Nhân vật

Uông Triều: Nhà văn nghiện sách

Theo “mọt sách” Uông Triều, đọc sách không chỉ giúp ích cho công việc, giải trí, mà còn cung cấp thêm nhiều trải nghiệm cho người đọc.

Nhà văn Uông Triều là một mọt sách chính hiệu. Anh không chỉ đọc nhiều sách văn chương, lịch sử mà còn chia sẻ những cảm nhận về sách của mình trên trang mạng xã hội như một gợi ý cho bạn bè khi tìm mua những cuốn sách mới. Mỗi bài viết về sách của anh nhận hàng trăm lượt yêu thích và nhiều lượt chia sẻ.

Nhà văn trò chuyện, chia sẻ về sở thích của mình và nhiều câu chuyện khác về văn đàn Việt Nam.

Nhà văn Uông Triều. Ảnh: Tần Tần

– Anh đến với sách vở, văn chương từ khi nào?

– Hồi bé, nhà tôi ở gần một nông trường quốc doanh, trong nông trường có thư viện nên tôi thường đến để đọc sách. Tôi đọc hầu hết mọi thứ tìm thấy trong thư viện, từ Nghìn lẻ một đêm, Không gia đình (Hector Malot)… tới các tác phẩm Việt Nam như Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi)…

Lớn hơn, bẵng đi một thời gian tôi không đọc. Cho tới khi trở thành giáo viên, tôi có mong muốn mãnh liệt là được viết văn. Tôi đọc sách trở lại, để học hỏi.

– Và anh trở thành “mọt” sách từ đó?

– Vốn không được đào tạo về văn chương, tôi phải đọc để bù đắp kiến thức. Ý đồ của tôi là đọc sách để bổ sung, hỗ trợ cho việc viết của mình. Càng đọc tôi càng phát hiện ra tri thức là mênh mông.

Không chỉ đọc những cuốn mọi người giới thiệu, khi đọc một bài phê bình văn chương, nhà phê bình có nhắc tới những cuốn sách khác, tôi phải tìm đọc những cuốn sách ấy. Bởi tôi cảm thấy không đọc những cuốn đó thì không đủ tự tin để hiểu về văn chương.

Ban đầu tôi khá hoang mang, thấy mênh mông bể sở những thứ cần đọc. Nghiến ngấu từng ngày, dần dần tôi thấy những cuốn sách cần phải đọc đều đã đọc, khi đó tôi đã tự tin để viết.

– Như vậy, anh đọc sách để phục vụ công việc viết lách. Khi đọc sách có mục đích, những cuốn sách giúp gì cho anh?

– Phải nhắc lại một câu rất cũ rằng sách trang bị cho mình kiến thức. Ví dụ, văn học hậu hiện đại có những người tiên phong. Nếu mình muốn viết theo kiểu hậu hiện đại mà chưa đọc những người tiên phong đó thì mình không yên tâm để viết, phải đọc họ để biết họ viết gì, mình cần làm gì… Sách lúc này như người thầy.

Một số người làm công việc viết mà không tìm hiểu công việc đó tới tận cùng cho kín kẽ. Có người cứ nghĩ mình viết tốt, viết mới mà không biết thế giới họ đã làm lâu rồi. Nguy hiểm hơn là không đọc nên họ không biết mình là ai.

– Đọc để phục vụ công việc, nghe có vẻ khá thực dụng?

– Nghe có vẻ vậy, nhưng đọc trước hết là một nhu cầu tự thân. Ngoài việc đọc để học hỏi, đọc sách là một niềm yêu thích vô bờ.

Đọc một cuốn sách hay sẽ mang lại sự bình yên cho tâm hồn rất nhiều. Lúc buồn nhất, gặp sự cố hay vấn đề gì, tôi chỉ cần đọc vài trang, lập tức sách làm cho mình tĩnh lại, bớt tức giận, uất ức, dịu đi mớ bòng bong…

Thêm nữa, sách có điểm rất hay là giúp ta sống nhiều cuộc đời. Đọc sách giúp ta chứng kiến những cảnh ngộ, cuộc đời mà ta chưa trải qua, trong khi tác giả đưa ra cách lý giải tường tận, qua đó mà ta tích lũy thêm vốn sống.

– Anh có bao nhiêu cuốn sách?

– Giá sách ở nhà tôi khoảng 3.000 cuốn. Tôi có để giá sách ở cơ quan nữa. Có những cuốn tôi không đọc được hết, có cuốn đọc đi đọc lại vài ba lần. Trung bình mỗi tháng đọc được ba, bốn cuốn.

Có những cuốn sách đọc lần một rất hay, đọc lần hai lại thấy rất dở. Rất hiếm cuốn đọc tới lần thứ ba mà vẫn thấy hay. Đó phải là cuốn hết sức đặc sắc, có chiều sâu. Tôi đặc biệt thích tác phẩm của Cao Hành Kiện, Milan Kundera, đọc đến ba lần chưa chán. Ngược lại, một số cuốn lúc trước mình rất thích nhưng giờ không đọc được nữa.

Một chia sẻ về sách của Uông Triều đều có rất nhiều lượt chia sẻ. Ảnh: chụp màn hình.

– Anh dành thời gian như thế nào cho việc đọc ?

– Thời gian của tôi chủ yếu dành cho việc đọc và viết. Khoảng bốn năm nay tôi không đi dạy mà chuyển hẳn sang viết lách. Công việc chính của tôi là biên tập mảng Văn học nước ngoài của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, nên cứ làm xong việc là đọc, mọi lúc.

Tôi hầu như không xem tivi, vào mạng xã hội cũng không nhiều. Hễ rảnh là tôi đọc. Đọc trong giờ nghỉ trưa, trong túi lúc nào cũng có sách nên trong lúc chờ vợ đi chợ, shopping tôi cũng có thể giở sách ra đọc.

– Cách đọc sách của anh có gì khác biệt?

– Không có gì đặc biệt, ngoại trừ việc tôi thường đọc ba, bốn cuốn sách cùng một lúc, chứ không đọc xong cuốn này mới chuyển cuốn kia.

Nhiều người nói đọc thế làm sao hiểu được. Nhưng đọc đến mức độ nào đó, ta chỉ cần cảm thấy cái hay cái cần của cuốn sách đó. Nếu đọc cả ngày một cuốn thì ớn. Nếu ta đọc một lúc vài cuốn, nó giúp ta làm một thao tác là so sánh, đối chiếu giữa các tác phẩm.

– Một tác phẩm như thế nào thì đủ sức lay động một “mọt sách”?

– Một cuốn sách đủ sức lay động tôi lúc này là tác phẩm có nhiều tầng lớp nghĩa, không chỉ hay ở bề mặt câu chữ mà vốn văn hóa, lịch sử, tri thức được tác giả ngầm cài cắm trong đó.

– Có vài ngàn cuốn sách trong nhà, tức là tiền mua sách của anh không nhỏ?

– Không nhỏ, nếu không muốn nói là tốn kém. Có khi cả tháng trời tôi không mua gì, nhưng có lúc người ta xuất bản nhiều sách hay thì mua kha khá. Tôi thường được bạn bè tặng sách, và cũng thường xuyên mua sách để tặng cho mọi người.

Có khi, cần một cuốn sách hiếm, cũng phải mua với giá cao hơn giá bìa nhiều lần. Nhiều lúc, tôi vét những đồng cuối cùng trong ví để mua sách. Đọc sách như nghiện ấy. Thấy nó mà không mua thì bức xúc lắm.

Tiểu thuyết Người mê của Uông Triều. Ảnh: Tần Tần

– Anh nói rằng ít vào mạng xã hội và Internet để dành thời gian cho đọc. Vậy điều gì khiến anh lập trang cá nhân và chia sẻ về những cuốn sách?

– Tôi nhớ giai đoạn đầu mới đọc, bản thân hoang mang và phải trả giá vì đọc phải nhiều cuốn dở, không ai hướng dẫn. Bây giờ có chút kinh nghiệm rồi, tôi muốn chia sẻ để mọi người không chọn nhầm sách, không phí tiền mua và thời gian đọc cho những cuốn sách dở, sách không phù hợp với họ, và để chỉ ra những cuốn hay nữa.

– Việc chia sẻ, giới thiệu sách hay mang lại cho anh những gì?

– Tôi giới thiệu sách xuất phát từ việc muốn chia sẻ, muốn nhiều người đọc, hoàn toàn không có áp lực vì được một công ty phát hành hay đơn vị nào nhờ. Bạn bè tôi khá nhiều người viết văn, tôi cũng tránh giới thiệu sách của họ dù có thích hay không, để giữ sự khách quan.

Sau một thời gian giới thiệu sách trên mạng, tôi nhận được khá nhiều lời mời kết bạn. Họ đều là những người thích đọc, thậm chí có cả những “cao thủ đọc” và những người có uy tín trong giới làm sách, văn chương.

Thường xuyên, có nhiều bạn còn gửi tin nhắn hỏi ý kiến tôi xem có nên mua cuốn này cuốn kia không. Có người ghi lại danh sách tôi giới thiệu, rồi ra hiệu sách tìm mua. Niềm vui đọc của tôi khi đó đã giúp ích được cho mọi người.

Nhà văn Uông Triều tên thật là Nguyễn Xuân Ban, sinh năm 1977. Vốn là một giáo viên dạy ngoại ngữ nhưng anh rẽ ngang để trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Hiện tại anh đang là biên tập viên tại tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Tác phẩm chính: Đôi mắt Đông Hoàng (tập truyện ngắn), Những pho tượng đá ở Yên Tử (khảo cứu), Tưởng tượng và dấu vết (tiểu thuyết), Sương mù tháng Giêng (tiểu thuyết lịch sử), Người mê (tiểu thuyết).

Tần Tần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button