Nhân vật

Học giả Nguyễn Duy Cần – Khai mở tinh thần tự học

Cụ Nguyễn Duy Cần (1907 – 1998), bút hiệu Thu Giang, Hoàng Hạc, Bảo Quang Tử, sinh tại Mỹ Tho – Tiền Giang, cả đời ông là một tấm gương tự học. Trong hồi ký của mình, học giả Nguyễn Hiến Lê nhận định: “Những người đã chịu đọc sách ông (Thu Giang), thì luôn thuộc lòng từng câu chữ, vanh vách từng câu cốt lõi, những tư tưởng luận điểm chính của sách ông… Điều này không tìm được ở những dòng sách khác”.

Thân thế và cuộc đời

Ông sinh ngày 15 tháng 7 năm 1907 tại làng Điều Hoà, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).

Không có nhiều thông tin về cuộc đời và sự học của ông. Có lẽ ông tự học, thể hiện qua tác phẩm “Tôi tự học”. Một vài thông tin khác cho biết ông từng làm giáo sư kiêm Hiệu trưởng một trường Trung học tư thục tại Sài Gòn, nhưng không thể kiểm chứng được.

Sự nghiệp nghiên cứu và trước tác của ông bắt đầu từ năm 1931 với việc xuất bản quyển Triết học đầu tiên “Toàn chân”, gây nên một cuộc bút chiến sôi nổi trên báo Mai. Trong những năm sau đó, ông tiếp tục cho xuất bản các tác phẩm khá đều đặn. Năm 1937, ông tham gia xuất bản nguyệt san “Nay”. Năm 1941, ông làm chủ bút báo Tiến và năm 1944, chủ bút báo Thanh niên, sau đó còn làm chủ bút báo Tự do.

Sau khi Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất nổ ra, năm 1946, ông lánh nạn lên Sài Gòn, ở ẩn để tiếp tục viết sách. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh, việc xuất bản các tác phẩm của ông bị gián đoạn mãi đến năm 1951 mới bắt đầu trở lại với tác phẩm “Cái dũng của Thánh nhân”. Từ đó về sau ông tiếp tục cho xuất bản các tác phẩm khá đều đặn cho đến tận năm 1975. Ngoài việc trước tác và tham gia viết báo, ông từng là giáo sư của trường Đại học Vạn Hạnh và là Trưởng ban Triết Đông của Đại học Văn khoa Sài Gòn.

Từ năm 1975 đến cuối đời ông rất ít giao tiếp với bên ngoài nhưng vẫn âm thầm viết. Năm 1991, ông chuyển về sống ở quận Bình Thạnh và mất tại đây vào năm 1998, để lại cho đời nhiều bộ sách có giá trị.

Tác phẩm

Sinh thời, ông viết khá nhiều sách, chủ yếu là sách biên khảo, nghệ thuật sống (thời đó gọi là sách “Học làm người” và Đạo học phương Đông. Các tác phẩm của ông được viết ra không phải với mục đích “sống bằng ngòi bút” mà với ông một tác phẩm ra đời nó phải từ một đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, nó đang thiếu thốn, nhân sinh đang đợi chờ. Điều đáng tiếc là có nhiều tác phẩm của ông chưa được công bố, bị thất lạc hoặc chưa được hoàn thành. Mặc dù vậy, những tác phẩm đã xuất bản của ông thường được tái bản nhiều lần và luôn được các thế hệ bạn đọc đón nhận.

Theo thống kê chưa đầy đủ, các tác phẩm đã xuất bản của ông bao gồm:

  1. Duy tâm và duy vật 1935
  2. Toàn chân triết luận 1936
  3. Thanh dạ Văn chung 1939
  4. Cổ nhân 1940
  5. Cái dũng của Thánh nhân 1951
  6. Óc sáng suốt 1952
  7. Thuật tư tưởng 1953
  8. Thuật xử thế của người xưa 1954
  9. Trang Tử tinh hoa 1956
  10. Lão Tử tinh hoa 1963
  11. Văn minh Tây phương và Đông phương 1957
  12. Tôi tự học 1959
  13. Thuật Yêu đương 1961
  14. Lão Tử Đạo đức Kinh 1960 (dịch với lời bình và nguyên văn đối chiếu).
  15. Một nghệ thuật sống 1960
  16. Cái cười của Thánh nhân 1970
  17. Tinh hoa Đạo học Đông phương 1972
  18. Phật học tinh hoa 1965
  19. Nhập môn Triết học Đông phương[3] 1971
  20. Văn hóa Giáo dục miền Nam Việt Nam 1970
  21. Trang Tử Nam hoa kinh 1963 (dịch với lời bình và nguyên văn đối chiếu).
  22. Dịch học tinh hoa 1973
  23. Để trở thành nhà văn 1968
  24. Chu Dịch huyền giải 1975
  25. Dịch Kinh tường giải 2014
  26. Tử vi bí kiếp
  27. Thiền đạo Tinh Hoa
  28. Hà Đồ Lạc Thư và Dịch Tượng Luận
  29. Thuật dưỡng sinh theo Đạo học Đông Phương
  30. Đông Phương y học bí truyền

Một đời tự học

Trong cuốn Tôi tự học, Nguyễn Duy Cần viết: “Tác giả là người đã vất vả rất nhiều trong con đường học vấn. Trước đây, tác giả là người rất kém về trí nhớ, lại cũng kém cả thông minh và sức khỏe… Sở dĩ sau này có được chút ít học vấn, dù nông cạn đến đâu, cũng đều nhờ công phu tự học cả”.

Cách tự học của Nguyễn Duy Cần đều nhờ đọc sách mà thành, như chính ông thừa nhận: “Người biết đọc sách phải biết dành cho mình một buổi nào để đọc sách trong yên lặng và cô tịch… Suốt một đoạn đời từ 21 tuổi đến nay, tôi đã dành cho mỗi buổi tối ít nhất là hai giờ đồng hồ để đọc sách, khoảng từ 20 – 22 giờ, không bao giờ sai chạy. Giờ ấy đối với tôi cũng như giờ cầu kinh, nhất định không để cho ai quấy rầy”.

Học giả Thu Giang – Nguyễn Duy Cần, ảnh chụp năm 1993

Dù chỉ tốt nghiệp Thành chung (tương đương lớp 9 bây giờ), nhưng nhờ tự học nên cụ rành tiếng Pháp, Anh và chữ Hán. Trước 1975, cụ Nguyễn Duy Cần làm giáo sư ở ĐH Vạn Hạnh, Trưởng ban Triết Đông ở ĐH Văn khoa Sài Gòn. Đời ông gắn với các nghề: viết sách, dạy học, lương y, nghiên cứu Đạo học và Kinh dịch.

Cuốn sách đầu tay Duy tâm và duy vật của Nguyễn Duy Cần viết năm 1935, một thời gây ra nhiều cuộc bút chiến xung quanh tác phẩm này. Cụ Nguyễn Duy Cần có hàng chục cuốn sách đủ các thể loại để lại cho đời, có rất nhiều cuốn tái bản liên tục với số lượng in khổng lồ.

Viết sách vì đạo

Sách bán nhiều là vậy, nhưng cả đời cụ Nguyễn Duy Cần vẫn sống ở nhà thuê; khác với nhiều người viết sách cùng thời, nhờ sách mà mua nhà, sắm xe.

Quan điểm viết sách của Nguyễn Duy Cần được ông thể hiện rõ: “Văn chương là một món sản vật của tinh thần thuộc về phần thiêng liêng cao trọng nhất mà người ta cũng đem nó làm món hàng ‘làm tiền’, xúm nhau quảng cáo với những mánh khóe con buôn trăm phần trăm, thật là hèn hạ quá – trích “Cái dũng của thánh nhân” in lần đầu năm 1951).

Với Nguyễn Duy Cần, điều ông quan tâm nhất khi viết sách là người đọc có cần tác phẩm của mình hay không. Luật sư Võ Văn Quới, một học trò của cụ Nguyễn Duy Cần kể lại mối quan tâm của thầy mình khi được thầy hỏi: “Sách của thầy thời đại này còn cống hiến được gì cho đời không?”, “Sách của thầy trước năm 1975 có những ai đọc? sau năm 1975 sẽ có những ai đọc?” và “Giới trẻ như con có ai đọc sách của thầy không?”.

“Những năm 1990, sách của cụ bị in lậu rất nhiều nhưng cụ không hề kiện tụng những đơn vị kinh doanh trái phép đó để đòi bản quyền, mà chỉ nói rằng: “Chắc vì họ cần nên mới làm vậy”. Và cụ nhờ người nhà đi mua những quyển sách đó về xem, rồi sửa lỗi những đoạn in sai, in thiếu. Điều này thể hiện tính rộng lượng, phóng khoáng trong con người cụ, đối với cụ sách là tài sản chung của mọi người chứ không phải của riêng một cá nhân nào cả”. – theo lời luật sư Võ Văn Quới.

Độc giả của cụ Nguyễn Duy Cần thường có hai loại: muốn tìm kiếm thông tin, kiến thức thông qua sách hoặc những người hâm mộ, muốn sống theo cách của cụ. Học trò trực tiếp của ông có thể kể: nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, bác sĩ – nhà thơ Trương Thìn, lương y Bùi Quốc Châu…

Thông tin từ NXB Trẻ cho biết, hiện ở Hà Nội có một CLB Đạo học miền Bắc lấy sách của Nguyễn Duy Cần làm sách giáo khoa, do một bạn thế hệ 9X chủ trì.

Trích dẫn sách

Lễ Ký có nói: “Ngọc bất trác, bất thành khí; nhân bất học, bất tri lý”. Có người dịch như vầy: “Ngọc chẳng mài, chẳng ra chi. Người mà chẳng học, trí tri đâu tường…”

Nhưng thế nào là “người có học”?

Có kẻ học đậu năm ba cấp bằng, có người đậu cử nhân, tiến sĩ… thế mà cũng còn bị người ta mắng cho là đồ “vô học”. Như thế thì “người có học” là người như thế nào? Chắc chắn, nó phải có một định nghĩa rõ ràng, nhưng thường được hiểu ngầm hơn là nói trắng ra.

Tôi có quen nhiều bạn đậu kỹ sư điện, thế mà trong nhà có máy điện nào hư, phải đi tìm những anh thợ máy điện đến sửa… Nếu ta bảo họ giảng nghĩa về điện học, thì phải biết, họ sẽ làm cho ta điếc óc… Tôi có biết nhiều ông giáo sư ở trường sư phạm ra, thế mà trong khi dạy học, họ không biết áp dụng một nguyên tắc sư phạm nào cả; học trò vẫn than phiền là giờ dạy của họ buồn ngủ muốn chết, không hiểu được gì cả… Rồi họ còn bảo: “Học trò mà học dở, không phải lỗi tại thầy”… Tôi cũng có thấy vài ông đậu bằng tiến sĩ hay thạc sĩ triết học, thế mà cách ăn ở với đời vụng dại như một người ngu, không hiểu chút gì về tâm lý của con người cả.

Ai ai, nếu để ý quan sát, cũng sẽ nhận thấy như tôi… Sự tình ấy không phải lỗi gì nơi những người ấy, họ là nạn nhân của chế độ nhà trường ngày nay, mà tôi sẽ bàn đến ở một nơi khác. Tôi chỉ muốn nói, những người có những bằng cấp nói trên đây, họ có hơn gì kẻ vô học không? Nếu có hơn là họ hơn về lý thuyết, nhưng về phần thực tế… họ đâu có hơn gì một con “Vẹt”. Nói cho đúng hơn, họ chỉ có “học” mà không có “hành”. Học là để biết. Biết, mà không thực hành được, cũng chưa gọi là “biết”. Tri và Hành cần phải hiệp nhứt mới được gọi là người “có học thức”.

Người xưa có ví: “Con chiên ăn cỏ, đâu phải để mà nhả cỏ mà là để biến thành những bộ lông mướt đẹp. Con tằm ăn dâu, đâu phải để mà nhả dâu, mà là để nhả tơ…” Học mà không tiêu hoá, có khác nào con chiên nhả cỏ, con tằm nhả dâu… Người ta rồi cũng chẳng khác nào cái máy thu thanh, chỉ lặp lại những gì kẻ khác đã nói… Học như thế, không có lợi ích gì cho mình mà còn hạ phẩm cách của con người ngang hàng với máy móc. Georges Duhamel có nói: “Đừng sợ máy móc của bên ngoài… hãy sợ máy móc của cõi lòng…”(42). Một xã hội mà con người chỉ còn là một bộ máy thì sứ mạng của văn hoá đã đến ngày cùng tận rồi… mà tinh thần loài người rồi cũng đến lúc diệt vong: có xác mà không hồn… Học mà đưa con người đến tình trạng ấy, tôi tưởng thà đừng học có hơn không? Cái hiểm trạng của xã hội ngày nay phần lớn phải chăng một phần nào đều do những bộ óc “học thức nửa mùa” ấy gây nên?

Thế thì, học và học thức không thể lầm lẫn với nhau được. Ta cần phải để ý phân biệt hai lẽ ấy.

Thật vậy, có những sự hiểu biết chỉ bám ngoài da mà không thể ăn sâu vào tâm khảm của ta. Nó chỉ là một nước sơn bóng nhoáng và chỉ là một lớp sơn thôi… Cái học của ta không có ảnh hưởng gì đến tâm hồn ta cả. Trái lại, cũng có nhiều thứ hiểu biết liên lạc với ký ức ta, với tư tưởng ta, với tình cảm dục vọng ta, nó hoà hợp với cái người tinh thần của ta không khác nào khí huyết tinh tuỷ đối với thân thể của ta vậy. Giữa những sự hiểu biết ấy và ta, có một thức tác động và phản động, xung đột nhau, hoà hợp nhau để thay đổi nhau và thay đổi luôn cả cái người của ta nữa…

Tôi muốn nói: giữa ta và những điều ta học hỏi phải có một sự tiêu hoá, hay muốn nói theo Kinh Dịch, phải có một việc thần hoá (thần nhi hoá chi) mới được.

Vậy, ta phải dành chữ “học thức” cho những bộ óc thông minh biết đồng hoá với những điều mình đã học. Như thế thì, học nhiều và học thức không giống nhau.

Phần đông chúng ta thường nhận lầm việc ấy. Chúng ta thường đánh giá con người theo cấp bằng của họ, những cấp bằng ấy phần nhiều là những cấp bằng trí nhớ: kẻ nào nhớ giỏi thì thi đậu. Sự nhận xét sai lầm này gây không biết bao tai hoạ cho loài người hiện thời.

Tóm lại, người học thức không phải cần biết thật nhiều, mà cần phải thật biết những gì mình đã biết.

“Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã” – Biết, thì biết là mình biết, không biết thì biết là mình không biết, ấy mới là thật biết. Học thức là một vấn đề thuộc “phẩm”, chứ không phải thuộc “lượng”.

Cái học mà đã được đồng hoá rồi thì không còn nói là cái học bên ngoài nữa. Cỏ mà bị chiên ăn rồi, không còn là cỏ nữa. Dâu mà bị tằm ăn, không còn gọi là dâu nữa.

Học, cũng như ăn.

Trích “Tôi Tự Học”

 

Tư tưởng của ta sở dĩ hoạt động, là nhờ những nhận thức của ngũ quan. Đem những giác-cảm ấy mà giải phẫu, lý luận là một điều rất hay cho sự tự chủ của ta sau nầy về những xúc động do ngoại giới gây nên.

Ta nên biết: Hình thái của ngoại vật thường làm cho tinh thần bên trong ta biến đổi. Đi vào trong một quán nước, hay một đền thờ, một tòa sứ không phải tâm hồn ta có một cảm giác như nhau. Vách sơn, bàn ghế, hình ảnh, cách bố trí của một toà thánh hay một dinh thự gây nơi lòng ta một cảm giác trang nghiêm tôn kính mà ta không thể có được khi bước vào quán nước đầu làng.

Nếu sự bất ngờ xui đến cho ta phải chứng kiến một cuộc án mạng hay tai nạn ghê hồn nào, tự nhiên ta xây mặt chỗ khác Đó là một cử động không ở dưới quyền của ý thức.

Cách ăn mặc, dáng đi đứng của người, khiến ta đối đãi với họ, có những cử chỉ như thế này, hoặc như thế kia.

Trời sẫm, khí lạnh bên ngoài làm cho tinh thần ta uể oải, buồn chán Nhiều vật, rờ đến, khiến cho ta khó chịu hay sợ sệt Có người sợ da cóc, sâu, dế một cách hết sức vô ý thức.

 

Không phải đi tìm nó, nhưng nếu phải gặp nó, thì hãy trấn tĩnh lại, ngó ngay vào nó và đừng sợ nó nữa. Dùng lý luận mà thắng những cái cử động vô ý thức đó.

Nếu có sự náo nhiệt, ồn ào, xe chạy hay máy rồ làm cho thần kinh ta khó chịu đừng nhăn mặt, nhíu mày, tỏ vẻ bực bội khó chịu gì cả. Hãy lẳng lặng nghe tiếng còi nhà máy, hay tiếng xe chạy đi! Bạn sẽ thấy, rồi cũng không có cái chi là khó chịu nữa.

Nếu có một hơi nồng, hôi hám, hãy tìm cách dời cái gốc làm cho hôi thúi ấy đi nơi khác, nếu ta biết nó có hại; bằng không, thì đừng có sợ nó mà bịt mũi nhăn mày. Hãy tự nhủ: “Ta không để cho cái vật vô nghĩa nầy làm náo động lòng ta”.

Ăn uống, ta ưa món nầy, chê món kia. Nếu biết món ăn ấy có ích cho ta, nhưng ta không thích, hãy cứ ăn món ấy và tự nói: “Ta nhất định không để thị dục ta ưa muốn cái điều ta biết là không có ích”. Ta không khứng để dục vọng ta làm chủ lấy ta nữa. Đang khi một món ngon lành khích động làm cho ta thèm thuồng nhểu dãi, thế mà ta lại “thắng” được nó ngay, đâu phải là một việc dễ dàng. Ăn kiêng cữ hoặc ăn chay theo các thầy tu, cũng là một lối rất hay để tập cách tự chủ lấy thị dục của mình.

Toàn là những việc nhỏ nhặt Tuy vậy, các bạn cũng nên biết: Một cục đá, một giọt nước là nhỏ, nhưng nhiều cục đá, nhiều giọt nước mới làm nên trường sơn đại hải; một bước là vắn, nhưng nhiều bước hiệp lại, thì ngàn dặm cũng không xa

Trích “Cái dũng của thánh nhân”

Bác sĩ Toulouse nói: “Quan sát là lựa chọn.”

Đúng như thế. Trong mớ cảm giác hỗn tạp của ta, ta cần phải kiểm tra lại, lượt bỏ những cái nào không quan hệ đến vấn đề ta đang đeo đuổi, và phải biết chọn lựa cái nào chánh cái nào phụ mà dùng. Tỉ như ta đang cầm tay bánh xe hơi đi trên một con đường chật. Những giác quan của ta bấy giờ chỉ đưa lại cho ta những cảm giác nào có ích cho ta trong sự điều khiển chiếc xe, ngoài ra đều bị loại ra khỏi trí thức. Có khi ta gặp người quen chào ta, mà ta đâu có thấy. Một cách hữu tâm, ta chỉ chọn lựa những cái chi cần yếu cho ta thôi. Ta chỉ để ý đến cái thắng xe, cái còi xe, tay bánh, và coi chừng những trở ngại trước đầu xe. Tai ta chỉ lóng nghe tiếng còi xe khác có thể trong góc đường đi ra, mắt ta chỉ trông chừng những người đi đường có bỏ lề mà đi càn ra giữa lộ chăng… Những cảm giác khác, ta bỏ cả ra ngoài. Nhà họa sĩ, cũng thế. Họ bỏ cả những cảm giác do lỗ tai họ đưa lại, và chỉ chú ý về những cảm giác của con mắt thôi: nào là đường thẳng, đường cong, hình tròn, hình méo hoặc màu sắc đậm lợt v.v… Đến như về phần làm việc bằng trí thức, như viết một bài báo hay một quyển sách nào, người ta có thể thu cả tinh thần vô công việc đang làm, sự hoạt động về giác quan đều ngưng lại. Cũng như khi ta đang đeo đuổi theo một ý nghĩ nào, chung quanh ta bấy giờ đối với ta dường như không có gì cả. Càng chăm chú vào một công việc gì, người ta lại càng không để tâm đến những cảm xúc của giác quan.

Quan sát, tức là biết lựa chọn những cảm giác nào có ích cho ta, những cái vô ích đều phải biết bỏ ra ngoài vòng của trí thức. Nếu bất kỳ cảm giác nào cũng nhận thức cả, thì chỉ làm cho tâm trí ta càng thêm hỗn độn mịt mờ.

Trong đời sống hàng ngày, biết bao cảm giác không có ích cho ta, đều bị loại ra khỏi trí thức, nhưng được giữ lại tiềm thức. Nếu có thời giờ, ta cũng nên học âm nhạc để tập giác quan của lỗ tai, học vẽ để tập giác quan của đôi mắt. Mỗi một giác quan mà được tinh sắc thêm lên là một điều kiện tăng tiến trí lực. Sự giáo dục giác quan và giáo dục trí thức phải cùng đi chung với nhau luôn mới đặng.

Trích “Óc sáng suốt”

Vnwriter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button