Tác giả

Nobel cho Bob Dylan: Tranh luận từ quốc tế tới Việt Nam

Việc giải Nobel văn chương được trao cho một huyền thoại âm nhạc khiến cộng đồng quốc tế tới người quan tâm tới văn chương ở Việt Nam đưa ra nhiều ý kiến trái chiều.

Khi Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố người thứ 113 dành giải Nobel Văn học là Bob Dylan, cả thế giới bất ngờ. Ủy ban Nobel có lý do của riêng mình khi trao giải thưởng văn chương cho một nhạc sĩ; bởi Bob Dylan đã “tạo nên những biểu đạt mới cho thơ ca bên trong truyền thống âm nhạc vĩ đại của nước Mỹ”.

Nhiều người tán dương Bob Dylan. Trong niềm vui chung của nước Mỹ khi công dân của họ vừa được tôn vinh, Tổng thống Obama viết trên Twitter: “Chúc mừng nhà thơ yêu thích của tôi – Bob Dylan – với một giải Nobel cực kỳ xứng đáng”.

Salman Rushdie – một ứng viên sáng giá cho giải Nobel văn chương – cho rằng, đó là lựa chọn tuyệt vời: “Từ Orpheus đến Faiz, các ca khúc và thơ luôn quan hệ mật thiết. Dylan là người thừa kế xuất sắc truyền thống thi ca”.

Tuy vậy, nhiều người vẫn cho rằng Bob Dylan không cần tới giải Nobel Văn học, trong khi giải thưởng cần trao cho người có tài năng và cống hiến hết mình cho sự nghiệp văn chương.

Tờ Vatican L’Osservatore Romano cho rằng, một số “nhà văn thực sự” khó có thể hài lòng với kết quả này. Tiểu thuyết gia Mỹ gốc Nga Irvine Welsh, tác giả cuốn Gary Shteyngart, mỉa mai: “Tôi hoàn toàn hiểu cho quyết định này của Viện Hàn lâm Thụy Điển, việc đọc sách hẳn là rất khó khăn”.

Tiểu thuyết gia người Mỹ Tim Federle giãi bày: “Bao giờ nhà văn Mỹ Philip Roth có thể giành giải album nhạc đồng quê xuất sắc đây…”.

Nữ nhà văn Mỹ Jodi Picoult nói bà rất mừng cho Bob Dylan, nhưng bà cũng hài hước khi băn khoăn không biết điều đó có đồng nghĩa với việc bà có cơ hội thắng giải Grammy âm nhạc hay không.

Dù mọi người tranh luận, Bob Dylan tới nay vẫn giữ im lặng trước giải thưởng cho mình.
Dù mọi người tranh luận, Bob Dylan tới nay vẫn giữ im lặng trước giải thưởng cho mình.

Không chỉ bạn đọc Mỹ hay thế giới, giới văn chương Việt Nam cũng đưa ra những ý kiến trái chiều về giải thưởng của Ủy ban Nobel.

Bob Dylan là một ứng viên của giải Nobel Văn học vài năm nay, nhưng tỷ lệ cược cho ông luôn rất thấp, ít ai dám tin ông có thể đoạt giải thưởng văn chương. Anh Ngô Thanh Tuấn – chủ nhân Bộ sưu tập Sách Nobel – kể năm 2015, một nhà báo của tờ Newrepublic còn cho rằng nếu Bob Dylan mà được Nobel thì nhà báo này sẽ “đi đầu xuống đất”.

Có thể hiểu rõ tâm lý những người tỏ ra bất ngờ với giải Nobel, bởi quan sát tình hình văn chương thế giới, họ thấy có nhiều gương mặt xứng đáng, làm nên diện mạo văn chương đương đại, có tác phẩm thể hiện những tư tưởng lớn của nhân loại.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý cho rằng Viện Hàn lâm Thụy Điển vốn được tiếng là hay tạo ra bất ngờ với giải Nobel văn học, bởi vậy, giải thưởng năm nay trao cho Bob Dylan là một “bất ngờ của bất ngờ”. Còn nhà văn Uông Triều nói tất nhiên Bob Dylan xứng đáng, nhưng anh không thích quyết định của Viện Hàn lâm Thụy Điển cho lắm.

Tuy vậy, rất nhiều lời ca tụng dành những bài thơ ca từ của Bob Dylan.

Trên trang cá nhân, dịch giả, nghệ sĩ thị giác Như Huy cho rằng giải thưởng năm nay của Ủy ban Nobel trái với dạng văn chương truyền thống (là những gì rất mất công để có thể đọc đi đọc lại).

Ngược lại, các ca khúc của Bob Dylan được Như Huy gọi là các “tiểu-văn chương” trở nên điều gì đó luôn được “đọc” đi đọc lại, luôn được truyền bá rộng rãi và có sức sống khắp nơi. “Nó vượt qua ngôn ngữ. Nó đứng trên các nhà xuất bản. Nó phá bỏ các barrier trưởng giả, nó đập phá đặc quyền diễn giải. Nó đi thẳng vào chúng ta. Nó là chúng ta khi chúng ta cất tiếng hát, khi chúng ta cần hát, khi chúng ta cần nghe một bài hát”.

Xét trên khía cạnh xu hướng trao giải Nobel, giải thưởng của Bob Dylan góp phần khẳng định xu hướng xét giải của Ủy ban Nobel đã thay đổi.

Trước đó, khi trao giải văn chương, nếu tác giả là lĩnh vực văn xuôi, Ủy ban Nobel thường chọn những nhà văn có tiểu thuyết và có tiểu thuyết đinh, thì vài năm gần đây truyền thống ấy đã dần được gỡ bỏ.

Năm 2013, Ủy ban Nobel trao cho Alice Munro – một tác giả chuyên viết truyện ngắn. Năm 2015, giải thưởng thuộc về nhà báo Svetlana Alexievich – một người viết phi hư cấu. Còn giải thưởng năm nay trao cho nhạc sĩ viết thơ bằng ca từ.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận xét: “Những cải cách đó cho thấy Ủy ban Nobel đã cập nhật hơn, dân chủ hơn, chứ không bắt buộc nhà văn xuôi phải có tiểu thuyết”.

Nhà văn Trương Quý cũng cho rằng, giải thưởng Nobel trao cho Bob Dylan thể hiện xu hướng liên văn bản hiện nay. Đó là nỗ lực của hội đồng tìm những đóng góp của thể loại không kinh điển của văn chương.

Khép lại một mùa Nobel nhiều bất ngờ, gây tranh luận, song giải của Bob Dylan cho thấy cái nhìn cởi mở hơn của Ủy ban Nobel khi đã trao cho một nghệ sĩ đại chúng.

Tần Tần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button