Sách mới

Hậu trường Nhà Trắng

sach-hau-truong-nha-trangHậu trường Nhà Trắng

Tác giả: Gary J. Byrne
Phát hành: 11-2016
Thể loại: Sách Kinh Doanh – Đầu Tư
Nhà xuất bản: NXB Lao động
Nhà phát hành: Thái Hà
Số trang: 450

 

Là chiếc barie cuối cùng trước khi bất kỳ ai có thể tiến tới gặp Tổng thống Bill Clinton, tác giả Gary J. Byrne đã chứng kiến tất cả những điều hay lẽ dở trong đời sống cá nhân lẫn công việc của Tổng thống Bill Clinton cùng Đệ nhất phu nhân Hillary Rodham Clinton. Cuốn sách này có thể được coi như hồi ký về những tháng ngày đặt mạng sống của bản thân trên lằn ranh sống chết, quên đi bản thân để bảo vệ Đệ nhất Gia đình Hoa Kỳ của tác giả. Nhưng không chỉ thế, nó còn cho thấy tính cách của những con người được coi là tinh hoa của nước Mỹ, trách nhiệm và sự vô trách nhiệm của mỗi con người đối với an ninh thế giới, với tình hình đất nước và cuộc sống của từng người dân dưới quyền họ. Và, nổi bật lên xuyên sốt cuốn sách, là tính cách của Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ lúc đó, Hillary, những hành xử của bà trong các mối quan hệ với chồng, nhân viên và báo chí, truyền thông.

Gary Byrne nói rằng truyền thông đã tô vẽ Hillary là một phụ nữ xuất sắc, là bệ đỡ cho Tổng thống Bill Clinton tiến lên trên chính trường, nhưng là một người vợ đau khổ bởi tính trăng hoa của đức lang quân, “nhưng như những gì tôi đã chứng kiến thì bà ấy có thể là bất kỳ ai, chứ nhất định không thể là một nạn nhân đau khổ được”, rằng Barbara Bush và Bush 41 là những con người lịch duyệt, đáng tôn trọng bao nhiêu thì chính quyền Clinton ít đáng coi trọng bấy nhiêu. Vì sao lại như vậy? Từng chương của cuốn sách sẽ lí giải điều đó, từ những chiếc khăn tắm dính tinh dịch cho đến chiếc váy xanh của Monica, từ những buổi chạy bộ không theo lịch trình bảo vệ nào của cả Tổng thống lẫn phu nhân, từ việc cấp thẻ xanh vô tội vạ đến việc tuyển dụng không khắt khe, tất cả đều sẽ tự mình nói lên nhiều điều.

Cuốn sách này là góc nhìn riêng của tác giả về đời sống chính trị của các chính trị gia hàng đầu nước Mỹ, về những góc khuất trong đời sống cá nhân của họ, về những gì đã thật sự diễn ra phía sau ánh đèn flash của báo chí, truyền thông.

Cuốn sách được coi là bom tấn ở thời điểm phát hành, trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất trên Amazon tại thời điểm trước và khi phát hành. Người ta đã háo hức được đọc, được biết về một con người khác, con người thật – như tác giả nói, về Ứng viên tổng thống Hillary Clinton cũng như cựu Đệ nhất Gia đình Hoa Kỳ này. Góc nhìn này, có thể đúng, có thể sai, có thể là thiên kiên, là định kiến hay là bất kỳ điều gì khác… nhưng chắc chắn là rất hấp dẫn.

Tác giả: Gary J. Byrne làm việc trong lực lượng thi hành luật pháp liên bang Mỹ trong gần 30 năm, từ Cảnh sát An ninh Hàng không Mỹ, Đội Sỹ quan thường phục (Đội Sắc phục) thuộc Sở Mật vụ Hoa Kỳ, và gần đây là Cục Cảnh sát Tòa án Liên bang Hoa Kỳ. Trong thời gian làm việc tại Sở Mật vụ, Gary có trách nhiệm bảo vệ tổng thống Bill Clinton và Đệ nhất Gia đình của nước Mỹ tại Nhà Trắng.

Trích dẫn :

Tôi đã mơ trở thành một sĩ quan Mật vụ tinh nhuệ tại Nhà Trắng, một thành viên trong Đội Sắc phục (UD).
Tôi chẳng mong gì hơn – và chắc chắn cũng chẳng muốn ít hơn.
Giấc mơ của tôi đã thành sự thực. Tôi đã được đứng gác với một khẩu súng ngắn ngang hông, bên ngoài Phòng Bầu dục, ba-ri-e cuối cùng trước khi bất cứ người nào đó có thể gặp Bill Clinton.
Ba-ri-e cuối cùng trước khi Monica Lewinsky gặp Bill Clinton.
Vâng, tôi chính là sĩ quan Mật vụ đó.
Tôi đã nhìn thấy Monica, và tôi còn nhìn thấy nhiều thứ hơn nữa.
Tôi cũng nhìn thấy cả Hillary.
Tôi đã chứng kiến những tràng đả kích thô lỗ của bà ấy, những lần bà ấy đổ tội cho người khác và cách bà ấy nhiếc móc Vince Foster cho đến khi ông ấy không thể nào chịu đựng nổi nữa, cách những việc vặt vãnh như vụ đôi găng tay màu xanh da trời và những thiệp mời chắp ghép khiến bà ấy sa sầm mặt mày như thế nào. Cứ như thể tôi đã được chứng kiến Humphrey Bogart trong cuốn Cuộc nổi loạn trên tàu Caine bực bội chỉ vì một lít dâu tây mất tích – mà không hề nhận thấy cuộc chiến thế giới đang nổi cơn cuồng nộ quanh ông ta. Tôi đã thấy Hillary âm mưu với Dick Morris để đánh bật Chánh văn phòng Nhà Trắng Leon Panetta như thế nào. Các đặc vụ FBI đã tiết lộ với tôi về vụ scandal Filegate đang sùi lên của bà ấy; họ cũng bực bội với những cách làm của Hillary y như chúng tôi vậy.
Cuộc sống ở tòa Bạch Ốc của nhà Clinton nghiêng ngả từ khủng hoảng này (đã lòi ra hoặc vẫn còn âm thầm trong bọc) đến khủng hoảng khác, thậm chí còn bê bối hơn, các đối tượng liên quan, liên đới thường không kịp lấy hơi và chắc chắn cũng không thể rút được một tí sợi dây kinh nghiệm nào. Không khí trong Nhà Trắng thời Clinton chuyển từ vui vẻ sang căm hờn cay đắng, đánh đu hết từ căng thẳng không bao giờ chùng dây thần kinh sang nỗi chán chường ngút ngàn phẫn uất, những nhân vật quan trọng nhất của tòa nhà này đau khổ kẹt giữa ảo tưởng và thực tế phũ phàng.
Khi gia nhập Sở Mật vụ, tôi biết mình sẽ phải trải qua một bài sát hạch thể lực, hai đầu gối tôi sẽ quằn quại do trải qua đợt huấn luyện khắc nghiệt, và tôi hi vọng mình chỉ phải băn khoăn giữa: “Áo chống đạn hay không chống đạn?” (Những cái áo vest quái quỷ đè nặng xuống đai đeo súng và thít chặt thân thể tôi.) Người ta cho rằng chúng tôi đã đặt mạng sống của mình – chứ không phải đầu óc – giữa lằn ranh sống chết.
Nhưng ở Nhà Trắng thời Clinton, tôi sớm nhận ra một cuộc khủng hoảng bức bối thâm nhập khắp mọi nơi, một cuộc khủng hoảng nhân cách. Thực hiện nhiệm vụ sĩ quan quân đội của mình, những con người cả nam lẫn nữ ở đoạn thấp nhất trong cây cột totem quyền lực này – phải đối mặt với cái chết ngay trước mặt – được tuyển vào theo các tiêu chuẩn đạo đức cao nhất. Còn những kẻ ở trên đỉnh cao quyền lực thì đặt mình vào những chuẩn mực thấp nhất – hay chẳng có chuẩn mực nào.
Tôi đã chứng kiến kiểu cách lãnh đạo kinh hãi của Bộ máy Clinton gây sóng gió cho các nhân viên làm nhiệm vụ, cho quân đội và người dân Mỹ nói chung như thế nào. Và với sự trỗi dậy gần đây nhất của Hillary Clinton, tôi nhận ra rằng phong cách lãnh đạo của riêng bà ấy – phong cách phừng phừng như núi lửa, hấp tấp, lại được những kẻ xu nịnh bợ đỡ, và thái độ khinh khỉnh ra luật này lệ kia cho người khác – chẳng thay đổi chút nào.
Tôi từng phát ốm với những chuyện diễn ra trước mắt vào thập niên 1990. Lúc đầu, tôi cố “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, chuyển sang những nhiệm vụ khác trong Nhà Trắng (nhưng rủi thay lại không đủ xa cho lắm) và rồi tới Cục Cảnh sát Hàng không Liên bang, vẫn là công việc bảo vệ cho những người không tự bảo vệ được mình.
Qua 29 năm phục vụ đất nước trong quân đội và trong các nhiệm vụ thi hành luật pháp liên bang, tôi đã chạm trán với cả anh hùng lẫn kẻ hung đồ. Tôi đã quan sát nhân cách con người ở tầm cao vĩ đại nhất cho tới chiều sâu thăm thẳm nhất. Nhà lúc nào cũng dột từ nóc; nhân cách cũng vậy, trong một tổ chức, nó thẩm thấu từ hàng ngũ điều hành chóp bu, đến những quản lý bậc trung, và rồi đến những tên lính quèn xông pha ngoài tiền tuyến. Hillary Clinton hiện đã trở thành ứng cử viên đảng Dân chủ, tranh cử vòng trong cho chức tổng thống Hoa Kỳ, nhưng bà ấy đơn giản là còn thiếu tính chính trực và khí chất để phục vụ đất nước trong vai trò này. Từ tận đáy lòng, tôi biết điều đó là đúng.
Nên tôi phải nói ra.
Mặc dù được khắc họa chân dung như một người vợ chịu nhiều đau khổ vì có người chồng trăng hoa ong bướm, mà như tôi quan sát thấy thì những chuyện trăng gió ấy là có thực, nhưng theo những gì tôi tận mắt thấy, Hillary Clinton có thể là bất cứ ai nhưng không thể nào là một nạn nhân đáng thương được. Những người trung thành với bà ấy vẫn cứ trở về bàn làm việc của mình mang theo cơn phun trào núi lửa phừng phừng của bà ấy.
Ngay từ đầu tôi đã chứng kiến thấy sự bất cập trong đời tư cũng như đời công của nhà Clinton: họ bị cuốn sâu vào các vụ scandal, đâm đầu vào chuyện tiêu diệt những kẻ thù có thực (hoặc tưởng tượng) của mình, đến mức bỏ bê việc chính sự, nhiều việc trở thành sự đã rồi mới tính. Cặp Đệ nhất phu thê này đã tiêu phí ngày tháng bị ám ảnh và loay hoay tìm cách “xóa sổ” một cuốn sách sắp xuất bản (một người khẳng định rằng thân mẫu của ngài Bill Clinton làm chủ một nhà thổ) hay hằm hè gây áp lực với một vụ xì thông tin lá cải khác. Những mưu toan và nỗ lực dồn dập nhằm kiểm soát hiểm nguy đã khiến họ xao lãng công việc thực sự của quốc gia này. Những người tử tế như Leon Panetta, Betty Currie và Evelyn Lieberman đã phải giơ đầu chịu báng những chùng chình chậm trễ này đến khi không còn sức chịu đựng nữa.
Trong cuốn sách này tôi không viết về một thế giới với một chương trình nghị sự mang tính chính trị. Bất kể Clinton thuộc Đảng Dân chủ hay Cộng hòa, thì tôi đều đã thấy những gì tôi thấy; tôi đã nghe được những gì tôi nghe.
Chính trị không thay đổi những sự thực đáng buồn.
Chính trị gia chỉ nghĩ họ thay đổi được.
Hiện tại tôi đã có gần 3 thập niên phục vụ trong quân đội và làm nhiệm vụ thi hành luật, bảo vệ những công dân của đất nước mà tôi yêu mến. Tinh thần phục vụ đã buộc tôi phải chia sẻ với bạn đọc về một thế giới thực, những trải nghiệm thường là đau lòng mà những người làm công vụ phải đối mặt hàng ngày. Đồng thời, tôi cũng sẽ tiết lộ câu chuyện có thực chưa được bóc trần của gia đình nhà Clinton, mối nguy hại thực sự mà họ đã giáng xuống thông qua quyền lực tổng thống và, theo quan điểm của tôi, nguy cơ mà họ lại một lần nữa đặt ra cho tương lai của đất nước chúng ta.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Mười Một 5, 2016 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button