Tác giả

Marguerite Duras: người đàn bà viết

Marguerite Duras được xem là “nhân vật mâu thuẫn nhất và ở vài khía cạnh nào đó, hư hỏng nhất, trong bối cảnh văn học ở Paris thời hậu chiến”.

Bà đã sống một cuộc đời đầy khao khát với yêu và viết, như thể thế giới này chỉ tồn tại hai điều ấy.

Người tình của xứ sở nhiệt đới buồn

Marguerite Duras sinh ra ở Sài Gòn, nơi “không có bốn mùa”, chỉ một mùa duy nhất “nóng nực, đơn điệu”, nhưng lại là nơi bà không bao giờ quên: “Mẹ tôi nói rằng, suốt đời sẽ chẳng bao giờ tôi được thấy lại những dòng sông đẹp như vậy, lớn như vậy, hoang dã như vậy, như sông Mê Kông và những nhánh của nó xuôi ra biển.

Xứ sở ấy buồn bã nhưng đẹp đẽ một cách đầy huỷ hoại, nơi Duras đã sống suốt những năm tuổi thơ nghiệt ngã, nổi loạn đầy hoang dại và mê mụ. Sài Gòn, Việt Nam chính là mảnh đất góp phần không nhỏ nuôi dưỡng tài năng của Duras. Là nơi Duras trăn trở khôn nguôi, nhớ thương vô vọng, và là tiếng nói khát khao dẫn dắt, là nguồn cơn của những cuốn tiểu thuyết về tình yêu xuất sắc nhất của Duras.

Tác phẩm văn học và sau đó là điện ảnh Người tình đã làm nên tên tuổi Marguerite Duras trên văn đàn thế giới.

Năm 1984, khi tác phẩm Người tình ra đời, nó cũng được coi như một sự kiện lớn trong đời sống văn học Pháp nói chung và Duras nói riêng. Người Pháp coi việc xuất bản Người tình là một trong 20 sự kiện văn học lớn nhất thế kỷ 20. Còn ở Việt Nam, phải đến khi Người tình được dựng thành phim và được thực hiện một phần cảnh quay tại nơi nữ văn sĩ ra đời (1990), thì người ta mới bắt đầu “cơn sốt Duras”.

Người tình là tác phẩm thứ 48, ra mắt năm Duras đã 70 tuổi, vậy mà văn chương vẫn đầy rạo rực như thuở thiếu thời.

Nhiều người say đắm Người tình như một chuyện tình bất hủ, cũng có người nhìn vào đó và chỉ thấy một cô gái – người đàn bà đầy nguy hiểm. Yêu người đàn ông đó, cô gái có tiền để cứu gia đình khỏi cảnh bần hàn. “Nếu yêu anh là sai thì em không muốn đúng” – nàng có thể nói thế nhưng thực tế tình yêu đó là điều cần làm cho gia đình nàng.

7 năm sau thành công với Người tình, Marguerite Duras một lần nữa trở lại với câu chuyện tình yêu ám ảnh giữa cô bé người Pháp mới lớn và chàng thanh niên Trung Hoa. Tiểu thuyết Người tình Hoa Bắc của bà đã nối dài thêm những trống trải của mảnh đất phương Nam này.

Khi trả lời phỏng vấn nữ phóng viên người Ý, Duras thổ lộ: “Đôi khi tôi cũng nghĩ rằng sự nghiệp viết lách của tôi bắt đầu từ đó, giữa những cánh đồng, những khu rừng, và trong sự hiu quạnh. Có một đứa trẻ da trắng, gầy còm và lạc lõng mà người đó chính là tôi, giống người Việt hơn là Pháp, lúc nào cũng chân đất, không biết giờ giấc, không biết cách sống, thích ngắm chiều hoàng hôn trải dài trên sông, với khuôn mặt bị rám nắng”.

Ấy là một vùng im lặng của Tình, tình buồn bã, ám ảnh, nghiệt ngã, ham muốn, giục giã,… là tình của ngươi đàn bà viết dành cho mảnh đất này.

Ngôn từ, hình ảnh, và sự huỷ hoại

Marguerite Duras là một người đàn bà có khả năng khơi dậy những vùng ngôn từ kì dị. Một thế giới ngôn từ đầy sự khao khát và khơi gợi vô vàn hình ảnh.

Duras không chỉ viết tiểu thuyết, bà còn đặc biệt thành công với những kịch bản điện ảnh đầy tính thơ, đầy sự dữ dội và huỷ hoại.

Bộ phim Hiroshima, tình yêu của tôi chính là một biểu hiện rõ nét nhất của phong cách viết Duras. Bên cạnh nhưng khung hình tuyệt đẹp thì phần thoại trong bộ phim là là một điển hình của văn chương Duras.

Với một hệ thống ngôn từ ngồn ngộn những say mê, sự khoái lạc, nhưng cũng chất đầy những sự huỷ diệt. Thế giới của Duras là một thế giới say đắm tận cùng, mê hoặc tân cùng, và đi đến tận cùng không phải bởi sự dịu dàng mà chính là sự huỷ diệt. Đó là thế giới cực đoan, nhưng là thế giới quyến rũ đến mức không thể cưỡng lại được mà Duras đã tạo nên.

Như lời thoại của nhân vật em trong Hiroshima, tình yêu của tôi: “Anh hủy hoại em. Anh thật tử tế với em”. Sự khao khát giống như lửa, sẽ thiêu huỷ mọi thứ, nhưng đó mới chính là sự tận cùng, là điều Duras luôn bày tỏ trên những trang viết của mình.

Marguerite Duras những năm tháng cuối đời.

Một điểm dễ nhìn thấy trong văn chương của Duras đó là những nhục cảm thân xác. Mỗi cuốn tiểu thuyết là một sự thể nghiệm thân xác bằng nghệ thuật ngôn từ. Tính tự thuật – nếm trải đàn bà này, đã tạo sự tò mò, thú vị của độc giả khi tiếp xúc với những trang văn của M.Duras. Dù ở ngôi thứ nhất, hay ngôi thứ ba , người đọc vẫn nhận ra một Duras yêu đương cuồng nhiệt, say đắm, đớn đau thân xác trong văn chương.

Đó còn là bản năng viết – của đàn bà. Duras viết bằng hơi thở gấp gáp, si mê, cuồng loạn của những cuộc tình. Bà luyến láy ngòi bút trong niềm khoái cảm mê mụ vô tận đó. Ngập ngừng, ngưng đọng, trì hoãn trong câu chữ, rồi tuôn chảy ào ạt như những đợt sóng tình. Những đợt sóng đầy khơi gợi trong những hình ảnh lấp lánh.

Không phải ai khác, chỉ có Duras mới có khả năng tạo nên một thế giới tận cùng đẹp đẽ khiến cả thế giới bị quyến rũ chỉ bằng những lớp ngôn từ đầy sức tàn phá như vậy.

Marguerite Duras mất ngày 3/3/1996 ở Paris, được chôn cất tại Nghĩa trang Montparnasse. Trên bia mộ của bà khắc hai đóa hoa và hai chữ viết tắt M.D. cùng hai tấm chân dung, một khi còn trẻ và một khi đã già.

Phong Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button