Tác giả

Nguyễn Ngọc Tư cần mẫn như thợ dệt

Đối với Nguyễn Ngọc Tư, viết văn thực sự được coi là một nghề, mang tính chuyên nghiệp. Bền bỉ, miệt mài viết từng ngày, Nguyễn Ngọc Tư ví mình như người thợ dệt.

Nhà văn của miền sông nước vừa xuất hiện trở lại với bạn đọc trong tập truyện ngắn mới mang tên Không ai qua sông (NXB Trẻ, năm 2016). Đằm thắm hơn và mới lạ hơn, Nguyễn Ngọc Tư da diết trong Không ai qua sông, nghe như giai điệu của một bài hát, khúc tráng ca về thân phận con người.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Ảnh:Nguyễn Minh
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Ảnh:Nguyễn Minh

Những thân phận nhọc nhằn

Những xóm nhỏ hư hư thực thực, người chết và người sống, bằng cách nào đó, song hành cùng nhau; những số phận phổ thông và điển hình; những gương mặt chìm khuất đâu đó trong dòng đời, dòng người và dường như ẩn hiện trong chính mỗi người.

Một bà mẹ lang thang của đứa nhỏ mồ côi, giờ cũng đã làm mẹ, mà không ai biết họ có phải là mẹ con ruột thịt thật sự hay là hiện diện của những ký ức khát thèm tình thân, đồng thời cũng là bằng chứng của vực sâu nghi kỵ, đổ vỡ, ngay cả trong những mối quan hệ gần gũi nhất (truyện ngắn “Vực không đáy”).

Một người đàn bà không thèm tự tỏa sáng, coi người mình yêu là cả chân trời và luôn cả cuộc đời không kháng cự, nhổ quán đi theo bán cơm cho một gã đàn ông lang bạt, với mối ràng buộc duy nhất chỉ là mùi thơm thanh xuân từ da thịt tuổi hai mươi (truyện ngắn “Nhổ quán”).

Một đám rước biểu tình chống bạo hành phụ nữ mà những gã đàn ông sáng say chiều xỉn ngồi cười ruồi ngó lơ, với những thân thể tơ tướp và những tâm hồn rách nát của những người đàn bà kẻ lấn bấn chồng con, cơm cháo, người sẵn sàng vứt lại những mảnh ruột thịt để chạy theo tiếng gọi của nhân tình. Sẵn sàng giấu nhẹm nhân tình trên kệ che cửa sổ, vừa mới đó đã quay lại hào hển với chồng. Đàn bà là gì? Câu hỏi đó không dễ trả lời, cho dù dấu chấm cuối cùng đã chấm dứt truyện ngắn “Không ai qua sông” và cả sau đó nữa, truyện ngắn “Chỉ gió trả lời câu hỏi”.

Nỗi đau khó hình dung của kiện tướng chạy ma-ra-tông và mặt trái của tấm huy chương, khi nhân vật chính hiện diện, không phải với những hào hoa chói sáng mà với đời thật bộn bề đau đớn, âm thầm, khắc khoải…

Những ấn tượng mà Nguyễn Ngọc Tư tạo ra trong tập truyện ngắn đầy lòng trắc ẩn này là một xã hội thu nhỏ, với tình yêu và bội phản, lòng tham, thù hận và phản kháng. Sự dữ dội của câu chuyện cứ tăng dần cho đến lúc người đọc khép cuốn sách lại.

Tập truyện ngắn mới ra mắt của Nguyễn Ngọc Tư. Ảnh: NXB
Tập truyện ngắn mới ra mắt của Nguyễn Ngọc Tư. Ảnh: NXB

Rất riêng và rất thật

Nguyễn Ngọc Tư viết nhiều, đến mức người đọc luôn có cảm giác chị ăn ngủ trong không khí văn chương. Dường như mọi con đường chị đi qua, sẽ có lúc nào đó hiện lên trong văn chị, mọi con người chị gặp sẽ có một ngày bước vào truyện của chị. Kiểu như nhân vật Mười – người đàn bà không chịu tự mình tỏa sáng mà cứ phải lệ thuộc vào tình yêu của Cao Bồi. Nhân vật nữ mà kiểu gì tác giả cũng sẽ bị càm ràm, cho dù người viết có chục lần dự định cho chị tách khỏi tình yêu của đời mình, cũng sẽ chục lần không thực hiện được, bởi vì Mười sẽ không làm như thế. Và chỉ cần đôi chữ bóng gió viết rằng Mười đã mỏi mòn, nhân vật cũng sẽ lập tức phản ứng, tỉnh rụi bảo: “Đâu có”.

“Tui không nghĩ nhân vật của tui có bóng dáng của tui, mà rất nhiều người hơi biết tui một chút đều nói văn tui với người… trớt quớt” – Nguyễn Ngọc Tư tự sự. Chị cho biết: “Văn của tui hoàn toàn chẳng có trải nghiệm gì của cá nhân mình trong đó, chẳng hạn như khi viết về cảm giác lòng tự trọng bị thương tổn của một người đàn ông phải chịu nhục trước bạn gái mình, tui hình dung ra thôi”.

Trong khía cạnh hóa thân vào những nhân vật đàn ông, Nguyễn Ngọc Tư không hẳn thu được nhiều thành công, có lẽ chính bởi sự tưởng tượng chứ không phải trải nghiệm thật như chị đã tự sự. Tuy nhiên, những nhân vật đàn bà của chị lại càng lúc càng đằm thắm, quyến rũ và điều quan trọng là tất cả đều rất riêng và đều rất thật. Cho dù có lúc đó là bà má hồi còn nhỏ từng là một trẻ mồ côi trong cô nhi viện, thèm khát tình thân, có khi lại hóa thành con Trầm cấn bầu chửa hoang không chỉ một lần nhưng vẫn đi đứng giòn ngọt, mắt mũi tươi rói làm bọn đàn bà khác phải tắc nghẹn nơi cuống họng.

Nhân vật nữ của Nguyễn Ngọc Tư, khi là cô gái tên Tím bị hội chứng nút áo, bởi trong lần bị hãm hại nơi chân cầu, cô chỉ giữ lại được của kẻ thủ ác một chiếc nút áo cô đơn, chiếc nút áo đã khiến cô bị cầm tù trong bốn bức tường thù hận, dửng dưng nhìn những chàng trai lần lượt đi qua bên ngoài song sắt. Nhân vật đàn bà, có lúc tên Hằng, vừa nóng hổi vừa quyến rũ, vừa giấu giếm vừa khát khao, vừa lẳng lơ trốn chồng đi với nhân tình vừa đáng thương hơn là đáng giận…

“Nhân vật của tui, văn của tui có đàn bà hay không, là tùy cảm nhận của người đọc. Lúc ngồi viết, tui quên thân phận mình là đàn gì, tui thấy giới tính không quan trọng. Như bạn tui nói, tui viết về đàn bà nhưng đàn ông trong đó cũng rất đẹp” – Nguyễn Ngọc Tư đánh giá.

Cuộc đời vốn dĩ nhiều sự ác, nhan nhản người ác, việc ác nhưng thật ra cũng tràn trề niềm vui, tình yêu và không ít lương thiện. Quan trọng nhất là góc nhìn của mỗi cá nhân, trong cái tổng thể lớn lao và từng chi tiết của sự sống. Những thiên lương vẫn luôn tỏa sáng lấp lánh ở trong mỗi bản thể sống, chỉ cần nhìn thấy nó và tin vào điều tốt.

Góp nhặt từng chút, nhà văn đã ghi chép lại, đánh dấu từng trường hợp, tô đỏ lên ở từng điểm mốc trên bản đồ thiện tính cho đời. “Viết, với tui là một nghề – Nguyễn Ngọc Tư khẳng định – dĩ nhiên là tui tìm thấy niềm vui khi viết. Bằng chứng là tui thấy rất trống rỗng, buồn tình mỗi khi rảnh rỗi không viết gì. Nhưng tui nghĩ, giống như một thợ dệt chiếu, lâu ngày không dệt cũng bứt rứt”. Đối với Nguyễn Ngọc Tư, quan niệm về việc viết, chỉ đơn giản và gọn gàng vậy thôi.

Hòa Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button