Nhân vật

Nữ triệu phú Mỹ: Thành công là sự thất bại lật ngược

Làm thế nào để trở thành người phụ nữ giàu nhất tự vươn lên từ hai bàn tay trắng trong giới bất động sản (BĐS) của Mỹ? Đối với Dorothy Herman, con đường đến thành công bắt đầu từ việc vượt qua bi kịch thời thơ ấu, rồi một mình nuôi đứa con gái nhỏ khi chỉ vừa bước sang tuổi thành niên.

Dorothy Herman gia nhập danh sách những người phụ nữ giàu nhất tự vươn lên trong năm 2016 của Forbes, với tài sản có giá trị ròng khoảng 270 triệu USD. Tất cả đều nhờ “đế chế” môi giới BĐS mà bà thành lập vào những năm 1990, đầu tiên là Prudential Long Island Realty và sau này là Công ty môi giới Douglas Elliman.

“Bạn phải thật tâm huyết với điều mà bạn muốn thực hiện. Không phải tôi lớn lên và vẫn luôn mong ước trở thành một nhà buôn bất động sản. Tôi chưa từng nghĩ tới điều đó. Cơ hội ấy tự tìm đến với tôi và tôi nghĩ nhiều người thường không nắm bắt nó hoặc sợ làm điều đó. Họ sợ thất bại. Tôi không như vậy”, Herman nói với Forbes.

Herman, 63 tuổi, đã làm ra một khối tài sản lớn qua việc kinh doanh những ngôi nhà tỷ đô cho những người giàu nhất của New York ở Hamptons và Manhattan. Là nhà đồng sở hữu và CEO, bà đã dẫn dắt Douglas Elliman bán được những ngôi nhà với tổng giá trị 22 tỷ USD trong năm 2015, tổng giá trị ròng có được là 600 triệu USD. Hiện nay, doanh nghiệp này có hơn 6.000 nhân viên tại 85 đại lý trên toàn quốc. Công ty còn liên kết với Công ty tư vấn môi giới Knight Frank ở London để mở rộng phạm vi tới khách hàng tiềm năng ngoại quốc.

Theo thống kê hàng năm của REAL Trend, Douglas Elliman là doanh nghiệp môi giới lớn thứ tư của Mỹ. Nó cũng là doanh nghiệp lớn nhất tại thành phố New York. Herman và cộng sự của bà Howard Lober – CEO của Công ty cổ phần thương mại Vector Group đã mua lại Douglas Elliman với giá 72 triệu USD vào năm 2003. Vào thời điểm đó, lợi nhuận của nó chỉ là 100 triệu USD từ tổng doanh thu 4 tỷ USD.

Cuộc đời của Herman – tên khai sinh là Dorothy D’Ambrosio – là một câu chuyện cổ tích, một người vươn tới sự giàu sang từ đống giẻ rách. Khi Herman 10 tuổi, gia đình bà gặp tai nạn giao thông khi đang trên đường quay về Long Island từ một khu trượt tuyết ở Vermont. Mẹ của bà chết trong vụ tai nạn, bố bị tàn tật. Trong những năm sau đó, Herman – người bị hất văng khỏi xe lúc gặp tai nạn, bị chứng rối loạn co giật.

Bà đã vật vã để vượt qua khó khăn, chăm lo cho hai người em trong thời gian 2 năm trước khi người bố bình phục.

Nữ triệu phú tự thân Dorothy D’Ambrosio

Khi phải làm mẹ ở tuổi 19, bà nghỉ học tại Đại học Aldephi, nhưng đã quay lại sau một thời gian ngắn, với mục tiêu kiếm được nhiều tiền hơn và được cấp bằng trong mảng lập kế hoạch tài chính.

Sau khi tốt nghiệp, bà làm nhà môi giới BĐS ở một chi nhánh của Merrill Lynch ở Long Island. Merrill Lynch sau đó bị loại ra khỏi thị trường BĐS và bán cho Prudential vào năm 1989. Nhờ sự động viên của đồng nghiệp, Herman quyết định rằng bà có thể tự quản lý công ty của chính mình. Vấn đề là khi đó bà không có đủ tiền. Bà đã thuyết phục Prudential cho bà vay 7 triệu USD để mua lại công ty và hoàn tất việc này vào năm 1990.

Giờ đây, sau 13 năm gia nhập vào thị trường Manhattan, Herman đang ngày càng mang lại sự nổi tiếng cho nhãn hiệu Douglas Elliman, và không có dấu hiệu nào cho thấy công ty và cá nhân bà đang giảm tốc.

Dưới đây là cuộc trao đổi của bà với Forbes, về sự thất bại, những lời khuyên cho kinh doanh và những điều gây cảm hứng cho bà:

Nguyên tắc nào bà thích xóa bỏ nhất? – Tôi làm những gì tôi cho là đúng đắn nhất, và xin sự tha thứ sau.

Câu nói ưa thích nhất? – Thành công là sự thất bại lật ngược. Nếu bạn sợ thất bại, bạn sẽ chẳng bao giờ thành công.

Mục tiêu tiếp theo trong kinh doanh của bà là gì? – Thúc đẩy kinh doanh BĐS kiếm được nhiều tiền hơn. Nếu bạn là một nhà môi giới, bạn là nhà thầu độc lập. Nếu bạn làm môi giới chứng khoán, bạn có thể bán dữ liệu. Mục tiêu của tôi dành cho ngành công nghiệp này là các nhà môi giới có thể bán BĐS của chính khách hàng của họ, để khi bắt đầu tính chuyện nghỉ hưu, họ không chỉ có thể mua được một chiếc đồng hồ vàng.

Mục tiêu riêng mà bà muốn thực hiện là gì? – Thành lập một tổ chức phi lợi nhuận dành cho những người phụ nữ muốn trở thành doanh nhân. Hiện nay chúng ta chưa có đủ những tấm gương lớn.

Nguồn cảm hứng của bà? – Howard Lober – cộng sự của tôi, vì anh ấy tin tưởng tôi ngay từ khi tôi vẫn chưa là ai cả.

Bà thường đi ngủ và thức dậy vào lúc nào? – Tôi không đặt đồng hồ báo thức. Sẽ rất may mắn nếu tôi có thể ngủ ba tiếng. Tôi đi ngủ vào 2:30 sáng và dậy lúc 6:15.

Lời khuyên số một cho năng suất làm việc của bà là gì? – Nếu bạn có một tầm nhìn, hãy theo đuổi nó.

Bà sẽ nói gì với phiên bản của mình năm 20 tuổi? – Đừng bao giờ để người khác nói rằng bạn không thể làm được điều gì đó.

TAYLOR NGUYEN

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Một 27, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button