Tác giả

Nỗi buồn hoài cổ trong trinh thám của Higashino Keigo

Đọc văn học Nhật Bản ta luôn bắt gặp nỗi buồn hay là sự tiếc nuối về những cái đã qua. Các tác phẩm của nhà văn trinh thám nổi tiếng Higashino Keigo cũng ngập tràn điều đó.

Higashino Keigo sinh năm 1958, là một nhà văn quan trọng của Nhật Bản ở thể loại trinh thám. Các tác phẩm của ông liên tục nhận nhiều giải thưởng danh giá và được chuyển thể thành phim điện ảnh, truyền hình. Tuy nhiên, bên ngoài biên giới nước Nhật thì Higashino chưa thực sự là cái tên quá quen thuộc với độc giả quốc tế.

Nhà văn trinh thám Nhật Bản Higashino Keigo.
Nhà văn trinh thám Nhật Bản Higashino Keigo.

Ở Việt Nam, năm 2011 một trong những tác phẩm đầu tiên của Higashino được phát hành là Bí mật của Naoko. Thế nhưng sau đó khá lâu, chỉ đến khi những Bạch dạ hành, Phía sau nghi can X (tái bản 2015) hay mới đây nhất là Bí mật của tiệm tạp hóa Namiya thì có lẽ những câu chuyện của nhà văn trinh thám Nhật Bản này mới ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả Việt.

Trong ba tiểu thuyết kể trên, người đọc không chỉ chứng kiến thủ đoạn gây án tinh vi, những suy luận sắc bén hay các chi tiết khoa học được đan cài khéo léo (Keigo vốn tốt nghiệp ngành Kỹ thuật điện) mà còn ám ảnh sâu sắc bởi số phận con người và những góc khuất sâu thẳm trong họ, những vết nứt tâm hồn đã bắt đầu từ rất lâu, dẫn đến việc bối cảnh truyện nhiều khi quay về những năm 1970, 1980 đầy biến động của xã hội Nhật Bản.

Bạch dạ hành

Bạch dạ hành là tựa sách có dung lượng đồ sộ nhất trong ba tác phẩm đã phát hành ở Việt Nam của Higashino Keigo và có lẽ cũng là đại diện tiêu biểu nhất cho phong cách của nhà văn này. Tác phẩm được xuất bản ở Nhật năm 1999, nhưng biến cố đầu tiên của truyện lại bắt đầu từ rất lâu trước đó.

Năm 1972, ông chủ tiệm cầm đồ nhỏ bị sát hại trong một công trình bị bỏ hoang ở Osaka (cũng là quê nhà của tác giả Keigo), cảnh sát khi ấy đã lật tung các manh mối và theo sát mọi nghi can nhưng cuối cùng vụ án lại rơi vào bế tắc. Cái chết của người đàn ông không tìm ra được lời giải và cũng không phải là dấu chấm của chuỗi bi kịch.

sach-bach-da-hanh
Xem giá bán
Suốt 19 năm sau, con trai của nạn nhân – Riyoji và con gái của nghi can – Yuhiko không thể nào thoát khỏi bóng ma của sự ám ảnh. Nhiều vụ việc bí ẩn còn tiếp tục diễn ra sau đó, mỗi chương truyện là một lát cắt trong cuộc đời của hai nhân vật chính. Ước mơ của Ryoji là được một lần đi dưới ánh mặt trời còn Yuhiko thì ra sức vùng vẫy nhưng rồi lại chìm trong đêm trắng.

Ấn bản được phát hành ở Việt Nam có sự hài hòa khá trọn vẹn từ nội dung, bìa truyện với hình ảnh bóng của hai đứa trẻ bước đi dưới ánh trăng lưỡi liềm cùng nhan đề Bạch dạ hành, tất cả tạo nên một khối trừu tượng mà chỉ khi lật đến trang cuối cùng độc giả mới tìm được lời giải thích.

Không khí truyện nhuốm đầy sắc màu đen tối ảm ảnh, che lấp những niềm vui nhỏ nhoi nơi tiệm mì ramen hay những buổi học khiêu vũ. Hơn cả nỗi buồn hoài cổ, đó là sự ám ảnh mỗi khi tác giả bắt chúng ta cùng nhân vật đào sâu lại những lỗi lầm trong quá khứ.

Phía sau nghi can X

Khác với Bạch dạ hành với mạch truyện phát triển theo những bí ẩn xoay quanh hai nhân vật chính, Phía sau nghi can X tập trung nhiều hơn vào việc che giấu bí mật đằng sau cái chết của nạn nhân Togashi.

Là che giấu chứ không chỉ tìm ra hung thủ, bởi tác giả đã hé mở thân thế kẻ gây án ngay từ đầu. Tuy vậy làm sao để vạch trần cách thức gây án vẫn là một câu hỏi hóc búa, cũng giống như việc tìm ra ẩn số x trong một bài toán. Bài toán còn thử thách hơn gấp bội khi lần này có sự liên quan của thầy giáo dạy toán Tetsuya Ishigami, một thiên tài ẩn dật với cuộc sống tù túng, tẻ nhạt, có tài năng nhưng không thể phát huy nó.

Tác phẩm Phía sau nghi can X.
.Xem giá bán
Ishigami đưa ra một câu hỏi cho học sinh, cho cảnh sát, cho đồng nghiệp và chính độc giả nữa: “Đặt ra một bài toán hóc búa và việc đi giải nó, điều nào là khó hơn?”. Câu chuyện lồng ghép giữa những hoài bão cống hiến cho khoa học, những chi tiết đắt giá giàu tính chuyên môn bên cạnh sự trông đợi mòn mỏi cho cái kết vụ án cũng như cho cuộc đời đầy gắng gượng của các nhân vật. “Tôi không có lý do gì để chết, tôi chỉ không có lý do gì để sống”, Ishigami đã thốt lên như vậy khi nghĩ về cuộc đời mình.

Ở tác phẩm này, những đào bới vào quá khứ bao gồm việc điều tra của cảnh sát với nghi can Yasuko, nhưng ám ảnh và đau đớn hơn cả là quãng đời khi còn là sinh viên của Ishigami, nó không hẳn từng tươi đẹp nhưng chí ít cũng không bế tắc như hiện tại. Ishigami gặp lại người bạn cũ và những ký ức đã ngủ yên lại trỗi dậy, để rồi điều đó sẽ góp phần phá hỏng kế hoạch hoàn hảo của anh.

Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya

Dù không phải là một tác phẩm trinh thám nhưng Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya cũng không ít những tình tiết buộc độc giả phải suy luận, sắp xếp để nhìn thấu toàn bộ bức tranh. Khác với những tác phẩm trinh thám, lần “đá chéo sân” sang thể loại kỳ ảo này của Higashino Keigo mang lại nhiều sắc màu ấm áp và đầy hy vọng hơn cho độc giả.

Tác phẩm Điều kỳ diệu ở tiệm tạp hóa Namiya.
Xem giá bán
Mở đầu câu chuyện là ba nhân vật Atsuya, Shota và Kouhei chạy trốn sau một vụ khoắng đồ và quyết định tá túc ở ngôi nhà bỏ hoang mà trước đó từng là tiệm tạp hóa Namiya. Khoảng ba bốn mươi năm trước, tiệm tạp hóa kỳ lạ này từng là nơi trao đổi thư tín giữa ông chủ già tốt bụng và những người xa lạ nhưng lại có tâm sự không biết bày tỏ cùng ai. Thú vị hơn nữa là trong lúc qua đêm ở đây, nhóm của Atsuya lại nhận được một bức thư chứa đầy nỗi băn khoăn khác…

Câu chuyện thoạt nhìn thì có vẻ rối rắm nhưng tác giả rất khéo léo sắp xếp mạch truyện theo lớp lang. Bức tranh ban đầu là những mảng màu tách biệt nhưng khi có những đường họa liên kết thì toàn bộ ý nghĩa hiện lên vô cùng rõ ràng và kỳ diệu. Lối kể chuyện dung dị, tĩnh tại tiếp tục được Keigo sử dụng ở tác phẩm này, cùng với đó là cái nhìn vào quá khứ đã qua cũng phảng phất nỗi buồn nhưng không còn u ám như hai tác phẩm trước.

Một lần nữa chúng ta lại chìm đắm trong cảm xúc, quay về nước Nhật trong những năm phát triển vũ bão, chạm vào nỗi buồn hoài cổ thường thấy trong tác phẩm của Keigo mà chính một nhân vật trong truyện đã từng thốt lên “Cái thời đó hay thật”, và nhận được câu trả lời ngắn gọn “Công nhận”. Đó hẳn cũng là câu đáp của nhiều người trong chúng ta…

Bá Đạt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button