Tác giả

Nguyễn Huy Thiệp: ‘Lời chê khiến tôi bớt kiêu ngạo’

Có độ Nguyễn Huy Thiệp nhận không ít ý kiến chỉ trích về quan điểm văn chương, nhưng ông cho rằng chính những viên “đá ném” đó giúp mình bớt hư.

Nhân dịp tái bản tập phê bình, tiểu luận văn chương Giăng lưới bắt chim, Nguyễn Huy Thiệp trao đổi về quan điểm cầm bút, những lời khen, chê và văn nghiệp của mình.

– Trong các tác phẩm cũng như tập phê bình “Giăng lưới bắt chim”, ông dùng lời khen, chê thẳng thắn, khiến một số nhà phê bình nói ông có lối viết phũ phàng. Ông giải thích sao về sự phũ phàng của mình?

– Mọi người hay bảo tôi là ác khẩu. Nhưng trong đời sống, ta nói nặng, thậm chí văng tục, thì đó là một phản ứng tức thời. Nhưng cao hơn cái nặng lời, cái văng tục ấy là cái “chân”. Nói thô tục là cách mà người ta nói đến chân lý một cách trực tiếp nhất. Tôi làm nghề văn tôi biết, ngôn ngữ rất tráo trở. Ông Jesus từng nói, đôi khi người ta muốn thế này, nhưng người ta lại nói thế kia. Trong đời sống cũng như thế.

Nhà văn là người mà lao động của họ là đi tìm từ để chuyển tải điều muốn nói phù hợp nhất. Lao động của tôi là đi tìm đạo. Tất cả chúng ta đều đi tìm đạo. Rất nhiều người nói về đạo.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: Việt Hà
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: Việt Hà

– Đạo với Nguyễn Huy Thiệp là gì?

– Ở bề thấp, đạo như Kim tự tháp với rất nhiều chân lý, nhưng lên trên cao chót, nó bé dần, ít dần. Lên trên đỉnh chỉ còn một từ thôi, đó là “chân”. Cũng như việc phương Tây đều lấy Chân – Thiện – Mỹ làm tôn chỉ cho nghệ thuật, như đạo Lão thờ chữ “chân”.

Trong quá trình tôi đi tìm đạo, cũng có lúc vui buồn, dở hơi, hoan hỉ, lắm lúc kiêu ngạo, đủ cả trạng thái. Như trong cuốn Giăng lưới bắt chim, nếu đọc chậm từ bài đầu tiên, gần như là định hướng viết của tôi.

Làm nghề viết văn cũng giống như mình học đạo ấy. Nếu muốn lập công ở đời thì phải học, phải luyện để tăng công. Và trước khi luyện thì phải tu, tu tâm tính. Trong xã hội, tay nhà văn là người nhắc nhở, hướng người ta về cái đạo. Trong quá trình ấy nhà văn đôi lúc cũng viết lung tung, lạc hướng. Không ai viết đúng ngay được, tôi cũng vậy, nhưng tôi luôn hướng tới cái đạo trong tác phẩm của mình.

– Như vậy, ông theo văn chương để tìm đạo?

– Mỗi người có một nghề. Tôi viết văn trước hết để kiếm sống. Có lẽ do may mắn thời cuộc chăng, thì sách của tôi vẫn được in liên tục.

Viết văn là nghề rất khắc nghiệt. Nó phải lao động bằng sự cô đơn của mình; phải kiếm sống được bằng nghề viết không dễ dàng gì. Nếu mình không kiếm được tiền, không có đạo đức, không có giá trị nào, thì không cẩn thận bị nhục ngay.

– Thời điểm công bố những bài viết trong tập “Giăng lưới bắt chim”, ông nhận không ít lời phê bình nặng nề. Giờ nhìn lại, ông thấy sao ?

– Khi mình viết, lẽ thường có những lời khen, lời chê. Như Nguyễn Quang Thiều nói, lời chê rất khó nghe, nhưng lời chê làm mình dừng lại, nhìn lại. Con người dễ kiêu ngạo.

Nghề văn là nghề ảo, chữ nghĩa là ảo. Nếu không cẩn thẩn thì nó dễ mê hoặc mình. Nếu không có lời chê, mình dễ huyễn hoặc, rồi có chút thành công, vật chất thì trong lòng dễ hư… Chúng tôi ngồi với nhau hay nói: “Trông ông có tiền, có danh trông ông hỗn láo hơn hẳn”. Cho nên lợi danh là thứ dễ làm hư con người. Mà cái đó, con người ta không biết.

-Tức là ông từng kiêu ngạo?

– Có chứ. Ai chẳng tham sân si, tôi cũng ngu si vậy. Con người là thế. Tôi nhiều thói hư tật xấu lắm chứ. Tôi cũng đủ trò, như tất cả mọi người. Nhưng mình là người viết lách, có lẽ do viết lách nên giữ được cho tôi có chừng mực.

Cuốn sách từng gây tranh cãi của Nguyễn Huy Thiệp.
Cuốn sách từng gây tranh cãi của Nguyễn Huy Thiệp.

– Vậy những lời chỉ trích nặng nề ấy có ảnh hưởng tới đời sống của ông?

– Không ảnh hưởng gì lắm. Tôi ít khi trả lời trực tiếp với những người phê phán, chỉ trích mình. Chỉ có lần duy nhất nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Nguyễn Văn Thọ viết bài trên báo, thì tôi phải nói lại, phản ứng trực tiếp với các ông.

Sở dĩ tôi nói lại, bởi trong bài viết họ có cái đúng, cái sai, nhưng cái sai nhiều hơn. Ông Trần Đăng Khoa là người phản bác tôi nguy hiểm nhất, bởi ông ấy được bao nhiều người yêu quý. Lên võ đài người ta đánh mà mình không phản bác thì mình chết ngay. Văn đàn cũng thế, anh phải đứng ra tự bảo vệ tác phẩm của anh.

– Lâu nay ông không công bố tác phẩm mới. Điều gì khiến ông không sáng tác nữa?

– Biết tri túc là quan trọng nhất. Nếu viết nữa có lẽ cũng khó hơn được, mà viết nhiều có khi bọn trẻ nó ghét. Mười mấy năm rồi tôi không viết.

Nghề viết, nhất là nghề văn luôn loay hoay về đạo. Nếu chỉ để kiếm tiền, có lẽ đi viết sách cho trẻ con dễ hơn. Nhưng có những người như bị giời đày, như một sứ mạng, loay hoay đi tìm đạo.

-Không viết nữa, ông làm gì?

-Tôi trông cháu. Tôi làm gốm, cũng bán được.

-Vậy ông bỏ viết vì làm gốm nhiều tiền hơn?

– Đó là một trong số những lý do thôi, cái chính là đã hết cơn mê. Giống như khi yêu, ta không thể cố yêu. Lúc yêu, ta điên rồ nhất, nhưng khi tỉnh ra sẽ thấy sợ lắm. Chặng đường đời này, có lẽ tôi đã khác.

– Qua giai đoạn nửa tỉnh nửa mê rồi, nhìn lại, ông có muốn thay đổi những gì mình đã viết ?

– Sản phẩm của tôi lâu nay vẫn được mua, thì có lẽ cũng được. Nhưng có những cái tôi cũng xấu hổ, muốn giấu nhẹm đi. Nếu phải làm tuyển tập, thì cũng phải bỏ đi một số cái.

Giăng lưới bắt chim là một tập hợp những bài tạp văn, tiểu luận, phê bình, giới thiệu và ghi chú của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã đăng rải rác trên các báo và tạp chí trong nước từ năm 1989. Sách ra mắt lần đầu năm 2005, tái bản 2006. Năm 2010, NXB Thanh Niên in bổ sung. Tháng 9/2016, NXB Trẻ tái bản cuốn sách, bổ sung thêm một số bài viết mới. Cuốn sách được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải ở hạng mục Phê bình.

Việt Hà

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Mười 8, 2016 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 6, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button