn ngập trong niềm vui thích hòa mình với thiên nhiên hoang dã, lúc thì hạnh phúc bên những người bạn đường tốt bụng. Những góc quay đẹp và phần âm nhạc rất country của Eddie Vedder, tiếng guitar rải lúc nhanh lúc chậm trãi trên nền một không gian rộng của đất trời đã thành công trong việc buộc khán giả phải tập trung hoàn toàn vào màn ảnh và chinh phục cảm xúc người xem. Những người già, những người trung niên từng trải Chris gặp trên chuyến đi là những số phận khác nhau, những khung văn hóa khác nhau, những trải nghiệm cuộc sống khác nhau, nhưng đều bị cậu thuyết phục hoàn toàn về kế hoạch chinh phục xứ sở lạnh giá nhiều hiểm nguy đó, và đều ủng hộ giúp đỡ Chris để cậu hoàn thành ước nguyện. Cùng với Chris, họ tìm được một phần của mình, phần kia của tâm hồn chưa bao giờ được khám phá, về một cuộc sống nhàm chán mà lâu nay họ không nhận thấy, và họ gửi gắm vào Chris như muốn cậu hoàn thành giúp mình.

Toàn bộ câu chuyện bắt nguồn từ một bài báo rao vặt tại Mỹ, nói về việc những thợ săn tìm thấy xác một chàng trai trong một xe buýt bỏ hoang tại vùng rừng núi Alaska, nhà báo Jon Krakauer đã bỏ ra 3 năm để tìm theo dấu vết cuộc hành trình của chàng trai, gặp tất cả những người thân, gặp gia đình cậu, gặp những người liên quan để tìm hiểu thông tin và viết thành một quyển sách trở thành best seller tại Mỹ, một quyển sách gây nên sự tranh cãi sâu rộng trong xã hội Mỹ về cách nhìn nhận cuộc sống của giới trẻ. Đạo diễn Sean Penn, sau khi bị chinh phục đầu tiên bởi bìa sách: hình ảnh một chiếc xe bus bỏ hoang giữa rừng, đã bắt tay vào viết kịch bản và sau khi mất 10 năm để thuyết phục gia đình Chris đồng ý cho làm phim về con trai mình, ông đã dựng nên một bộ phim mà có lẽ khó có thể làm tốt hơn được thế về câu chuyện thú vị này. Lối kể chuyện đan xen, những khoảng lặng cần thiết được Sean Penn khai thác triệt để để khan giả có đủ thời gian trầm vào những nghĩ suy riêng mình.

Thành công của bộ phim không thể không nói đến diễn xuất của dàn diễn viên trẻ trung cũng như dày dạn: Emile Hirsh trong vai Chris, diễn rất đạt trong những cảnh quay rất khó về cảm xúc và độc diễn, ánh mắt hạnh phúc cảm động của anh khi nhìn thấy cuộc sống hoang dã ở Alaska có lẽ sẽ được nhớ mãi. Hal Holbrook với diễn xuất được đề cử diễn viên phụ xuất sắc tại Oscar trong vai một người già đã thay đổi cách nhìn cuộc sống của mình sau khi gặp Chris, Vince Vaughn hào sảng, Catherine Keener tình cảm và nồng hậu, hay nhân vậtcô gái Tracy cá tính được giới trẻ yêu thích của diễn viên trẻ tài năng Kristen Stewart.

Trong một chuỗi các phim thuần giải trí cũng như nhiều bạo lực trong năm qua thì “Into the wild” là một bộ phim đáng xem, phim sẽ mang cho bạn những giây phút nhẹ nhàng, những hình ảnh đẹp của cuộc sống đâu đâu cũng có mà có thể vì quá bận bịu mà chúng ta vô tâm không nhận ra, phim giúp bạn yêu trở lại những cảnh đẹp thiên nhiên có thể ngay trước mắt bạn mà bạn mất thói quen chiêm ngưỡng. Những ý nghĩ của chàng trai trẻ về ý nghĩa đích thực của cuộc sống, có thể bạn đồng tình, có thể bạn không, nhưng nó sẽ làm bạn tích cực hơn. Và dòng chữ cuối cùng trong quyển nhật ký của Chris: “Happiness is only real when shared”( hạnh phúc chỉ trở thành sự thật khi được chia sẻ) – bài học được đánh đổi bởi mạng sống của Chris – hẳn sẽ còn hằn sâu trong tâm trí của nhiều người.

Theo Nguyễn Tuân, người đã “đem cả một kiếp sống phụng thờ sự xê dịch”, Đi để được thấy nhiều, tận hưởng trọn vẹn và đủ đầy mọi cảm giác sống của con người cá nhân hiện đại. Đi, như ông nói, để phơi ý nghĩ của mình ra chỗ thoáng. Không phải đi là vô mục đích, Đi để mà đi lại là điểm khởi phát của sáng tạo. Cùng với câu chuyện của Chris McCandless, có lẽ một ngày đẹp trời, ta nên gạt hết những muộn phiền, những bận bịu “sản phẩm của nền văn minh công nghiệp thế kỷ 20” để take a journey! into the wild.

Mình có nên căm ghét những bộ phim lấy nước mắt người xem nữa không đây?

leevan92 8.2 Blogger

1. Chất tài liệu

Trong phim, thỉnh thoảng ta bắt gặp một vài nhân vật có cá tính, có một cuộc đời để kể, như vợ chồng Jan Burres và Rainey, hay ông cụ Ron Franz. Còn lại, hầu như cảnh phim chỉ xoay quanh Alex và hành trình của anh. Không tạo ra những chi tiết kịch tính, không xây dựng nhiều đối thoại, “Into the wild” có dáng dấp một bộ phim tài liệu.

Vai diễn của Emile Hirsch giúp đạo diễn thể hiện rõ nét hơn tính chất tài liệu này. Emile Hirsch là một diễn viên có chiều cao trung bình và một khuôn mặt có thể nói là không mấy “điện ảnh”. Khi anh diễn vai Alex, ta cảm giác như anh đang không diễn. Cái nhìn, nụ cười, cách nói đều hết sức tự nhiên, thật thà. Người xem nhìn thấy ở đó một chàng trai rất trẻ, có phần khờ dại nhưng chân thành, vô tư, suy nghĩ rất sâu sắc nhưng dường như không phải là kiểu người suy nghĩ quá nhiều, thiết tha thái quá với niềm tin của mình, ham bày tỏ, khẳng định. Alex không xác tín, cũng không tính toán cặn kẽ. Anh chỉ liên tục lên đường, liên tục đi. Đó là cách để người siêu lang thang duy trì cuộc sống.

Hành trình của Alex giống như hành trình của một con người đời thường nào đó ta vẫn thường thấy trong một cuốn ký sự. Ở đây, cuốn ký sự bày ra trước mắt người xem những khung cảnh vừa đơn sơ vừa hùng vĩ của một thế giới tự nhiên không hề qua bàn tay sắp xếp, điểm trang. Sự phong phú của ngọn núi đá, cơn lũ mạnh, con đường bụi bặm, lùm cây dại được ghi lại với chiếc máy quay hơi xô lệch và rung lắc. Xen vào giữa chúng là những dòng chữ ngắn được ghi trong nhật ký của Alex. Rất ngắn, chủ yếu chỉ mang thông tin. Tất cả những thứ đó làm cho phim thật hơn, không có màu sắc ca ngợi (như nhiều bộ phim dựa trên nhân vật thật), cũng không có vẻ lên gân để truyền tải một thông điệp nào đó về cuộc đời.

2. Con người đi tìm

Con người đi tìm dường như là kiểu con người/nhân vật quá quen thuộc với người đọc sách/xem phim. Cũng giống như chúng ta tìm kiếm điều gì đó trong một bộ phim, những nhân vật của chúng ta cũng đi tìm. Đa số các bộ phim sẽ để cho nhân vật tìm kiếm thật lâu và tìm thấy. Một nơi chốn phù hợp, một người tri kỉ hiểu mình, một triết lý mà mình nhận ra ở cuối hành trình. Alex/Chris cũng là một người đi tìm, nhưng anh không “tìm thấy”, anh chỉ “tìm”. Hoặc có thể anh “thấy” mọi thứ rất lâu từ trước khi anh “tìm”. Cái thú vị trong chuyến “đi hoang” của Alex nằm ở trên chính chuyến đi.

Ban đầu, dĩ nhiên người xem nào cũng tò mò về kết thúc, và mong chờ một kết thúc nào đấy “hoành tráng” chút cho xứng với lý tưởng của nhân vật. Chẳng ai ngờ anh chết thê thảm ở cuối phim. Nghĩa là rốt cục anh chẳng “thấy” được gì. Alaska chỉ là một giấc mơ đơn thuần tại thời điểm đó. Nhiều người qua cái kết này phê phán lý tưởng của Alex. Nhưng anh lại hạnh phúc cho đến lúc trút hơi thở nặng nhọc cuối cùng, bên ô cửa xe với đôi mắt mở to nhìn lên bầu trời chói sáng, không tiếc nuối Alaska, không hối hận hay nhớ thương ai. Ngẫm lại, anh đã có những ngày tháng dài và ý nghĩa hơn toàn bộ phần đời trước đó của mình. Cái hay, như đã nói, chính là con đường, là bản thân cuộc hành trình. Thật ra điều này người ta cũng đã nói nhiều tới mức trở nên nhàm chán rồi.

Alex là kiểu người minh triết hay quá ngây thơ khi đi mà không chịu chuẩn bị, tính toán cẩn thận, để rồi chết quá sớm như vậy? Người ta vẫn còn tranh cãi mãi về điều này. Nhưng trong khi ấy, Alex hay Christopher McCandless vẫn không ngừng tạo nguồn cảm hứng mãnh liệt cho con người về một cuộc đời tự do, nguyên sơ kỳ lạ.

3. Chủ nghĩa cảm thương

Tôi thắc mắc bao phần sức hút của bộ phim đến từ sự cảm thương và những dòng nước mắt mà các nhân vật khác và người xem dành cho chàng trai lang thang? Alex vô tư tới nỗi anh không cần biết rằng anh là nỗi đau nặng nề của cả gia đình kể từ khi quyết định phó thân mình cho tự nhiên, bặt vô âm tín. Alex biết những người bạn anh gặp trên đường đi ai cũng lo lắng cho anh, yêu thương anh như đứa con trẻ dại, thậm chí đau xót cho anh, nhưng anh không bao giờ bày tỏ sự cảm động và mềm lòng vì còn phải sống cuộc đời của mình. Người xem không ngừng dự cảm được những điều anh sẽ gặp phải, và càng tới cuối phim càng không thể chịu đựng được hình ảnh cái chết đang dần dần đến với nhân vật của mình. Chứng kiến nỗi sợ hãi, sự gắng gượng, từng động thái chuẩn bị nhỏ nhặt cho cái chết của Alex, người ta lại nhớ đến chàng trai trẻ có khuôn mặt vuông vức, nụ cười thật thà ở đầu phim, hai hình ảnh đối lập thảm thương. Và suy nghĩ ấy là trải nghiệm khó khăn nhất của tôi khi xem phim này.

Tôi thuộc kiểu người xem không thể chống lại chủ nghĩa cảm thương trong những tình huống như vậy. Xem tới cuối phim tôi nghĩ: mình có nên căm ghét những bộ phim lấy nước mắt người xem nữa không đây?

Đánh giá

Nội dung - 8
Diễn xuất - 8.2
Nhạc phim - 8.1
Kỹ xảo điện ảnh - 7.8
Thông điệp truyền tải - 9

8.2

Đi để sống

Ý nghĩa đích thực của cuộc sống

User Rating: 4.21 ( 4 votes)

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Chín 9, 2018 | Lần cập nhật cuối: Tháng Bảy 28, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button