Nhân vật

Chuyện ông Thanh Mỹ làm ‘phân bón sôcôla’

Tuyển những con người “trong veo”, không bằng cấp, không kinh nghiệm và bài học đầu tiên là dạy các nhân viên cách đi toa lét, Mỹ Lan, và Rynan của ông Nguyễn Thanh Mỹ đang ăn nên làm ra.

Những viên phân bón được bọc bằng màng polymer trông sặc sỡ, đủ màu như những viên kẹo sôcôla của TS Nguyễn Thanh Mỹ

Những viên phân bón được bọc bằng màng polymer trông sặc sỡ, đủ màu sắc xanh đỏ tím vàng đựng trong chiếc hộp bằng nhựa rất dễ nhầm với một hộp kẹo sôcôla.

Nhưng đó là những viên phân chứa đủ các khoáng chất vi lượng khi bón vào gặp nước sẽ trương nở, sau đó sẽ phân tán ra theo mưa, theo nắng và sẽ phân hủy hoàn toàn do nắng trời, vi khuẩn và áp lực cày bừa của người nông dân.

Đấy là phân bón thông minh, một sản phẩm mới của Công ty Rynan Agrifoods của tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, loại phân bón tan chậm có kiểm soát, giúp cho nông dân giảm 50% lượng phân bón so với thông thường, chỉ cần bón một lần duy nhất so với bốn lần trước đây, và không làm ô nhiễm nguồn nước, không sản sinh lượng khí nhà kính?

Ông Mỹ, được biết đến nhiều hơn khi còn ở Mỹ Lan, Tập đoàn công nghệ cao mà ông sáng lập ở Trà Vinh.

Giờ đây, ông trao hết quyền cho vợ để về Cù Lao Long Trị, một vùng đất heo hút, tách biệt, ông cùng các chàng trai và cô gái trẻ đang ủ mưu làm ra các sản phẩm để đời.

Làm thế nào từ một vùng đất hoang sơ đầm lầy nước đọng của một tỉnh nghèo nhất, cùng nhất của đất nước, ông đã gầy dựng nên một “ Silicon của Việt Nam” trong không gian tràn ngập màu xanh và sự hứng khởi để tạo ra nhiều cuộc cách mạng trong ngành in, phát quang, điện tử hữu cơ… với những phát minh khoa học được bán cho cả thế giới?

Câu trả lời, sau nhiều lần tiếp xúc, cũng như trải qua một đêm trong căn nhà của hai vợ chồng nhà sáng lập Mỹ Lan và RYNAN này, đó chính là sự truyền lửa, truyền cảm hứng và hạnh phúc từ người chủ.

TS Nguyễn Thanh Mỹ. Họa chân dung: Hoàng Tường.

Ông Mỹ có cách tuyển dụng người thật có một không ai: tuyển những người còn “trong veo”, như tờ giấy trắng, không bằng cấp, không kinh nghiệm.

Ông bảo, chỉ những người đó mới dễ đào tạo. Học vấn, bằng cấp với ông không quan trọng, miễn là trong con người ấy, ông nhìn thấy sự năng động, dám sống, dám chịu thử thách, dám nghĩ khác, làm khác.

Điều đầu tiên ông dạy các em là…đi toa lét! Nghe thật lạ, nhưng đó lại là khởi đầu của những phát minh lớn.

Nhiều khách nước ngoài đến nhà ăn tập thể, cũng là nơi tiếp khách của ông, đã không khỏi ngạc nhiên bởi toa lét sạch như khách sạn 5 sao.

Một chồng khăn trắng muốt được xếp ngay ngắn như những cánh hoa, mùi thơm thoảng thoảng tỏa ra, khu vực vệ sinh lúc nào cũng khô thoáng, sạch sẽ. Tất cả đều nhờ ý thức của từng thành viên trong ngôi nhà chung này.

Nhân viên của ông được được dạy từ cách ngồi toa lét, lau sạch bàn rửa mặt mỗi khi bước ra. Đi đâu cũng thấy bất cứ chỗ nào trong nhà máy toa lét cũng sạch sẽ và thơm tho như thế.

“Em cũng mới cất nhà, toa lét sạch và hiện đại lắm chị ạ, chẳng thua gì nhà chú Mỹ đâu”, Cẩm Tú, trợ lý của ông Nguyễn Thanh Mỹ cười hạnh phúc nói.

Bài học đầu tiên vào công ty là bài học làm người, bài học để thay đổi tư duy. Ông dạy nhân viên từ cách ăn, cách nói, đến cách giao tiếp, cách phục vụ người khác trong từng bữa ăn, cách bài trí mỗi bàn làm việc.

Bàn làm việc nào cũng có cây xanh và những bức hình gia đình, như một nơi neo đậu tình cảm thiêng liêng ấm áp cho từng mái ấm. Ở đây nhân viên được phục vụ miễn phí ba bữa ăn trong ngày.

Mỗi bàn ăn có bốn người, nhưng các nhóm phải luân phiên ngồi ăn với nhau, để giao tiếp và hiểu nhau hơn.

“Phải có những con người khỏe mạnh, tích cực, mới có thể nghĩ ra nhiều điều hay, làm giàu cho công ty và cho chính mình chứ”.

Và quả thật, tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ đã lý giải điều đó một cách đầy đủ nhất, sáng tạo nhất, bằng những thành quả ý nghĩa nhất, đó là sự đổi đời của hơn 500 chàng trai cô gái Trà Vinh đang sống và làm việc nơi đây.

Mồ côi cha từ nhỏ, bán cà rem để kiếm sống, những năm tháng lăn lộn nơi xứ người để học hỏi và vươn lên, chàng bồi bàn ấy đã có một mơ ước: “Một ngày nào đó tôi sẽ trở về quê hương Trà Vinh để lập nhà máy, giúp cho người dân quê tôi có cuộc sống tốt hơn…”.

Hơn 20 năm nuôi dưỡng một giấc mơ, trở thành nhà khoa học, doanh nhân giàu có ở Canada, ông vẫn chưa bao giờ thôi đau đáu với giấc mơ ấy.

Trở về Trà Vinh lập nhà máy vào năm 2004, vấp phải biết bao trở ngại, nhưng ông vẫn điềm tĩnh bước tới, tiếp tục đầu tư, tiếp tục sáng tạo.

Bởi hơn ai hết, ông kể mình hiểu sứ mệnh mang lại hạnh phúc cho người khác, nhất là những người trẻ quê hương ông, cho họ ngọn đuốc để tự thắp sáng mình, tự bước đi bằng đôi chân của chính mình.

“Bộ máy sống” để lọc nước của ông Nguyễn Thanh Mỹ

Toàn bộ hệ thống xử lý nước thải của Mỹ Lan đều được áp dụng những phương pháp tiên tiến nhất bằng…cây cỏ và đá mà ông đặt tên là “Bộ máy sống”, nghĩa là những loại cây có khả năng lọc các chất bẩn như cỏ năn, có nến, cây thủy trúc, sen…

Chỉ riêng đội ngũ làm vườn và chăm sóc cảnh quan đã lên tới 20 người. Nước thải ra là nước có thể tái sử dụng cho sinh hoạt và tưới tắm cho cây, nuôi cá.

Vậy mà ông đã từng bị vu oan là thải nước bẩn ra ngoài khi tưới cho hàng cây vừa trồng!

Ông nói: “ Mình phải lo cho nhân viên của mình trước chứ đâu cần ai lo dùm! Nhiều người hỏi tôi cần gì ở Nhà nước? Tôi nói không cần gì cả, chỉ cần để yên cho doanh nghiệp làm”

“Chọn một tỉnh cùng, tỉnh nghèo nhất, để hiểu người nông dân đang cần gì, giải quyết những bài toán của nông dân, cũng chính là giải quyết cái nghèo, cái khổ bao nhiêu năm đeo đuổi thân phận nhà nông. Theo tôi, không có việc gì khó, chỉ sợ mình không chịu làm thôi”, ông chia sẻ như thế về những việc mình làm.

Kim Yến – BSA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button