Sống

Học cách khiêm nhường trong nghệ thuật thưởng thức trà đạo của người Nhật

Xứ sở hoa anh đào với nền văn hóa lâu đời đã mang đến cho thế giới một nét nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Nhật – nghệ thuật thưởng thức trà đạo. Trong phong cách uống trà của người Nhật, chúng ta có thể thấy nó toát lên vẻ trang trọng, thành kính của người dâng trà và người thưởng trà.

Trà đạo ở Nhật không đơn thuần chỉ là phép tắc uống trà, mà trên hết còn là một phương tiện hữu hiệu nhằm làm trong sạch tâm hồn bằng cách hòa mình với thiên nhiên, từ đó tu tâm dưỡng tính để đạt giác ngộ.

Trà đạo ở Nhật Bản được bắt đầu hình thành từ đầu thế kỉ XIII, bạn đầu chỉ có tăng lữ dùng trà để tập trung tư tưởng của bản thân, Đến giữa thế kỷ XIV (thời Muromachi), việc uống trà được phổ biến đến giới bình dân. Cách thức uống trà của người Nhật Bản giống như người Trung Hoa, chủ yếu là thưởng ngoạn phong cảnh, đối ẩm, thưởng thức vị trà. Hiện nay trà đạo Nhật được phân thành Đạo trà Matcha và Đạo trà rang.

Khi chúng ta được mời để thưởng thức trà, chúng ta sẽ được mời vào một căn phòng nhỏ dành riêng cho việc thưởng thức trà. Trong căn phòng này được trang trí khá giản dị, trang nhã về kiến trúc và nhỏ nhắn về quy mô. Một điều đặc biệt khi vào trong căn phòng này đó là hầu hết những chủ nhân đều khoác lên mình một bộ Kimono truyền thống sang trọng và luôn tươi cười chào đón khách đến thưởng thức trà.

Khi vào trong phòng trà một quy luật chúng ta cần lưu ý đó là không được dẫm lên viền màu xanh của chiếc đệm ngồi tatami trải trên sàn, mà phải bước qua. Sau đó bạn sẽ phải xếp thành một hàng 3 người, rồi quỳ xuống theo đúng nghi lễ trà đạo của người Nhật. Sau khi tất cả mọi người đã ổn định chỗ ngồi ngay ngắn thì chủ nhân trong trang phục Kimono, nhẹ nhàng kéo cánh cửa kiểu Nhật ra, sau đó quỳ trên sàn nhà, cúi thấp đầu, dùng tay ấn xuống sàn, rồi từ từ di chuyển cơ thể, quỳ lê vào trong phòng học.

Sau khi di chuyển một quãng chủ nhân lại dịch chuyển một chút chiếc khay đựng đầy đồ điểm tâm, sau rất nhiều động tác quỳ lê cô mới tới được trước mặt mọi người. Với những người lần đầu thưởng thức trà đạo ắt hẳn sẽ rất ngạc nhiên bởi tính khiêm nhường của con người nơi đây.

Uống trà kiểu Nhật không giống với cách uống kiểu nhấp môi mà người Việt và người Trung Hoa thường làm. Người Nhật ăn một miếng bánh ngọt trước khi uống trà, bánh sẽ làm cho vị trà thêm nổi trội và thường được làm từ bột khoai, bột đậu. Khi cầm ly trà lên thì hình in trên ly trà phải được hướng ra bên ngoài, rồi mới cung kính nói với người ngồi bên cạnh không dùng trà rằng: “Tôi uống trước nhé!”, sau đó mới tới lượt mình được uống trà. Người Nhật họ uống một lượng trà tương đối lớn, sao cho trong 2, 3 lần uống sẽ hết một cốc trà. Và uống chén trà phải uống hết không để thừa lại một giọt nào trong chén. Sau khi uống hết chén trà bạn xoay chén lại và dâng lại cho chủ nhân. Cuối cùng bạn đặt tay lên tấm đệm tatami đặt trước đầu gối, sau đó dập đầu tỏ lòng biết ơn.

Người dâng trà mỗi lần đều phải lặp đi lặp lại những động tác ấy và lễ tiết nhỏ nhặt, phức tạp ấy, người uống trà cũng vậy, cũng phải uống trà theo nghi lễ và phép tắc như vậy. Qua việc thưởng thức trà đạo này, chúng ta có thể thấy rằng người dâng trà cũng như người uống trà đều thể hiện một lòng thành kính đối với đối phương giống như những nghi lễ trong cung đình thời xưa. Có thể thấy trang phục, bộ đồ trà cho tới những bức thư họa và vị trí cắm hoa trong phòng trà đều thấm đẫm tinh thần của trà đạo.

Trà đạo Nhật Bản, việc pha trà và uống trà là hai phần không thể tách rời. Người quan trọng nhất trong một nghi thức trà đạo là người thực hiện việc pha trà. Các thao tác của người pha trà thể hiện được cái tâm sự cung kính vô hạn khi dâng lên tấm lòng thành của mình dành cho người uống trà. Chính sự cung kính, khiêm nhường này sẽ làm cho thao tác pha trà chuẩn mực hơn cũng như là cuốn hút được những người tham gia nghi thức này. Có lẽ đây chính là tinh thần chính của việc uống trà đạo.

Nhật Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button