Sách mới

Mộ phần tuổi trẻ

sach-mo-phan-tuoi-treMộ phần tuổi trẻ

Tác giả: Huỳnh Trọng Khang
Phát hành: 10-2016
Thể loại: Sách Văn Học – Tiểu Thuyết
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà văn
Nhà phát hành: Nhã Nam
Số trang: 232

MỘ PHẦN TUỔI TRẺ – TÂM SỰ CỦA NGƯỜI BIÊN TẬP

Đằng sau mỗi cuốn sách đều có một câu chuyện riêng. Bản thảo cuốn này đến tay tôi với 1 cái tên khô khốc: Con trai tướng quân, nhưng lại kèm một phần giới thiệu đầy cảm xúc, hoa mỹ, chăm chút. Không nhiều người lạ gửi bản thảo đến với một phần giới thiệu như thế, đa số chỉ có vài dòng sơ sài, có người thậm chí “quăng” một cái email không tiêu đề, không tên tuổi, file bản thảo đính kèm còn đặt tên vu vơ kiểu “abc.doc”. Tôi vẫn kiên nhẫn đọc.

Hàng trăm hàng nghìn, để lấy được vài ba cái, đã là tốt rồi.

Vậy là tôi đọc Con trai tướng quân của một cái tên lạ hoắc: Huỳnh Trọng Khang. Cuốn sách bắt đầu bằng một bữa tiệc của Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Lê Quang Tung…, những nhân vật chủ chốt của chính quyền Sài Gòn. Tôi không nhập được vào nó ngay, việc đọc quá nhiều trong những ngày sắp sinh nở khiến tôi phát ốm, nhưng tôi nghĩ nó có một cái gì đó. Tôi lưu lại, chờ bữa nào đó đọc lại.

Nhưng tôi quên bẵng nó đi. Tiếp đó là 6 tháng nghỉ sinh chỉ loanh quanh bỉm sữa. Khi trở lại công việc tôi mới đọc bản thảo một cách nghiêm túc với đầu óc sáng rõ. Khang vẫn đợi tôi. Hay là không tự tin vào bản thảo nên không gửi đi nơi khác. Tôi đọc và bị cuốn vào lối viết nhuần nhuyễn đầy cảm xúc, lối triết lý già đời như không phải của một chàng trai trẻ. 20 tuổi và tái hiện sống động về tuổi trẻ hư vô nông nổi những năm 67-68 ở Sài Gòn – “những đứa con hoang của thời đại chấp tay trước trái tim tụng khúc kinh cầu cho sự ngây thơ đã mất”, thật hiếm có.
Ngoại trừ những lỗi chính tả hay mắc của một người miền Nam, vài chi tiết hở sườn mà có thể xử lý qua biên tập, tôi nghĩ bản thảo này thực sự xứng đáng được in ra.

Bởi Nhã Nam.

Niềm vui của một người biên tập, nói nghe có vẻ sáo, nhưng là có thật mỗi khi tìm được những con chữ đáng giá và đưa nó ra ánh mặt trời.

MỘ PHẦN TUỔI TRẺ, tôi và Khang tìm cái tên mới cho cuốn sách.

Bìa sách, tôi muốn họa sĩ thể hiện màu của tàn tro. Hãy đọc nó, bạn sẽ không hối tiếc.

Hãy đọc nó, để biết có những người trẻ tuổi vẫn đang hăm hở vác bút trên cánh đồng chữ, hòng đem lại chút gì ý nghĩa cho cuộc sống nhân gian.

Sơ lược về tác phẩm

1968, Sài Gòn, một buổi trưa mùa xuân rát bỏng, có hai kẻ đã ném vào đó tuổi thanh xuân lộng lẫy của mình, để tất cả chỉ còn lại tàn tro.

Con trai trung tướng cộng hoà, gã sinh viên ban Triết đã sống như một “thằng khốn”. Anh ta chẳng phe phái, chẳng chiến đấu, chỉ mải mê đi tìm niềm vui cho mình giữa bão táp lịch sử. Trốn chạy vào rượu, đuổi theo ham muốn thể xác hoặc vùi đầu vào sách. Trên hết là tình yêu, giữa những cuộc chiến là tình yêu, cái cõi lung linh mà anh ta tin rằng bất khả xâm phạm, nơi anh ta tìm thấy ý nghĩa của tồn tại, nơi cứu rỗi anh ta khỏi mặc cảm tội lỗi và lưu đày trên chính quê hương mình. Nhưng ngay cả những pho tượng cũng không vô tội trên mảnh đất này, thì con người liệu có thể quyết định được số phận của mình hay chăng?

Chọn viết về một quá vãng biến động, với lối viết già dặn nhuần nhuyễn chạm đến những tầng sâu cảm xúc, thật ngạc nhiên khi Huỳnh Trọng Khang là một cây bút thật trẻ, thật mới, chưa từng xuất hiện nhưng hứa hẹn nhiều sự bùng nổ sau này.

Vài trích dẫn :

“Từ giờ anh gọi em là Thuỵ nhé”
“Nhưng em có một cái tên Việt khác rồi”
“Ôi, tên tuổi mà có chi, ngày xưa các cụ còn có tên cúng cơm, tên chữ, tên hiệu. Ngày nay, người ta còn nghệ danh, bút danh, bí danh. Nói chung chả ai muốn làm chính mình cả. Người ta thay đổi những cái tên xoành xoạch. Làm Thuỵ của anh nhé!”

*Mộ Phần Tuổi Trẻ-Huỳnh Trọng Khang”

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Mười Một 2, 2016 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 6, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button