Tác giả

Nguyễn Nhược Pháp: Thương cho một kiếp tài hoa mệnh bạc

Số phận ưu ái cho chàng thi sĩ ấy một phần tài hoa, nhưng kéo theo đó là mấy phần truân chuyên. Phải chăng hồn thơ thấm đẫm ưu tư ấy được xây nên từ những đa đoan của kiếp người.

Khi nhắc đến cái tên Nguyễn Nhược Pháp với nhiều độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ, có lẽ sẽ nhận lại những cái lắc đầu. Nhưng những lời ca quen thuộc của bài thơ mà sau này là bài hát Em đi chùa Hương, thì luôn ở trong lòng nhiều thế hệ người yêu nhạc Việt Nam. Ít ai biết rằng, đằng sau con người viết nên những vần thơ đầy chất nhạc và thấm đẫm hồn quê ấy lại là một câu chuyện buồn.

Nguyễn Nhược Pháp sinh ngày 12/12/1914 tại Hà Nội. Ông là con trai của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Sinh thời, cha ông vốn là một người hào hoa, phong nhã và đặc biệt rất đa tình. Những năm đầu thế kỉ XX, học giả Nguyễn Văn Vĩnh không chỉ nổi tiếng tài cao học rộng mà còn là người giàu có, sở hữu nhiều đất đai và biệt thự trong nội thành Hà Nội.

Trong đó, có một căn biệt thự rộng ở gần bờ Hồ, đoạn giáp giữa phố Lý Quốc Sư và phố Hàng Trống được ông dùng làm khách sạn. Đây chính là nơi gặp gỡ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh và giai nhân Phan Thị Lựu. Bà Lựu là con gái của một thổ ty giàu có ở Lạng Sơn, ngoài dáng vẻ thướt tha bà còn giỏi ăn nói và rất thạo tiếng Pháp.

Mỗi khi có dịp về Hà Nội, bà Lựu lại nghỉ ở khách sạn của ông Vĩnh để tiện thăm thú phố phường. Dù đã có vợ con đề huề nhưng nhìn thấy vẻ đẹp sắc sảo, kiêu sa của người con gái phố Đồng Đăng, trái tim đa tình của học giả Nguyễn Văn Vĩnh bị khuất phục ngay lập tức.

Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp. Ảnh: tư liệu.

Hằng ngày, vào buổi trưa, học giả Nguyễn Văn Vĩnh sẽ tới khách sạn ăn cơm, trò chuyện và đưa bà Lựu đi dạo. Đến tối, ông Vĩnh lại về ngôi nhà trên phố Mã Mây với bà vợ cả là Đinh Thị Tính và các con. Cậu bé Nguyễn Nhược Pháp ra đời chính là trái ngọt cho mối tình đậm màu sắc tiểu thuyết của học giả Nguyễn Văn Vĩnh và bà Phan Thị Lựu.

Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, khi Nguyễn Nhược Pháp lên 2 tuổi thì bố ông say mê một cô đào lai Pháp vô cùng xinh đẹp. Vui bên tình mới, học giả Nguyễn Văn Vĩnh có phần lạnh nhạt với bà Phan Thị Lựu.

Khi mọi chuyện vỡ lỡ, quá đau khổ, buồn bã và quẫn trí, bà Lựu đã tự tử. Sau cái chết của người vợ hai, học giả Nguyễn Văn Vĩnh đem cậu con riêng còn chưa nói sõi về cho vợ cả là bà Đinh Thị Tính nuôi nấng.

Là người phụ nữ truyền thống, tính tình nhân hậu, lại cam chịu, bà Tính đồng ý nuôi con riêng của chồng, không buông một câu oán thán. Cùng là phận đàn bà, bà chỉ trách bà Lựu sao lại quẫn trí đi “ghen ngược” rồi làm điều dại dột, bỏ lại đứa con còn chưa nhớ được mặt mẹ. Bởi chính bà Tính mới là người phải đánh ghen.

Là phận con riêng, nhưng Nguyễn Nhược Pháp được mẹ cả yêu thương, đối xử công bằng như con ruột. Khi bà Đinh Thị Tính mất, bà yêu cầu con cháu an táng bà cạnh phần mộ của cậu con cưng Nguyễn Nhược Pháp. Tuy không cùng một mẹ sinh ra, nhưng cùng sống dưới một mái nhà từ thuở nhỏ, các con của học giả Nguyễn Văn Vĩnh sống với nhau rất tình cảm, không có sự phân biệt.

Là một người tiếp xúc với nền Tây học từ rất sớm, lại giỏi tiếng Pháp nhưng khác với tầng lớp thanh niên lúc bấy giờ, nhờ sự ảnh hưởng của cha, Nguyễn Nhược Pháp có một lòng yêu thích đặc biệt với văn hóa và văn học dân gian. Các tác phẩm như: Chùa Hương, Sơn Tinh- Thủy Tinh, Chuyện Mị Châu, Giếng Trọng Thủy… thể hiện rõ điều đó.

Trong thơ Nguyễn Nhược Pháp luôn thấp thoáng bóng một người con gái dịu dàng với làn da trắng và đôi môi đỏ. “Nàng thơ” ấy chính là “ánh chiếu” của tiểu thư Đỗ Thị Bính, con của thương gia Đỗ Bá Lợi. Bà là một trong “tứ đại mỹ nhân Hà Thành” thời bấy giờ. Bà cũng chính là người con gái mà sinh thời nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp thầm thương trộm nhớ.

Bà Đỗ Thị Bính, bóng hồng trong nhiều bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp. Ảnh: tư liệu.

Mỗi lần đi qua hiệu buôn của thương gia Đỗ Bá Lợi, ở phố Hàng Đẫy, chàng công tử Nguyễn Nhược Pháp khi ấy, đã bị hút hồn bởi vẻ ngoài của giai nhân đài các.

Người ta kể rằng cô Bính có làn da trắng nõn, mịn màng, ý thức được thế mạnh của mình, cô tiểu thư xinh đẹp vẫn thường mặc đồ màu đen. Nguyễn Nhược Pháp vẫn gọi cô Bính là “người con gái áo đen”.

Tuy hào hoa, nhưng Nguyễn Nhược Pháp lại không thừa hưởng sự bạo dạn của người cha. Không chỉ viết thư, chàng thi sĩ còn làm thơ đề tặng tiểu thư Bính và nhờ người gửi tới phố Hàng Đẫy, chứ không dám hẹn gặp người đẹp. Lúc bấy giờ, quan niệm phong kiến vẫn còn ảnh hưởng nặng nề nên cặp “trai tài gái sắc” lâm vào cảnh “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”.

Năm 1938, sau cái chết của hai chị gái và cha, Nguyễn Nhược Pháp đau lòng và lâm bệnh lao hạch. Chàng thi sĩ ấy ra đi ở tuổi 24, khi tài năng mới chỉ bắt đầu và vẫn chưa được gặp mặt để ngỏ lời với giai nhân. Biết tin Nguyễn Nhược Pháp mất, bà Đỗ Thị Bính rất đau lòng, mối tình tưởng như rất đẹp vì “sinh ly tử biệt” mà dang dở.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Mười Hai 13, 2016 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button