Sách mới

Giữa đôi bờ thương nhớ

sach-giua-doi-bo-thuong-nhoGiữa đôi bờ thương nhớ

Tác giả: Đỗ Xuân Thảo
Phát hành: 11-2016
Thể loại: Sách Văn Học – Tiểu Thuyết
Nhà xuất bản: NXB Lao động
Nhà phát hành: Thái Hà
Số trang: 270

Sớm nay, ngắm đóa cúc vàng rung rinh theo nhịp xe của một em gái áo hồng lướt qua đầu ngõ, mình chợt nhận ra mùa thu đã về.

Và trong cái không khí bảng lảng ướp hương hoa cúc ấy, mình ngồi đọc những trang văn của “người cùng phòng” mà mình thường âu yếm gọi là: Bố Nam!

Thực ra, những trang tản văn này mình đã đọc nhiều lần rồi. Nhưng giờ đây, khi chúng được tập hợp lại, nằm âu yếm bên nhau trong tập sách Giữa đôi bờ thương nhớ mình bỗng có cảm giác say mê, háo hức… như mùa yêu đầu.

Những bài viết của bố Nam, với mình, thật nhẹ,thấm và ấm… như cách mà bố Nam nhìn cuộc đời. Bởi vậy nếu bạn đọc nhẩn nha, bạn có thể tìm thấy chút bình yên, êm ả tự trong lòng.

Bằng sự quan sát tinh tế, những thẩm thấu và lắng lòng chân thật, mỗi con người, mỗi sự vật hiện lên qua những trang viết của bố Nam đều chạm khẽ, dịu dàng và toả hương.

Với bố Nam, kỉ niệm đời người như lớp lớp phù sa bồi đắp kí ức. Những hoài niệm về ấu thơ, về mối tình đầu vụng dại, về những người quê, những bạn bè… cứ như muôn lớp trầm tích chan chứa yêu thương, ấm nóng, dạt dào.

Chênh chao “Giữa đôi bờ thương nhớ” là một “Dòng sông đầy nắng”. Bạn thử tưởng tượng bạn đang đứng bên một dòng sông, nắng từ trên cao rọi xuống mặt sông hiền hòa lấp lánh. Bạn nhìn xuống mặt sông và bạn sẽ thấy khuôn mặt mình đang mỉm cười. Mình cũng có cảm giác như vậy khi đọc những mẩu chuyện kể về “Ngày của mẹ dấu yêu”, “Em gái” hay “Vì có con bên đời”… Mỗi mẩu chuyện khi thì rưng rưng thương mến, lúc lại hóm hỉnh nụ cười duyên. Cũng có lúc cảm thấy“bực mình” khi đọc “Được lời như cởi tấm lòng”, “Van an toàn”… vì mình chính là nhân vật “ bị” đem ra để tếu táo. Nhưng mình thấu hiểu, ẩn sâu sau những dòng tếu táo ấy là tràn ngập những thương yêu…

Và như chừng sợ mình mải chùng chình bên “Dòng sông đầy nắng” nên đã có “Bắc nhịp cầu thương yêu”. Mình thực sự, thực sự thích những câu chuyện ở mục này. Rất nhiều lần vừa đọc, mình vừa dừng lại lau nước mắt. Lòng cồn cào nhớ và nôn nao niềm thương mến. Bố Nam viết về người anh trai “Hiền như lúa và lành như đất”, về anh Phúc “Ngọt ngào những giêng hai”, về anh Tuấn Anh “Cõi cô đơn”, về anh Đức Bảo “Tri kỷ”, về chị Nga “Đồng điệu”…bằng cảm xúc chân thành từ trái tim yêu thương tha thiết. Cảm xúc ấy được chuyển tải thông qua ngôn từ giản dị mà rất đẹp, có không ít những câu văn theo mình, đẹp một cách mê mị. Vẻ đẹp ngôn từ trong “Bắc nhịp cầu thương nhớ” không chỉ khu trú trong phạm vi ngữ nghĩa của từ ngữ mà còn lấp lánh vẻ đẹp của một tâm hồn. Nên thú thực, đọc những câu văn đó, mình càng thấy đồng cảm, sẻ chia và trân quý bố Nam nhiều hơn.

Bố Nam viết văn như “lên đồng”. Đêm đêm lụi hụi lẩn mẩn, cần mẫn viết viết xóa xóa. Có lẽ vì thế nên mới có “Viết giữa những cơn mơ”. Trong “Viết giữa những cơn mơ”, thực thực ảo ảo đan quyện vào nhau. Không thấy một người nào cụ thể nhưng lại thấp thoáng hình bóng của những người ở quanh ta. Nên thương lắm một mớ tóc dài, nên ấp iu lắm một bờ vai, nên xót xa lắm những giọt nước mắt mẹ cha… Bố Nam là người “đa đoan”, luôn có cái nhìn thấu cảm với những phận người cần lao thương khó. Có lẽ vì thế, thăm thẳm giữa những cơn mơ là nỗi buồn nặng trĩu ân tình.

Mình đọc văn bố Nam với tâm thế của một học trò đọc văn thầy – vừa ngưỡng mộ lại vừa muốn lùi ra xa một chút để chiêm nghiệm. Mình cũng đọc những trang văn ấy với tâm thế của một người mẹ – yêu thương một ông bố đắm đuối vì con. Và cùng với đó là tâm thế của một người bạn – muốn đồng hành cùng tác giả trong suốt những hành trình dài thương mến.

Chính tâm thế đa chiều đó khiến cuốn sách luôn mang đến cho mình lớp lớp xúc cảm của niềm hạnh thiện. Đọc để thấy tim mình ấm nóng, thấy thương, thấy mến, thấy trân trọng muôn phần.

Đôi lần, thấy “ghen tị” với lối kể chuyện duyên dáng quá của bố Nam, cái lối kể rủ rỉ rù rì khiến nhiều bạn đọc nữ cứ nhắn tin chíu chít. Nhưng rồi lại mỉm cười. Lại thấy lấp lóa đóa hoa vàng của mùa thutràn nắng…

Nào, đưa tay đây em nắm. Đường còn xa tít chân trời. Một dòng sông thơ đầy nắng. Chờ người sao lắm thương yêu…

Cứ viết tiếp đi nhé, cho yêu thương là mênh mang miên man nhé, bố Nam à…

PHAN THỊ HỒ ĐIỆP

Trích dẫn :

Vì con luôn ở bên

Thấy Đầu đinh cả tuần lăn lê bò toài dạy dạy dỗ dỗ, lúc nào mồ hôi cũng mướt mải, mình thương đến thắt lòng. Bởi vậy, mình quyết định ngày nghỉ cuối tuần cả nhà sẽ đi nghỉ ở ngoại thành.

Vào mạng tra một hồi, lên danh sách như ma trận. Và bắt đầu công cuộc gọi điện đặt chỗ. Từ Ao Vua, Khoang Xanh, Suối Hai đến Đầm Long, Long Việt… chỗ nào cũng nhận được câu trả lời: Không còn phòng. Có chỗ còn khẳng định chắc nịch: Từ nay đến giữa tháng 7 đều đã kín chỗ.

Hà Nội nóng như chảo lửa, nóng đến phát rồ phát dại nên được ngày nghỉ cuối tuần dân tình kéo nhau, kẻ lên rừng người xuống biển nô nức như “Đền Hùng thất thủ”. Sau một chặp lùng sục luộc điện thoại, cuối cùng cũng tìm ra được một điểm du lịch còn phòng trống. Mình mừng húm, nói với nhân viên lễ tân: Cho chú đặt một phòng. Có hai khu để lựa chọn: Khu 1 giá 9 lít rưỡi, khu 2 giá 2 củ rưỡi. Mình tính tính toán toán trong đầu một hồi rồi tặc lưỡi chọn khu 2. Chả mấy khi cho Đầu đinh đi chơi, lại còn sắp sinh nhật Áo vàng, cho đi nghỉ gọi là có chút lòng thành để “tạ ân” luôn…

Kế hoạch đã lên sẵn sàng. Nhưng chiều thứ bảy mình có việc về quê nên lên Hà Nội muộn. Thành thử mãi tận 6 giờ tối mới xuất phát. Không sao, cứ có cơ hội cả nhà đi cùng nhau là vui rồi.

Lên xe, Áo vàng mới thủng thẳng hỏi về địa điểm sắp đến. Mình trình bày rõ ràng rành mạch như nhân viên lập dự án xin tiền tài trợ. Đến đoạn giá tiền thì Áo vàng la lối: Ối giời ôi, sao lại lãng phí thế! Nửa tháng lương của “tôi” đấy “ông” à! “Ông” chuyển sang khu 1 cho “tôi” nhờ.

Đã thế Đầu đinh cũng hùa vào: Phải đấy bố ạ, không cần thiết phải lãng phí như thế. Thú thật, vì quá thương vợ con nên mình nghiến răng đặt phòng như thế chứ trong thâm tâm cũng tiếc đứt ruột. Vậy nên khi cả Áo vàng và Đầu đinh cùng “phản pháo” là mình gật đầu cái rụp. Lại thêm rất nhiều cuộc điện thoại nữa, cuối cùng mình cũng đặt được một phòng ở khu 1 trong sự hỉ hả của Áo vàng và Đầu đinh.

Lo liệu ổn về phòng ốc, mình quay sang lo đặt ăn bữa tối. Xong xuôi mới khoan khoái nhìn ra ngoài trời.

Mưa tầm tã, từng giọt mưa hắt xéo vào cửa kính ô tô ràn rạt. Nghĩ thương Đầu đinh quá, những ngày đi dạy thì nắng nổ trời, được hôm đi chơi lại mưa xối xả. Nghĩ thế, mình quay sang len lén nắm tay nó, để tay nó trong tay mình ấm sực.

Đến nơi thì cũng gần 9 giờ, trời vẫn mưa rả rích. Xe dừng lại trước tấm barie. Bảo vệ đang ngồi ghếch chân lên hút thuốc.

Mình ngó cổ ra bảo: Anh ơi, mở cửa giúp tôi vào nghỉ trong này. Tôi đã đặt phòng rồi. Bảo vệ không thèm ngẩng đầu lên, thủng thẳng đáp: Thi xuông mà mua ve. Một trăm năm mươi nghin một ve…

Mua vé là mua vé thế nào. Tôi đi vào đây nghỉ mà.

Nghi cung phai mua ve. Nuật quỳ đinh nà như thê.

Luật là luật thế nào? Vé bán cho người vào sử dụng các dịch vụ ở đây, còn tôi vào thuê phòng nghỉ cơ mà.

Qua làn mưa, mình cố nghe người bảo vệ giải thích xem cái “nuật” là gì. Mà “chiu không hiều nôi”.

Nhưng chả nhẽ cãi nhau. Hay quay về Hà Nội. Nên đành ngậm ngùi đội mưa xuống mua vé. Tổng hết 4 lít rưỡi. “Nuật ơi nà nuật!”.

Sau khi mua vé, một người nhảy tót lên xe đi cùng để dẫn đường. Đường núi âm u hiểm trở. Đầu đinh quay sang bảo: Bố thật là tài ba khi tìm được một chỗ nghỉ vô cùng bí ẩn! Aizza.

Đến nơi, lễ tân là hai cô bé mặt mày ngơ ngác như hai “con bo vang ơ chần nui Ba Vi”. Mình hỏi, thế việc đặt ăn thế nào?

Một cô trả lời: Bây giờ chú đặt, khoảng 1 tiếng nữa sẽ có cơm ăn.

Ôi trời ơi! Thế hóa ra cái cuộc đặt ăn lúc nãy không có tác dụng gì. Lí do là vì mình đã chuyển từ khu 2 sang khu 1. Cùng một khu nghĩ dưỡng mà “ông chẳng bà chuộc” đến lạ! Áo vàng có vẻ rất ức chế, mặt mày căng thẳng, miệng làu nhàu: Đi du lịch hay đi hành xác thế. Giờ đã 9 giờ, đến khi có cơm là 10 giờ thì tụt huyết áp chứ còn gì.

Đầu đinh vẫn cứ cười tươi rói, bảo thôi không sao, đợi một tí cũng không sao mà mẹ… Thế là cả ba lếch thếch lội qua những vũng nước mưa, xuyên qua dãy hang động ngoằn ngoèo để vào nhận phòng.

Ối cha mẹ ơi, mở cửa phòng ra, mùi ẩm mốc xông lên nồng nặc. Trong phòng có hai cái giường đơn và bộ ga lờ lờ màu cháo lòng. Một cái ti vi từ thời “ơ kìa”, mỗi lần bật phải chổng mông ấn vào nút on. Một cái tủ lạnh với hai chai nước. Một bộ ấm chén ố vàng… Nhưng không kinh khủng bằng nhà vệ sinh. Chiều ngang và chiều rộng chỉ vừa cho khoảng hai, ba người đứng, lavabo không nút đậy chỗ thoát nước, khi mở vòi nước bắn tung tóe như pháo hoa.

Đang ngán ngẩm thì một cháu lễ tân ập đến: Chu cho chau xin cái chưng minh thư. Cháu này cùng một thổ ngữ với mấy ông bảo vệ.

Mình chìa chứng minh. Cháu bắt đầu rút sổ ra ghi chép: Chu, chu tên gi?

Tên chu ợ chưng minh thư đo, chau không nhin thây a?

Rôi, thê giơ chu cho chau xìn tên cô.

Rôi, giơ chu cho chau xìn năm sinh.

Năm sinh cụa cô hay cụa chu?

Da, cụa chu.

Năm sinh ợ trong chưng minh thư con gi.

A, thê chu cho chau năm sinh cụa cô. …

Màn khai “chu chu chau chau” mất quá nhiều thời gian. Mình bảo: Chau cư đưng mai ợ giừa cưa, muồi rin côn trung chung bay vao lam thịt cô chu va em, chau xề ra cho chu đòng cựa nhe…

Vừa đóng vào, lại gõ:

So ri chu, chu cho chau xin tên cụa em nha minh.

Đọc xong tên của Đầu đinh, lại đóng cửa.

Lại gõ. Lai so ri chu, chu ợ đây bào lâu?

Chau ma con họi nưa la chu vê luôn bầy giơ đây…

Sau câu trả lời, cái đầu thụt lại sau cánh cửa.

Phù, xong màn đối đáp. Bỗng Đầu đinh la thất thanh: Bố, bố vào đuổi cho con con gì bay trong nhà tắm.

Mình lao vào. Đầu đinh đứng nép vào một góc, chỉ tay lên trần. Đầu đinh tuy to như khủng long nhưng hễ thấy con gì biết bay là sợ, nhất là con gián. Khốn nỗi sau màn đối đáp “chu chu chau chau”, biết bao nhiêu côn trùng đã kịp ùa vào, bay lả tả. Đầu đinh mặt mũi xanh mét nhưng vẫn cố dặn dò: Bố chỉ được đuổi chứ không được đập chúng chết đâu, bố nhé. Vâng, “tôi” sẽ cố gắng nghe lời “ông”.

Chiến đấu với các loại côn trùng xong, mình quay vào tắm. Vừa chà dầu gội lên đầu thì phát hiện ra là cái bình nóng lạnh đã vỡ toác nút chỉnh và chóc ghẻ toàn phần. Tiến thoái lưỡng nan, đành nghiến răng xối nước lạnh lên đầu.

Cha mẹ ơi, nước suối lạnh buốt. Ngoài trời vẫn mưa xình xịch. Mình run cầm cập, nhào ra phòng vớ lấy lọ dầu gió, vội vàng đổ cả lọ lên người mà run vẫn run hoàn run. Áo vàng động viên: Thôi cố lên, đi ăn rồi về uống thuốc.

Mình lết bết lê chân đến chỗ ăn. Cả Áo vàng và Đầu đinh đều tấm tắc, bữa ăn mầm đá cực ngon dù chỉ có nhõn đĩa trứng rán, ít thịt luộc và đĩa rau muống luộc.

Tổng hóa đơn thanh toán hết gần 6 lít. Nhưng đi du lịch mà, “tiếc gì con lợn còi”. Ăn xong, cô bé lễ tân hùng hồn tuyên bố: Sáng mai, anh chị sẽ được miễn phí 2 gói mì ăn liền, chỉ cần trả tiền 1 gói cho em.

Mình cười tí nữa thì sặc. Chả lẽ cả nhà chia nhau hai bát mì tôm. Tuy vậy vẫn nghẹn ngào: Cảm ơn, cảm ơn, những hai gói mì, thật là quý hóa quá.

Cứ tưởng ngày trước đi dạy, được học viên cho ăn “búp phê” khoai lang luộc với củ mì đã là độc đáo, giờ lại còn được miễn phí hai gói mì ăn liền, quả là bá đạo.

Xong xuôi, về đến phòng ở thì mình bị Tào Tháo đuổi. Lao vội vào nhà vệ sinh thì phát hiện ra không có giấy. Điện thoại trong phòng không có, chạy xuống phòng lễ tân thì tịnh không một bóng hồng. Chẳng biết liên hệ với ai, đành gọi nhờ qua bên nhà ăn. Và ôm bụng ngồi đợi.

Cái bụng mỗi lúc một đau mà giấy vệ sinh vẫn biệt vô âm tín.

Mong giấy vệ sinh như mong người tình. Mong đến nỗi mình còn có “lời nguyền” là hễ cô nào mang giấy vệ sinh cho mình vào lúc này, mình quyết sẽ cưới làm vợ. Thế rồi tiếng gõ cửa thần thánh cũng vang lên. Mình ào ra như tên bắn. Và có tận hai cuộn giấy vệ sinh được ủn vào phòng. Nhưng liếc thấy em tiếp tế giấy vệ sinh “cá sấu” quá nên mình đành… rút lại “lời nguyền”.

Sáng hôm sau, vừa mở mắt, cháu lễ tân đã dõng dạc tuyên bố: Ợ khu nay không phục vu ằn sang mơi ca nha cồ chu sang khu hai.

Mình nhỏ nhẻ: Co hài bat mi tôm thôi ma, hay la chau cho chù xin phịch nươc chù tư phục vu. Chư tư đây lên khù hai nhưng mây cầy sô mà ca nha chu rông răn nhau lên chi đề ăn hài bat mi thôi thi toi mât chau a… Không đươc đâu chu, quỳ đinh la thê ma. Cồ chu cư lên khù hai ma ăn sang ợ đo, chi hai cầy sô thôi chu a…

Không thuyết phục được cháu lễ tân, cả nhà lếch thếch kéo nhau ì ạch leo dốc lên khu hai. Nắng lên xuyên chói qua đầu ngày càng chói gắt.

Giờ mới thấy 2 cây số theo lời cháu tiếp tân quả là một con số “vi diệu”. Đường núi khúc khuỷu leo đến tàn hơi mà mãi không thấy khu 2 đâu.

Mồ hôi tõa ra như tắm, cả nhà thở hồng hộc. Không hề có biển báo nào. Đường phía trước cứ hun hút. Mình bảo: Thôi, khéo bố đành bỏ lỡ bát mì miễn phí rồi, hai mẹ con leo tiếp nhá. Đầu đinh kéo tay bố: Bố cố lên, để con kéo bố, giờ bố quay lại một mình đường xe ngược chiều đông lắm, con không yên tâm.

Lại leo, lại thở hồng hộc dưới cái nắng chói chang. Đường vẫn vời vợi xa. Mãi mà chẳng thấy rừng mơ của họ Tào ở đẩu ở đâu.

May mà có nhóm “phượt thủ” nhận ra Đầu đinh dừng lại xin chụp ảnh. Thấy còn một xe trống, mình xin quá giang. Các cháu đồng ý liền. Cả nhà thống nhất nhường cho bố vì “tuổi cao sức yếu”.

Ôi cha mẹ ơi, có đi mới thấy là đường quá xa lại hun hút dốc. Lẽ nào lại có kiểu du lịch tàn nhẫn với khách đến thế? Thật không thể nào hiểu nổi. Thương Áo vàng và Đầu đinh đang cặm cụi leo bộ dưới trời nóng chang chang, mình ngồi trên xe vèo vèo lên dốc mà nhấp nha nhấp nhổm.

Lên đến nơi dễ đến 20 phút mà vẫn chưa thấy hai mẹ con đâu. Điện thoại thì không có sóng. Quả là trần ai bĩ cực.

Cuối cùng thì Áo vàng và Đầu đinh cũng xuất hiện. May mà còn một đoạn nữa thì hai mẹ con đi nhờ được xe hơi của một gia đình cô chú cũng vốn rất hâm mộ Đầu đinh. Cả nhà gặp nhau “mừng mừng tủi tủi”. Được hai bát mì tôm miễn phí mà thở ra đằng mông.

Vậy mà, lúc vào đến nhà hàng thì lại nhận được thông báo: Đã hết giờ phục vụ ăn sáng. Ô hô, leo bộ đến hơn tiếng đồng hồ, không hết giờ ăn sáng mới là lạ.

Mình “bổn cũ soạn lại”, giọng đã ở âm vực cao: Thôi, cháu có hộp mì gói nào thì mang ra đây, chú tự phục vụ, không cần miễn phí.

Chắc thấy điệu bộ của mình như muốn bốc hỏa đến nơi, các cháu bảo: Cả đoàn sang phòng bên ngồi chờ sẽ có mì phục vụ.

Rồi các bát mì lần lượt bưng ra. Mặn chát như thể có cả nắm muối trong mỗi bát mì. Muối này mà sản xuất từ vùng biển miền Trung thì chắc cả cỗ lòng bề của khách hàng sẽ được tẩm ngâm trong hóa chất.

Nhưng Đầu đinh vẫn an ủi bố mẹ: Ăn được, con thấy ăn được mà, bố mẹ gắng ăn đi… Nhìn ra ngoài, thấy lũ lượt người nghìn nghịt kéo nhau lên. Có một cái bể bơi be bé, trẻ em vùng vẫy ngụp lặn.

Các ông bố, bà mẹ, các nam thanh nữ tú, nhiều người để nguyên cả quần áo nhào xuống, hò hét váng trời. Kinh kinh là.

Biết nhà mình đã quá mệt mỏi, gia đình cô Huyền (cô chú vừa cho Áo vàng và Đầu đinh đi nhờ) lại có nhã ý cho cả nhà mình quá giang trở về khu 1. Cả nhà mừng húm, rứa là thoát khỏi “hang hùm”.

Kết thúc một đêm và nửa ngày ở khu nghỉ dưỡng có cái tên Hán Việt mỹ miều nhưng dư âm của nó thì còn mãi.

Chao ôi, một vùng núi non đẹp thế, trữ tình như thế. Thiên nhiên quá hào phóng ban tặng hồ, suối, núi non trong một quần thể hài hòa và lãng mạn đến nao lòng. Vậy mà cách khai thác du lịch thì không thể tệ hơn.

Cách bỏ mặc du khách, thu tiền vô tội vạ và dịch vụ nhếch nhác chắp vá là những lí do khiến du khách sẽ “một đi không trở lại”. …

Mình chợt nhớ đến những khu nghỉ dưỡng của Nhật Bản nằm cheo leo bên lưng chừng núi Kyoto hay Osaka… lạnh giá. Phong cảnh thì không thể nào đẹp, hùng vĩ và nên thơ bằng xứ Đoài quê mình. Phòng ở cũng chẳng có tiện nghi nào đáng giá nhưng tất thảy đều thẳng thớm, thơm tho. Và cái cách phục vụ du khách thì không có gì để phải chê. Nó khiến du khách có cảm giác được yêu thương, được tôn trọng và cảm thấy có gì đó không phải nếu mình không quay lại thêm một lần nữa, một lần nữa… …

Vẫn biết ấy sự khác nhau ấy là ở đẳng cấp. Nhưng cái sự khập khiễng cứ làm mình luôn bật ra những câu hỏi. Chỉ để ngậm ngùi, xót xa…

Tuy nhiên, điều mình “thu hoạch” được trong cả chuyến đi bão táp này chính là thái độ của Đầu đinh. Trong mọi tình huống, dù khi đói lả, lúc mệt mỏi, nó vẫn luôn mỉm cười, điềm tĩnh và động viên an ủi bố mẹ. Nhiều khi, cả mình và Áo vàng đều thấy xấu hổ trước nó. Rằng mình đã không bản lĩnh, không xử lí tình huống tinh tế bằng nó. Nó còn bảo, tuần nào trường con cũng tổ chức leo núi. Lần con đi biểu diễn ở nhà hát Carnegie Hall tại New York, thầy dạy nhạc yêu cầu đi bộ ở tất cả những nơi có thể. Thầy bảo vừa rèn luyện sức khỏe để có thể đứng hát trong một thời gian dài, vừa tiết kiệm chi phí. Thầy còn tính, mấy hôm ở New York chúng con đã đi bộ hơn 20 cây số… Lại nữa, con ở trong trường nội trú, phải học cách sống hài hòa với các bạn vì mỗi bạn đến từ một phương trời khác nhau. Nơi ở cũng chẳng bằng nhà mình. Phòng ở thì bố mẹ biết rồi đấy, thấp lè tè lại không có máy điều hòa. Bốn phòng chung một cái nhà vệ sinh bé bé. Nên con luôn phải lựa…

Bởi vậy, dù phải nhịn đói, phải tắm nước lạnh buốt như tối qua hay leo núi sáng nay, với con cũng là những việc quá đỗi bình thường…

Ôi Đầu đinh của bố, con lớn hơn những gì bố hình dung nhiều lắm.

Cho nên dẫu lại có thêm những cuộc du lịch hành xác như thế này, bố vẫn thấy an vui… Vì luôn có con yêu ở bên, Đầu đinh à!

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Mười Một 10, 2016 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 6, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button