Tác giả

Erich Maria Remarque – những cuộc chiến và ngày trở về

Remarque viết về chiến tranh không phải bằng sự lấp lánh của những tấm huân chương mà bằng tất cả nỗi bi thiết và đớn đau tột cùng.

Bắt đầu hiện diện trong đời sống văn chương của Việt Nam kể từ thập niên 60 của thế kỷ trước, trong suốt mấy chục năm qua, những tác phẩm của nhà văn người Đức Erich Maria Remarque đã liên tục được dịch ra tiếng Việt, chiếm được cảm tình của hang triệu độc giả qua nhiều thế hệ.

Không biết là vô tình hay hữu ý mà những áng văn trác tuyệt của Remaque lại tìm đến ngay trong lúc sự khốc liệt của súng đạn lan tràn khắp trên dải đất nằm ven bờ biển Đông. Máu và nước mắt, những điều mà người Việt đương thời phải chứng kiến trong từng khoảnh khắc sống có lẽ đã khiến cho họ thấu hiểu một cách sâu sắc những gì mà nhà văn tài danh người Đức truyền tải trong mỗi tác phẩm của mình.

Nhà văn người Đức Erich Maria Remarque.

Trên văn đàn thế giới, bên cạnh tiểu thuyết gia người Mỹ Ernest Hemingway, Erich Maria Remarque là một trong số những nhà văn đầu tiên trên thế giới viết về chiến tranh với tinh thần phản chiến được thể hiện một cách rõ nét và mang màu sắc “phi giới tuyến”.

Ông viết bằng sự cảm thông và thương yêu lớn lao, với một trái tim nhiệt thành và khao khát một cuộc sống hạnh phúc mà đáng lý ra con người phải được thừa hưởng trọn vẹn. Điều này đã làm nên sức sống cho tác phẩm của Remarque cũng như góp phần đưa ông lên hàng những nhà văn phương Tây viết về chiến tranh hay nhất của thế kỷ 20.

Lên án chiến tranh một cách thâm thúy nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ, chính vì vậy dưới thời Đức Quốc xã, Remarque bị buộc tội “phản bội những người lính cửa chiến tranh thế giới bằng văn học”, bị tước quốc tịch Đức và từ đó phải sống lưu vong cho đến tận khi từ giã cõi đời.

“Thiên sứ ghi chép về chiến tranh”, không phải bỗng dưng mà người ta sử dụng một danh xưng như vậy để ưu ái gọi Erich Maria Remarque. Bằng ngòi bút của mình, ông đã khắc họa lại một cách chân thực đến sắc lạnh thân phận của những con người bị quăng quật giữa chiến tranh hay trong cơn xoay vần giông bão của thời cuộc.

Với Remarque, văn chương dường như không phải chỉ đơn giản là cái nhìn hay một cách lột tả lại cuộc đời, thân phận bằng ngòi bút, mà còn là phương tiện mà thông qua nó, ông thực hiện “những cuộc trở về cả trong hiện thực lẫn nơi tâm tưởng”. Cái hiện thực mà bản thân đã từng biết, từng nhìn ngắm và từng trải nghiệm.

Mười tám tuổi, chàng thanh niên sinh ra và lớn lên ở miền tây nước Đức buộc phải rời bỏ mái trường sư phạm, khoác lên bộ đồ nhà binh và bị đẩy ra chiến trường khi cuộc Thế chiến thứ nhất vừa bùng nổ. Mười tám tuổi, ở cái quãng đời căng tràn sức sống và tình yêu, khi mà con người ta lý ra phải được nhìn thế giới bằng đôi mắt tươi sáng, tinh khôi với một tâm hồn tha thiết nhất thì Remarque và biết bao chàng trai ở lứa tuổi của ông phải khép lại vĩnh viễn giấc mộng thanh xuân đẹp đẽ.

Họ bị xô vào cuộc chiến khốc liệt và bi thương mà họ không hề mong muốn. Những chàng thanh niên châu Âu, những hình mẫu hiện thực mà chúng ta sẽ gặp lại trong những cuốn tiểu thuyết của Remarque về sau này, phải “nói lời vĩnh biệt với cái thế gian bất biến” đã ôm ấp biết bao mơ ước và hy vọng về tương lai của họ.

Remarque đã phải nhập ngũ năm 18 tuổi.

Kinh hoàng. Dai dẳng. Những chàng thanh niên bị xô vào cuộc chiến, nơi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau một lằn đạn. Remarque bị xô vào cuộc chiến, nơi mà từ đó ông sẽ mang theo những nỗi ám ảnh kéo dài tưởng chừng như bất tận.

Ông thâu nhặt tất cả gieo vào trong trang văn của mình: khét đắng như mùi thuốc súng và sắc lạnh như tiếng đạn mìn.

Những nhân vật của Remarque, những người lính như Paul Bäumer, Müller, Kosole,… bước đi chông chênh giữa hy vọng và tuyệt vọng, giữa niềm tin và sự bội bạc, giữa hạnh phúc và cay đắng, giữa hiện thực và tương lai.

Họ bị buộc phải cầm súng và chém giết chính đồng loại, điều mà họ chưa từng nghĩ có thể làm được trong quãng sống yên ấm nơi gia đình, cũng chưa từng được học ở trên ghế nhà trường cho đến khi bị vứt vào giữa cuộc chiến. Rất nhiều người đã nằm lại nơi chiến trường, cũng có người trở về được sau khi chiến tranh chấm dứt với những thương tật vĩnh viễn về cả thể xác lẫn tâm hồn.

Nơi Remarque, chiến tranh không là vinh quang và ngày trở về cũng không còn là khúc khải hoàn ca hào hùng, ngạo nghễ hay những tấm huân chương lấp lánh mang đầy vẻ kiêu hãnh. Sau hết, tất cả chỉ còn là những niềm xót xa trong tận cùng tâm khảm.

Nhưng không chỉ có vậy, trong mỗi thiên tiểu thuyết của Remarque ta còn cảm nhận được một sự thấm đẫm của tình người. Sự gắn bó thiết thân và đùm bọc lẫn nhau giữa những người lính ở nơi mà sống chết chỉ như một cái chớp mắt hay kể cả khi phải trở thành những kẻ lạc điệu thời hậu chiến, tình cảm gia đình và cả tình yêu thiếu thời mà đôi lúc chỉ còn là những dư ảnh xa xăm.

55 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên bạn đọc Việt Nam tiếp xúc với văn chương của Remarque, cũng là chừng đó thời gian song hành và chạm được tới tận sâu trong tâm tư để khơi gợi sự sẻ chia, đồng cảm giữa con người với con người.

Tuy nhiên, trong một khoảnh khắc nhất định, cái tên Erich Maria Remarque dường như cũng trở nên thưa vắng và có phần bị quên lãng. Sự ra mắt của Hợp tuyển Erich Maria Remarque với 10 thiên tiểu thuyết xuất sắc nhất trong sự nghiệp văn chương của ông có thể coi như một chuyến hành trình trở về của “Thiên sứ ghi chép về chiến tranh”.

Sự trở về đó có thể sẽ không còn khơi gợi được một hình dung rõ nét nhất về sự khốc liệt đến tột cùng của chiến tranh trong lòng của những người sinh ra thuộc thế hệ đã rời xa khỏi nó. Nhưng chí ít, qua những gì mà Remarque xây dựng được, mỗi người đọc chắc hẳn sẽ tìm ra cho mình được một cái nhìn và sự thấu hiểu và cảm thông với những phận người đã vô tình phải mang lấy bi kịch đầy nghiệt ngã của thế cuộc.

Và đôi lúc cũng chỉ cần như vậy là đủ!

Cường Nguyễn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button