Tác giả

Chuyện chưa kể về cha đẻ của ‘Cậu bé rừng xanh’

Thiên nhiên xanh tươi, trù phú của Ấn Độ đã trở thành cảm hứng bất tận cho các sáng tác của Rudyard Kipling. Nơi đây đã cho ông tâm hồn bay bổng và tình yêu thiên nhiên mãnh liệt.

Mùa hè 2016, Cậu bé rừng xanh (The Jungle Book), bộ phim phiêu lưu kì ảo của hãng Walt Disney, đã tạo nên “cơn sốt phòng vé” trên toàn thế giới.

Nhưng từ hơn 100 năm trước, khi còn là một nhân vật văn học của Rudyard Kipling, cậu bé Mowgli đã khiến độc giả nhí say mê. Xung quanh tác giả và cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này có rất nhiều câu chuyện thú vị và cảm động.

Rudyard Kipling tên đầy đủ là Joseph Rudyard Kipling, sinh ngày 30/12/1865 tại Bombay, Ấn Độ. Cha của ông là John Lockwood Kipling một họa sĩ đồng thời là giáo sư giảng dạy bộ môn điêu khắc và kiến trúc tại trường Nghệ thuật Jeejeebhoy ở Bombay.

Sau này khi đạt được một số thành tựu ở Ấn Độ, Nữ hoàng Anh đã tin tưởng John Lockwood Kipling và giao cho ông toàn quyền quản lý một bảo tàng nghệ thuật tại quốc gia Nam Á này.

Vào năm 1864, John Lockwood Kipling gặp cô tiểu thư Alice Macdonald tại hồ Rudyard ở vùng Staffordshire vào một buổi chiều mùa hè dịu mát. Đôi trai tài gái sắc ấy nhanh chóng phải lòng nhau.

Alice Macdonald là con gái của vị linh mục nổi tiếng George Browne Macdonald. Thời thiếu nữ, bà nổi tiếng bởi sắc đẹp, trí tuệ và sự hiểu biết. Nhiều vị công tử thuộc dòng dõi quý tộc đã dùng những lời hoa mỹ để tán dương bà. Họ cho rằng: ở đâu có tiểu thư Alice xuất hiện thì mọi vật đều tỏa sáng lấp lánh.

John Lockwood Kipling và Alice Macdonald nhanh chóng kết hôn vào đầu năm 1865 và chuyển tới Bombay để người chồng đảm nhận công việc mới. Để kỉ niệm cho mối tình sét đánh ngọt ngào, họ đã lấy tên hồ Rudyard, nơi lần đầu gặp gỡ làm tên thánh cho cậu con trai duy nhất.

Nhà văn Rudyard Kipling.

Những năm đầu đời của Rudyard Kipling là cuộc khám phá đầy thú vị ở vùng đất Nam Á trù phú đầy nắng và gió. Khác với những gia đình quý tộc Anh kiểu cách và thủ cựu, luôn giữ chặt con ở trong nhà cùng bảo mẫu. Nhà Kipling muốn con trai mình được phát triển tự nhiên. Bà Alice thường đưa cậu bé vào rừng dạo chơi và tới các khu chợ tiếp xúc với người dân địa phương.

Bởi vậy giữa Rudyard Kipling và mảnh đất Ấn Độ đã hình thành một sự gắn bó đặc biệt. Năm cậu bé Rudyard lên sáu, cha mẹ quyết định đưa cậu về Anh Quốc học tập.

Đây là cách mà nhiều gia đình quý tộc ở các vùng thuộc địa của Anh vẫn làm, họ thường gửi con vào những trường nội trú. Chuyến đi này đã tác động rất lớn đến Rudyard Kipling.

Môi trường hà khắc ở trường nội trú làm cho cậu bé cảm thấy bức bối. Rudyard lúc nào cũng thấy nhớ cha mẹ và vùng đất Ấn Độ thân yêu. Sau này, tác giả tâm sự rằng những ý tưởng đầu tiên của tập truyện Cậu bé rừng xanh (The Jungle Book) được ra đời trong khoảng thời gian ông sống trong trường nội trú.

Trong những đêm mất ngủ vì nhớ nhà và cô đơn Rudyard Kipling đã ao ước có một chuyến phiêu lưu trong những khu rừng nhiệt đới của Ấn Độ.

Một cảnh trong phim Cậu bé rừng xanh chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của Rudyard Kipling.

Cậu bé rừng xanh là tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng nhất của Rudyard Kipling. Nó là món quà mà nhà văn dành tặng cô con gái đầu lòng Josephine Kipling chào đời năm 1893.

Một điều đặc biệt nữa, đó là: các bức tranh minh họa trong bản in lần đầu vào năm 1894 do chính họa sĩ John Lockwood Kipling, cha của tác giả thực hiện. Nhưng thật đau lòng khi cô bé Josephine đã qua đời trước khi có thể tự thưởng thức món quà của cha dành tặng.

Năm 1899, Rudyard Kipling đưa vợ và con gái đến Mỹ du lịch. Ở đây, cả gia đình ông không may bị mắc chứng viêm phổi. Vào thời đó, viêm phổi là căn bệnh hiểm nghèo, nó đã cướp đi sinh mạng của con gái nhà văn. Bản thân Rudyard Kipling thiếu chút nữa cũng không qua khỏi.

Năm 1915, cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ nhất lại cướp đi của nhà văn cậu con trai John Kipling. John đã hai lần bị từ chối nhập ngũ do mắc chứng cận thị.

Nhưng khi thấy con trai tha thiết được tham gia quân ngũ, Rudyard Kipling đã dùng ảnh hưởng chính trị của mình để cậu con trai trở thành một người lính. John hi sinh chưa đầy ba tháng xông pha nơi chiến trường.

Sự tích loài vật (Chuyện như thế đó) một tác phẩm viết cho thiếu nhi của Rudyard Kipling.

Hai lần mất con là vết thương không bao giờ lành trong trái tim Rudyard Kipling. Ông dành nhiều thời gian sáng tác cho thiếu nhi như một cách để nguôi đi phần nào nỗi nhớ ấy. Cuối đời nhà văn đã dùng một phần tài sản của mình để phát triển công tác hướng đạo sinh ở Anh.

Nhưng đỉnh cao trong sự nghiệp của Rudyard Kipling phải nhắc tới giải Nobel Văn học mà ông đạt được năm 1907 với tiểu thuyết Kim, khi mới 42 tuổi. Cho đến nay, Rudyard Kipling vẫn là nhà văn trẻ tuổi nhất giành giải Nobel.

Là một cây bút đa tài, Rudyard Kipling thành công ở nhiều thể loại như thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết. Bài thơ If (Nếu) của ông được đài BBC bình chọn là “Bài thơ được yêu thích nhất mọi thời đại” ở Anh.

Rudyard Kipling mất năm 1936 tại Anh.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Mười Hai 28, 2016 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button