Tác giả

Frédéric Beigbeder: Kẻ ích kỷ lãng mạn trong một tiểu thuyết Pháp

Nếu hình dung nước Pháp như một cuốn tiểu thuyết, thì Frédéric Beigbeder chính là một kẻ ích kỷ phù phiếm trong thế giới phù hoa, và độc tôn một vùng lãng mạn riêng mình.

Sinh năm 1965 trong một gia đình khá giả, Frédéric Beigbeder theo học tại hai trường trung học nổi tiếng rồi vào Học viện nghiên cứu chính trị Paris, tiếp đó là Trường nghiên cứu khoa học thông tin và truyền thông.

Năm 24 tuổi, Frédéric tốt nghiệp với tấm bằng cao học về marketing – quảng cáo và bắt đầu sự nghiệp khá lừng lẫy của một người đa tài: làm quảng cáo, nhà văn, phê bình văn học, làm chương trình thời luận…

Ông được xem là nhà văn cuối cùng của thế hệ văn chương quý tộc tại Pháp.

“Tôi không biết viết gì khác ngoài chính tôi”

Luôn tự giễu mình là “kẻ ích kỷ lãng mạn”, Frédéric Beigbeder đã lấy cụm từ này để đặt tên cho cuốn tiểu thuyết thứ bảy của mình như một lời tự thuật về bản thân, một kẻ “bị ám ảnh đa cảm, một tên khốn biết yêu”, một “gã đểu cáng say mê điều tuyệt đối, một người thô lỗ dịu dàng, một kẻ trọng nam khinh nữ với trái tim cô đơn”.

“Tôi chỉ thích đọc, viết và làm tình. Vì thế với tôi một căn hộ nhỏ là đủ để sống, với điều kiện nó có một giá sách, một máy vi tính và một cái giường” – Beigbeder viết trong Kẻ ích kỷ lãng mạn. Và từ đấy, ông khơi ra cả một thế giới đầy lãng mạn của một kẻ “hư hỏng”, mà ở đó dấu vết cá nhân của ông rất rõ nét.

Frédéric Beigbeder – kẻ ích kỷ lãng mạn của văn chương Pháp.

Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là Oscar Dufresne, hình bóng của Frédéric Beigbeder, một nhà văn 34 tuổi ích kỷ, ưa châm chọc cho đăng nhật ký lên báo nhằm khiến cho cuộc sống của mình trở nên thú vị hơn.

Độc thân, Oscar thường “tà lưa” cưa cẩm phụ nữ, châm chọc những người nổi tiếng mà anh ta gặp trong những lần đến các hộp đêm nổi tiếng trên khắp thế giới, trong những buổi tiệc tùng điên đảo của những kẻ giàu có ăn chơi, từ đó chỉ trích xã hội giả tạo ấy.

Tiểu thuyết Một tiểu thuyết Pháp được xem là cuốn sách mang dáng dấp tự truyện sâu đậm nhất về cá nhân Frédéric Beigbeder. Ở đó, ông chính là nhân Frédéric, nhân vật xưng tôi, và ở đó, ông đóng vai một kẻ ôm giấc mộng hoài nhớ quá khứ, quay trở về lùng sục quá khứ.

“Tôi là hậu duệ của một hiệp sĩ sùng đạo đã bị đóng đinh thập giá lên đám dây thép gai ở Champagne”, nói về nguồn gốc quý tộc sâu sa của dòng họ ông.

Không chỉ có vậy, anh trai của nhà văn được phong tước hiệp sĩ Bắc đẩu bội tinh và một ông tổ từng được nhà thơ vĩ đại thế kỷ 16 Ronsard làm thơ tặng (bản tụng ca tặng Anthoine de Chasteigner).

“Ông bà nội ngoại của tôi đều đã chết trước khi tôi kịp quan tâm thực sự tới cuộc đời họ”, bởi “vào cái thời điểm đến lượt mình cũng trở thành bố mẹ, bọn con cái rốt cuộc cũng muốn biết chúng từ đâu đến, nhưng các nấm mồ đâu có chịu trả lời”.

Cuốn tiểu thuyết cũng nhắc đến cuộc ly dị mệt mỏi của bố mẹ, những chứng bệnh liên miên của một thời tuổi thơ nhìn chung dư dả nhưng yếu đuối, cô độc, và cả sự lép vế thường trực, nhất là trong lĩnh vực tình dục, trước người anh trai nổi tiếng, bặt thiệp, hào hoa của nhà văn.

Và chính cuốn tiểu thuyết này, như đáp lại sự “tự ăn mình” của Frédéric Beigbeder cũng đưa ông về với kỷ niệm đầy hạnh phúc bên bờ biển với người ông, những viên đá thia lia ném xuống nước và những con tôm câu được, để rồi cuốn tiểu thuyết kết thúc với cùng khung cảnh, nhưng lần này là Beigbeder dạy con gái (cũng đã phải chứng kiến cuộc ly dị của bố mẹ) ném thia lia trên mặt nước.

Và cuốn sách xét cho cùng là một sự mở ra đầy tươi sáng cho một người “từng mơ mình là một electron tự do nhưng người ta không thể nào tự cắt đứt vĩnh viễn khỏi gốc rễ của mình”, vì đã có can đảm trở ngược lại quá khứ.

“Quả là cuốn sách này rất khác với những gì tôi đã viết trước đây. Trong đó không hề có ma túy, gái điếm, hộp đêm, quảng cáo lẫn cuộc sống xã hội thượng lưu. Đây là sự đổi mới văn học của tôi, cuốn sách về cội nguồn – về một cậu bé dạo chơi với ông mình trên bãi tắm. Bằng cuốn sách này tôi muốn đặt mọi vật vào vị trí của mình, kể về bản thân”.

Frédéric Beigbeder thực sự là một tay chơi của văn đàn Pháp.

Thứ văn chương “bỡn cợt”, “vớ vẩn”

Chỉ cần đọc một trong số các tác phẩm của Frederic Beigbeder, sẽ thấy ngay ông luôn hài hước giễu cợt mọi thứ quanh mình. Ông tự biến cuộc đời thành vở hài kịch lớn, nơi phô bày những màn trình diễn phù phiếm nhất.

Một số người luôn nói rằng, ẩn sau nụ cười là nỗi đau. Nhưng có lẽ điều này không đúng với Beigbeder. Nụ cười trong tác phẩm của ông không phải để che dấu một tâm tư sâu sắc bi kịch, hay một nỗi buồn sầu thảm.

Nó giống một nụ cười mỉa mai, châm biếm, một nụ cười nhẹ bẫng, khoái trá khi lao vào phù phiếm cuộc đời. Trong những tiểu thuyết của ông, các nhân vật đều rất thường thốt lên những câu tự giễu, rất tinh quái, rất sắc nhọn, để ném vào bản thân, và loài người.

Ông đã từng nói về những nhân vật của mình rằng: “Nhân vật chính trong những cuốn sách của tôi là một sản phẩm về một giai đoạn tức thời, bao bọc trong một hiện tại bị nhổ bật rễ – những cư dân trong suốt của một thế giới nơi các cảm xúc đều phù du như bọn bướm, nơi sự quên bảo vệ ta khỏi nỗi đau.”

Chính ông cũng đã từng thừa nhận, trí nhớ của mình giống như một màu mực mau phai. Ông chơi với đời, quên đời, và điều đó bảo vệ ông.

Không ít lần độc giả cảm thấy ngộp thở trước lối hành văn bỡn đùa điệu nghệ đến độ trần trụi của Frederic Beigbeder. Ông đặc tả những cuộc chơi xa hoa trên du thuyền, những bữa tiệc toàn những gương mặt cộm cáng của giới nghệ thuật, những thú vui hoang đàng đầy tính nghệ sĩ.

Frédéric Beigbeder đã tạo nên được những giá trị thực sự từ chính sự tầm phào, vớ vẩn và phù phiếm.

Ông đã xóa bỏ những hình dung thông thường về nhà văn. Ngoại hình cao ráo phong lưu, mái tóc suông dài bồng bềnh rất trữ tình lãng tử, phục trang đơn giản mà đẳng cấp, lối giao tiếp tự tin không nể nang, tham dự những bữa tiệc thuộc hàng xa xỉ.. Nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài, chưa phải là mẫu số chung để có thể rút ra được một cái nhìn tổng quát nhất về ông – một trong những tay “lõi” cự phách của văn chương Pháp.

Điều quan trọng nhất cần phải nhấn mạnh là Frédéric Beigbeder chính là một tài năng văn chương. Ông có ý thức sâu sắc về việc cầm bút, và làm chủ phong cách viết sách của mình, như trong một bài tranh luận ông đã thẳng thắn: “hãy để cho chúng tôi tính trào phúng, chất phù phiếm! Tôi nhận trách nhiệm đòi quyền thụ lý sự tầm phào như một giá trị chủ yếu.”

Và dĩ nhiên, ông đã tạo nên được những giá trị thực sự từ chính sự tầm phào, vớ vẩn và phù phiếm. Ông làm văn chương, và đấu tranh cho văn chương theo chính cách mà ông chọn “Tôi đẩy văn chương đến bất cứ nơi nào khả dĩ. Cá nhân tôi chiến đấu như vậy.”

Frédéric Beigbeder là tác giả của những cuốn sách nổi tiếng: Một tiểu thuyết Pháp, Kẻ ích kỷ lãng mạn, Tình yêu kéo dài ba năm, Cứu với! Xin tha thứ… Ông là tác giả có sách bán chạy kỷ lục (380.000 bản) và quay thành phim. Tháng 12/2007, tạp chí L’Atelier du Roman (Phân xưởng thử nghiệm tiểu thuyết) xem Beigbeder là bước ngoặc sống động, quốc tế và thời đại của văn chương Pháp. Đồng thời, ông chính người sáng lập ra giải thưởng văn chương Café de Flore, trao vào tháng 9 hàng năm tại Saint-Germain-des-Prés.

Phong Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button