Phim chuyển thể từ sách

Chiến binh Cầu Vồng – Chiến binh của niềm tin

Những điều tốt có khuynh hướng sản sinh ra những điều tốt hơn – Ngạn ngữ người Mã Lai

Một câu chuyện làm tôi đau đáu, khắc khoải, xót xa. Rõ rang cuốn sách mang tầm ảnh hưởng, tôi tin, sẽ rất lớn cho những ai đọc nó. Nhưng từ sau khi đọc nó, thỉnh thoảng tôi như cảm thấy bị cứa vào tâm can khi bỗng dung nhớ về cuốn sách. Nó mang lại cho tôi sự nhức nhối đến nao lòng. Hình ảnh đôi mắt lanh lợi tròn xoe lấp lánh sự tinh anh, nhanh nhạy cứ xa dần, vùi lấp với lo toan, tiền bạc, nghèo đói, số phận, trách nhiệm, mà hơn hết chính là cái nỗi xót xa khi phải từ bỏ ước mơ.

Nước mắt cứ ứa ra khi khĩ về LINTANG, cậu bé thần đồng trong đội chiến binh cầu vồng. Cậu là người truyền cảm hứng, tháp ánh sang, khơi gợi ước mơ cho mỗi người đồng đội của mình. Sự cảm phục sâu sắc đối với những người hùng thầm lặng là cô Mus và thầy Harfan. Cuốn sách này quá đỗi chân chất, giản dị nhưng đầy xúc cảm, ngưỡng mộ, niềm khâm phục, hãnh diện nhưng đồng thời cũng mang lại cái sự gọi là “Phản Chiếu”. Mỗi câu chữ thoát ra từ trang sách mang tôi lại trở về với tuổi thơ đi học, mang tôi trở về với những người thầy, người cô nắm tay chỉ dạy mà thực sự bây giờ tôi khó có thể tìm thấy được. Chẳng qua chỉ là thỉnh thoảng một số gương người tốt đăng trên một góc nhỏ của tờ báo. Soi ở đây còn là soi lại bản thân, soi lại cái ước mơ thời thơ ấu mà hầu như mọi người đang lãng quên theo dòng chảy của mưu toan cuộc sống, của đồng tiền bát gạo, của trào lưu thời thượng.

Sách luôn là chân trời, là ánh sang tri thức, là kho tàng muôn đời, cái mà tôi may mắn có được để rồi mang tôi lại trở về với ước mơ thời bé thơ. Khó đấy, nhọc đấy, mệt đấy, nhưng những trang sách đã mang tôi về với cái niềm ấp ủ thời thơ ngây. Và cuốn sách này lại mang lại thêm cho tôi niềm tin, động lực, cố gắng ngay trong lúc tôi đang cần nhất. Tôi không biết rồi sẽ đi về đâu, nhưng đúng như câu nói của John Lenon trong cuốn sách “Cuộc sống là những gì ập đến trong lúc bạn mải mê lên kế hoạch cho cuộc đời mình”, tôi đang đi đến mục tiêu của mình với sự tận hưởng những chặng đường tôi cất bước.

sach-chien-binh-cau-vong

Thầy Harfan – con người của nghị lực, thầy trân quý tri thức, trân quý kho tàng nhân loại tồn tại hàng thiên niên kỷ, thầy mang cái hơi thở tri thức đến với trẻ thơ, đến với tương lai đến với những trang giấy trắng, để rồi bạn đọc có được đội chiến binh 11 anh hùng đã đồng hành suốt những năm trời, trường kỳ kháng chiến không chỉ với cái đói, cái nghèo, cái mù chữ mà quan trọng hơn tất thảy là kháng chiến với chính con người, với cái sự đói tri thức, nghèo tâm thức và mù về tầm nhìn. Đều là con người, đều là một xã hội mà cái sự phân biệt giai cấp nó tàn ác đến vậy, nó phân chia không chỉ về mặt quyền lực trong giai cấp mà cả quyền cơ bản của con người – “Quyền được học tập” – ai cũng được hưởng.

Mường tượng cái cảnh thầy Harfan vác thân cây về để xây lên cái mái trường cho trẻ nhỏ, xây nên cái quyền được biết mình có quyền học tập cho cái cộng động culi cho PN, cái cảnh mà 120 năm chính cái thân cây vững chắc đó đã trụ lại, tôi thực sự cảm phục sự quyết tâm, ý chí và sự tận tâm cho nền tri thức. Hình ảnh thầy gục mình trên bàn, hy sinh trên cái trận chiến thầm lặng của cái đói – nghèo – vô học sau bao nhọc nhằn của cuộc sống, của bệnh tật làm tôi bật khóc. Một phần được an ủi, ít nhất trước khi ra đi, thầy có thể chứng kiến được quả ngọt thầy đã nỗ lực cống hiến như thế nào, chiếc cúp danh giá của cuộc thi mà Lintang mang lại. Một phần tiếc nuối cho một chiến binh vĩ đại trên con đường mang lại ánh sáng tri thức cho dân tộc, đem lại kho tang kiền thức của nhân loại đến với những đứa trẻ ngay từ trong bụng mẹ đã mang danh là culi.

cam-nhan-phim-chien-binh-cau-vong

Cô Mus, một cô giáo trẻ, quật cường, bền gan, vững chí với sự nhiệt huyết, nhiệt tâm của tuổi trẻ, của khao khát trở thành cầu nối tri thức, đối với tôi là hình ảnh của một người trẻ luôn sống với đam mê, hừng hực với ngọn lửa lý tưởng, tâm huyết và đầy sự hy sinh. Từ bỏ một cuộc sống được trải thảm nếu nhận lời cầu hôn của một anh chàng công nhân của PN, cô kiên trì bám trụ với cái ước mơ cháy bỏng dứng trên bục giảng của mình. Nó gợi cho tôi những hình ảnh của những bạn trẻ bây giờ, khởi nghiệp cùng hoài bão lớn lao. Tôi thực sự hy vọng những bạn trẻ này trên đất nước tôi sẽ biết đến Cô Mus, một nguồn động lực tinh thần quật cường. Đạp xe hàng chục hàng tram cây số để tìm lại những đứa trẻ trở về với mái trường, vì lo toan cuộc sống, vì niềm tin sụp đổ đã từ bỏ trường học để cặm cụi với những đồng bạc kiếm sống; ngày đêm may vá để có tiền chuộc cho Kucai, người lớp trưởng của Chiến Binh Cầu Vồng cũng như người đã gia nhập tầng lớp chính trị sau này, thời đại bây giờ có được người nhà giáo tận tâm như vậy, tôi tìm ở đâu nhỉ?

Mỗi đứa học trò là nữa linh hồn, mỗi đứa học trò là nguồn cảm hứng, là mạch sống, là nguồn nước duy trì cái sự bền bỉ đến đáng phục của cô Mus. Mỗi con chữ được gieo vào đầu các em là mỗi giọt sống mà thầy Harfan và cô Mus đã bền bị gieo trồng. Mỗi đứa học trò là mỗi viên gạch của bức tường kiên cố mà lớp học được xây dựng, mất một cũng như bức tường gần như có nguy cơ sụp đổ. Nếu như không có hai con người vĩ đại nhưng không hề được tuyên dương như vậy, liệu cái nguồn suối của tri thức có chảy vào được cái nơi bần cùng của culi, đói rách và nghèo túng ở Belitong? Càng đọc tôi càng thấm đẫm sự uy lực của niềm tin, tin để cố gắng, tin để đấu tranh, tin để dám ước mơ, tin để sống tốt hơn, và đơn giản “TIN ĐỂ HÀNH ĐỘNG” cho điều mà ta tin.

LINTANG – cậu bé mà tôi phải ngã mũ kính phục nhưng cũng là hình ảnh làm tôi xót xa, đau đáu và ám ảnh đến tê liệt. Mỗi ngày cậu thức dậy từ tờ mờ sáng, vượt qua bao nhiêu hiểm nguy để với tay đến với tri thức. Mỗi ngày cậu cặm cụi với chiếc xe cà tàng hang mấy chục cây số để được tắm trong ánh sáng của kiến thức nhân loại. PHỤC – NỂ – KÍNH và THƯƠNG là những gì tôi nghĩ về cậu. Cậu đã không chỉ học cho bản thân cậu, cái niềm tin và đam mê của cậu là niềm cảm hứng và động lực không chỉ cho toàn thành viên của chiến binh cầu vồng mà còn là cả bầu trời nỗ lực, cố gắng tiếp tục học hành khi nhiều chiến binh từ bỏ học hành khi những chiếc cần cẩu đang dần phá hoại ngôi trường. Cậu là sự kết nối và khôi phục đội chiến binh, khơi dậy lại cái lòng quyết tâm của cô Mus dành cho sự nghiệp dạy học mà cô luôn khao khát. Cậu là một tấm khiên về mặt tinh thần, đại diện cho sự nỗ lực của cả cộng đồng culi. Chính nhờ cậu và Mahar mà ngôi trường được tiếp tục đứng vững. Cậu xứng đáng là một người thầy, người dẫn dắt những ước mơ, những khao khát, người đốt cháy lên ngọn lửa trong mười chiến binh còn lại.

LINTANG – hình ảnh một cậu bé, một con người, một nhân cách bị phá hủy bởi cú lật thuyền của số phận, bởi cái trớ trên đến khốn nạn của nghèo, của đói, mà với tôi cái nghèo đói của tâm hồn mới chính là cội rễ cho cái số phận khốn nạn ấy đè bẹp cậu. Chỉ vì là con cả, chỉ vì mười bốn cái miệng ăn còn lại phụ thuộc vào cậu. Trớ trêu thay, tôi không thể hình dung tại sao những người chú, người bác của cậu không cố gắng tự lực cho chính cái dạ dạy của mình mà dựa vào bố của LINTANG, người đàn ông mang dáng hình cây thông, để rồi gánh nặng của sự vô lý này bị quăng quật lên đôi vai bé nhỏ của LINTANG. Chỉ 3 tháng nữa, 90 ngày cố gắng nữa để bước đến ngưỡng cửa đại học, so với hàng nghìn ngày cậu đã cũng chiếc xe đạp còm cõi vượt đèo lội suối đến với cái lớp học xiêu vẹo, nó chẳng đáng, không hề đáng. Một giây lật nhào của số phận, lấy đi ngọn núi vững chắc cho LINTANG bước tiếp để mở ra cánh cửa đến với ước mơ thành nhà Toán Học của cậu bị vùi dập tan nát.

Xuyên suốt câu chuyện, cái kỳ vọng của nghịch cảnh bị đè bẹp bởi ý chí sắt đá của LINTANG luôn song hành cùng tôi. Chờ đợi, hy vọng để thấy được ánh sáng, dù chỉ là tia le lói. Bao nhiêu gian truân đã gục ngã trước đoàn chiến binh ấy để ngôi trường tiếp tục được đứng vững, để cái biểu tượng của sự học, của sự nỗ lực, của sự quyết tâm được tồn tại. Niềm tin chắc chắn cậu sẽ trở thành một trong những nhà toán học lỗi lạc của đất nước Indonesia là điều mà tôi chờ đợi đến trang sách cuối cùng. Thế nhưng, niềm tin ấy bị nổ tung trước cú sốc của số phận mang lại. Chao đảo bởi sự nghi ngờ về lòng quyết tâm, sự kiên trì, tôi ráng bám víu vào những trang sách cuối cùng để thấy được người hùng của tôi đã ra sao. Tôi không chỉ khóc mà còn ấm ức, bức bối cho cuộc đời của LINTANG – cuộc đời của một tài năng, của một người dẫn dắt, của ngọn hải đăng tỏa sáng trong hình hài nhỏ bé nhưng vĩ đại về nhân cách. Liệu số phận là canh bạc quyết định? Không, cái ánh mắt lanh lợi vẫn còn của cậu vẫn là niềm tin trong tôi, niềm tin cho cả đoàn chiến binh tiếp tục tranh đấu với số phận để đạt được điều mình muốn. Niềm đam mê trong mỗi câu nói của cậu khi nhắc về vật lý, thuyết tương đối, về Einstein hay Newton. Niềm đam mê cháy bỏng của cậu vẫn còn, niềm tin vào tương lai của cậu vẫn sống, và đó mới là điều quyết định cho sự chiến thắng số phận, cho sự gục ngã của định mệnh trớ trêu. Tôi tin, những đứa con của cậu sẽ như lúc cậu khuyên Ikal về lại với ngôi trường, học để con cháu mình được khá hơn, để con cháu mình không phải sống cảnh culi bần hàn như mình, học để con mình không phải quỵ lụy chịu sự bất công đến vô lý của phân định giai cấp, của vị thế con người.

cam-nhan-phim-chien-binh-cau-vong-1

Và như tôi đã cảm nhận ngay từ những trang đầu cuốn sách, câu chuyện còn là sự “Phản Chiếu”. Tôi ngẫm lại đất nước mình, tôi tìm kiếm hình ảnh những người thầy, người cô như thấy Harfan, cô Mus, nhưng dường như nó quá xa vời. Tôi soi lại bản thân mình, tìm về lại với ước mơ thời ấu thơ hồn nhiên không vướng chút lo toan mà giờ đây đa phần nhiều người đang đánh mất nó trước bộn bề cuộc sống, trước cơm áo gạo tiền, trước cái sỹ diện với bạn bè, những người xung quanh.

“Những điều tốt có khuynh hướng sản sinh ra những điều tốt hơn – Ngạn ngữ người Mã Lai”. Tôi tin điều này, thế nhưng, cái thế giới truyền thông giật tít ăn khách bây giờ, cũng giống như trong câu chuyện về việc đoàn chiến binh chống lại PN, thế lực mà ngay cả nhà nước còn phải ngại ngần, chỉ được chú ý khi nó có thể giật tít. Và rồi sau khi, PN chịu rút lui, mọi chuyện lại êm thấm như chưa hề có điều gì xảy ra. Ngày nay trên đất nước tôi cũng vậy, những cái tít chưa được kiểm chứng nhưng nó có thể gây ra cơn sốt, trào lưu, được share rồi comment bởi những anh hung bàn phím. Những cái tít này vui lấp những điều tốt nhỏ nhoi thỉnh thoảng mới được đưa lên mặt báo hay xuất hiện trên những mẩu tin phụ. Và điều này mới là cái phản chiếu lớn nhất mà tôi cảm nhận. Phản Chiếu nên được thực hiện bởi mỗi con người để ta có thể thấy, có thể nhận biết. Phản ứng có thể sẽ khác nhau rất nhiều, có người trốn chạy, có người bác bỏ, có người chôn dấu, có người thừa nhận rồi để đó nhưng chắc chắn sẽ có người học và trưởng thành sau những lần phản chiếu đó. Và tôi tin, những điều tốt ấy đã, đang và sẽ tác động đến tâm thức của những ai đã từng biết đến nó.

Mai Nguyen

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button