Phim chuyển thể từ sách

‘Pete’s Dragon’ đem thế giới mộng mơ đến trẻ thơ

Tác phẩm mới nhất của Disney có nhịp điệu chậm rãi và thâm trầm, mang phong cách khác biệt với những tác phẩm gần đây của hãng.

Pete’s Dragon là bản làm lại của phim nhạc kịch cùng tên vào năm 1977. Dù vậy, hãng Disney gần như mang đến một câu chuyện mới, chỉ giữ lại tên phim và hai nhân vật chính. Đạo diễn dự án là David Lowery – nhà làm phim độc lập từng gây tiếng vang ở LHP Sundance với tác phẩm Ain’t Them Bodies Saints cách đây ba năm.

Sau vụ tai nạn, cậu bé Pete (Oakes Fegley) được một chú rồng cứu thoát. Cậu đặt tên cho sinh vật này là Elliott và sống cùng nó trong rừng suốt sáu năm. Trong một dịp tình cờ, Pete bị cô bé Natalie (Oona Laurence) phát hiện và được đưa về gia đình của cô nuôi dưỡng. Những người lớn gồm cha cô bé (Wes Bentley), bạn gái (Bryce Dallas Howard) và em trai của anh (Karl Urban) dần phát hiện sự tồn tại của chú rồng.

Poster phim “Pete’s Dragon”.

Bối cảnh thời gian của tác phẩm là đầu thập niên 1980. Tuy nhiên, Lowery chia sẻ ông không muốn cố định phim vào mốc thời gian nào. Chiếc xe cổ nhất trong phim là từ năm 1987, trong khi quần áo của nhân vật mang phong cách cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980. Âm nhạc cũng là sự kết hợp của các nghệ sĩ gạo cội như Leonard Cohen và đương đại như nhóm The Lumineers. Việc mơ hồ về thời điểm tạo ra không khí mộng mơ, phù hợp tinh thần chung của câu chuyện.

Về cơ bản, dù thực hiện một bom tấn cho Disney, David Lowery vẫn thể hiện chất làm phim độc lập. Pete’s Dragon không sở hữu nhiều khoảnh khắc gây hiệu ứng thị giác mạnh. Thay vào đó, đạo diễn tập trung vào tình huống nhỏ thú vị như cảnh cậu bé nhảy lên xe hay tương tác với các vật dụng xung quanh. Kịch bản phim cũng được đơn giản hóa, điểm xuyết bằng những tình huống gây cười theo phong cách Disney. Đạo diễn từng chia sẻ trên Los Angeles Times ông muốn làm phim cho những đứa trẻ bảy tuổi.

Khác với phần lớn phim thiếu nhi đương đại, Pete’s Dragon có nhịp điệu khá chậm, đôi chỗ hơi dài dòng. Các phân đoạn về cuộc sống của cậu bé trong rừng mang âm hưởng gần giống một bom tấn gần đây là The Jungle Book. Mối quan hệ giữa Pete và Elliot cũng làm gợi nhớ đến tác phẩm How to Train Your Dragon. Song điểm khác biệt ở chỗ giữa hai nhân vật trong bộ phim hoạt hình năm 2010 là tình bạn bè, còn trong Pete’s Dragon, Elliot là người nuôi dưỡng và bảo vệ Pete như một người cha.

Chú rồng trong phim có tạo hình dễ thương.

Chú rồng trong phim được tạo hình không quá hoa mỹ mà có phần hiền lành với lông xanh, mắt vàng và đôi cánh lớn. Ngoài những pha sải cánh, Elliot khá giống một chú chó khổng lồ hơn là kiểu rồng phương Tây quen thuộc. Điểm nổi bật của chú là bộ lông mềm mại được đặc tả trong từng cảnh quay. Chi tiết này được Lowery yêu cầu khi trình bày dự án với Disney. Êkíp làm phim cũng thử nghiệm đủ màu sắc cho bộ lông trước khi chọn màu xanh lục để phù hợp với địa điểm quay là rừng New Zealand.

Về tập tính, Elliot sở hữu một số bản năng của thú nuôi trong nhà. Theo đạo diễn Lowery, có một cảnh phim khi chú rồng mất đến 30-40 giây để thức dậy được mô phỏng theo loài mèo. Phần còn lại là những hành vi của loài chó, đúng như câu mở đầu phim: “Đây là câu chuyện về một chú chó con tên Elliot”. Cũng giống tác phẩm tiền thân năm 1977, Elliot sở hữu cả khả năng đổi màu để “tàng hình”, tạo ra vài tình huống thú vị gây bất ngờ cho khán giả.

Sau khoảng nửa giờ đầu trong rừng, câu chuyện được mở rộng với các nhân vật trong thị trấn. Nhiều mô típ quen thuộc xuất hiện như việc Pete tái hòa nhập xã hội loài người, tình cảm bị chia cắt giữa cậu và Elliot hay phản ứng của người dân với chú rồng. Thông điệp bảo vệ môi trường được lồng vào nhẹ nhàng với hình ảnh con người khai thác gỗ sâu trong rừng. Tuy nhiên, Pete’s Dragon không có nhân vật phản diện rõ ràng, kể cả người thợ săn quyết tâm bắt rồng cũng không hoàn toàn là kẻ xấu. Cao trào của phim được giải quyết khá dễ dàng khiến tác phẩm có phần thiếu kịch tính.

Với kinh nghiệm qua một số phim như Fort Bliss hay Boardwalk Empire, diễn viên nhí Oakes Fegley không khó để hoàn thành vai chính Pete. Cậu bé thể hiện tốt những cảnh giao tiếp với Elliot dù phải đóng với một “người bạn tưởng tượng” bằng CGI. Fegley cũng có nét diễn thú vị trong các đoạn nhân vật chính bỡ ngỡ với sinh hoạt của con người.

Dàn diễn viên nổi tiếng vào vai phụ chưa gây được ấn tượng. Trong ảnh là Bryce Dallas Howard (trái) và Robert Redford.

Điểm trừ của phim nằm ở các vai phụ không tạo được dấu ấn dù do dàn diễn viên tên tuổi như Bryce Dallas Howard, Karl Urban và Robert Redford thể hiện. Câu chuyện được xây dựng theo hướng đơn giản nên tính cách của tuyến nhân vật nhìn chung đơn điệu. Trong số đó, tài tử gạo cội Robert Redford có phần lạc lõng nhất khi nhân vật của ông kể lại cuộc đụng độ của mình với Elliot quá nhiều lần bằng lời.

Thủ pháp “kể chuyện” giúp tăng sự huyền bí cho chú rồng nhưng chỉ hiệu quả nếu Elliot được “giấu mặt” từ đầu đến giữa phim. Do khán giả đều đã thấy chú rồng một cách sinh động, những lời kể của nhân vật này thừa thãi và khiến mạch phim trở nên lê thê. Đạo diễn có thể thay thế bằng một vài hình ảnh ngắn gọn và hiệu quả hơn.

Như nhiều phim hoạt hình khác, Pete’s Dragon để lại bài học ý nghĩa về tình bạn, tình yêu thương gia đình. Nhạc phim góp phần đưa đẩy cảm xúc với những bài hát như The Dragon Song (Bonnie “Price” Billy) và Nobody Knows (The Lumineers). Với kinh phí 65 triệu USD, tác phẩm không quá hoành tráng về mặt hình ảnh nhưng có nội dung gần gũi và thơ mộng, mang phong cách khác biệt đến từ một nhà làm phim độc lập.

Pete’s Dragon (Pete và người bạn rồng) đã khởi chiếu tại Việt Nam từ 26/8.

Ân Nguyễn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button