Tác giả

Ngọc Thạch: ‘Chữ trên mạng miễn phí, chữ trong sách mới đắt’

Là nhà văn, blogger nổi tiếng với hàng trăm nghìn lượt theo dõi, Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ về câu chuyện viết lách nhân dịp ra mắt sách mới.

– Trước đây Nguyễn Ngọc Thạch ra mắt sách đều đặn, nhưng hai năm qua thì im hơi lặng tiếng, đến giờ mới xuất bản “Thất tình không sao”. Điều gì xảy ra với anh trong thời gian “đi vắng” vừa rồi?

– Thời gian vừa qua, tôi cùng lúc làm thêm cho khoảng hai, ba công ty, làm tư vấn truyền thông, làm về kịch bản phim.

Trước đây tôi yêu nhiều, còn khỏe thì còn sức yêu nhiều, mỗi lần yêu, chia tay xong thì viết một cuốn sách. Như cuốn Khóc giữa Sài Gòn, viết sau khi vừa chia tay một cuộc tình, đau khổ vật vã.

Ngày ra mắt Khóc giữa Sài Gòn, thì gặp một người dễ thương quá. Người trong lúc mình ký sách thì ngồi chờ, sau đó về nhắn tin cho mình cái hình chụp lúc ký sách.

Sau đó thì mình làm quen, hẹn hò, hẹn hò không tới đâu, thì mình buồn, nên viết cuốn Lưng chừng cô đơn. Tức là không đủ cô đơn nữa, buồn cũng không được, vui cũng không xong.

Đó, cứ mỗi lần buồn tình cảm như vậy thì tôi viết sách được.

Nhưng hai năm qua thì tôi yêu. Yêu người yêu mới, hạnh phúc bên người yêu mới nên không có thời gian viết sách.

Nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thạch.

– Nổi tiếng trên mạng xã hội, với mỗi bài viết có mấy nghìn người tương tác. Vậy viết trên mạng xã hội và viết sách với anh khác nhau ra sao?

– Mạng xã hội là nơi mà mình viết không có kiểm chứng nhiều thông tin. Mọi thứ cứ nhanh, người ta viết ào ào. Còn môi trường trên sách, ta cần kiểm duyệt, chậm lại, để thẩm thấu nhiều hơn.

Mạng xã hội là một môi trường viết miễn phí, chữ trên đó là miễn phí. Ai cũng có thể lên đó đọc, ai cũng có thể nói. Những gì miễn phí rõ ràng tính đầu tư không nhiều như viết sách.

Sách là thứ bạn phải bỏ tiền ra mua, mua chữ để đọc, thì rõ ràng chữ trên sách có giá hơn chữ trên mạng xã hội. Chữ trên mạng để phát tán thông tin, có tính chủ quan nhiều hơn, tính sự kiện nhiều hơn. Còn sách ta có thể tự rút bản thân mình vào một góc để thẩm thấu sự kiện đó và viết ra sau.

Dù cho có lấy ý tứ, chất xám trên mạng xã hội để in sách, thì mình vẫn phải đầu tư cho nó bằng cách chỉnh lại, viết lại để thêm thắt nội dung vào, để các bạn thấy được, thấy nó xứng đáng với số tiền mà mình bỏ ra mua về.

– Phát hành một thời gian chưa lâu, cuốn “Thất tình không sao” liên tục đứng trong danh sách best-seller của các trang bán sách online. Anh có bí quyết gì để sách bán chạy?

– Điều này cũng khó nói lắm. Có lẽ nhờ tình yêu, tình cảm của các bạn độc giả mà sách bán được.

Ở thời điểm mà mọi người dùng mạng xã hội như bây giờ, muốn để sách luôn được nhiều người biết đến, ta phải dùng kỹ thuật marketing. Trong đó, có một thể kỹ thuật “cho dùng thử”. Ví dụ các bạn đi siêu thị thì thấy người ta để những món đồ ăn cho các bạn ăn thử, để biết đến thực phẩm đó.

Tôi là người viết sách, nên post những mẩu viết ngắn ngắn lên mạng xã hội. Nếu bạn đọc thấy hợp với nó, thì họ bắt đầu chờ, chờ khoảng hai, ba ngày thì có một post tiếp theo. Mình cứ viết và post cho họ chờ.

Thứ hai mình chọn đề tài cho phù hợp với giai đoạn này. Có thể bây giờ mọi người đang nói quá nhiều về nỗi buồn khi chia tay, đau khổ. Nỗi buồn đó bị làm quá lên. Thì mình nghĩ, “à, hay là mình viết một cuốn sách để trấn an tinh thần mọi người lại: Cứ vui đi không sao đâu, đừng quá buồn bã!”

Và quan trọng nhất là nội dung cuốn sách đó có gì. Nếu qua những đoạn trích dẫn post lên mạng trước đó mà không có gì hay thì cũng đâu có ai mua.

– Trước đây anh thường viết các tập truyện ngắn đậm tính văn chương về các chủ đề gai góc của xã hội. Vì sao đến cuốn này thì chuyển gam viết ở thể loại “tư vấn tâm lý”?

-Vì trước đây tôi thất tình buồn, còn bây giờ đang yêu, hạnh phúc nên cũng viết vui hơn. Tôi thấy mỗi người qua một giai đoạn ảnh hưởng tới sáng tác văn chương của họ.

Lúc trước tôi viết những đề tài gai góc, đòi hỏi phải nhập tâm. Câu chuyện bây giờ nhẹ hơn. Bởi sáng tác những cuốn sách tiểu thuyết, truyện ngắn mất thời gian, nên Thạch phải dành nhiều thời gian cho nó. Trước đây viết một tuần, hai tuần mới được một truyện ngắn. Vậy nên viết một cuốn sách chỉ 10 truyện ngắn thôi cũng đã khá lâu rồi.

Với cuốn sách này, tạm gọi là một món ăn tinh thần khá là dễ ăn, tạm gọi là fastfood, phù hợp với mọi người. Mọi người đều có thể có nhu cầu đọc nó, đọc nó để lấy một chút kinh nghiệm cảm xúc của mình trong lúc tinh thần đang nặng nề.

Với truyện ngắn, với các đề tài gai góc, tôi vẫn đang viết, hy vọng trong tương lai khi nó ra mắt mọi người sẽ thấy đây là tôi của ngày xưa.

Còn cuốn sách này là một sự chuyển biến của tôi trong văn chương và suy nghĩ. Bởi một người mà cứ làm hoài, làm mãi một chuyện thì mình cũng thấy chán. Tôi cần phải làm mới, và tự thử thách bản thân mình.

– Tôi thấy trong cuộc giao lưu, thậm chí anh còn “tư vấn” cả đời sống cho các bạn trẻ về chuyện tiết kiệm chi tiêu. Anh có vẻ vẫn còn nhiều đề tài sẽ viết được thành sách?

– Tuổi trẻ là hữu hạn, một khi đã qua thì không cách nào lấy lại được. Mỗi người chỉ có một tuổi trẻ để sống thế nên có những chuyện nếu bây giờ không làm thì sẽ chẳng bao giờ làm cả. Tôi tin rằng cuộc sống giàu có nhờ những trải nghiệm chứ không phải nhờ tiền bạc. Tuy nhiên, khi có trong tay một khoản tiết kiệm, bạn mới thực sự thoải mái tận hưởng cuộc sống mà không phải lo nghĩ gì.

Tần Tần

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Tám 31, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button