Sách mới

Tìm hiểu về Nhật Bản Singapore và Việt Nam

sach-tim-hieu-ve-nhat-ban-singapore-viet-namTìm hiểu về Nhật Bản Singapore và Việt Nam

Tác giả: Kazutaka Hashimoto
Phát hành: 09-2016
Thể loại: Sách Văn Hóa – Chuyên Ngành
Nhà xuất bản: NXB Lao động
Nhà phát hành: Thái Hà
Số trang: 232

 

Cả ba nền văn hóa Nhật Bản, Singapore và Việt Nam đều chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc. Đây là một điều hiển nhiên bởi tổ tiên của người Singapore gốc Hoa sinh ra ở Trung Quốc (Nơi sinh của những người này bao gồm cả Hong Kong, Macao, và Đài Loan). Phúc Kiến là nhóm lớn nhất, Triều Châu là nhóm lớn thứ nhì và người vùng Quảng Đông là nhóm lớn thứ ba trong số các nhóm sắc dân Singapore gốc Hoa theo thống kê năm 2000.

Miền Bắc Việt Nam có đường biên giới với Trung Quốc, đã chịu ách đô hộ của phương Bắc chừng một nghìn năm. Vào năm 939, Việt Nam mới giành được độc lập từ Trung Hoa cổ. Tuy thế, hệ quả của việc bị đô hộ lâu dài là xã hội miền Bắc Việt Nam chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc. Nếu có dịp tới thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám (trường đại học lâu đời nhất Việt Nam) được thành lập năm 1076 tại Hà Nội, bạn sẽ hiểu rằng Việt Nam (cổ) đã du nhập và áp dụng hệ thống hành chính của Trung Hoa cổ (quan lại được chọn thông qua các kỳ thi) và Khổng giáo là một học thuyết chính thống được ứng dụng trong đời sống và xã hội (Nhà xuất bản Thế giới, 1995: 53). Nhật Bản học hỏi rất nhiều yếu tố văn hóa từ Trung Hoa. Nhật Bản cổ đại vay mượn Hán ngữ, các nguyên tắc Âm-Dương, Thiên văn học… Tương tự, sách vở Khổng giáo và các pho tượng Phật được du nhập từ Trung Quốc. Mặc dù chính sách bế quan tỏa cảng được áp dụng trong thời kỳ Tướng quân Tokugawa, nhưng những chuyến tàu của Trung Quốc vẫn được phép ghé tới vùng Nagasaki (các tàu của Hà Lan cũng được phép). Khổng giáo quy định các nguyên tắc đạo đức trong suốt thời kỳ Edo.

Nhật Bản trao đổi với cả Singapore lẫn Việt Nam và đã từng xâm lược các nước này. Tôi đã tới Hội An, một thị xã xinh đẹp ở miền Trung Việt Nam vào tháng 8 năm 1999. Nơi đây đã từng là một trung tâm thương mại quốc tế ở miền Trung nam Việt Nam vào thế kỷ thứ XVI, XVII. Cây cầu mang dáng dấp Nhật Bản được xây dựng vào thế kỷ XVII vẫn còn tồn tại, nhìn ra khu vực nơi từng có chừng 1000 người Nhật sinh sống. Các tàu buôn Nhật Bản tới đây để nhập gỗ hương, lụa, đường và bán đồng. Tuy nhiên, người Nhật phải sớm chấm dứt việc buôn bán vì chính sách bế quan tỏa cảng của Việt Nam. Vào thế kỷ XIX, Hội An không còn là một thương cảng quốc tế sầm uất nữa.

Những cô gái Nhật trẻ tuổi, đặc biệt là ở khu vực Shimabara và Amakusa, đã trở thành karayuki-san (gái bán dâm – cách gọi ở Đông Nam Á) trong thời kỳ Minh Trị. Những nhà thổ nơi họ làm việc được xây dựng trên phố Middle Road của Singapore. Số lượng gái làng chơi tăng kéo theo sự tập trung của các cửa hiệu bán đồ Nhật Bản, ví dụ như các cửa hiệu bán vải và tiệm làm đẹp. Vì thế một khu phố Nhật Bản hình thành ở Middle Road. Karayuki-san đã thiết lập cơ sở nền tảng của việc trao đổi giữa Nhật Bản và Singapore thông qua chính cơ thể, mồ hôi, nụ cười và cả nước mắt của những con người này. Tuy nhiên, hoạt động trao đổi này chấm dứt vào năm 1920, kết quả của việc Nhật Bản có thêm nguồn sức mạnh sau cuộc chiến tranh Nga – Nhật.

Chiến tranh thế giới thứ II đã phá bỏ các hoạt động trao đổi giữa ba nước. Cuộc chiến là nguyên nhân của những vụ thảm sát người Hoa ở Malaya và Singapore của quân đội Nhật Bản. Số người Hoa bị sát hại khoảng từ 6.000 tới 50.000 người. Trong khoảng thời gian từ 1942 đến 1945, quân đội Nhật Bản đã đánh chiếm Singapore và đặt tên cho nó là Shonanto. Shonanto được điều hành theo kiểu Nhật Bản trong giai đoạn này.

Tương tự, quân đội Nhật Bản cũng tiến vào bán đảo Đông Dương. Người dân ở đây chịu hai ách đô hộ của người Pháp và người Nhật.

Tuy thế, nếu đánh giá chủ nghĩa thực dân của nền quân chủ Nhật Bản là tiêu cực thì khá phiến diện bởi một trường y (Trường Syonan Ikadaigaku) đã được mở trong thời gian quân Nhật chiếm đóng Singapore vào 27 tháng 4 năm 1943, dù sau đó nó được chuyển tới Malacca vào năm 1944. Năm 1947, trường này đã được kỳ vọng sẽ có những sinh viên y đầu tiên tốt nghiệp và phục vụ cộng đồng.

Mười hai thực tập sinh được phép phục vụ tại hai bệnh viện cho tới năm 1946 dù lương tháng của họ bị cắt giảm do chính quyền Anh không chấp nhận bằng cấp được cấp dưới thời chính quyền Nhật Bản cai trị (Wilson, 1978: 108).Ngày nay, nhiều người Nhật tới thăm và sống tại Singapore và Việt Nam. Các công ty Nhật Bản cũng tới kinh doanh, đặt cơ sở tại hai đất nước này. Chiếc máy tính mà tôi đang dùng có ghi chữ “Sản xuất tại Singapore”. Nước Nhật đang bước vào giai đoạn bùng nổ người Việt. Rất nhiều nhà hàng bán thức ăn Việt Nam làm ăn phát đạt và một số nữ sinh viên đã mặc áo dài trong những bữa tiệc cảm ơn các giáo viên của mình. Bia Tiger, nhãn hiệu bia nổi tiếng, đại diện cho bia Singapore.

Tiger Beer đã đặt nhà máy ở Hà Tây, Việt Nam và đã trở thành một loại bia nổi tiếng của Việt Nam tại đất nước này, tương tự bia 333. Mối quan hệ hợp tác giữa Singapore và Việt Nam đã có lịch sử tới 30 năm. Singapore là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam (Viet Nam News, ngày 11/8/2003).

Vì thế, việc so sánh giữa Nhật Bản, Singapore và Việt Nam là tối cần thiết để hiểu về những xã hội châu Á chịu ảnh hưởng của Khổng giáo đồng thời xem xét tương lai phát triển của ba nước trên. Cuốn sách này gồm hai nội dung chính: Đầu tiên, giới thiệu về xã hội Nhật Bản; thứ hai là so sánh Nhật Bản với hai nước còn lại hoặc so sánh cả ba nước với nhau

Trích dẫn :

Giới trẻ ở Nhật Bản

1. Tội phạm vị thành niên

Giới trẻ bao gồm thanh thiếu niên trong độ tuổi 20. Họ suy nghĩ và hành động không giống nhau do sự khác biệt giữa các quốc gia, khu vực, tầng lớp và thời kỳ. Để hiểu được suy nghĩ và hành động của thanh thiếu niên Nhật hiện nay cần đề cập tới vấn đề tội phạm vị thành niên – biểu hiện cực đoan nhất ở lứa tuổi này, nhưng nguồn gốc của tình trạng phạm tội vị thành niên lại nằm trong suy nghĩ và hành vi của thanh niên Nhật Bản. Số lượng người từ 14 – 19 tuổi phạm tội là 138,654 nghìn vào năm 2001 (mức cao nhất của các năm trước đó là 157,385 nghìn vào năm 1998). Trong đó, tội trộm cướp chiếm tỷ lệ cao nhất (58,6%), đặc biệt là tỷ lệ ăn cắp (28%). Theo sau đó là tỷ lệ người phạm tội chiếm đoạt tài sản bị mất của người khác (22,3%) và sử dụng vũ lực (13,3%). 26,905 nghìn trẻ em từ 14 tuổi trở xuống phạm tội vào năm 1998; con số này giảm xuống 20,067 nghìn vào năm 2001. Mặc dù số lượng thanh thiếu niên bị bắt giữ năm 2001 giảm đi so với đỉnh điểm vào năm 1998, số bị cho là tội phạm vị thành niên lại cao hơn trước. Những người trong độ tuổi vị thành niên đồng tình rằng các hành vi do “nóng giận bất thường”, “thiếu niên ở tầng lớp thấp” và “bạo lực” đều tăng lên.

Thanh niên từ 20 tuổi trở lên thường coi các tội phạm vị thành niên sau là các vấn đề xã hội: “tổn thương thể xác”, “nghiện ma túy”, “Ijime (bắt nạt)”, “xung đột do các vấn đề nhỏ nhặt”, “Enjo kosai (mại dâm)”,… (Naikajufu ed., 2002). Thêm vào đó, những đối tượng này nhận định những bối cảnh xã hội có thể dẫn đến việc phạm tội bao gồm “các dịch vụ trò chuyện tình dục (chat sex) và các trang web tìm bạn”, “sự phổ biến của điện thoại di động”. Năm 1999, 47,3% học sinh cấp 1 và cấp 2 coi biểu hiện của tự do cá nhân là “nhuộm tóc” và 20,4% cho đó là “hút thuốc”.

2. Vấn đề học đường ở tuổi vị thành niên

Đầu tiên, người nghiên cứu xem xét các vấn đề ở độ tuổi vị thành niên với hai đại diện là Ijime (bắt nạt) và futoko (trốn học). Ijime thường xảy ra tại các trường trung học. Năm 2000, tỷ lệ trường cấp hai ghi nhận sự xuất hiện của Ijime là 44,1%. Cấp 1 là 14,8%; cấp 3 là 27,8%. Năm 1985, 96.457 vụ bắt nạt xảy ra ở các trường tiểu học và 52.891 vụ xảy ra ở các trường trung học. Năm 2001, số vụ bắt nạt giảm 16.636 tại trường các tiểu học và 6.204 tại các trường trung học. Ijime là một vấn đề học đường tiềm ẩn dù nó có chiều hướng giảm đi qua các năm. Hiện tượng tiêu cực này là hậu quả của việc “chia bè phái”, vốn là một đặc điểm trong các mối quan hệ xã hội của người Nhật. Những người có biểu hiện khác biệt theo cách này hay cách khác sẽ bị loại trừ khỏi nhóm. Một số đứa trẻ bị bắt nạt sẽ không đến trường. Đó được gọi là futoko (học sinh trốn học). Số lượng futoko là 13.710 ở bậc tiểu học và 58.421 ở bậc trung học vào năm 1992. Con số này tăng lên 26.503 ở bậc tiểu học và 112.193 ở bậc trung học. Những học sinh tinh vi đạt thành tích cao và những học sinh có thành tích học tập thấp đều có khả năng trở thành futoko. Những học sinh không tới trường này thường dễ cảm thấy mơ hồ về mục đích của cuộc sống dẫn tới các mặc cảm tâm lý (Hashimoto, 1999: 20-21).Gakkyu hokai (sự hỗn loạn trong học đường) bắt đầu xuất hiện trên các bản tin vài năm trở lại đây. Nguyên nhân của hiện tượng này là do khả năng giảng dạy xuống cấp của giáo viên và việc học sinh hoàn toàn không quan tâm đến các bài giảng trên lớp. Các học sinh ngỗ ngược thường sống cùng các phụ huynh ít quan tâm đến việc học hành của con hoặc đang gặp phải những vấn đề riêng. Khi các vấn đề học đường tăng lên tỉ lệ thuận với sự thờ ơ của phụ huynh, môi trường học tập tại các trường tiểu học trở nên phức tạp, khó khăn.

Gần đây, tình trạng học sinh không chuyên tâm học hành ngày càng trầm trọng ở cấp trung học lẫn tiểu học. Takahashi Kazutoku khẳng định rằng mức học thuật thấp là thực tế tại các lớp học ở các trường trung học. Nhiều học sinh nghe nhạc bằng máy Walkman. Khi bị giáo viên nhắc nhở vì làm ồn, chúng vặn nhỏ âm lượng chứ không hề ngừng nghe nhạc. Các học sinh này lập luận rằng họ không gây ảnh hưởng đến người khác. Họ coi việc nghe nhạc trên máy Walkman là tự do cá nhân. Biểu hiện này thể hiện sự phân rã của trật tự xã hội trong lớp học và sự suy giảm quyền uy của giáo viên (Takashi, 2002). Người nghiên cứu cũng chứng kiến thực tế các lớp học chất lượng thấp tại một trường trung học ở Yokoham. Một vài nữ sinh nói chuyện trong giờ, nhấc cao đầu gối dù họ đang mặc váy ngắn. Giáo viên không hề nhắc nhở những nữ sinh này mà vẫn tiếp tục bài giảng.

Giới trẻ ở Singapore: Kiasu

1. Tội phạm vị thành niên

Số lượng tội phạm vị thành niên ở Singapore là 1.205 năm 1990, tăng lên 2.242 năm 1998. Sau đó con số này giảm xuống 1.298 năm 2001, và lại tăng lên 2.203 năm 2002. Người phạm tội chủ yếu là nam 14, 15 tuổi; riêng trong giai đoạn 1990-1993, độ tuổi vi phạm là từ 7 đến 15. Đó là các học sinh tiểu học hoặc trung học, xuất thân trong các gia đình có thu nhập hàng tháng dưới 1500 đô la Singapore (Chang, Gopinathan, và Ho Wah Kam, biên soạn, 1999: 207). Những gia đình này thuộc tầng lớp thu nhập thấp bởi thu nhập trung bình hàng tháng của hộ gia đình thuộc nhóm thu nhập thứ ba ở nước này là 1.608 đô la Singapore vào năm 1988 và của hộ thuộc nhóm thu nhập thứ hai là 1.891 đô la Singapore vào năm 1993. 80% vi phạm do trẻ vị thành niên gây ra vào năm 1998 là trộm cướp và các tội liên quan, trong đó tỷ lệ ăn cắp trong các cửa hàng chiếm 55% và các tội nhẹ là 15%. Năm 2001, 78% tội phạm vị thành niên phạm tội trộm cướp và các tội khác liên quan; ăn cắp trong cửa hàng chiếm 51% (Số liệu từ lực lượng cảnh sát Singapore). Số liệu và nội dung các vi phạm nặng ở lứa tuổi này khá mập mờ. Số lượng những người gây bạo loạn là 92 người năm 2000, tăng lên 179 năm 2002; số tội phạm vị thành niên là nữ tăng từ 28 người năm 1998 lên 35 người năm 2001. Người nghiên cứu tiến hành điều tra các trung tâm dịch vụ gia đình ở Singapore vào nửa sau của thập niên 90. Tôi được biết rằng người trẻ tuổi có nhiều vấn đề khác nhau như: không muốn tới trường, trốn học, không về nhà, nghiện thuốc phiện. Số lượng người nghiện thuốc phiện chắc hẳn không lớn vì ở đây buôn bán ma túy là tội tử hình.Vấn đề tội phạm vị thành niên nhìn chung không thể hiện rõ các đặc trưng tính cách của giới trẻ Singapore.

2. Kiasu – Bản sắc Singapore

Trong ngôn ngữ của người Singapore có một từ thể hiện bản sắc của quốc gia này, gọi là Kiasu. Kiasu là một từ gốc Hoa (tiếng Phúc Kiến) được truyền lại qua nhiều thế hệ chỉ nỗi sợ bị thất bại (Shelley, 1995: 80). Ví dụ, ý nghĩa của từ này được thể hiện tư tưởng “tìm mọi cách chen hàng để len lên vị trí đầu tiên. Một số người chúng tôi thấy là hợp lý nếu đến dự tiệc lúc bảy giờ sáng trong khi nó chỉ chính thức bắt đầu lúc 1 giờ chiều”, “Khi ai cũng muốn đạt được thứ tốt nhất trước tiên, họ sẽ cạnh tranh để có được cái mình muốn. Vì thế mà chúng tôi buộc phải làm việc nhiều hơn để thỏa mãn các mong muốn” (Khoo, 1997). Tỷ lệ người trẻ tuổi nghĩ tư tưởng kiasu là “cũng ổn” không lớn: 15,6% ở độ tuổi 15-19 và 16% ở độ tuổi 20-29. Dù vậy, từ này liên quan tới một ý kiến của John Clammer cho rằng người Hoa vốn chăm chỉ và thành công (Kau Ah Keng, Tan Soo Jiuan và Wirtz eds, 1998: 45; Clammer, 1985: 146). Do vậy, người Singapore gốc Hoa rất quan tâm đến học hành bởi học vấn cao đồng nghĩa với công việc tốt tại Singapore.

Như vậy, học sinh người Singapore gốc Hoa rất chăm học. Hệ thống giáo dục Singapore không chấp nhận thất bại. Học sinh buộc phải vượt qua các kỳ thi lên cấp nếu không muốn ở lại lớp. Học sinh phải thay đổi kế hoạch cuộc đời vì mục tiêu này bởi không có các kỳ thi lại ở những cấp học cao hơn. Họ cần tập trung vào việc học và cần học gia sư nếu trình độ vẫn còn thấp. Tôi đã gặp các sinh viên Đại học Quốc gia Singapore vào giữa tháng 8 và tháng 9 năm 2002. Tôi hỏi họ về dự định cho các kỳ nghỉ và họ trả lời “Chuẩn bị”. Tôi tiến hành một nghiên cứu nhỏ cho 1 nhóm 10 sinh viên. Một trong số họ làm việc bán thời gian, một người khác theo học thạc sĩ đã lập gia đình và có công việc ổn định. Những sinh viên này rất khác so với các sinh viên ở Nhật.

Người Singapore gốc Malaysia có lối sống khác biệt so với người gốc Hoa. John Clammer khẳng định theo đuổi giá trị vật chất là vô nghĩa đối với nhóm này bởi họ coi trọng sự nhàn nhã, thanh tao, văn hóa và tôn giáo,… (Clammer, 1985: 146). Một nhân viên xã hội tại một trung tâm dịch vụ gia đình Singapore chia sẻ với tôi rằng các phụ huynh từ gia đình gốc Malaysia ít quan tâm đến việc học của con cái hơn so với các phụ huynh gốc Hoa. Họ thường không nhận thấy sự sa sút trong học tập của con. Vì vậy, kiasu thể hiện bản chất của người Singapore gốc Hoa chứ không phải của người gốc Malaysia.
Thanh niên Việt Nam truyền thống

1. Thanh niên trong cảnh nghèo khó

Thanh niên Việt Nam xuất thân trong những hoàn cảnh khác biệt so với ở Singapore và Nhật Bản. Nhiều người trong số này thuộc về các tầng lớp thấp trong xã hội. Năm 1999, tỷ lệ tuyển sinh vào cấp 2 (46,9%) và cấp 3 (27,3%) thấp hơn so với vào cấp 1 (88,5%). Tỷ lệ tuyển sinh vào đại học chỉ chiếm 2% so với mức trung bình 13,2% ở các nước Đông Nam Á (trong khối ASEAN) vào năm 1992. Tỷ lệ thấp các học sinh tiếp tục học lên cao có liên quan tới mức sống thấp của người dân. Số lượng trẻ lang thang không cha mẹ là khoảng 50.000 em. Đói nghèo chính là điều kiện làm nảy sinh tội phạm vị thành niên. Toyama đã nói rằng “trên các con phố, trong các quán café, bên ngoài các quán ăn, phía trước các sàn nhảy, nhiều nam sinh, nữ sinh trong các bộ đồng phục, chỉ khoảng từ 6 đến 15 tuổi, đang bán hoa và kẹo cao su tới nửa đêm. Nhiều sinh viên đại học làm tiếp tân, phục vụ bàn trong các căng tin, nhà hàng, và cả các quán karaoke” (Toyama, 2001: 16).

Như đã đề cập ở một chương khác, mặc dù số lượng người làm nghề mại dâm đã giảm xuống, nhưng vẫn có khoảng 5000 đến 7000 trẻ em làm nghề này, chiếm 11,4% tổng số ghi nhận vào giữa thập niên 90. Trẻ em gái bị buộc làm nghề mại dâm vì cuộc sống quá khó khăn không có cách nào khác ngoài chịu đựng để thoát khỏi số phận và cuộc sống trước đây hoặc để trả thù đời (Hoàng Bá Thịnh, 1999: 6; 129).

2. Thanh niên với lối sống lành mạnh

Tội phạm vị thành niên là hiện tượng xã hội ít phổ biến ở Việt Nam. Người nghiên cứu tiến hành điều tra 10 sinh viên và 10 công nhân viên ở Hà Nội vào giai đoạn giữa tháng 6 và tháng 7 năm 2002. Tôi hỏi họ “Bạn đã bao giờ đi lang thang cho tới nửa đêm hoặc rạng sáng chưa? Nếu đã từng thì việc đó xảy ra trong trường hợp nào?” Tôi nhận được 10 câu trả lời “Có”, và 10 câu trả lời “Không”. Có 9 phụ nữ trả lời “Không” và 8 người đàn ông trả lời “Có”. Tất cả nữ sinh đều trả lời là chưa từng làm như vậy.

Hai nữ công nhân viên đã từng trải nghiệm việc này chia sẻ: “Tôi không đi một mình mà đi cùng bạn trai”; “Thỉnh thoảng tôi ra ngoài lúc vào đêm khuya. Tôi đến nhà thờ vào Giáng Sinh, và đi chơi đêm Giao thừa”. Hành vi của hai phụ nữ này hoàn toàn bình thường bởi bạn trai là người rất gần gũi với nữ giới và nhiều bạn trẻ ở Hà Nội tụ tập ở Hồ Tây hoặc Hồ Hoàn Kiếm để xem pháo hoa năm mới. Một nam công nhân trả lời: “Thỉnh thoảng, tôi ra ngoài uống bia với bạn bè và xem bóng đá. Tôi đi hát karaoke khi buồn. Tôi lang thang trên phố sau khi uống bia”. Một nam nhân viên khác nói: “Tôi đi dạo phố đêm vài lần để tìm kiếm sự thoáng đãng chỉ có lúc đêm muộn”. Những nam thanh niên lang thang ngoài phố đêm khuya không phải tội phạm. Người nghiên cứu rất ngạc nhiên khi tất cả các sinh viên nữ đều chưa bao giờ lang thang cho tới nửa đêm hay rạng sáng.

Một câu hỏi khác được đặt ra cho nhóm này: “Bạn nghĩ gì về các sạp hàng tự do trên phố? Tại sao chúng được mở ra?” Có rất nhiều sạp hàng như thế tại khu vực đô thị ở Việt Nam. Người Việt qua lại đây rất đông và bản thân người nghiên cứu rất thích món bún đậu được bày bán. Tôi rất ngạc nhiên khi có tới 11 ý kiến phản đối các sạp hàng này, so với 5 ý kiến ủng hộ và 3 ý kiến trung lập. Một nữ nhân viên văn phòng trả lời: “Tôi thích các sạp này bởi nó làm cuộc sống của tôi dễ chịu hơn. Tôi thích mua hoa quả trên phố vì chúng tươi hơn trong siêu thị và tiện nữa. Tuy nhiên để bảo vệ môi trường, sẽ tốt hơn nếu mọi người không xả rác ra phố.” Một người bảo vệ đồng tính với ý kiến này: “Có quá nhiều các sạp như vậy và chúng có những tác động nhất định. Để được bán hàng trong chợ cần phải trả phí còn trên phố thì miễn phí. Các sạp này chắc chắn không được chấp nhận vì chúng gây ảnh hưởng đến văn minh đô thị nhưng lại cần thiết trong thời đại xã hội đang thay đổi”. Một nữ sinh nói: “Việc tôi chấp nhận sự xuất hiện của các sạp này tùy vào từng khu vực. Hà Nội trước đây đẹp hơn các thành phố khác vì số lượng các sạp ở đây bị giới hạn.”

Một nữ thư ký không ủng hộ chia sẻ: “Các sạp hàng trên phố gây cản trở giao thông và người đi bộ. Nó làm điều kiện vệ sinh ở các khu vực công cộng xuống cấp. Những sạp này cần bị dẹp bỏ.” Cùng chung ý kiến, một nữ bán hàng nói: “Các sạp này xuất hiện quá nhiều, quá thường xuyên và cần bị cấm hoạt động”. Một sinh viên nữ trả lời: “Những quầy hàng này không đem lại nhiều lợi ích mà gây ảnh hưởng cho cộng đồng. Chúng cần được xóa sổ. Người ta mở ra các sạp này để mưu sinh.” Thật đáng ngạc nhiên khi có nhiều ý kiến phản đối đến thế khi mà các sạp hàng trên phố cực kỳ phổ biến ở đây. Kết quả thu được từ 2 câu hỏi trên cho thấy lối sống lành mạnh của thanh niên Việt Nam.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Mười 13, 2016 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button