Nhân vật

Cõi say của Vũ Hoàng Chương

Thơ Vũ Hoàng Chương hoài cổ, giàu chất nhạc, với nhiều sắc nét Đông phương dù Hoàng lớn lên giữa cao trào Thơ mới.

Vũ Hoàng Chương sinh ngày 5/5/1916 tại Nam Định. Năm 1930 ông lên Hà Nội học trung học tại trường Albert Sarraut. Năm 1937, ông đỗ tú tài Tây và theo học khoa Luật Đại học Hà Nội. Hai năm sau, ông thôi học, làm phó thanh tra Sở Hỏa xa Đông Dương. Có lúc ông đã làm trưởng ga Bắc Ninh.

Cũng thời ấy, ông bắt đầu có thơ in trên các báo và gây được sự chú ý. Năm 1940, tập Thơ say được ấn hành, đánh dấu một quãng đời văn chương lẫy lừng của người thi sĩ tài ba.

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương (trái) đem tới cho thi ca Việt Nam một tiếng thơ rất riêng. Ảnh: tư liệu.

Thơ Vũ Hoàng Chương hoài cổ, giàu chất nhạc, với nhiều sắc nét Đông Phương dù Hoàng lớn lên giữa cao trào Thơ mới. Thơ của Hoàng được đánh giá là “tiếng thở dài của phương Đông trầm mặc”.

Vũ Hoàng Chương từng chia sẻ chia sẻ: “Tôi học chữ Nho từ năm tuổi, thơ phú chữ Nho ảnh hưởng rất mạnh đến đầu óc tôi. Đến mười hai tuổi, tôi mới học chữ Pháp cho nên văn chương, văn hóa Pháp chỉ ảnh hưởng hời hợt ở trên, chớ không sâu xa như chữ Nho. Hiện giờ, tôi vẫn đọc và viết chữ Nho và tinh thần tiết ra trong những vần thơ vẫn bàng bạc triết học Đông phương nhiều hơn là Tây phương.”

Bắt đầu từ tập Thơ say đến Mây, Vũ Hoàng Chương đã tạo cho mình một cõi thi ca đầy quyến rũ với những vần thơ loạng choạng, uyển chuyển cũ vũ điệu say.

Như bao nhiêu thanh niên thuở ấy, Hoàng Chương sống trong trạng thái bất mãn, cô đơn, lạc lõng giữa đời.

Dân tộc còn bị nô lệ chưa nhìn thấy lối thoát; trong khi đó, xung quanh chàng người ta đang bon chen ganh đua giành giật những mảnh bằng to, mong chiếm địa vị cao để hưởng vinh hoa phú quí mà người Pháp đã cố tình nhử mồi, mua chuộc. Với bản ngã ưa sầu mộng, nhiều cảm xúc và thiếu óc thực tế như Hoàng, chốn ấy nhất định không phải là nơi chàng đeo đuổi, mà còn cảm thấy quá xa lạ là đằng khác.

Còn gia đình, cha chàng là một nhà nho bảo thủ, nghiêm khắc, bấy lâu nay hai cha con đã có mối bất hòa về chuyện hôn nhân của chàng. Ông Tri huyện chỉ muốn sau khi Hoàng học xong sẽ đi hỏi cô con gái một vị quan Bố chánh, bạn thiết của ông cho chàng. Hoàng đã theo Tây học, những tư tưởng tự do cá nhân, giải phóng tình cảm đã nẩy mầm, bén rễ trong tim óc của chàng, làm sao chàng có thể nghe lời? Chàng thở than rằng: “Riêng tôi sống cuộc đời vô vị/ Khắc nỗi buồn u uẩn từ lâu”.

Khi ấy, chỉ trong mơ, Vũ Hoàng Chương mới sống thực như lòng mình, và chàng đã say sưa giãi bầy hết chân tình cùng ai:

Xuân đắm trong mơ một buổi chiều

Bên em anh thấy sóng lòng xiêu

Mê man giãi hết tình u ẩn

Trong lúc điên rồ anh quá yêu.

Chàng đắm chìm trong những cơn say, say men rượu, say tình ái, từ cái say ấy mà quê hết đi, cõi đời chán trường này. Trong thơ chàng, cái tâm tư si tình khiến dày vò chàng, khiến chàng “chết đi sống lại”. Chàng tìm đến cái cõi lênh đênh của những người kỹ nữ, để được vỗ về, và cũng là để được ngả vào điên cuồng:

Say đi em say đi em

Say cho lơi lả ánh đèn

Cho cung bậc ngả nghiêng điên rồ xác thịt

Rượu rượu nữa và quên quên hết

Mời say

Nhưng chàng thi sĩ lãng mạn, mộng sầu thuở ấy, say mà không trụy lạc, không tìm quên, chàng say để đắm mình trong nồng nàn, trong những viển vông của cõi mộng, trong cái đê mê của khoái cảm đau đớn bởi sau tất cả những cơn say ấy là một bức thành sầu, bức thành của thi ca.

Có ai say để quên sầu

Lòng ta lảo đảo càng sâu vết buồn

Chén rượu đôi đường

Lúc còn trẻ, Nguyễn Hoàng Chương được gặp gỡ nàng Tố Vân, con gái một gia đình khá giả, để rồi từ đó rơi vào mối tình mặn nồng với nàng. Nhiều lời thề ước đã được thốt nên, để rồi nàng bỏ chàng đi lấy chồng. Chàng ôm mãi trong lòng một mối tình với nàng Tố Vân, cũng chính người con gái ấy là nàng thơ say, là nguồn cơn để Vũ Hoàng Chương mài bút mà viết nên những vũ điệu say khiến lòng người say đắm.

Bài thơ Mười hai tháng sáu là một trong những bài thơ chàng viết trong trạng thái mê man của men say, cái thứ men chất chồng tuyệt vọng:

“Tháng sáu, mười hai, từ đây nhé

Chung đôi, từ đây nhé lìa đôi !

Em xa lạ quá, đâu còn phải

Tố của Hoàng xưa, Tố của tôi.

Men khói đêm nay sầu dựng mộ

Bia đề tháng sáu, ghi mười hai,

Tình ta, ta tiếc! cuồng, ta khóc.

Tố của Hoàng nay Tố của ai?…”

Cõi say, cõi tình và cõi thi ca quện chặt vào nhau trong thơ Vũ Hoàng Chương là những vần thơ vừa da diết vừa phóng túng lại chất chứa đầy những tuyệt vọng của một tài thơ mị tình. Đấy là cõi riêng mà chàng thi sĩ Vũ Hoàng Chương kiến tạo nên, là nơi mọi ràng buộc của lý trí và hiện thực trở nên mờ nhòa.

Cái say ở đây chính là cõi thăng hoa của một bản năng sáng tạo, và thiên tính nghệ thuật thi ca vĩnh hằng. Ấy là trạng thái thăng hoa của thi sĩ. Cõi say của Vũ Hoàng Chương cũng như cõi điên của Hàn Mặc Tử, hay là cõi man rợ của Đinh Hùng…

Phong Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button