Nhân vật

H.G Wells – đủ điên rồ mới hiểu được thế giới

Cùng với Jules Verne, H.G.Wells được xem là cha đẻ của dòng văn học giả tưởng, người có ảnh hưởng lớn đến tầm nhìn của nhân loại về tương lai.

H.G Wells sinh ngày 21/9/1866 và mất ngày 13/8/1946 tại Anh quốc trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động.

Năm bảy tuổi, một tai nạn đã khiến Wells phải nằm liệt giường trong nhiều tháng, chính trong khoảng thời gian nhàn rỗi đấy, cậu bé ham thích khoa học dần được tiếp xúc với các tác phẩm của Washiton Irving và Charles Dickens, và sau này là Jonathan Swift cùng một số tác gia nổi bật của thời kỳ Khai sáng như Voltaire, điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến các sáng tác của Wells.

Những chuyến phiêu lưu xuyên không gian và thời gian của Ebenezer Scrooge và Doctor trong các tác phẩm của nhà văn Charles Dickens đã nuôi dưỡng trí tưởng tượng cho Wells, khiến ông yêu thích thể loại khoa học viễn tưởng ngày từ thời niên thiếu.

Khoa học là môn học H.G Wells yêu thích nhất, ông từng nhận được học bổng của trường Đại học Khoa học Hoàng gia ở Nam Keshington, trực thuộc Đại học Hoàng gia London, tại đây ông nghiên cứu về thuyết tiến hóa của Darwin với khát khao hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho con người.

Sau khi ra trường, ông thành lập Hiệp hội Đại học Khoa học Hoàng gia và trở thành chủ tịch đầu tiên của hiệp hội năm 1909. Chính sự đam mê dành cho khoa học là tiền đề để H.G Wells viết nên các tác phẩm văn học viễn tưởng vô cùng nổi tiếng sau này.

Nhà văn người Anh H.G.Wells.

Năm 1895, H.G Wells trở thành hiện tượng văn học chỉ trong một đêm khi cuốn Cỗ máy thời gian được xuất bản.

Nội dung câu chuyện nói về một nhà khoa học người Anh đã tìm tòi nghiên cứu tạo nên một phương tiện có thể đưa con người di chuyển trong các chiều không gian. Thuật ngữ “cỗ máy thời gian” cũng do chính tác giả nghĩ ra và lần đầu tiên được đề cập trong cuốn tiểu thuyết giả tưởng nổi tiếng của ông.

Cuốn sách nói nhiều đến xung đột giai cấp và tiến hóa, được coi như một trong những tác phẩm dystopia về hậu tận thế đời đầu rất có sức ảnh hưởng, và mở màn cho trào lưu “xuyên không” như Dòng thời gian, Predestination, Back to the Future, thậm chí là cả series về chú mèo máy nổi tiếng Doraemon.

Nối tiếp thành công, H.G Wells liên tục sáng tác các tác phẩm về cùng chủ đề khoa học viễn tưởng mà theo ông là “khoa học lãng mạn” như Hòn đảo của Bác sĩ Moreau (1896), Người vô hình (1897), Chiến tranh giữa các Thế giới (1898) và Tiên phong lên Mặt trăng (1901) thể hiện khả năng viết lách hiếm ai bì kịp.

Trong khi người bạn cùng thời Jules Verne luôn đưa người đọc đến với những hành trình khám phá thế giới đầy màu sắc rực rỡ thì các sáng tác của H.G Wells thường viết với giọng văn u ám, chết chóc, và có phần tiêu cực, miêu tả những trăn trở lo ngại về phát triển công nghệ quá nhanh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống loài người.

Giữa thời điểm cuộc cách mạng Công nghiệp mới phát triển hơn nửa thế kỷ, con người còn đang say mê với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mở ra một kỷ nguyên mới cho chế tạo máy móc và giao thông vận tải thì những nhận định của Wells dường như đi trước thời đại, vượt lên trên những rào cản suy nghĩ thông thường.

H.G Wells đã đưa ra nhiều tiên đoán hết sức chuẩn xác về tương lai. Một trong những sáng tác nổi tiếng nhất là cuốn sách phi hư cấu được xuất bản năm 1901 mang tên Sự tiên đoán.

Ông đã đưa ra nhận định về một thế giới mà thành phố ngày càng phát triển, dân số tăng sẽ dẫn đến phương tiện đi lại cải thiện, tàu hỏa được dùng phổ biến hơn, kinh tế sẽ tiến tới toàn cầu hóa thay vì chỉ trong phạm vi quốc gia như hiện tại, đế chế quân sự Đức sẽ tan rã, châu Âu sẽ hợp nhất thành một khối…

Trong Con người như các vị thần (1923), H.G Wells đã mô tả con người giao tiếp bằng điện thoại không dây, để lại tin nhắn thoại nếu không có tín hiệu trả lời hay như trong Thế giới tự do (1914) ông đã nhắc đến sự tồn tại của bom nguyên tử trong khi mãi đến năm 1930, con người mới bắt đầu nghiên cứu về vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, chỉ những tác phẩm tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của H.G Wells là còn được ưa chuộng đến ngày nay. Lý do về mặt chính trị, ông là thành viên tích cực ủng hộ lý tưởng xã hội chủ nghĩa, thế nên các tác phẩm sau này của ông thường mang nặng tính chính trị và giáo điều.

Ông từng là thành viên của hội Fabian, một nhóm tìm kiếm những cải cách xã hội và tin rằng hệ thống chính trị tốt nhất là chủ nghĩa xã hội. Wells đã khám phá ra những vấn đề về tầng lớp xã hội và sự chênh lệch kinh tế có liên quan mật thiết đến nhau trong một số tác phẩm của ông như Kipps (1905) và đây cũng là một trong những tác phẩm mà H.G Wells yêu thích nhất.

Năm 1920, Wells cho ra mắt cuốn Đại cương Thế giới – đây có lẽ là tác phẩm bán chạy nhất của ông. Cuốn sách gồm ba phần bắt đầu từ thời tiền sử đến các sự kiện của Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Wells tin rằng sẽ có một cuộc chiến lớn tiếp theo, ông cũng đưa ra những ý tưởng trong tương lai như là vận động hành lang cho một chủ nghĩa xã hội toàn cầu song hành cùng với việc thành lập một chính phủ duy nhất cho toàn thế giới.

Về sau danh tiếng của Wells có phần giảm sút vì ông ủng hộ những quan điểm mà hầu như người đương thời không chấp nhận nổi. George Orwell đã nói về ông là “chưa đủ điên rồ để hiểu được thế giới lúc bấy giờ.”

Trong khoảng năm mươi năm, H.G Wells đã cống hiến cuộc đời mình cho sáng tác và để lại khối lượng tác phẩm khổng lồ. Trung bình ông cho ra mắt ba cuốn sách một năm thể hiện khả năng sáng tạo nghệ thuật vô biên cho tới tận cuối đời. Cuốn sách cuối cùng của ông, Suy nghĩ cuối cùng của Tether (1945) là một bài tiểu luận bi quan mà chính tác giả suy ngẫm về ngày tàn của nhân loại.

H.G Wells mất năm 1946 tại London, ông đã từng muốn viết trên bia mộ của mình dòng chữ: “Nói rồi không nghe. Lũ ngốc.” Vào thời điểm ông qua đời, H.G Wells được nhớ đến như là một nhà văn, nhà sử học và nhà chính trị nổi bật dưới thời đại Victoria.

Những câu chuyện huyền diệu của Wells vẫn có sức hút đối với độc giả tới tận ngày nay, điển hình như một số tác phẩm của ông đã trở lại màn ảnh trong thời gian gần đây như phiên bản remake của Chiến tranh giữa các Thế giới năm 2005 có sự góp mặt của Tom Cruise và Dakota Fanning hay như Người vô hình với diễn xuất của diễn viên gạo cội Johnny Depps.

Hồng Hạnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button