Tác giả

Nhà văn Chu Lai: ‘Văn tôi trễ nải và lạnh hơn trước’

Nhà văn gạo cội về đề tài người lính cho biết cách viết của ông trong “Mưa đỏ” trễ nải và lạnh hơn thời kỳ trước với “Nắng đồng bằng” hay “Ăn mày dĩ vãng”.

Ngay sau khi nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2016 cho Mưa đỏ – cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh là sự kiện chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972 trong cuộc chiến chống Mỹ, nhà văn Chu Lai dành cho Zing.vn cuộc phỏng vấn ngắn nhưng gãy gọn và “sòng phẳng” (chữ dùng của chính ông), đúng chất một người lính.

Nhà văn Chu Lai là tác giả của nhiều tiểu thuyết về đề tài người lính. Ảnh: Quang Đức.

– Sau lễ trao giải của Hội Nhà Văn Việt Nam năm ngoái, một nhà phê bình văn học quả quyết rằng “Có một điều mặc định hiện diện như một định mệnh, Giải thưởng Hội Nhà văn nào cũng sẽ bị so sánh với giải thưởng năm 1991 trao cho ‘Nỗi buồn chiến tranh’”. Năm nay thì sao, ông có thấy kết quả đã xứng tầm với kỳ vọng của người yêu văn chương Việt?

– Đây là một câu hỏi rất khó trả lời, thậm chí không bao giờ trả lời được. Đời sống văn học, mỗi thời gian có một đặc thù riêng. Lấy Nỗi buồn của chiến tranh của Bảo Ninh làm chuẩn thì không hẳn chính xác nhưng đó là một cuốn tiểu thuyết hay.

Bây giờ cũng có rất nhiều tác phẩm tốt, cũng viết về chiến tranh nhưng với độc giả, Nỗi buồn chiến tranh như mối tình đầu nên có vị trí đặc biệt. Sự bứt phá và dũng cảm của Bảo Ninh ở thời điểm đó đã tạo được dấu ấn.

Sau này, nhà văn cũng bứt phá nhưng vẫn bị đánh giá là xếp hàng phía sau chứ không thể đứng đầu. Cá nhân tôi cho rằng không nên phủ định giá trị của những tác phẩm ban đầu nhưng cũng không nên phủ quyết giá trị của những tác phẩm về sau. Đó mới là cái nhìn khoa học.

Đời sống văn học không chững lại mà luôn luôn sôi trào. Đề tài chiến tranh của nhiều năm về trước nhận được sự quan tâm của nhiều người nhưng bây giờ lại kén người đọc. Thời nay, thông tin về showbiz, game show như thác lũ, như mây trời, như lũ lụt trong đời sống. Do vậy những cuốn sách về chiến tranh khó tìm người đọc hơn thời Bảo Ninh rất nhiều.

Cùng thời với Bảo Ninh, tôi có cuốn Ăn mày dĩ vãng. Nhưng bây giờ làm sao có thể ăn mày mãi như thế được. Văn chương đang bứt phá đi lên, trước hết chúng ta cần ghi nhận.

– Nhiều ý kiến nhận định rằng diện mạo của văn học đương đại Việt Nam nằm ở tiểu thuyết chứ không phải thơ và truyện ngắn. Điều này có khiến những người chuyên viết tiểu thuyết như ông cảm thấy áp lực?

– Không. Tôi cho là văn chương cũng như nhiều lĩnh vực khác, có mặt trận chủ lực và mặt trận thứ yếu. Có người quả quyết rằng thơ mới đúng là văn học, đó cũng là một cách định nghĩa. Có người lại khẳng định truyện ngắn mới đúng là tinh triết của văn học, cũng không sai.

Nhưng nhìn chung, số đông cho rằng tiểu thuyết mới thực là diện mạo của văn học. Tiểu thuyết là sự hội tụ của nhiều thể loại văn học khác nhau, từ tùy bút, truyện ngắn đến cả những áng thơ.

Tiểu thuyết nói lên sức khỏe, diện mạo của một nền văn học. Do vậy, dù muốn hay không, vai trò của tiểu thuyết là không thể phủ nhận và hoàn toàn có thể hiểu được khi người ta dành ưu ái cho thể loại văn học này.

Tiểu thuyết cũng giống phim nhựa. Phim có nhiều thể loại, phim truyền hình, phim ngắn nhưng nói đến diện mạo là phải đánh giá những tác phẩm điện ảnh.

Chu Lai và các đồng nghiệp trong Hội Nhà văn Việt Nam, ngoài cùng bên phải là PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái.

– Chu Lai của “Mưa đỏ” khác gì so với Chu Lai của thời kỳ đầu cầm bút với “Nắng đồng bằng” và thời kỳ Đổi mới với “Ăn mày dĩ vãng”?

– Tôi cho là trễ nải hơn. Trong Nắng đồng bằng hay Ăn mày dĩ vãng, tôi viết một cách sôi nổi, bùng nổ. Thời đó, tôi không nghĩ ngợi, đắn đo, thả hết mình vào những trang sách, viết dữ dội như lò lửa. Nhưng ở tuổi này, tôi cắt nghĩa văn chương bằng sự trầm tĩnh và muốn gửi nhiều thông điệp trong tác phẩm.

Văn của tôi đang lạnh đi. Nhưng tôi chấp nhận lạnh theo tuổi tác. Lạnh để rồi gửi gắm điều gì đó về Quảng Trị – một vùng đất còn nhiều điều chưa được khai thác thấu đáo trong văn chương như Mưa đỏ mà các bạn biết.

– Sau khi nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết “Mưa đỏ”, ông có những dự định gì cho công việc sáng tác văn chương trong thời gian tới?

– Sắp tới lại là một cuốn tiểu thuyết nữa. Bên cạnh đó, tôi tiếp tục tham gia sân khấu. Nhà hát Kịch nói Quân đội chuẩn bị dựng một vở cũng về đề tài người lính của tôi. Hãng phim truyện Việt Nam cũng dự kiến làm một phim từ tác phẩm của tôi theo đơn đặt hàng của nhà nước.

Trong năm nay, tôi cũng sẽ xin đi trại sáng tác chiều sâu để hình thành một cuốn tiểu thuyết. Tác phẩm này tiếp tục về đề tài người lính nhưng tôi sẽ cố gắng để người lính trong tiểu thuyết của mình mang hơi thở của cuộc sống hôm nay.

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016

Truyện ngắn: Làn gió chảy qua (Lê Minh Khuê)

Tiểu thuyết: Mưa đỏ (Chu Lai)

Thơ: Tổ quốc nhìn từ biển (Nguyễn Việt Chiến), Vũ khúc Tày (Y Phương)

Chân dung văn học – Đàm luận văn chương: Giọt nước trong lá sen (Khuất Bình Nguyên)

Chuyên luận phê bình và nghiên cứu văn học: Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại (Trần Huyền Sâm)

Dịch thuật: Lâu đài sói (Hilary Mantel, Nguyễn Chí Hoan dịch)

Quang Đức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button