Tác giả

An Ni Bảo Bối: “Mỹ nữ viết văn” đặc biệt nhất của văn chương đương đại Trung Quốc

Là cây bút không thường xuyên xuất hiện nhưng mỗi một tác phẩm của cô lại luôn có sức hút mãnh liệt với độc giả.

Tôi hiếm khi đọc văn học trẻ Trung Quốc, nhưng An Ni là một ngoại lệ đặc biệt, là người đưa đã đến cho tôi những câu chữ thơ mộng, đẹp đẽ như những áng văn cổ xưa, lại vừa có nét quyến rũ hoang dại như một đóa hoa hồng gai trong bóng tối. Bước vào thế giới của An Ni là đã tự cho mình cơ hội để được trải bày, được đắm chìm và trải nghiệm một nỗi cô độc tột đỉnh, đau đớn triền miên, nhưng ấy cũng là khoái cảm của những kẻ vì cô độc mà thấu suốt bản thân mình.

An Ni là một “mỹ nữ viết văn” danh tiếng của nền văn học đương đại Trung Quốc. Cô tên thật là Lịch Tiệp, sinh ngày 11 – 7 – 1972 (có nơi ghi 1974). Cô là nhà văn tự do, từng làm các nghề quảng cáo, biên tập, gia dịch tài chính…

An Ni là nhà văn mạng nổi tiếng từ khoảng năm 1988, đến năm 2000, bắt đầu từ tập truyện ngắn Cáo biệt An Ni. Đa số những tác phẩm của cô đều lọt vào danh sách những quyển sách ăn khách nhất. An Ni vốn sống lặng lẽ, khước từ mọi giao thiệp với xã hội. Với cô chỉ viết văn là điều có ý nghĩa duy nhất, nên cả cuộc đời, cô vốn chỉ phiêu dạt trong văn chương, và biến mất rồi hồi sinh trong văn chương.

An Ni Bảo Bối, cây bút đặc biệt của văn đàn Trung Quốc

Nhìn lại chặng đường sáng tác của An Ni từ trước đến giờ, bắt đầu từ Liên Hoa, Đảo tường vi, Hoa bên bờ, đến nay là Xuân yến, Miên Không, phong cách sáng tác của cô đã có nhiều biến chuyển, càng lúc càng trở nên khoan thai, thanh nhã, bao dung, ấm áp. Thế nhưng về mặt tính cách và hình tượng nhân vật nam nữ yêu thích vẫn được giữ nguyên như trước. Đó vẫn là những nhân vật trôi dạt trong đô thành, đầy những khiếm khuyết nhưng đẹp đẽ vô cùng.

An Ni là nhà văn dịu dàng, thanh tao bậc nhất mà tôi từng được tiếp xúc. An Ni nâng niu, vuốt ve, vỗ về chữ nghĩa, trong tĩnh lặng như gió đêm nồng nàn.

Một thuở, đọc Hoa bên bờ hay Đảo tường vi thì đã say đắm như say mùi khói thuốc giữa mùa hè ảo não bên những khối thành thị buồn. Chẳng hiểu sao, tôi cứ cảm giác bản thân đang giữ những thổn thức từ Hồng lâu mộng, rồi đổ tràn lên An Ni. Có thể bởi màu nắng mê man của mùa hè, hoặc cũng chính bởi bầu không khí của những cuốn sách ấy có gì đó mơ ảo hư thực tương tự nhau.

Đọc đến Xuân Yến thì thổn thức, thẫn thờ, và ngây ngây suốt bao ngày trời, không thiết trò chuyện thêm cùng ai. Đọc mải miết như đang đeo đuổi một cuộc hành trình không đích đến, trên một chiếc xe đêm, thỉnh thoảng ngạt thở, thỉnh thoảng bồi hồi trong cơn say xe, rồi thỉnh thoảng lại nhìn mãi về chốn u tối nhập nhoạng bên ngoài cửa kính. Cứ như thế, chưa hề biết rằng cuối cùng của chuyến xe là ở đâu, chỉ biết rằng, khi trời sáng, lòng sẽ se sắt mà nhớ đêm khuya sâu kín.

Những xúc cảm cứ nảy ra, rồi đặc quánh lại, chìm xuống tận đáy sâu tâm hồn. Hóa ra ấy cũng là đắm chìm, như người ta đắm chìm vào bể ái tình. Ái tình của những tâm hồn trôi dặt. Mỗi cô gái, bước vào tuổi trẻ, sống trong tuổi trẻ, rồi tạm biệt tuổi trẻ bằng bản năng thuần khiết, xúc cảm hoang dại, bằng lòng yêu, lòng khát, lòng sợ hãi, để rồi cũng từ những mê cung dệt đan ấy mà cuộn tròn vào trong bản thể của riêng mình.

Những câu văn cứ tràn ra như một lời thì thầm, là lời nói mà lại vô vàn tĩnh lặng, là tĩnh lặng mà lại chất chứa sẻ chia.

Xuân Yến, bữa yến tiệc mùa xuân cũng giống như tuổi trẻ đều đang trở nên cũ kĩ, hoài ảo, tàn phai, cô đơn, yếu đuối, u mê. Xuân Yến, có thể đang dần biến mất, nhưng không bao giờ chết, cũng giống như cây cầu cổ xưa của thành Chiêm Lý u buồn.

An Ni viết mải miết, say đắm trong sự tĩnh lặng miên viễn của bóng đêm như chính cô đã từng chia sẻ rằng “Sáng tác là một phương thức sống. Tôi tin nó đem đến một trạng thái tăm tối tựa như cái chết. Nhưng đồng thời cũng là một cách đối kháng với cái chết và sự tê liệt. Cho nên tôi thích văn chương với thuốc phiện. Sẽ có một ngày, bạn phát hiện ra mình chẳng thể nào từ bỏ được nữa. Bởi vì, nó đem đến ảo giác đẹp đẽ nhất trong bóng đêm”.

Ấy là người yêu chuộng cái đẹp, cái đẹp của sự đơn độc, cái đẹp đẽ dễ hư phai, Cô năng niu nó như quý giữ chính như khoảnh khắc sầu muộn mà cô nhìn ra trong hư ảo của giấc mộng. Bởi thế, An Ni chỉ ở trong thế giới của riêng mình, viết về những chàng trai, cô gái, những người đàn ông, đàn bà vốn lạc loài với thế giới đô hội, cứ bỏ đi mãi để tìm kiếm một nơi chốn neo vào. Họ thực ra là những nhân vật “nổi loạn”.

Thế nhưng, đọc An Ni dễ dàng nhận ra rằng, sự nổi loạn được thể hiện trong các sáng tác của cô là sự nổi loạn nhẹ nhàng, đằm thắm, u buồn, da diết. Họ là những người muốn bứt ra khỏi cuộc sống thường ngày trong thành phố ồn ào, nhưng họ vẫn đắm đuối vào những kí ức mong manh của thành phố. Họ muốn ra đi rồi cũng chẳng thể ra đi, họ muốn vứt bỏ rồi cũng chẳng thể nào vứt bỏ được.

Văn chương của An Ni tuyệt nhiên không phải thứ văn chương gai góc, khoa trương, cuồng nhiệt. Văn chương của An Ni chỉ lấy sự tĩnh lặng làm nét phác họa chính. Vậy nên những tâm hồn hoang mang, lẻ loi dễ tìm thấy sự cảm động như là an ủi và chia sẻ. Ấy cũng là điều vốn thật khó để kiếm tìm trong văn chương đương đại.

Phong Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button