Tác giả

Khi Nguyễn Ngọc Tư “lướt qua” những phận người

Tập tản văn “Biển của mỗi người” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư không mới nhưng những vấn đề, những câu chuyện lại không hẳn là cũ. Bởi thực ra, những chuyện giữa người với người có bao giờ cũ đâu.

“Biển của mỗi người” thực chất được in lại từ tập tản văn cùng tên do NXB Văn hóa Sài Gòn kết hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn ấn hành năm 2008. Nhưng khác với trước, tập sách nay chỉ còn 21 bài; được in khổ nhỏ, giấy xốp nhẹ. Thoạt trông, sự thay đổi bìa và hình thức khiến độc giả cho rằng “bình mới rượu cũ” nhưng không hẳn vậy. Tản văn của Nguyễn Ngọc Tư đọc lúc nào cũng được, và lạ thay càng đọc lại càng thấm!

Bìa sách "Biển của mỗi người" do NXB Kim Đồng ấn hành.
Bìa sách “Biển của mỗi người” do NXB Kim Đồng ấn hành.

Chỉ với hơn 100 trang, những câu chữ giản dị và chân chất bỗng như đang cựa quậy, nỉ non về những phận người đầy buồn bã. Nếu là người bình thường, chắc lẽ những phận người ấy đã lướt qua từ thuở nào. Thì có can hệ gì mà không lướt qua. Không ruột rà máu mủ, người với người cũng đã vợi xa thì sao phải bận tâm làm gì. Lẽ thường là vậy. Còn với Nguyễn Ngọc Tư, có lẽ trót mang nghiệp vào thân nên những gương mặt, những hình hài mà chị gặp ở đâu đó, đã không “vô tình đi lướt qua nhau” mà đang hiện diện trên từng trang sách. Không ai thúc giục, nhưng một cách âm thầm, họ đã tự cất lên tiếng nói thân phận của mình. Vậy nên, dù 21 bài tản văn trong “Biển của mỗi người” không mới nhưng những vấn đề, những câu chuyện lại không hẳn là cũ. Bởi thực ra, những chuyện giữa người với người có bao giờ cũ đâu.

Trong tập tản văn này, người đọc nhận ra ở Nguyễn Ngọc Tư một thái độ thung dung, tự tại, buồn mà như không buồn. Chị cũng xác định vị thế của mình khi viết, ấy là “chỉ kể và kể, không để tình cảm của chính mình chan vào”. Nhưng rồi rốt cuộc chị thất bại thú nhận, “tôi đã không làm được”. Vậy nên, có rất nhiều gương mặt người đi qua rồi ở lại trong cái nhìn khắc khoải của Tư. Đó là người phụ nữ đi tìm bình minh có cỏ có hoa sau những mệt mỏi phố thị, là chị gái Sài Gòn với cái đầu trọc bóng vì “giận thằng chồng mê vợ bé”.

Cũng có khi, đó là một người chị ở chợ “bươn chải lặn lội lo cho năm miệng ăn trong nhà, chồng ở không nằm chéo nguẩy, nhậu say mà lấy việc đánh vợ làm vui”. Hay cô gái tên Mai chọn cách lấy chồng xứ xa để “kiếm ít tiền mua vài công đất” báo hiếu cha mẹ… Những mảnh đời như vậy không hiếm trong cuốn sách nhỏ của Tư. Đôi lúc chỉ xoáng qua nhưng lại làm người viết, rồi người đọc không thôi đắng đót.

Không chỉ xa xót cho những người dưng, từ bảy năm trước (theo thời điểm cuốn sách được ra đời), Nguyễn Ngọc Tư đã xa xót cho xã hội mà mình đang sống. Chúng ta nói nhiều về bệnh vô cảm, về sự trắc ẩn gần đây nhưng Tư nhìn thấy “Vân Tiên” trong mỗi người đang ngày một thiếu vắng từ trước đó: “Từ bây giờ, để đối đầu với cái ác, anh phải vượt lên nỗi ám ảnh đau đớn của da thịt xé rách. Còn một ám ảnh dai dẳng nữa, là sự thất vọng, tuyệt vọng khi nhận ra cái tốt sao mà nhỏ nhoi, lẻ loi, yếu đuối, cô đơn đến vậy. Công lý sao mà chậm chạp, nhợt nhạt vậy. Làm người tốt sao mà khốn khổ vậy, “ở hiền gặp lành”, phải chăng chỉ là sự lừa mị của mấy ông bà già xưa?!”. (Tia sáng và những Vân Tiên đã mất).

Có lẽ vì thế mà tản văn của Nguyễn Ngọc Tư không bao giờ cũ!

Huy Sơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button