Sách nuôi dạy con

Phương Pháp Ăn dặm Do Bé Chỉ Huy

Tác giảGill Rapley & Tracey Murket
Phát hành02-2014
Thể loạiSách nuôi dạy con
Đánh giá[kkstarratings]
Nhà phát hànhThái Hà

Giới thiệu sách

Nếu bạn đã quen với hình ảnh các bé được mẹ dùng muỗng đút thức ăn nghiền nhuyễn vào miệng, bé nhè ra và mẹ lại vét vào cho đến khi nào bé nuốt thì thôi, thì BLW sẽ là một hình ảnh hoàn toàn khác. Với phương pháp này, sẽ không có chuyện đút muỗng hay nghiền nhuyễn, mà ba mẹ sẽ cung cấp cho bé những thức ăn có hình dạng và kích cỡ phù hợp để bé có thể cầm lấy và tự đút cho mình bằng các ngón tay, tự chọn thức ăn, tự quyết định ăn bao nhiêu và ăn với tốc độ như thế nào. Rất có thể nhiều mẹ sẽ lo lắng bé ăn như thế nhỡ bị hóc thì sao.

Thực ra, bé cũng như người lớn, dễ bị hóc hay nghẹn hơn khi có người đút cho, bởi về cơ bản đó là kiểu ăn thụ động – bé không kiểm soát được lượng thức ăn đưa vào. Khi bé tự cho thức ăn vào miệng thì bé cũng nhận thức là mình đang ăn và sẽ điều khiển lưỡi, hàm, môi, họng một cách phù hợp. Nếu thức ăn to quá thì bé sẽ nhè ra. Tất nhiên, việc bé bị ọe vào thời gian đầu là hoàn toàn có thể. Nhưng ọe chỉ là một phản ứng của bé khi không chấp nhận đồ ăn. Sau vài lần ọe thì bé cũng hình thành ý thức và kỹ năng để biết ăn bao nhiêu, ăn như thế nào cho khỏi ọe. Thất bại là mẹ thành công mà.

Đã áp dụng phương pháp BLW thì mẹ phải tin tưởng bé. Tất cả những em bé khỏe mạnh đều có thể làm điều đó từ 6 tháng tuổi, khi bé đã có thể ngồi khá vững và hệ tiêu hóa cũng như miễn dịch đã đủ trưởng thành giúp bé hấp thụ các thức ăn khác ngoài sữa. Bé không cần được đút muỗng, bé chỉ cần được tạo cơ hội để tự ăn mà thôi. BLW sẽ giúp bé ăn uống một cách thoải mái, tự lập và rèn luyện kỹ năng ăn cho bé, cụ thể là:- Cho phép bé khám phá mùi vị và cảm giác về độ thô mịn;- Khuyến khích sự độc lập và tự tin;- Giúp bé phát triển các kỹ năng nhai và phối hợp giữa mắt và tay- Làm cho bữa ăn của bé bớt áp lực.

Trích đoạn

THẾ NÀO LÀ PHƯƠNG PHÁP ĂN DẶM BÉ CHỈ HUY?

“Dường như đối với hầu hết cha mẹ, việc ăn uống của trẻ là một cơn ác mộng. Với Emily, chúng tôi không phải đối mặt với cuộc chiến mệt mỏi đó. Chúng tôi thực sự yêu thích giờ ăn. Với gia đình tôi, thức ăn không phải là vấn đề.”

Jess, mẹ bé Emily 2 tuổi

“Sẽ dễ hơn nhiều khi cho bé tập ăn cùng loại thức ăn của người lớn. Tôi đã rất lo lắng khi Ben đến tuổi ăn dặm, nhưng giờ tôi không còn lo lắng liệu Ben có ăn hay không nữa. Việc này rất tự nhiên – và vui vẻ hơn nhiều.”

Sam, mẹ bé Bella 8 tuổi, Alex 5 tuổi và Ben 8 tháng tuổi

Ăn dặm là gì?

Ăn dặm là sự thay đổi dần dần của bé, chuyển từ việc chỉ ăn sữa mẹ hoặc sữa bột sang ăn thêm các loại thức ăn khác. Sự thay đổi này mất tối thiểu 6 tháng nhưng cũng có thể kéo dài vài năm, đặc biệt là đối với các bé bú mẹ. Cuốn sách này viết về giai đoạn đầu của quá trình ăn dặm, có nghĩa là với lần đầu tiên bé ăn dặm.

Những món ăn dặm đầu tiên – đôi khi còn được gọi là thức ăn bổ sung – không có nghĩa là thay thế sữa mẹ hoặc sữa bột, thay vào đó, sẽ bổ sung cho chế độ ăn này, để bữa ăn của bé ngày càng thêm đa dạng.

Trong hầu hết các gia đình, thời điểm ăn dặm do cha mẹ quyết định. Khi cha mẹ bắt đầu đút thìa cho bé ăn, họ cũng quyết định thời điểm và cách thức bé bắt đầu ăn dặm; khi họ không còn cho bé bú mẹ hoặc bú bình, họ quyết định thời điểm cai sữa. Bạn có thể gọi đó là ăn dặm do-cha-mẹ-quyết-định. Ăn dặm do-bé- quyết-định lại khác. Phương pháp này cho phép bé dẫn dắt toàn bộ quá trình, bằng cách bé vận dụng bản năng và khả năng của mình. Bé quyết định thời điểm bắt đầu và kết thúc quá trình ăn dặm. Mặc dù việc này có vẻ kì cục, nhưng nó sẽ có ý nghĩa tuyệt đối khi bạn quan sát kĩ phương thức phát triển của bé.

Tại sao BLW lại khác biệt?

Khi nghĩ đến việc cho bé tập ăn dặm, mọi người thường hình dung thấy hình ảnh người lớn cầm thìa, đút cho bé ăn một vài thìa táo hoặc cà rốt xay nhuyễn. Có lúc bé sẽ háo hức há miệng để đón nhận thìa – nhưng bé cũng sẽ nhanh chóng nhè thức ăn, hất thìa, khóc hoặc không chịu ăn. Rất nhiều cha mẹ đành phải áp dụng trò chơi – “Tàu đến rồi đây!” – với nỗ lực thuyết phục bé chấp nhận thức ăn và thường thức ăn và giờ ăn của bé khác với gia đình.

Tại các nước phương Tây, phương pháp cho bé ăn như trên khá phổ biến, đến mức cho ăn bằng thìa trở thành phương thức thông thường để chuẩn bị ăn dặm. Các định nghĩa trong từ điển về việc cho ăn bằng thìa bao gồm: “giúp đỡ hoặc dạy (ai) quá nhiều đến nỗi người đó không tự suy nghĩ được nữa” và “đối xử (với người khác) theo cách thức ngăn cản ý nghĩ hoặc hành động tự lập.” Trong khi đó, phương pháp BLW khuyến khích thái độ tự tin và tính độc lập của bé bằng cách tuân theo tín hiệu của bé. Giai đoạn ăn dặm bắt đầu khi bé biểu hiện có thể tự ăn, và tiến triển theo nhịp độ riêng của bé.

Việc này cho phép bé làm theo bản năng để bắt chước cha mẹ và các anh chị, bé phát triển kĩ năng ăn một cách tự nhiên, thú vị, đồng thời trong quá trình đó giúp bé học hỏi. Nếu được tạo cho cơ hội, hầu hết các bé sẽ cho cha mẹ biết rằng các bé đã sẵn sàng cho món ăn khác ngoài sữa, chỉ bằng cách cầm một mẩu thức ăn và đưa vào miệng. Các bé không cần cha mẹ quyết định khi nào nên bắt đầu ăn dặm, và bé không cần phải được đút thìa; các bé có thể tự làm được.

Dưới đây là phương pháp BLW:

• Bé ngồi với cả gia đình khi đến giờ ăn và gia nhập khi bé sẵn sàng.

• Bé được khuyến khích khám phá thức ăn ngay khi cảm thấy thích thú, bằng cách cầm tay – ban đầu, dù bé có ăn hay không cũng không quan trọng.

• Thức ăn được xắt thành miếng có kích thước và hình dạng phù hợp cho bé dễ cầm nắm, thay vì món ăn sền sệt hoặc tán nhuyễn.

• Bé tự ăn ngay từ đầu, thay vì được người khác đút thìa.

• Bé tùy nghi quyết định lượng thức ăn, và bé nhanh chóng mở rộng các loại thức ăn mà bé ưa thích.

• Bé tiếp tục được bú sữa (sữa mẹ hoặc sữa bột) mỗi khi bé muốn và bé tự quyết định thời điểm giảm các cữ bú.

Kinh nghiệm đầu đời khi ăn dặm có thể ảnh hưởng đến cảm nhận của bé về bữa ăn trong nhiều năm sau đó, vì vậy sẽ rất có ý nghĩa khi bạn giúp các bé cảm thấy thích thú. Nhưng đối với nhiều bé và nhiều cha mẹ, ăn dặm không được thú vị cho lắm. Đương nhiên, không phải tất cả các bé đều phản đối khi được cho ăn bằng thìa theo lối truyền thống, nhưng rất nhiều bé đành cam chịu phải ăn thay vì thực sự ham thích. Mặt khác, dường như các bé được phép tự ăn và ăn chung với gia đình đều yêu thích giờ ăn.

“Khi Ryan khoảng 6 tháng tuổi, tôi và một nhóm các mẹ có con cùng độ tuổi kéo nhau ra ngoài. Các mẹ bận bịu đút bột cho các con và dùng thìa vét quanh miệng để đảm bảo tất cả thức ăn đều đi vào miệng bé. Hình như họ tự biến cuộc sống trở nên khó khăn đến vậy, và chị sẽ thấy đám con nít không thích trò này chút nào.”

Suzannne, mẹ bé Ryan 2 tuổi

Tại sao phương pháp BLW lại hợp lý?

Các bé bò, đi và nói khi đã sẵn sàng. Các dấu mốc phát triển này sẽ không đến sớm hơn – với điều kiện bé được trao cơ hội – và cũng không muộn hơn thời điểm thích hợp với bé. Khi bạn đặt bé mới sinh xuống sàn để bé tập đá chân, tức là bạn tạo cho bé cơ hội tập lẫy. Khi bé có thể lẫy, bé sẽ lẫy. Bạn cũng sẽ tạo cho bé cơ hội tập đứng lên và bước đi. Việc này sẽ mất nhiều thời gian hơn. Nhưng nếu bạn tiếp tục cho bé cơ hội, bé sẽ làm được. Vậy thì tại sao không thể làm vậy với phương pháp cho bé ăn?

Các em bé khỏe mạnh có thể tự bú mẹ ngay khi chào đời. 6 tháng tuổi, bé có thể giơ tay cầm các mẩu thức ăn và đưa vào miệng. Sau nhiều năm, chúng ta biết quá rõ bé có thể làm việc này, và cha mẹ được khuyến khích tập cho bé làm quen với việc bốc ăn từ khi bé 6 tháng tuổi. Vì các bé có thể tự bốc ăn từ lúc 6 tháng nên dường như không cần phải cho bé ăn thức ăn tán nhuyễn.

Tuy nhiên, mặc dù chúng ta biết rõ các bé có bản năng và khả năng tự ăn vào thời điểm thích hợp, nhưng đút thìa vẫn là phương pháp mà hầu hết các bé được cho ăn trong năm đầu tiên – và đôi khi dài lâu hơn nữa.

Khi nào bé nên bắt đầu ăn dặm?

Hiện nay, độ tuổi khuyến nghị để bắt đầu ăn dặm là 6 tháng. Trước khi đạt độ tuổi này, các em bé khó có thể tiêu hóa các loại thức ăn, trừ sữa. Cho bé ăn dặm trước 6 tháng tuổi không tốt cho bé, bởi vì:

• Thức ăn dặm không có nhiều chất dinh dưỡng và calo như sữa mẹ hoặc sữa bột. Dạ dày của bé còn nhỏ và cần nguồn dinh dưỡng, calo dễ tiêu hóa, giúp bé phát triển tốt; chỉ sữa mẹ hoặc sữa bột mới cung cấp đủ các dưỡng chất này.

• Hệ tiêu hóa của bé vẫn chưa sẵn sàng tiếp nhận các chất bổ dưỡng của thức ăn dặm, vì vậy các thức ăn này sẽ theo phân ra ngoài mà không góp phần nuôi dưỡng cơ thể bé.

• Nếu bé ăn dặm quá sớm, bé sẽ uống ít sữa, khiến bé nhận được ít chất dinh dưỡng hơn.

• Các bé ăn dặm sớm bị nhiễm khuẩn nhiều hơn và có nguy cơ dị ứng cao hơn các bé uống sữa hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, bởi hệ miễn dịch của bé vẫn chưa phát triển trọn vẹn.

Theo nghiên cứu, cho bé ăn dặm trước 6 tháng tuổi khiến sau này bé dễ mắc các nhân tố gây bệnh tim mạch, ví dụ như bệnh huyết áp cao.

Năm 2002, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị, nếu có thể, tất cả các em bé nên được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, và sau giai đoạn đó mới cho bé tập ăn dặm.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Bảy 26, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Tám 3, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button