Sách hay

“Những thành phố trôi dạt” – Lữ khách, anh từ đâu đến?

Lữ khách, anh từ đâu đến?

Khi giở những trang đầu của tác phẩm mới nhất của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, gặp câu hỏi này, nhiều người sẽ dễ gật gù: “A, lại là lữ khách!”.

Từ “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông“; “Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách” đến “Đà Lạt một thời hương xa”, hình ảnh của những lữ khách đã xuất hiện. Bây giờ, là “Những thành phố trôi dạt”, thì lữ khách đã trở thành nhân vật chính. Nhưng, có đến 50 lữ khách, với 50 hành trình. Cổ, kim, đông, tây… đủ mặt.

Lữ khách đầu tiên xuất hiện cùng với mùi thơm ma mị. Đó là một câu chuyện xưa, về mùi hương trong mộ. Mùi hương ấy khuyến dụ đám đông và trở thành chất dẫn, đưa người đọc vào hành trình đầy bất ngờ, ám ảnh và rất nhiều ám chỉ. Đó là một hải trình bị nuốt chửng bởi bão tố; một chuyến viễn du vào tương lai; một lần mắc kẹt trong sa mạc; một chuyến du hành bằng xe bus hay đơn giản chỉ là một lần ngủ quên của du khách lạ… Chủ thể của những hành trình ấy tất nhiên là con người, với đủ các thể loại tâm thế, bị lẫn chủ động.

Mỗi người được đặt để trong một bối cảnh riêng nhưng nếu xâu chuỗi lại, người đọc sẽ thấy đa số bối cảnh đều là ẩn dụ về những thành phố đã “thất thủ”. Ở đó, sự tàn phá và hủy diệt văn hóa ở mức cao độ nhưng du khách đi qua, chứng kiến điều điều với con mắt lạ lùng, bàng quang trong khi thị dân tại chỗ thì có khi lại đồng lõa và thích nghi.

Lấy cảm hứng từ Những thành phố vô hình của Italo Calvio, không khó để nhìn thấy sự trào phúng, nhiễu nhại hiện diện trong Những thành phố trôi dạt. Nguyễn Vĩnh Nguyên “tỉnh queo” đưa người đọc đến những nơi mà con người đạp lên những cuốn sách để thấy mình cao hơn ở phương diện tinh thần hay nơi mà thị dân xem việc cặp nách một cuốn sách với gáy sách phơi ra ngoài để người khác biết mình đọc gì là vô cùng cần thiết…

Nặng lòng với sự hủy diệt về mặt văn hóa của đô thị, tác giả dành rất nhiều “đất” để trăn trở với sách, văn hóa phẩm chuyển tải văn minh loài người từ đời này sang đời khác. Với anh, thành phố bị giết chết khi các thư viện sách báo bị đốt cháy, những pho sách trong quần chúng bị chính phủ của chúng chôn vùi để tự cứu mạng sống của mình. Chữ nghĩa, luân lý, tri thức làm món nộm cho giun dế…

Nhưng, khi đạo quân xâm lượt cuối cùng, những nhà buôn, xuất hiện, thu mua tất cả những cuốn sách hay với giá rất cao để làm quà tặng cho những nhà lãnh đạo trẻ, ký ức của thành phố mới bị tiêu hủy thực sự. Hình ảnh mà người viết dùng để thể hiện tâm tư, sắc lạnh đến nao lòng…

Lữ khách cuối cùng xuất hiện trong một quán cafe đương đại, chốn “check-in” phổ biến nhất của giới trẻ hiện nay. Trong không gian này, những biến chuyển tâm lý của lữ khách trẻ, trước sự nuột nà của một cô gái đẹp, cũng như lời tỏ lòng của anh ta trôi tuột đi trong ánh sáng màu xanh hắt lên từ màn hình của những chiếc điện thoại thông minh. Văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử, văn hóa yêu đương… đã và đang mất hút trong cái tạm gọi là “văn hóa smart-phone”.

Đời sống chúng ta đang trôi như thế, trong sự bất lực và bất khả kháng cự. Như lời của Nguyễn Vĩnh Nguyên, ta không thể bước vào một bài thơ buồn bã và biến tan trong những câu chữ dù có khi lòng trí đã thực sự khát khao được một lần như thế… Ta ở đây, và mơ một giấc mơ trôi dạt…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button