Nhân vật

Trần Lập – rock trong nhạc và rock ở cuộc đời

Âm nhạc và cuộc đời Trần Lập là một sự nhất quán cao để khi tìm đến, ai cũng có thể thấy trong đó ngọn lửa đam mê, tình yêu cuộc sống mãnh liệt.

Với giới sinh viên Hà Nội nói riêng, khán giả nói chung, khoảng nửa cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000, cái tên Trần Lập và ban nhạc The Wall – Bức tường – là hiện tượng đã để lại dấu ấn đẹp, sâu đậm trong ký ức một thời tuổi trẻ.

Thập niên 1990, khi giới trẻ Hà Nội đang thần tượng những ban nhạc rock kinh điển của thế giới, Bức Tường xuất hiện như một làn gió mới. Những anh chàng mặt non choẹt, ăn mặc và đầu tóc có phần quá lịch sự so với một Rocker thứ thiệt trong hình dung của nhiều tín đồ rock thời đó, đã tạo nên cơn sốt. Họ khiến cho khán giả cảm nhận được tiếng Việt có thể chuyển tải một chất rock cuồng nhiệt và rất đời, rất tình.

Trần Lập – linh hồn của ban Bức Tường – vừa qua đời sau một thời gian mắc bệnh nan y. Nhìn lại cuộc đời 42 năm của anh, có thể thấy âm nhạc và con người anh như hòa quyện làm một. Cuộc đời phong trần, bươn chải đã định hình một phong cách âm nhạc Trần Lập. Ngược lại, từ âm nhạc, người ta hiểu hơn về một con người luôn dám ước mơ, dám theo đuổi hoài bão, biến điều không thành có.

Ca sĩ Trần Lập (1974-2016).

Con đường âm nhạc

Trong cuộc đời 42 năm, Trần Lập có hơn 20 năm sống cùng âm nhạc. Nhưng hạt giống âm nhạc đã nảy mầm trong anh từ ngày bé khốn khó. Từ một thanh niên có một giai đoạn lêu lổng, mất phương hướng, hạt giống âm nhạc và tính thiện trong bản chất đã vực anh dậy và đổi đời bằng nghệ thuật. Xuất thân từ một ca sĩ hát nhạc sàn nhảy, Trần Lập nỗ lực tầm sư học đạo, học hỏi mọi lúc mọi nơi để đến với con đường ca hát chuyên nghiệp, chạm đến ước mơ thành lập một ban nhạc riêng.

Từ một người tay trắng như Trần Lập, việc anh có thể tập hợp bạn bè để ra đời ban nhạc Bức Tường đã chứng minh được ý chí của một người trẻ dám nghĩ, dám làm. Ngày 26/3/1995, ban nhạc Bức Tường ra đời dưới hình hài đội văn nghệ của Đoàn Thanh niên Đại học Xây dựng. Hôm đó, hội trường hơn 300 sinh viên Đại học Xây dựng như vỡ tung khi sáu chàng trai – Trần Lập, Tuấn Hùng, Đức Hiệp, Ngô Đình Hải, Nguyễn Hoàng, Vũ Văn Hà xuất hiện trên sân khấu, chơi đàn và hát một lèo hàng chục bài cover: Let’s Twist Again, Ngọn lửa cao nguyên, Knife, Have You Ever Seen the Rain và Holiday…

Từ ngày mang đậm dấu mốc lịch sử đó, ban Bức Tường lần lượt có nhiều buổi solo tại nhà thi đấu Đại học Xây dựng Hà Nội với những buổi diễn “máu lửa”. Hàng nghìn sinh viên Đại học Bách Khoa, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kiến trúc… đã choáng trước hình ảnh những Rocker Việt, với anh chàng Trần Lập có thể hát solo từ 18-20 bài trong một đêm nhạc.

Trần Lập (giữa) bên các anh em trong nhóm Bức Tường vào những năm 1990. Vài thành viên trong nhóm có sự thay đổi theo quá trình phát triển nhiều thăng trầm của Rockband này. Dù thay đổi thế nào, Trần Lập vẫn luôn là thành viên nòng cốt, là “linh hồn” của nhóm. Ảnh trích sách “Trần Lập – Bên kia bức tường” (Nhà xuất bản Thời Đại và Nhã Nam).

Thời sinh viên còn sính nghe nhạc ngoại, nhạc rock nước ngoài là mốt, Bức Tường – mà trong đó “linh hồn” là Trần Lập – đã mày mò tự sáng tác ca khúc cho riêng mình. Trần Lập từng tâm sự về chuyện anh viết Rock bằng tiếng Việt và nhận những lời dè bỉu, chê bai, lời ra tiếng vào của những người không tin là ban nhạc của anh làm được. Với nhiều người thời đó, Rock là phải được viết bằng tiếng Anh. Rock là phải gào thét, quằn quại, rũ rượi, lạnh lùng… mới hợp “mốt”.

Trước nhiều áp lực, Trần Lập vẫn tự tin, bình tĩnh tìm con đường cho mình. Anh đảm nhận vai trò sáng tác và hát chính với hơn 50 ca khúc được đông đảo khán giả yêu mến như Trở về, Dế mèn, Tâm hồn của đá, Mắt đen, Cây bàng, Bông hồng thủy tinh, Đường đến ngày vinh quang…

Những nhạc phẩm ấy đã giải một “cơn khát” cho giới trẻ Việt. Các bài hát vừa hừng hực khí thế, vừa gợi nhiều suy tư, trăn trở và màu sắc chủ đạo vẫn luôn là sự lạc quan, tin vào tình yêu, cuộc sống, ý chí, bản lĩnh của mỗi con người. Rất nhiều nhạc phẩm được Trần Lập viết vào thời kỳ anh chịu quẫn bách về tài chính giai đoạn ban nhạc mới thành lập. Một Rockband đầy đam mê, muốn cống hiến nhưng không có thành viên nào sắm nổi cho mình một nhạc cụ. Trong thời gian dài, cả ban phải chạy vạy, lúc mượn, lúc thuê nhạc cụ để đi diễn. Một ban nhạc mà những người trẻ chỉ đủ tiền gặm chiếc bánh mì, dưa chuột, gói xôi lạc để cầm hơi… trước giờ chờ lên sân khấu “bùng cháy” với khán giả.

Nhưng nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, vất vả để duy trì ban nhạc không thấm vào đâu so với tuổi trẻ phơi phới của Trần Lập và các thành viên trong ban. Trần Lập đã có những Bông hồng thủy tinh, Cây bàng, Trở về… trong giai đoạn khốn khó của anh. Có những lúc Bức Tường thăng rồi lại trầm, có những lúc Trần Lập phải tất tả ngược xuôi mượn tiền để duy trì tình yêu âm nhạc, có những lúc các thành viên trong ban xáo trộn và lục đục… Tất cả những hỉ, nộ, ái, ố là chất liệu để anh trộn lẫn cảm xúc vào sáng tác.

Ca từ của anh không bi quan và không có những nỗi buồn, thương ủy mị. Ở đó là lời nhắn nhủ tuổi trẻ đối mặt với cuộc sống, tình yêu với một thái độ sống tích cực. Ở đó, chất bụi bặm của cuộc đời, sự trong veo, phóng khoáng của tuổi trẻ kết tinh nên những Bông hồng thủy tinh đẹp nhất. Ở đó, những Tâm hồn của đá không có chỗ trụ ngụ, bởi anh muốn sức nóng của bầu nhiệt huyết trong các ca khúc của mình có thể phá tan lớp băng phủ lên sự vô cảm.

Bỏ qua những khái niệm về Hard Rock, Slow Rock, Power Rock, những phê bình mang tính chuyên môn và lý thuyết về thể loại âm nhạc, ngay cả với những người không quen với Rock, ca khúc của Trần Lập vẫn có thể chạm đến trái tim họ. Mỗi bài hát là một câu chuyện cuộc sống đầy nhân văn, đậm chất Việt.

Trong các sáng tác của Trần Lập, Đường đến ngày vinh quang được đánh giá là ca khúc thành công, ghi đậm dấu ấn của Bức Tường và cá nhân anh. Ca khúc tràn đầy nhiệt huyết này thể hiện ý chí mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn để vươn đến những đỉnh cao. Tại các sự kiện xã hội, văn hóa, thể thao, khi lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới cũng là lúc giai điệu và ca từ quen thuộc của Đường đến ngày vinh quang vang lên.

Thứ âm nhạc ấy luôn lẩn khuất trong trái tim khán giả. Nó có thể vang lên trong bất cứ hoàn cảnh nào một cách tự nhiên nhất. Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, Bức Tường cũng được coi là ban nhạc có số lượng người hâm mộ lớn nhất và hoạt động bền bỉ nhất.

Tháng 12/2006, đối mặt với bối cảnh khó khăn chung của giới rock, của môi trường âm nhạc và từ giới tổ chức biểu diễn, ban nhạc Bức Tường tuyên bố chấm dứt biểu diễn. Dù không còn hoạt động, mỗi thành viên trong nhóm, nhất là Trần Lập, hiểu rõ họ sẽ không bao giờ rời xa được âm nhạc. Con đường âm nhạc – hành trình âm nhạc của Trần Lập từng được anh ví von như hành trình trèo lên từng nấc thang. Nấc thang để một người vô danh vươn lên trở thành một Rocker hàng đầu Việt Nam là nấc thang đầy chông gai. Hành trình đó truyền một nghị lực sống mạnh mẽ.

Hình ảnh lạc quan của Trần Lập trong những lúc khó khăn trên giường bệnh truyền một tinh thần và nghị lực sống mạnh mẽ.

Nghị lực ấy không dừng ở âm nhạc mà chính là cuộc đời của Trần Lập. Ngày 4/11/2015, Trần Lập phát hiện mắc bệnh ung thư. Anh đi vào cuộc chiến cuối đời như một chiến binh thực thụ. Ở Trần Lập, sự kiên cường và lạc quan toát ra như chính hơi thở của anh, mọi sự cố gắng đều ẩn giấu bên trong để với bên ngoài, chỉ có nụ cười, sự khích lệ người thân, bạn bè, gia đình, vợ con. Chưa bao giờ làng nhạc đương đại Việt Nam có một đêm nhạc đẹp như Đôi bàn tay thắp lửa. Chủ nhân chính của đêm nhạc là người biết rằng sự sống của mình trên cuộc đời chỉ còn rất ngắn ngủi. Vì thế, nụ cười của anh, những lời anh nói, bài hát của anh có một sức tác động kỳ lạ đến hàng nghìn khán giả đang hòa nhịp.

Gần hai tháng trước khi mất, bất chấp thời tiết rét mướt của Hà Nội, thủ lĩnh nhóm Bức Tường vẫn bình tĩnh trò chuyện với các em nhỏ đang vượt qua cơn bạo bệnh, trao tay các em và phụ huynh từng món quà. Một trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, Trần Lập vẫn cố gắng làm một việc có ích. Cuộc đời anh đã trở thành một bài học cuộc sống quá đẹp.

27 tuổi, huyền thoại Rock – Kurt Cobain – tự sát với một cú bắn vào đầu và lá thư tuyệt mệnh, trong đó có dòng: “… tôi không còn đam mê nữa…”. Thật trớ trêu, đam mê, niềm yêu sống, niềm yêu âm nhạc, yêu gia đình, yêu bạn bè của Trần Lập là điều chưa bao giờ mất đến tận những ngày anh sắp từ giã cuộc đời. Nhưng anh đã bị số phận giáng cho một cú chí mạng. Tuy nhiên, hành trình về nghị lực và đam mê của Rocker ấy sẽ không bao giờ dừng lại, sẽ vẫn còn những người trẻ hát và nhớ: “Vì đời là những chuyến đi dài, những giấc mơ dài để được sống với đam mê, dẫu có thác ghềnh… Vượt qua bao nhiêu khó khăn, thử thách trên những chặng đường”.

Thoại Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button