Sách mới

Dạy con đôi khi thật đơn giản

sach-day-con-doi-khi-that-don-gianDạy con đôi khi thật đơn giản

Tác giả: Trần Bích Hà
Phát hành: 11-2016
Thể loại: Sách Kỹ Năng – Chuyên Ngành
Nhà xuất bản: NXB Lao Động
Nhà phát hành: Thái Hà
Số trang: 615

DẠY CON ĐÔI KHI THẬT ĐƠN GIẢN của tác giả Trần Bích Hà là một cuốn sách được viết dựa trên các quan điểm khoa học của Mỹ, Anh và “được thử nghiệm” trong 18 năm trời, với chính con gái Phạm Trần Minh Thu. Hầu hết những ai biết đến mẹ con chị Bích Hà đều ngưỡng mộ trước “sản phẩm giáo dục” của tác giả khi Minh Thu nói lưu loát 4 ngôn ngữ: Anh, Việt, Tây Ban Nha, một ít tiếng Pháp và đã học tiếng Latinh trong 5 năm, trúng tuyển sớm vào trường ĐH Brown (Mỹ) khi còn đang học ở trường phổ thông và là niềm tự hào đối với tất cả giáo viên từng dạy dỗ cô.

Mở đầu cuốn sách sẽ là QUAN ĐIỂM CHUNG của nuôi dạy con (phần này tác giả hướng dẫn bố mẹ cách đặt mục tiêu trong nuôi dạy con và để đạt được mục tiêu đó, bố mẹ phải thay đổi trước tiên, thay đổi ra sao và thay đổi thế nào….); Phần tiếp theo sẽ là ĐỊNH HÌNH THÓI QUEN VÀ NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC: cách để bố mẹ có thể nuôi dạy con trở thành một người TỰ TIN, KIÊN TRÌ, CÓ BẢN LĨNH, TRÒ CHUYỆN VỚI CON TRAI HAY CON GÁI VỀ GIỚI TÍNH…. Trong phần này, tác giả cũng định nghĩa lại thế nào là một EM BÉ NGOAN, MỘT ĐỨA CON CÓ HIẾU?

Các phần tiếp theo là CÙNG CON HỌC TẬP, và DU HỌC. Nhưng lúc nào chị cũng truyền cho con ý nghĩa của việc học: “Học là để trở thành người có tri thức, có văn hóa, để mình có đủ khả năng hiểu những gì xảy ra trong cuộc sống và xã hội, để có khả năng và cơ hội làm được những điều mình thích. Nhưng chỉ riêng việc học giỏi không đem lại hạnh phúc cho con người”.

Hi vọng cuốn sách đang truyền cảm hứng đến hàng nghìn bà mẹ này sẽ có trên kệ sách của gia đình bạn!’

Trích dẫn :

Theo quan điểm của tôi, việc “trồng người” là trách nhiệm của toàn xã hội. Trong bài viết này, tôi sẽ nêu vai trò của gia đình.Từ thời điểm trẻ được sinh ra cho đến khi bắt đầu đi học, vai trò của gia đình là quan trọng nhất. Không ai có thể tác động đến các bé, nếu gia đình không cho phép. Như tôi quan sát, ở Việt Nam, ít ai coi trọng việc giáo dục con cái ngay từ thời điểm bé được sinh ra đến 3 tuổi – nhưng đó chính là giai đoạn “bản lề” trong việc định hình tính cách của một con người. Trong giai đoạn này, mọi điều diễn ra xung quanh được các bé chụp ảnh và tiếp nhận không điều kiện. Giai đoạn từ 3 đến 6 tuổi: các em đã phát triển ý thức, và vì vậy, việc tiếp thu kiến thức và kỹ năng một cách “vô thức” dần được thay thế bằng sự tiếp thu có ý thức. Các em đã bắt đầu biết suy nghĩ, đánh giá sự việc, khả năng tiếp thu có ý thức được định hình, từ từ thay thế cho sự tiếp thu một cách vô thức.

Bố mẹ phải xác định: Tôi muốn con tôi trở thành người thế nào, khi nó lớn lên, nói rõ hơn là xác định mục đích bố mẹ muốn đạt được về việc nuôi dạy con.

1. Về đạo đức và cá tính: Ví dụ với cá nhân tôi, lúc sắp sinh con, tôi xác định các cá tính TÔI MUỐN con tôi sẽ có, đó là:
– Trung thực, thẳng thắn chân thành.
– Nhạy cảm, biết thông cảm và chia sẻ, giúp đỡ những người kém may mắn nhưng không để những người lười biếng lợi dụng.
– Quyết tâm, kiên trì, có bản lĩnh để thực hiện nhũng điều mình mong muốn và thực hiện đến cùng.
– Vui vẻ, biết tìm và hưởng thụ những niềm vui lành mạnh…
Danh sách này của tôi kéo dài độ 10 dòng, có thể được bổ sung hoặc thêm bớt theo thời gian.

2. Về trí tuệ: những điều tôi muốn con phải có:
– Phải có logic tốt để có thể phân biệt đúng, sai, phải, trái trong mọi trường hợp, dựa trên những chuẩn mực tri thức và đạo đức để phân tích, chứ không chạy theo ý kiến số đông.
– Luôn xem xét mọi vấn đề xảy ra một cách trình tự, để hiểu rõ nguyên nhân và hậu quả.
– Ham hiểu biết, không chấp nhận sự trì trệ và việc suy nghĩ theo lối mòn.

3. Về học vấn: Bố mẹ muốn con học thế nào và học cái gì, mong đợi kết quả ra sao? Tôi muốn con tôi:
– Được học trong môi trường mà ở đó, cá nhân cháu được tôn trọng như một cá nhân lành mạnh.
– Được học những môn giúp cháu phát triển trí tuệ và thể chất một cách hợp lý.
– Được phát hiện và phát huy tối đa khả năng của mình.
– Tôi tự nhủ: TÔI SẼ KHÔNG BAO GIỜ ÉP CON HỌC để lấy thành tích, học chỉ để tôi được tự hào vì con.

4. Về cuộc sống: Bố mẹ muốn cho con sau này có cuộc sống ra sao:
– Thành đạt: Cụ thể ta hiểu thành đạt là thế nào. Ví dụ, rất nhiều ông bố bà mẹ Việt Nam muốn con học giỏi để sau này tìm được việc làm lương cao, giàu có và coi đó là điều kiện tiên quyết để được coi là thành đạt. Riêng tôi, tôi muốn con học để trang bị cho bản thân những kiến thức có ích (cho mình và cho xã hội). Tôi mong con sử dụng những kiến thức đó để nuôi sống mình và gia đình, giúp đỡ mọi người và góp phần cống hiến cho xã hội.
– Hạnh phúc: Bố mẹ hiểu thế nào là hạnh phúc và niềm vui trong cuộc sống thì mới có thể giúp con trở thành người như thế.

5. Về ăn uống: Hầu hết các ông bố bà mẹ đều muốn con lớn lên khỏe mạnh về thể lực, thông minh về trí tuệ, tôi cũng vậy. Nhưng có vấn đề là không phải ai cũng có hiểu biết đúng, có kiến thức đầy đủ về dinh dưỡng và hiểu rõ thế nào là lối sống lành mạnh. Hiện nay, sách, tài liệu về dinh dưỡng trẻ em, trong đó các quan niệm có thể trái chiều, thậm chí đối nghịch nhau, làm cho các bậc bố mẹ bị “rối mù”. Riêng về ăn uống và chế độ dinh dưỡng từ lúc con mới sinh, tôi mắc khá nhiều sai lầm, tuy không để lại hậu quả trầm trọng, nhưng cũng gây một số tác động tại hại về sức khỏe lâu dài của con. Tôi đang cố gắng cùng con khắc phục những hậu quả đó.

Tóm lại, nếu ai thực tâm muốn nuôi dạy con và kiểm soát được quá trình đó, thì phải làm bài tập của mình trước: xác định mục đích và quan điểm nuôi dạy con.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Mười 21, 2016 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 6, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button