Tác giả

Nghệ sĩ Phạm Diệu Hương: Đừng e ngại mỹ học

Nghệ sĩ Phạm Diệu Hương khuyên bạn đọc đừng e ngại trước mỹ học có vẻ trừu tượng và mỹ miều, bởi lý thuyết về cái đẹp bắt nguồn từ đời sống, và nó gần gũi hơn chúng ta tưởng.

Vừa qua, cuốn sách 50 câu hỏi Mỹ học đương đại của tác giả Marc Jimenez, tuyển chọn và giới thiệu bởi CUCA, do nghệ sĩ thị giác Phạm Diệu Hương dịch từ nguyên bản tiếng Pháp vừa được ra mắt độc giả.

Zing.vn trò chuyện với nghệ sĩ Phạm Diệu Hương về cuốn sách này, cũng như về vai trò của mỹ học và nghệ thuật trong đời sống Việt Nam hiện nay.

– Điều gì khiến chị dịch cuốn “50 câu hỏi Mỹ học đương đại”?

– Cuốn sách này là cần thiết trong bối cảnh hạn chế các nguồn tài liệu bằng tiếng Việt về lý thuyết nghệ thuật nói chung và mỹ học nói riêng hiện nay tại Việt Nam.

Quan trọng hơn, tuy là dạng sách công cụ, mang tính chất hỏi-đáp, nhưng cách diễn giải của cuốn sách mang tính khơi gợi và mở rộng các vấn đề liên quan đến mỹ học và nghệ thuật chứ không thuần tuý chỉ đưa ra những câu trả lời có tính quy giản.

Có thể nói, sách vừa cung cấp một cơ hội tiếp cận chủ đề nghệ thuật và mỹ học ở mức độ không quá trừu tượng, vừa khuyến khích người đọc có những tìm tòi mang chiều sâu lý thuyết.

50 câu hỏi mỹ học đương đại đồng thời cũng là sản phẩm đầu tiên của dự án dịch thuật, giới thiệu và xuất bản các cuốn sách về nghệ thuật của CUCA Vietnam, một mô hình giáo dục, nghiên cứu và thực hành nghệ thuật độc lập mà tôi hiện là người sáng lập và điều hành.

Sách 50 câu hỏi mỹ học đương đại.
Sách 50 câu hỏi mỹ học đương đại.

– Tại sao trong một cuốn sách khó với nhiều thuật ngữ chuyên ngành và nội dung tương đối lạ lẫm với độc giả Việt Nam, chị lại quyết định không thêm bất kỳ một chú giải nào?

– Tôi cho rằng bất kỳ cuốn sách nào cũng chỉ nên có tác động khơi gợi quá trình chủ động tìm kiếm tri thức, hơn là cung cấp toàn bộ thông tin mang tính định hướng, gián tiếp tạo điều kiện cho thói quen thu nhận kiến thức một cách thụ động của cá nhân người đọc.

Đặc biệt là ở thời đại phát triển mạnh mẽ về công nghệ thông tin như hiện nay, chúng ta không thiếu phương tiện và điều kiện để có thể tự chủ động tìm kiếm thông tin.

Tôi quyết định không đưa các chú thích hay diễn giải chủ quan trong tư cách dịch giả, với mong muốn độc giả sẽ xem đây là cơ hội tận hưởng thú vui chủ động nghiên cứu – như là cái cớ cho những chiêm nghiệm, tìm tòi mới về mỹ học nói chung và nghệ thuật đương đại nói riêng của mỗi cá nhân người đọc.

– Theo chị, nội dung cuốn sách có quá chuyên biệt, dành cho một đối tượng hẹp trong xã hội?

– Hẳn là cuốn sách này sẽ dễ đọc hơn đối với những độc giả chuyên biệt như sinh viên đại học và sau đại học các chuyên ngành nghệ thuật, cũng như những công chúng có nền tảng tri thức về nghệ thuật và mỹ học.

Dù vậy, tôi cho rằng nó không loại trừ đối tượng độc giả không chuyên, chưa có nền tảng về nghệ thuật, miễn sao họ thực sự quan tâm, tò mò và yêu thích văn hoá nghệ thuật nói chung, sẵn lòng tin vào những điều bất ngờ và có thiện chí để tìm hiểu những gì chưa biết.

-Với bạn đọc phổ thông, không nghiên cứu mỹ học, nghệ thuật, chị có lời khuyên nào giúp tiếp cận cuốn sách cho hiệu quả?

– Đơn giản là mở cuốn sách ra và bắt đầu đọc bất kỳ câu hỏi nào khiến tức thời cảm thấy hứng thú và tò mò.

Khi gặp những thuật ngữ, cách diễn giải, thông tin mới hay xa lạ, hãy tìm đến Google để tự tra cứu và tìm kiếm câu trả lời cho mình, một cách tự chủ.

Chúng ta không bao giờ có thể biết được một cuốn sách là dở hay thú vị, dễ hay khó đọc, có ích cho chúng ta hay không, chừng nào chúng ta còn chưa bắt đầu (sẵn lòng) tìm hiểu nó.

– Đối với nhiều người mỹ học là một khoa học xa xôi nào đó. Với chị mỹ học có vai trò như thế nào trong cuộc sống?

– Trên thực tế, đối tượng và mục đích của mỹ học chỉ đơn giản là những suy xét của con người về cái đẹp, sở thích và về bản chất của nghệ thuật trong mối tương quan với đời sống.

Đừng để hai tiếng “mỹ học” có vẻ mỹ miều xa lạ đánh lừa, khiến chúng ta e ngại, bởi lý thuyết về cái đẹp, về nghệ thuật đều bắt nguồn từ đời sống, và nó gần gũi hơn chúng ta tưởng.

Các lý thuyết mỹ học thoạt trông tưởng mô phạm và trừu tượng, song cuối cùng chỉ đơn giản nhằm gợi đến việc chiêm nghiệm những giá trị tinh thần nhân văn, khơi gợi lòng trắc ẩn, bao dung, tôn trọng, chấp nhận những khác biệt về quan điểm, hệ giá trị, và khả năng nhận ra, tìm thấy vẻ đẹp trong đời sống ngay từ ở những điều đơn sơ, kể cả những điều dường như là tiêu cực, để luôn có niềm tin và thấy cuộc sống dù thế nào cũng vẫn đáng yêu và thú vị.

Nghệ sĩ Phạm Diệu Hương. Ảnh: NVCC.
Nghệ sĩ Phạm Diệu Hương. Ảnh: NVCC.

– Theo chị, tại Việt Nam, nghệ thuật đương đại gặp những vấn đề gì, và ở giai đoạn nào?

– Nghệ thuật đương đại du nhập từ khoảng hơn 20 năm trở lại đây, chậm nhịp hơn so với nghệ thuật đương đại thế giới khoảng trên dưới 50 năm.

Chúng ta thiếu tài liệu, không được kế thừa hay phát triển từ một gốc rễ vững chắc về lý thuyết nền tảng và phương pháp tư duy sáng tác bài bản của nghệ thuật đương đại.

Do vậy, các thực hành đương đại, thậm chí là nghệ thuật đi theo các trường phái hiện đại tại Việt Nam, đại đa phần đều mới dừng mức độ bề mặt. Vẫn còn thiếu các tác phẩm có chiều sâu về ý tưởng và phong phú về kỹ thuật và hình thức thể hiện.

Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây đã xuất hiện các tổ chức nghệ thuật độc lập góp phần thúc đẩy và phát triển các hoạt động nghệ thuật nói chung và nghệ thuật đương đại nói riêng tại Việt Nam.

Ở Hà nội có Heritage Space, CUCA, Manzi, Hanoi Creative City, Nhà sàn Collective, Domdom, Hanoi Doclab v.v.. Huế có New Space Arts Foudation, Studio Trương Thiện v.v.. TP.HCM có Zero Station, Sàn Art, Nhà Ga 3A,..v..v..

Ngoài ra tôi tin vào một số sinh viên mỹ thuật của tôi, những nghệ sĩ trẻ có tài năng, đam mê và điều kiện du học tại các trường nghệ thuật trên thế giới. Họ rồi sẽ góp phần thúc đẩy cho sự phát triển của nghệ thuật đương đại Việt nam trong tương lai rất gần đây.

– Mỹ học đang được nghiên cứu, giảng dạy như thế nào ở Việt Nam?

– Tại Việt Nam, mỹ học vẫn đang được dạy như một môn học bắt buộc đối với tất cả các phân ngành trong khối Nghệ thuật. Tuy nhiên do sử dụng khung tham chiếu chủ yếu từ lý thuyết Marxist, nên đến thời điểm ngày nay còn chưa thực sự cập nhật với các lý thuyết mỹ học hiện đại, hậu hiện đại và đương đại hiện đang phổ cập trên thế giới.

Nhưng điều này sẽ sớm được cải thiện theo chiều hướng tích cực, cụ thể như trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã bắt đầu tiến hành cho biên soạn và cập nhật các giáo trình lý thuyết và thực hành, trong đó có giáo trình lịch sử tư tưởng mỹ học.

Bên cạnh đó, những tổ chức, mô hình nghệ thuật độc lập cũng đã đưa Mỹ học vào chương trình giảng dạy và phổ cập tri thức cho công chúng quan tâm từ một vài năm gần đây.

Dịch giả Phạm Diệu Hương tốt nghiệp chuyên ngành Mỹ học, Triết học nghệ thuật vào năm 2005 và thạc sĩ Nghệ thuật tạo hình vào năm 2007 tại Đại học Paris I, Panthéon-Sorbonne, Pháp.

Chị là nghệ sĩ thị giác, người sáng lập và điều hành mô hình giáo dục, nghiên cứu và thực hành nghệ thuật độc lập CUCA Việt Nam; nhà giáo dục, giám tuyển nghệ thuật độc lập, chuyên gia quốc tế về văn hóa nghệ thuật của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF); nguyên giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt nam.

“Sáng tạo nghệ thuật có vĩ đại đến đâu thì cũng phải gắn trực tiếp với đời sống của nghệ sĩ. Nghệ sĩ có cao siêu đến đâu thì cũng vẫn là một con người xã hội như mọi người: ăn, uống, thở, trao đổi chất, mang vác mọi trách nhiệm, áp lực cơm áo gạo tiền, hỉ nộ ái ố của đời sống vật chất và tinh thần.

Điều ‘đẹp’ nhất mà nghệ sĩ và nghệ thuật mang đến cho đời sống chính là cá tính độc đáo, cực đoan, dữ dội, quyết liệt trong quan điểm nhưng hướng thiện và mang dấu ấn cá nhân mạnh mẽ, sự dấn thân trong sáng tác cũng như trong đời sống để tự nó chính là một giá trị tham chiếu giúp mở rộng thế giới quan của người khác.” 50 câu hỏi mỹ học đương đại

Tần Tần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button