Tác giả

Lê Thúy Hà: Thiết kế tình yêu từ những điều bé nhỏ

Lê Thúy Hà là một kiến trúc sư nhưng cũng là một người nhạy cảm với đời sống nên những câu chuyện nhỏ của chị thấm đẫm tình yêu thương.

Bộ sách Viết cho những điều bé nhỏ của NXB Kim Đồng vừa cho in thêm hai tập sách của tác giả Lê Thúy Hà là Con trai, những ngày mẹ vắng nhà và Nhìn nhau trong nắng.

Lê Thúy Hà là một kiến trúc sư, đồng thời cũng là một người nhạy cảm với đời sống nên những câu chuyện nhỏ của chị thấm đẫm tình yêu thương. Có lẽ trong rất nhiều công trình chị đã thiết kế, thì công trình này là điều đặc biệt nhất, một công trình tình yêu được thiết kế từ những điều bé nhỏ.

Hai tập sách của Lê Thúy Hà cũng là một con thuyền dễ dàng đưa lòng người neo bến ký ức giữa những ngày thu vàng, khi lòng người dễ ngẩn ngơ rơi vào mê cung của kỷ niệm, mà ru lòng, mà vương vấn.

Trong một chiều nắng vàng, giữa ngây ngất lòng, lật từng trang sách nhỏ, sẽ thấy lòng gieo neo bao mối mến yêu. Sách của Hà không khó đọc, nhưng cần đọc nhấn nhá, để cảm, để nhớ.

Cây viết nữ Lê Thúy Hà. Ảnh: FBNV.
Cây viết nữ Lê Thúy Hà. Ảnh: FBNV.

Thúy Hà không phải nhà văn, chị không có mục đích khoe tài văn, chị viết là để nhắc nhớ về tấm lòng. Lê Thúy Hà gom góp những nụ mầm rất nhỏ để làm chất liệu thiết kế trong công trình kiến trúc tình yêu của mình bằng một tấm lòng đẹp.

Ở tập Con trai, những ngày mẹ vắng nhà, chị viết nhỏ, viết vui, viết sảng khoái. Hà xoáy vào những điều nghịch ngợm của con trẻ để vun trồng ngôi nhà yêu thương trong lòng mình.

Những mẩu chuyện về con đường đến trường, xem bói, chủ nghĩa hiện sinh, đêm đầu tiên, mẹ đi công tác về…. độc giả đều dễ dàng bắt gặp ở bất kỳ gia đình nào. Những hình ảnh quá đỗi gần gũi, nhưng lại luôn ắp đầy tình yêu thương và có sức an ủi lạ kỳ. Mỗi người xa nhà đều vì thế mà lưu nhớ mãi những hình ảnh ấy như bảo tàng riêng của mình.

Trong tập sách này, chị là một người mẹ, vừa chỉ dẫn, vừa chia sẻ lại vừa là người học hỏi con trẻ. Hà có nét già dặn bao dung của mẹ, lại có nét thơ ngây của một kẻ yêu tự do.

Tập sách Con trai, những ngày mẹ vắng nhà.
Tập sách Con trai, những ngày mẹ vắng nhà.

Tới Nhìn nhau trong nắng, người đọc sẽ bắt gặp một không gian đượm màu hoài niệm, ăm ắp những suy tưởng. Những vùng không, thời gian khác nhau trong cuốn sách, được nối ghép bằng sự rung động tinh tế của tâm hồn.

Theo từng trang viết của Lê Thúy Hà là theo về miền tuổi thơ yên lặng làm bạn với những trang sách đẹp, là theo từng ngày bình thường của một đời sống hiện đại, nhưng luôn dành cho mình những khoảng lặng để ngắm nhìn, để tìm ra những điều đẹp đẽ giúp tâm hồn nương dựa.

Dù “Anh đã khác và chúng ta đã khác. Kỷ niệm chỉ còn là chiếc bóng của thời gian” thì kỷ niệm vẫn như một đời sống thứ hai, chảy bất tận trong mỗi chúng ta. Và Lê Thúy Hà đã khơi dòng kỷ niệm ấy, bằng những bước nhỏ mộc mạc và chân tình, bởi viết là “lặng lẽ trở về với tình yêu thiếu vắng của tất cả tình yêu”.

Vì thế bước vào thế giới văn chương nhỏ bé này, người đọc dấn bước vào một lối về ăm ắp tình là tình. Thứ tình giản dị, thuần khiết như là tấm lòng, chỉ có tấm lòng rung cảm mạnh mẽ với đời sống mới viết ra được.

Lê Thúy Hà không phải là một nhà văn chuyên nghiệp, nhưng là một người yêu văn chương nồng nhiệt. Điều ấy có lẽ cũng xuất phát từ văn hóa lâu đời của gia đình. Cả ông nội và bố Hà đều là những người thuần Nho học, người yêu sách, quý trọng sách.

Hà từ nhỏ đã ham trốn vào lặng yên đọc những cuốn sách của Hugo, Balzac, Dumas… Tình yêu với sách ấy cũng là điều Hà nâng niu cho đến tận bây giờ, vun đắp cho tâm hồn chị luôn đầy đặn và đẹp đẽ.

Tập tản văn Nhìn nhau trong nắng của Lê Thúy Hà.
Tập tản văn Nhìn nhau trong nắng của Lê Thúy Hà.

Những trang văn của Nhìn nhau trong nắng đượm buồn, vẽ lại những ảnh hình giờ chỉ còn vết dấu trong tâm trí, nhưng Hà khéo viết, nên kể chuyện mà giống thủ thỉ tâm tình.

Người đọc sách cũng vì thế mà thả rơi tâm trí vào những vùng nhỏ bé ấy, mà ngẫm về miền kỷ niệm của chính mình. Nên dù “Chẳng có cung Di mà lưu lạc”, thì cũng có thể mở rộng tâm hồn mà phiêu lãng qua những miền thơ mộng của cuộc sống, đã sống, đang sống và sẽ sống.

Nhấn nhá đọc hai tập sách của Lê Thúy Hà sẽ là một trải nghiệm thú vị cho những độc giả, để thỉnh thoảng giữa ồn ào vội vã, ta biết neo vào những bé nhỏ mà yêu sự sống, mà quý mến những thời khắc đang sống. Đó thực chất cũng là điều kỳ diệu mà văn chương có thể làm được.

Phong Linh

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Mười 27, 2016 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button