Tác giả

Nghịch lý những tác giả lừng danh lại ước gì… chưa từng cầm bút

Những tác phẩm của họ trở nên nổi tiếng, thậm chí là kinh điển nhưng bản thân họ lại không mấy vui vẻ.

Giấc mơ chung của nhiều nhà văn là sáng tạo ra một tác phẩm bán chạy, tốt hơn nữa còn tạo ra một bộ phim bom tấn. Ai lại không muốn đứa con tinh thần mà mình khổ công lao động mới có được, có thể đến tay hàng triệu độc giả và ảnh hưởng tới họ. Thế mà, vẫn có những trường hợp tác phẩm tạo được thành công nhất định thì tác gỉa của nó lại không hề thấy hạnh phúc, thậm chí là căm ghét và hối hận vì đã viết nên tác phẩm đó. Hãy xem những nhà văn “cá tính” này là ai nhé:

Annie Proulx – Brokeback Moutain

Năm 1997, tác giả Annie Proulx cho xuất bản truyện ngắn Brokeback Mountain. Năm 2005, câu chuyện được chuyển thể thành phim và nhận được 3 giải Academy Awards, 4 giải Quả cầu vàng. Thế nhưng tình yêu của hai người đàn ông lại gây ra không ít tranh cãi và trong nhiều năm liền, tác giả Annie nhận được hàng tá câu hỏi về những rắc rối cô nhận được khi sáng tác ra câu chuyện ly kỳ, cảm động này. Cô còn nhận được rất nhiều lá thư gửi tới với nội dung tương tự như “Tôi không phải người đồng tính nhưng…” và kèm theo những lời giải thích vô cùng dài dòng.

Những phiền toái mà Annie nhận được khiến cô buộc phải thốt lên rằng: “Tôi ước gì tôi chưa từng viết ra câu chuyện đó. Hàng đống rắc rối và khó chịu xảy ra từ khi bộ phim được ra mắt, mà trước đó thì mọi thứ có làm sao đâu”.

Chuyện tình của Brokeback Mountain khiến nhiều người cảm động nhưng lại mang cho tác giả nhiều rắc rối
Chuyện tình của Brokeback Mountain khiến nhiều người cảm động nhưng lại mang cho tác giả nhiều rắc rối

Alan Moore – Watchmen, V for Vandetta, From Hell

Alan Moore là tác giả của những cuốn tiểu thuyết được chuyển thể thàng hàng loạt bộ phim bom tấn. Ông từng hợp tác với DC Comics và cho xuất bản các tác phẩm như Watchmen, V for Vandetta, From Hell. Sau đó ông ngưng làm việc với DC Comics từ những năm 1980 vì nhiều lý do, nhất là việc các tác phẩm của ông bị gắn mác chỉ dành cho độc giả trưởng thành. Quyền tác giả của ông cũng bị “đá văng” khỏi các tác phẩm, trong khi DC Comics hứa sẽ trả lại cho ông một khi các tác phẩm ngừng phát hành. Thế nhưng, họ có lẽ không có động thái nào về việc dừng in những tác phẩm này.

Khi các bộ phim được DC Comics cho trình chiếu, Moore đã từ chối liên quan và cũng không nhận bất cứ phần lợi nào thu về từ phim. Ông không xem phim lẫn truyện tranh chuyển thể, thậm chí là các ấn bản của các nhà xuất bản khác. Ông cũng đòi loại bỏ tên mình khỏi phần tác giả của sách, truyện.

Alan Moore không bao giờ muốn dính dáng đến những tác phẩm mình từng sáng tác
Alan Moore không bao giờ muốn dính dáng đến những tác phẩm mình từng sáng tác

Charles Dodgson – Alice in Wonderland

Alice in Wonderland dường như đã trở thành một hiện tượng văn hóa và là một trong những câu chuyện hiếm hoi mà bất cứ độc giả phương Tây nào cũng quen thuộc. Cuốn sách gây tiếng vang ngay từ khi xuất bản vào năm 1865 cho đến tận ngày nay. Vì vậy, thật khó tưởng tượng ra rằng “cha đẻ” của cuốn sách lại cực kỳ căm ghét nó.

Nếu như Alice in Wonderland đừng quá nổi tiếng có lẽ Charles Dodgson đã không bực bội đến thế. Một lá thư dược cho là của chính Dodgson viết, dưới cái tên là Lewis Carroll, tiết lộ rằng ông ước gì mình chưa từng viết nên cuốn sách. Ông thể hiện sự căm tức rõ ra mặt: “Tôi không yêu cầu được công nhận, không muốn dính dáng và không muốn nó xuất bản dưới tên của tôi”.

Đến nay người ta vẫn không biết tại sao Charles Dodgson lại ghét tác phẩm của mình đến vậy
Đến nay người ta vẫn không biết tại sao Charles Dodgson lại ghét tác phẩm của mình đến vậy

Stephen King – Rage

Stephen King là một trong những tác giả thành công nhất cho đến nay. Các tác phẩm của ông bán được hơn 350 triệu bản trên toàn thế giới. Các fan của Stephen King biết rằng tác phẩm Rage xuất bản vào năm 1977 là của ông, được kí dưới bút danh Richard Bachman. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên mang lại thành công vang dội cho ông.

King viết nên cuốn sách khi còn là học sinh trung học phổ thông. Nhân vật chính là một nam sinh xả súng vào trường, bắt giữ con tin, giết một học sinh, hai giáo viên và sau cố gắng tự tử bằng cách bắn vào cảnh sát. Đáng tiếc là trong suốt hai thập kỷ, cuốn sách gián tiếp liên quan đến bốn vụ xả súng trường học. Nhiều người vẫn nơm nớp lo cuốn sách sẽ tiếp tục là cảm hứng cho những vụ xả súng.

King đã yêu cầu ngừng xuất bản sách nhưng những cuốn sách cũ vẫn được rao bán trên mạng với giá từ 700 đến 2000 đô la Mỹ. Đến đó, King buộc phải thu hồi toàn bộ số sách vì không muốn gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý trẻ em.

Chính vì tác phẩm Rage liên quan đến vụ xả súng trường học nên Stephen King buộc phải thu hồi lại cuốn sách
Chính vì tác phẩm Rage liên quan đến vụ xả súng trường học nên Stephen King buộc phải thu hồi lại cuốn sách

Peter Benchley – Jaws

Jaws được xuất bản vào năm 1974 và sau được đạo diễn Steven Spielberg chuyển thành bộ phim nổi tiếng cùng tên vào năm 1975. Benchley rất thích bộ phim nhưng ông thất vọng vì nhiều độc giả đã ám ảnh, sợ hãi xuống nước sau khi xem sau. Chính vì vậy mà ông cũng trở nên căm ghét cá mập.

Trước đó, Benchley là nhà hải dương học và chuyên nghiên cứu cá mập. Những năm cuối đời, Benchley hối hận vì đã khắc họa lên hình ảnh những con cá mập độc ác, đáng sợ, khát máu và thích giết người. Ông trở thành một nhà bảo tồn cá mập tích cực. Tác phẩm cuối cùng của ông là Shark Life, xuất bản năm 2005, một năm trước khi ông qua đời.

Nhiều người từng ám ảnh và căm ghét loài cá mập sau khi đọc Jaws
Nhiều người từng ám ảnh và căm ghét loài cá mập sau khi đọc Jaws

Virgil – The Aeneid

Virgil, sống khoảng từ năm 70 đến năm 19 TCN, ông là tác giả sử thi nổi tiếng The Aeneid. Đến nay, ông là người có tầm ảnh hưởng quan trọng với văn học phương Tây, tác phẩm của ông được đưa vào giảng dạy ở các bộ môn liên quan đến tiếng Latin.

Virgil là một người có giáo dục cao, là nghệ sĩ và cũng là người hộ trợ tài chính của Augustus, hoàng đế tương lai của Roman. Ông bắt đầu viết The Aeneid từ những năm 30 TCN nhưng sau đó lâm vào bệnh nặng. Đến khi qua đời năm 19 TCN, ông yêu cầu đốt hết tác phẩm của mình khi ông không thể hoàn thành được nó.

Augustus đã không làm theo di nguyện của ông mà để hai người bạn của Virgil tiếp tục hoàn thành tác phẩm. Đến nay, lý do thực sự mà Virgil muốn đốt tác phẩm vẫn không rõ, mà vô tình đó trở thành nguyên nhân khiến tác phẩm của ông trở nên bất hủ.

Virgil từng muốn tiêu hủy cuốn sử thi The Aeneid vì chưa kịp hoàn thành nó
Virgil từng muốn tiêu hủy cuốn sử thi The Aeneid vì chưa kịp hoàn thành nó

A.A. Milne – Winnie the Pooh

Winnie the Pooh là một trong những nhân vật được yêu thích nhất ở thể loại văn học dành cho thiếu nhi. Nhân vật này được Milne sáng tác dành tặng con trai và những chú thú bông của cậu. Ông thậm chí còn đặt tên cậu bé trong sách theo tên của con trai là Christopher Robin.

Thế nhưng Christopher lại cực ghét Winnie the Pooh vì có cảm giác mình bị lu mờ trước tác phẩm của cha mình. Khi còn là một đứa trẻ, cậu liên tục chế nhạo cuốn sách, thậm chí hình ảnh Christopher trong sách và ngoài đời cũng quá khác biệt. Tác giả những bức vẽ, E.H.Shepard về sau cũng hối hận về việc nhận lời vẽ minh họa cho cuốn sách vì những bức tranh đã cản trở con đường trở thành người vẽ hoạt hình chuyên nghiệp. Còn tác giả A.A. Milne, ông cũng căm ghét cuốn sách vì nó thành công hơn tất cả những cuốn tiểu thuyết cho người lớn của ông.

Vì vậy mà, có thể nói dù thành công nhưng Winnie the Pooh lại là cuốn sách bị chính những người sinh ra nó hắt hủi, ghét bỏ.

Winnie the Pooh có lẽ là tác phẩm "bất hạnh" nhất vì bị căm ghét bởi chính những người tạo ra nó
Winnie the Pooh có lẽ là tác phẩm “bất hạnh” nhất vì bị căm ghét bởi chính những người tạo ra nó

Hoàng Hương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button