Tác giả

Nguyễn Xuân Khánh nói về bản chất con vật trong con người

Lấy bối cảnh Hà Nội thời bao cấp với hiện tượng toàn dân nuôi lợn, tiểu thuyết “Chuyện ngõ nghèo” của Nguyễn Xuân Khánh đặt ra vấn đề bản chất người khi để người và lợn sống chung.

– Từ đâu ông viết cuốn sách về chuyện nuôi lợn trong thành phố?

– Tôi viết cuốn sách này năm 1981, đến 1982 thì xong. Viết về chính ngõ, làng Thanh Nhàn nơi tôi ở, chính những người, việc diễn ra chung quanh. Đó là thời bao cấp.

Thời đó, ở thành phố mà hầu như mọi gia đình đều nuôi lợn. Người ta nuôi ở trên tầng cao, trong những nhà sang trọng, nuôi trong nhà tắm.

Đó là một hiện tượng rất đặc biệt. Toàn dân nuôi lợn, toàn quốc nuôi lợn, các ông to bà lớn cũng nuôi lợn. Đó là cách tự cứu của dân, bởi lúc đó thực phẩm khó khăn vô cùng, là cách cải thiện kinh tế gia đình, tạo ra lượng thịt, thực phẩm.

Cách làm đó biến thành thị thành nông thôn. Người ta nuôi, thịt lợn thành một kỹ thuật, nghệ thuật liên hoàn. Họ tắm cho những con lợn rất sạch sẽ, nó ở cùng con người trong nhà đá hoa.

sach-chuyen-ngo-ngheo
Tiểu thuyết “Chuyện ngõ nghèo” mới phát hành.

– Trong câu chuyện toàn dân nuôi lợn, có câu chuyện nào của chính ông?

– Có nhiều chuyện thực trong đó. Tôi cũng 10 năm nuôi lợn, chính trong căn nhà tôi đang ở đây.

Toàn dân nuôi lợn mà, không có chuyện hoang mang bất mãn. Như trong truyện, cả ông thành ủy cũng nuôi. Người ta có điều kiện để mua lợn giống tốt ở những trang trại, hợp tác xã, mua cám cho lợn. Điều đó là bình thường.

Cảm giác của người nuôi lợn như một phong trào, người nọ giúp đỡ người kia vậy.

– So với thực tế hồi đó, nhiều người cho rằng chuyện của ông hơi cường điệu quá. Ông nghĩ sao?

– Đấy là tùy con mắt nhìn của người đọc.

Từ phía cá nhân, tôi thấy mình không hề nói quá. Tôi dùng thủ pháp giễu nhại, hề. Đã là biện pháp nghệ thuật thì ta được phép làm theo ý thích của ta. Người đọc tùy việc họ nhận thấy thế nào, đó là quyền của người đọc.

– Cuốn sách ban đầu mang một cái tên khác, giờ đổi tên thành “Chuyện ngõ nghèo”, vì sao vậy?

– Nó dung dị, tôi cũng thích cái tên Chuyện ngõ nghèo. Ban đầu tôi đổi là Ký sự ngõ nghèo, nhưng bên xuất bản thích Chuyện ngõ nghèo hơn, có lẽ họ sợ “ký sự” thì không ra tiểu thuyết nên đổi tên như vậy.

-Ông muốn gửi gắm thông điệp gì ở “Chuyện ngõ nghèo”?

– Thông điệp là do mỗi người đọc tự cảm nhận. Còn với tôi, ở đầu sách, tôi có trích câu của nhà thần học, triết học Pháp Pascal, với khuynh hướng hiện sinh: “Con người chẳng thiên thần cũng không thú vật. Khốn thay ai đó muốn làm thiên thần thì lại ra thú vật”. Ở cuốn này, nhân chuyện con lợn này thì nói câu chuyện bản sắc con người, bản sắc con vật.

Còn về câu chuyện, đây là câu chuyện vui vẻ, về một thời bi hài của lịch sử. Hiếm khi xảy ra một hiện thực như thế. Mình bắt được một giai đoạn ấy, thì không nên bỏ phí nó, mà khai thác nó để cùng suy ngẫm.

– Thành công với tiểu thuyết lịch sử, văn hóa, nhưng hai cuốn đầu tay của ông là “Hoang tưởng trắng” và cuốn này được nhiều người đánh giá cao. Quan điểm của ông ra sao về các cuốn sách của mình?

– Cuốn này là thành công nhất của tôi, tôi thích nó nhất. Tôi quan niệm tiểu thuyết hiện thực là phải cân đối giữa màu hồng, màu xám. Nếu viết một cuốn sách mà không đúng liều lượng các màu sắc thì người đọc rất tinh sẽ nhận ra ngay. Toàn màu hồng người ta thấy ngay giả dối, toàn màu xám cũng không được. Tôi muốn cân bằng, để người đọc cảm nhận thực về đời sống. Nếu thực hơn thực thì càng tốt. Còn không được, thì phải ở mức người đọc chấp nhận được.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Ảnh: Tần Tần.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Ảnh: Tần Tần.

– Hiện thực đời sống tới nay đã không còn chuyện nuôi lợn trong nhà phố, liệu cuốn sách này có phản ánh kịp thời hiện thực?

– Không, ở đây tôi chỉ phản ánh một hiện thực mang màu sắc của một giai đoạn đã qua, chứ tôi không viết thời này ra thời khác. Tiểu thuyết đánh dấu lại một giai đoạn lịch sử. Người ta muốn tìm hiểu một giai đoạn nào thì đọc để thấy được không khí của giai đoạn đó, không ra không khí của giai đoạn khác được.

– Nhiều người cho rằng nếu tác phẩm ra đúng thời điểm khi vừa viết xong, thì vị thế của ông trên văn đàn sẽ khác. Ông có nghĩ như vậy?

– Tôi không nghĩ thế, cuốn sách nó mang dấu thời gian, chứ không phải lúc này nó có giá trị, lúc khác thì không. Nhiều người cũng thích cuốn sách này, nhưng cũng có người không thích, làm sao mà chiều lòng được tất cả. Nhà văn mà làm hài lòng tất cả mọi người thì kỳ quặc lắm.

– Ở “Hoang tưởng trắng” ông viết theo hình thức những bức thư, còn “Chuyện ngõ nghèo” lại là nhật ký một phóng viên. Ông quan tâm ra sao tới hình thức tiểu thuyết khi viết?

– Đương nhiên tôi rất quan tâm. Các cuốn tiểu thuyết lịch sử văn hóa tôi viết theo lối cổ điển. Những cuốn kia theo truyền thống người ta viết từ xưa tới nay.

Cuốn này tôi viết hiện đại hơn, phá bỏ tính cốt truyện. Thông thường viết tiểu thuyết người ta theo cốt truyện. Ở đây hình thái cốt truyện vẫn có nhưng kết cấu lỏng hơn. Nó gần với phong thái tiểu thuyết hiện đại.

Tôi muốn viết sao cho phóng khoáng, rộng mở, mới mẻ.

Ai viết tiểu thuyết đều không muốn đi lặp lại đường mòn. Đã là văn học là phải như thế. Có thể lúc tìm tòi của mình thành công, có khi không thành công. Chứ ai đã viết tiểu thuyết đều muốn tránh đi lại vết mòn người khác.

– Ông đánh giá thế nào về vai trò của hình thức trong sáng tạo tiểu thuyết ?

– Ở thời nay, người ta rất chú trọng tới hình thức. Thậm chí người ta coi hình thức mới quan trọng, còn nội dung viết sao cũng được. Lẽ dĩ nhiên cách cực đoan ấy tôi không đi theo. Nhưng thời nay người ta rất coi trọng hình thức một tiểu thuyết.

Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại Hà Nội. Tác phẩm đã xuất bản: Rừng sâu (tập truyện ngắn, 1962), Miền hoang tưởng (tiểu thuyết, 1990), Hồ Quý Ly (tiểu thuyết, 2000), Hai đứa trẻ và con chó mèo xóm núi (truyện thiếu nhi, 2002), Mưa quê (truyện thiếu nhi, 2003), Mẫu thượng ngàn (tiểu thuyết, 2006), Đội gạo lên chùa (tiểu thuyết, 2011).

Lời giới thiệu sách tác phẩm Chuyện ngõ nghèo: Hẳn nhiều người còn nhớ Hà Nội những năm tháng khốn khó, người ta phải nuôi lợn làm kế mưu sinh… Chuyện ngõ nghèo ra đời trong khung cảnh ấy. Một anh thương binh nuôi lợn đến trình độ « nghệ sĩ »… Một giáo viên dạy sinh vật cấp ba ấp ủ viết cả một Bách khoa lợn và đưa ra những khái niệm mới mẻ chưa từng : Bái trư giáo, Trư luận, Trư học. Một nhà văn bán sách đi nuôi lợn, ngày ngày ngó ra chuồng lợn mà ngẫm ngợi, triết lý…

Hài hước mà rờn rợn, câu chuyện là một cuộc giễu nhại lớn, ném ra một cật vấn đau đáu về chất lợn trong bản tính con người, và nỗi lo âu con người sẽ đi về đâu, nếu cái chất lợn ấy trở nên lây lan ô nhiễm…

Chuyện ngõ nghèo, không ngạc nhiên nếu được đánh giá là tác phẩm xuất sắc của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

Tần Tần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button