Nhân vật

Thói quen lập dị của các thiên tài thế giới

Ngoài sự thông minh xuất chúng, tạo ra nhiều phát minh vĩ đại, các thiên tài nổi tiếng thường có tính cách, thói quen rất quái gở, khó hiểu.

Cụ thể, Thomas Edison, nhà toán học Pythagoras, nhà bác học thiên tài Albert Einstein, nhà văn Honore de Balzac… có những thói quen khác người.

Thomas Edison lựa chọn cộng sự kỳ quặc

Để trở thành cộng sự nghiên cứu của nhà bác học Thomas Edison, ứng viên phải vượt qua quá trình phỏng vấn khó khăn, bao gồm ăn bát súp trước sự giám sát của Edison.

Nếu ai đó thêm muối vào món súp trước khi nếm thử, ngay lập tức, họ bị loại. Thử thách này nhằm loại bỏ những người thường khởi đầu với quá nhiều giả định.

Edison cũng có thói quen chia giấc ngủ thành nhiều giai đoạn trong ngày với giấc ngủ ngắn. Mục đích của việc này nhằm tăng năng suất làm việc. Tuy nhiên, các thí nghiệm chứng minh rằng cách ngủ này không đem lại kết quả như mong muốn.

Nhà toán học Pythagoras ghét đậu

Được mệnh danh “cha đẻ của ăn chay”, nhà toán học Hy Lạp Pythagoras hoàn toàn không ăn thịt, chỉ ăn rau. Tuy nhiên, thiên tài này lại không có tình yêu với các loài cây họ đậu. Ông từ chối ăn những thứ liên quan đậu, thậm chí cấm các học trò của ông ăn hoặc động vào chúng.

Không ai biết rằng liệu những ác cảm này có xuất phát từ lý do sức khỏe hay niềm tin tôn giáo nào của Pythagoras không. Nhưng chính ác cảm này đã gây ra cái chết của nhà toán học thiên tài.

Theo các tài liệu, những kẻ tấn công phục kích Pythagoras nhưng ông thà chết chứ không chạy qua một cánh đồng trồng đậu.

Albert Einstein khỏa thân đi lại trong nhà

Thời còn nhỏ, Einstein là đứa trẻ khờ khạo, chậm nói. Mặc dù vậy, sau này, nhà bác học lại cho rằng sự phát triển chậm chạp giúp ông có nhiều cơ hội để suy nghĩ về các yếu tố cơ bản như không gian và thời gian. Sự tò mò về những điều đó khiến ông luôn đặt ra những câu hỏi lạ lẫm và dẫn đến những đột phá như thuyết tương đối.

Tài xế của nhà bác học kể, ông từng tận mắt thấy nhà bác học Einstein nhặt một con châu chấu trên đất và bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến.

Einstein không muốn mất tiền cho những người cắt tóc nên thường nhờ vợ cắt hộ. Ông đặc biệt thích ăn trứng và mỗi lần ăn ít nhất 2 quả, có thể là trứng rán hoặc trứng bắc.

Ông cũng rất nghiện ăn nấm và ăn tới 3 lần mỗi ngày. Người giúp việc của vị thiên tài cũng cho biết, Einstein có sở thích kỳ lạ là thường khỏa thân và đi dạo quanh khuôn viên nhà.

“Có lẽ ông ấy không quan tâm chuyện mặc quần áo hoặc có thể ông ấy không nhớ là mình chưa mặc gì”, người giúp việc nói.

Nhà văn Honore de Balzac nghiện cà phê nặng

Honore de Balzac tiêu thụ lượng lớn cà phê mỗi ngày

Theo Listverse, nhà văn người Pháp Honore de Balzac nghiện cà phê rất nặng. Ông thường uống tới 50 cốc cà phê mỗi ngày và hầu như không ngủ trong lúc viết ra kiệt tác “Tấn trò đời”.

Trong một tác phẩm, nhà văn từng viết :”Cà phê chảy vào dạ dày, mọi thứ xáo trộn lục bục. Ý tưởng bắt đầu tuôn trào như một đội quân và trận chiến nổ ra. Mọi thứ ập đến như ngựa phi nước đại và theo sau là những cơn gió”.

Yoshiro Nakamatsu – đưa cơ thể đến giới hạn cận tử để sáng tạo

Tiến sĩ người Nhật Yoshiro Nakamatsu, người sở hữu tới 3.300 phát minh sáng chế trong suốt 74 năm cuộc đời. Đặc biệt, việc phát minh ra đĩa mềm năm 1952 đã thay đổi hoàn toàn phương thức lưu trữ thông tin của con người.

Nhiều ý tưởng sáng tạo của Nakamatsu được tạo ra trong lúc ông tự làm cho mình gần chết đuối. Vị thiên tài này tin rằng, nếu não thiếu không khí trong thời gian đủ lâu, nó sẽ hoạt động mạnh nhất.

“Để khiến não bị thiếu oxy, tôi thường phải lặn sâu và làm áp lực nước tác động tới não. Khoảng 0,5 giây trước khi chết, tôi thấy ý tưởng lóe sáng”, tiến sĩ Nakamatsu kể.

Ngoài ra, ông còn có một căn phòng yên tĩnh để suy nghĩ mọi thứ, lát gạch vàng 24 karat. Vị tiến sĩ tin rằng những viên gạch vàng giúp chặn sóng vô tuyến gây nguy hại đến quá trình sáng tạo.

Charles Dickens kỹ tính quá mức

Charles Dickens là nhà cải cách xã hội và nhà văn người Anh. Một nhân viên của ông kể rằng, Dickens không thể chịu nổi khi một lọn tóc của ông không vào nếp.

Ông luôn mang theo lược và chải tóc hàng trăm lần mỗi ngày. Ông cũng luôn yêu cầu sắp xếp các tác phẩm của mình theo một thứ tự nhất định.

Nhà văn này còn có thói quen đi lại trong lúc sáng tác và giao việc ghi chép lời văn cho một trợ lý. Đôi khi, trợ lý phải viết đi viết lại câu văn, đổi thứ tự từ ngữ nhiều lần trước khi có được câu hoàn chỉnh.

Tống Hoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button