Tác giả

Alvin Toffter – Đôi mắt nhìn thấu tương lai

Với ngòi bút sắc sảo và nhạy bén, Alvin Toffter đã có những nhận xét chính xác, chân thực và đầy sắc sảo về chiều hướng phát triển của nền kinh tế, chính trị thế kỷ XXI.

Không phải là chủ tịch của một tập đoàn kinh tế lớn hay nắm giữ khối tài sản hàng chục tỷ USD, nhưng Alvin Toffler vẫn là cái tên được các “ông trùm” tư bản ở các tập đoàn lớn trên thế giới kính nể.

Thậm chí báo giới Trung Quốc còn đánh giá ông là người có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước này. Sức mạnh ấy có được là bởi những học thuyết kinh tế- chính trị học có ảnh hưởng lớn tới thế giới mà ông đã dày công nghiên cứu, tìm tòi và đúc kết trong hơn nửa thế kỉ qua.

Từ một cử nhân văn chương “rẽ ngang” để hoạt động báo chí rồi trở thành nhà kinh tế, nhà tương lai học là một chặng đường rất dài. Nhưng hành trình lớn lao ấy của Alvin Toffler đã kết thúc khi ông qua đời vào ngày 27/6 vừa qua ở tuổi 88.

Sự ra đi của Toffler để lại sự tiếc nuối cho nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu kinh tế ở Mỹ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Hãy cùng nhìn lại quá trình từ một cậu sinh viên lãng mạn trở thành một nhà kinh tế học nổi tiếng của Alvin Toffler.

Alvin Toffler sinh năm 1928 tại thành phố New York. Bố mẹ của ông là người Ba Lan có nguồn gốc Do Thái. Khi cậu con trai thứ hai của họ là Alvin đến tuổi đi học, cậu bé đã tỏ rõ mình là một đứa trẻ ham đọc sách, trong khi bạn bè cùng trang lứa của cậu còn mải mê với bóng chày và những trò chơi vận động.

Sở thích đáng khen này của cậu nhóc được những người thân ủng hộ. Đặc biệt người dì và người cậu của Alvin còn rất hào hứng khi nghĩ rằng cháu trai của mình sẽ trở thành một nhà văn danh tiếng trong tương lai.

Tác giả Alvin Toffler.
Tác giả Alvin Toffler.

Alvin Toffler đã lấy bằng Cử nhân Văn học tại Đại học New York vào năm 1950. Vì muốn có vốn sống dày dặn để làm “tài sản” cho việc viết lách và sáng tạo, chàng trai trẻ ngoài hai mươi khi ấy đã quyết định thực hiện một chuyến hành trình dài dọc nước Mỹ.

Chuyến đi này đã cho ông cơ hội tiếp xúc với các công nhân làm việc trong các nhà máy và phân xưởng của các công ty tư bản lớn ở Mỹ thời bấy giờ. Điều này đã tạo một tiền đề quan trọng cho bước ngoặt lớn trong sự nghiệp cuả Alvin Toffler sau này.

Trước khi thực hiện cuộc hành trình, chàng cử nhân văn chương vẫn mong mỏi sẽ viết được một cuốn tiểu thuyết khi trở về. Nhưng quá trình tiếp xúc với những người công nhân và có hiểu biết nhất định cuộc sống của họ đã run rủi Alvin Toffler vào làm phóng viên cho nghiệp đoàn lao động. Là người có duyên với nghề báo, vào năm 1957, từ một phóng viên trẻ, Alvin Toffler đã trở thành phóng viên phụ trách đưa tin về Nhà Trắng của một tờ báo địa phương ở Pennsylvania.

Fortune một tờ tạp chí về kinh doanh nổi tiếng của Mỹ, có lịch sử hình thành từ năm 1929 đã mời Alvin Toffler về làm phóng viên phụ trách chuyên mục vào năm 1959. Nhưng điều làm cả thế giới biết đến cái tên Alvin Toffler là nhờ những cuốn sách phân tích tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của toàn thế giới mà ông viết.

Nói về các tác phẩm của Alvin Toffler, không thể không kể đến tác phẩm Cú sốc tương lai xuất bản năm 1970. Trong cuốn sách này, ông đã đề cập đến một thật ngữ mới đó là “sốc tương lai” cụm từ này ám chỉ những áp lực mà con người phải gánh chịu khi thế giới biến thành một cỗ máy công nghiệp cường độ cao trong tương lai.

Phần tiếp theo của cuốn sách này mang tựa Làn sóng thứ ba xuất bản năm 1980 cũng là một trong những cuốn sách được đánh giá cao của Alvin Toffler.

Người vợ, đồng thời cũng là người cộng sự thân thiết của ông, bà Heidi Toffler đã tiến hành xuất bản một số cuốn sách của Alvin Toffler dưới dạng video. Nhưng một vấn đề đáng buồn là tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan đã khiến tác giả không được hưởng lợi nhuận từ hoạt động này.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Chín 29, 2016 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button