Tác giả

Nhà văn J.C.Michaels: ‘Văn học không phải để giải trí’

Thông qua câu chuyện của một chú cóc tía, nhà văn J.C.Michaels truyền tải tư tưởng triết học hiện sinh, và gửi thông điệp về sự lựa chọn.

Bụng lửa là tiểu thuyết đặc biệt, hòa quyện giữa văn chương và triết học. Tác phẩm đã được dịch ra 10 ngôn ngữ, đoạt giải thưởng Nautilus Book Award và nhiều giải thưởng khác. Cuốn sách dành cho ba đối tượng độc giả: các bạn thiếu nhi, độc giả tuổi mới lớn (tuổi teen) và các bậc phụ huynh.

Trong khuôn khổ Hội chợ sách Quốc tế Việt Nam 2017, NXB Kim Đồng đã mời tác giả J.C.Michaels tới giao lưu cùng độc giả vào sáng 27/8.

Nhà văn J.C.Michaels (trái) và dịch giả Hoàng Thùy trong buổi giao lưu độc giả. Ảnh: Tần Tần

– Điều gì khiến ông viết cuốn sách này?

– Tôi viết cuốn sách này (mà lúc đầu nó chưa phải là sách) cho con gái của mình, xuất phát từ câu chuyện có thật giữa tôi và cô bé. Ban đầu nó chỉ là một câu chuyện rất ngắn thôi, sau đó tôi phát triển thành một câu chuyện dài hơn, rồi phát triển thành tiểu thuyết, và cuối cùng là một câu chuyện văn học mang tính triết học.

– Từ một câu chuyện có thật xảy ra với con gái, vì sao ông phát triển thành câu chuyện, và đưa triết học vào?

– Là người viết truyện, với tôi viết văn không phải để giải trí. Tôi muốn mang kiến thức, những gì mình hiểu được, đọc được để truyền tải nó thành một thứ dễ tiếp cận hơn cho độc của mình.

Tác phẩm này hai phần đầu là câu chuyện về chú cóc và hai cô gái nhỏ. Còn phần sau là những kiến thức hay hơn, quan trọng hơn, là thông tin phụ về triết học và về chủ nghĩa hiện sinh – chủ nghĩa triết học chính trong cả cuốn sách.

– Chủ nghĩa hiện sinh là một triết thuyết từ những năm 1950, giờ đã qua rồi. Ông muốn chuyển tải điều gì của triết học hiện sinh vào tác phẩm này?

– Chủ nghĩa hiện sinh không chỉ là chủ nghĩa triết học ở châu Âu, mà còn là chủ đề rất được quan tâm trên thế giới. Nó nói về cái tôi, bản thể mỗi một con người, cái phần riêng tư nhất, cá nhân nhất. Đó là phần của chủ nghĩa hiện sinh tôi quan tâm nhất, và muốn thể hiện trong sách.

Các trường phái triết học trước thế kỷ 19 thường tập trung vào các vấn đề cao siêu, trừu tượng. Nhưng triết học hiện sinh tập trung vào cá thể con người, chính là bạn. Mình nghĩ gì về bản thân mình, ý nghĩa sự tồn tại của mình trong cuộc sống. Theo cách này, ai cũng có thể suy nghĩ, tư duy và ứng dụng triết học này vào cuộc sống của riêng mình.

– Khi đồng ý cho dịch “Bụng lửa” sang tiếng Việt, ông có kỳ vọng gì?

– Cuốn sách này đã được dịch sang 10 thứ tiếng. Độc giả ở mỗi đất nước đón nhận cuốn sách theo một hướng khác nhau, nên độc giả Việt tiếp nhận ra sao là ở các bạn.

Tôi từng thấy ở mỗi quốc gia, bạn đọc lại có cách hiểu Bụng lửa khác nhau. Khi sách dịch ở Trung Đông, độc giả liên hệ đến những người khuyết tật, sự vượt qua khó khăn. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, độc giả lại nghĩ tới sự nổi loạn chính trị, bởi cuốn sách phát hành đúng thời điểm bầu cử tại đất nước này.

Ở Nhật Bản, nhà xuất bản cắt toàn bộ phần nội dung dành cho người lớn đi, và minh họa rất đẹp cho hai phần về trẻ em, do đó sách chỉ hướng tới trẻ em. Đài phát thanh truyền hình NHK của Nhật Bản mua bản quyền cuốn sách không để bán và kinh doanh, mà dịch chỉ bởi “nó cần thiết phải tồn tại một bản dịch tiếng Nhật”.

Tại Đài Loan, cuốn sách này được dùng trong nhà trường, dành cho giáo viên dạy học. Brazil biến cuốn sách này thành một video games, có 10 level (cấp độ), vượt qua từng giai đoạn cuộc sống theo từng level như thế. Ở Hàn Quốc, cùng lúc có 3 nhà xuất bản tranh nhau mua bản quyền cuốn này, dù chưa biết sách viết về nội dung gì.

– Là một người làm về phần mềm máy tính, vậy văn chương có ý nghĩa như thế nào với ông?

– Tôi là kỹ sư phần mềm (IT). Việc viết phần mềm với tôi không chỉ là khoa học máy tính, mà cũng là sáng tác, sáng tạo. Lập trình máy tính cũng là một cách viết truyện vậy.

– Trong phần giới thiệu về tác giả, sách viết ông sống và viết tại Đông Nam Á. Ông có thể chia sẻ về quãng thời gian sống ở Việt Nam?

– Tôi đã sống ở Việt Nam hai năm rồi, nhưng chưa biết nhiều về Việt Nam. Hàng tuần, tôi có một buổi thảo luận về triết học tại nhà dành cho các học sinh trung học vào ngày Chủ nhật. Chủ yếu các bạn trẻ đang muốn đi du học đến dự buổi nói chuyện này, bởi vậy tôi cũng biết đôi chút về giới trẻ Việt Nam.

– Hiểu giới trẻ Việt Nam như vậy, liệu ông có định viết sách về giới trẻ Việt?

-Có khả năng rất lớn là tôi sẽ viết cuốn sách về các bạn trẻ Việt. Những thử thách, khó khăn mà các bạn ấy đang trải qua không quá khó khăn, khác biệt với các bạn trẻ khác trên thế giới.

Tuổi trẻ bây giờ ngoài phát triển kinh tế, họ phải vật vã với thực trạng xã hội, với cái tôi, làm thế nào để sống có chất lượng hơn, chứ không chỉ lo chuyện kiếm tiền.

Tác giả J. C. Michaels là nhà văn người Mỹ, hiện sinh sống và theo đuổi sự nghiệp viết văn tại Đông Nam Á.

Dịch giả Hoàng Thị Thùy gặp tác giả trong một sự kiện ngẫu nhiên, khi cô vừa du học về, và chống chếnh chưa quen với môi trường, công việc ở quê nhà. Gặp Michaels trong một sự kiện tình cờ, biết ông là tác giả của một cuốn sách văn chương đã đạt một số giải thưởng, Thùy xin một cuốn. Sau hai ngày, cô đọc xong, đã gọi điện cho tác giả và cảm ơn ông, vì cuốn sách giúp cô vượt qua giai đoạn khó khăn.

Cô dành một năm để dịch cuốn này. “Tôi dịch cuốn này tất cả vì sự yêu thích trong sáng dành cho cuốn sách. Lợi ích của tôi nhận được không nằm ở nhuận dịch, mà là sự giàu lên về vốn tiếng Việt, và một quyết định đúng đắn trong thời điểm chống chếnh đó” – Hoàng Thùy nói.

Tiến sĩ Diệu Linh: “Khi đọc cuốn này, tôi thấy như sách viết cho mình, vì tôi thấy bản thân và con gái trong đó. Tác phẩm hay từ phần mục lục. Tác giả bắt chúng ta chọn đọc phần nào trong sách. Mỗi chúng ta trong cuộc sống phải đối mặt với nhiều lựa chọn, từ lựa chọn nhỏ tới những quyết định thay đổi cuộc đời.

Cuốn sách này không đơn thuần văn chương, mà là văn chương trộn lẫn triết học. Tiếp nhận cuốn sách này, bạn không phải đặt những câu hỏi: đây là sách triết học thì khó đọc lắm, hoặc đây là văn chương thì nghệ thuật cao siêu lắm.

Đây là một câu chuyện. Khi đọc truyện, ta có xu hướng tìm mình trong truyện. Chú cóc trong câu chuyện này bạn gọi là nhân vật cũng được, là chú cóc cũng được, là ẩn dụ triết học cũng được, nhưng quan trọng là bạn tìm thấy mình trong đó.”

Tần Tần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button