Tác giả

Philip Roth và những trang viết đặc sắc về người Do thái ở Mỹ

Tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Do Thái là một trong những nhà văn nổi bật của văn học hiện đại Mỹ. Ông sở hữu hàng loạt giải thưởng văn học danh giá của nước Mỹ và thế giới.

Philip Roth sinh ở Newark, New Jersey năm 1933. Cha ông là người bán bảo hiểm. Ông từng học ở Đại học Tổng hợp Chiago, nhận bằng thạc sĩ văn chương tiếng Anh. Năm 1955 Roth vào quân đội, nhưng được giải ngũ do bị thương trong thời kỳ huấn luyện cơ bản. Ông tiếp tục học tập ở Chicago, và từ 1955 đến 1957 làm thầy giáo dạy tiếng Anh. Sau đó, nhà văn bỏ dở chương trình học Tiến sĩ năm 1959 và bắt đầu viết những bài điểm phim cho tờ New Republic.

Cùng năm đó ông ra mắt cuốn Goodbye Columbus, và đoạt giải thưởng Sách Quốc gia (National Book Award) và sau đó được dựng thành phim. Cuốn Portnoy’s Complaint trở thành sách bán chạy số một năm 1969. Đây là một cuốn sách đã gây ra rất nhiều tranh cãi bởi cách viết đậm đặc tình dục, bệnh hoạn và trần trụi của Roth.

Philip Roth những ngày đầu sự nghiệp.

Từ cuốn tiểu thuyết này, cuộc đời của Philip Roth đã bước sang một giai đoạn mới với sự nổi tiếng và giàu có. Ông trở thành tâm điểm săn đón của giới truyền thông, và bắt đầu khẳng định được phong cách tiểu thuyết độc đáo của mình.

Theo ý kiến của hầu hết các nhà phê bình, cuốn sách báo hiệu cho thấy sự xuất hiện của một nhà văn mới quan trọng. Armold Dolin đã viết cho tờ Saturday Review rằng: “Philip Roth đã nhìn sâu vào trái tim người Do thái ở Mỹ, những người phải đối mặt với việc đánh mất bản sắc của mình”. Đây cũng chính là nội dung sáng tác xuyên suốt trong các tác phẩm sau này của Roth.

Hai cuốn sách tiếp theo của Roth là những tiểu thuyết ngắn. Letting Go (1962) tập trung vào các vấn đề đạo đức của một học giả người Do thái trẻ ở Đại học Chicago.

When she was good (1967) là cuốn tiểu thuyết duy nhất mà nhân vật chính là một người phụ nữ. Vẫn nằm trong tư tưởng thâm nhập vào đời sống Hoa Kỳ với đầy đủ màu sắc, âm thanh, dáng hình, cuốn tiểu thuyết này của Roth vừa đẫm sự hài hước, kiêu ngạo, bi đát nhưng cũng đầy những điều tốt đẹp. Nhà phê bình Josh Greenfeld, đã từng nói rằng tác phẩm là một trong số ít tiểu thuyết Mỹ kể từ chiến tranh thế giới thứ hai mà vẫn có thể đọc sau 25 năm.

Roth là người viết chuyên cần. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông dành toàn bộ thời gian cho việc đọc, dạy và viết. Năng suất sáng tạo của ông khá cao, khi các cuốn sách được xuất bản đều qua mỗi năm. Tuy nhiên cũng có những giải đoạn Roth bị rơi vào khủng hoảng khi viết. Ông đã từng mô tả giai đoạn năm 1962 đến 1967 là giai đoạn mà ông cảm thấy hoang mang về việc viết. Ông không biết phải làm gì? Ông băn khoăn không biết có thể theo đuổi chủ đề người Do thái nữa hay không…

Philip Roth được đánh giá cao bởi những trang văn đặc sắc về người Do thái ở Mỹ.

Sau giai đoạn ấy, vào đầu thập niên 1970, Roth đã viết một loạt các tiểu thuyết châm biếm hoàn toàn khác nhau, nhận được những phản ứng trái chiều của các nhà phê bình và khán giả, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng, những tiểu thuyết của ông như The Gost Writer (1979), Zuckerman Unbound (1981), The Anatomy Lesson (1983)… đều là những tác phẩm đặc sắc của Roth.

Ông gọi ba tác phẩm này là “tự truyện giả thuyết”. Ở đây, Roth đã tạo nên một nhân vật hư cấu đặc biệt của mình mang tên Nathan Zuckerman.

Trong The Gost Writer (1979), một Nathan Zuckerman trẻ đến thăm nhà cố vấn văn học của mình, nơi ông gặp một khách mời bí ẩn mang tên Amy Belette, người mà ông tin là Anne Frank sống lại. The Ghost Writer khẳng định thêm rằng Roth có thể làm bất cứ điều gì với hư cấu.

Khả năng tường thuật của ông thực sự tuyệt vời. Zuckerman Unbound (1981) kể về Zuckerman khi ông đã đạt được tiếng tăm với cuốn tiểu thuyết Carnovsky và trở thành nạn nhân của danh tiếng cũng như những tai tiếng của mình, và cuối cùng phá hủy cuộc sống, tình yêu và mối quan hệ của ông với gia đình.

Đến The Anatomy Lesson (1983), nhân vật Zuckerman phải chịu đựng đau cổ và vai một cách không thể giải thích nổi, đồng thời đang trong cảm giác đau đớn thương tiếc sự mất mát của quê hương và sự ra đi của người mẹ. Zuckerman quyết định từ bỏ việc viết và trở thành bác sĩ.

John Updike đã phát hiện ra rằng “những tài liệu mà người ta có thể nghĩ là cạn kiệt đã được sống dậy bởi những khám phá mới lạ của Roth”.

Càng về giai đoạn sau này, văn chương của Roth càng trở nên đầy suy nghiệm, chặt chẽ và hướng tới những vấn đề trực thuộc nội tâm con người được thể hiện bởi những kỹ thuật viết đầy biến hóa.

Tác phẩm của Philip Roth đã được phát hành rất nhiều và không ít lần được xuất bản toàn tập.

Với các tác phẩm như American Pastoral, The Human Stain, The Dying Anima và The Plot Against America được xuất bản trong những năm 1990, ở vào độ tuổi 60, Roth đã thực sự tỏa sáng rực rỡ ở phần cuối cuộc đời ông.

Những sáng tác của Roth thường tập trung vào chủ đề người Do thái ở Mỹ với những trăn trở giữa vòng xoáy hiện đại. Lối viết của ông là lối viết kiêu ngạo có nhiều phần độc đoán. Đặc biệt thể hiện trong cách ông viết về tình dục và những người đàn bà.

Nhiều nhà phê bình cũng như độc giả thường xuyên buộc tội Roth rằng ông là “kẻ căm thù đàn bà”. Ông luôn viết về đàn bà một cách trần trụi, thiếu tình cảm. Ngay như trong một cuốn tiểu thuyết được xem là dễ chịu và nhẹ nhàng nhất của Roth là Báo ứng – Nemesis, nhân vật nữ cũng hiện lên dưới ngòi bút của ông không mấy thiện cảm.

Dẫu vậy, Roth cũng được rất nhiều những người khác bênh vực. Nhà văn Mỹ gốc Nga Keith Gesse từng phát biểu trong một phiên họp kín do tạp chí New York tổ chức để đánh dấu sinh nhật lần thứ 80 của Philip Roth. Keith Gesse cho rằng một người đàn ông dành nhiều thời gian để suy nghĩ về tình dục của phụ nữ thì không thể nào ghét phụ nữ được.

Nói Roth không hề ác cảm với phụ nữ có phần đúng, bởi cách ông làm trong mọi tác phẩm của mình, đều là phơi bày nỗi đau đớn trần trụi của con người. Đặc biệt ở giai đoạn sau của sự nghiệp, trong những cuốn tiểu thuyết ngắn của mình, Roth càng viết nhiều về cái chết, tuổi già, sự mất mát và nỗi đau.

Ở cuốn tiểu thuyết Người phàm – Everyman, dưới sự quan sát của nhân vật chính, cuộc đời đầy rẫy sự mỉa mai, tàn bạo, sự tha hóa và phản trắc. Ấy cũng chính là bộ mặt của xã hội đương đại Mỹ.

Hay trong Báo ứng, Philip Roth cũng đã đặt nhân vật chính của mình dưới những cảnh huống buộc phải lựa chọn. Và đứng trước những lựa chọn ấy, con người đều rơi vào sự dằn vặt và đau khổ. Cái kết cuối cùng khi Bucky Cantor bị bệnh bại liệt hành hạ, khiến tương lai của anh hoàn toàn sụp đổ, là lúc Roth đặt ra một câu hỏi cuối cùng về sự sống và nỗi đau của con người.

Báo ứng là cuốn sách thứ 32 của Philip Roth, và sau cuốn sách này, ông đã tuyên bố giải nghệ. Dẫu luyến tiếc tài năng của một bậc thầy, nhưng rất nhiều người cho rằng, đây là quyết định khôn ngoan và sáng suốt của Roth.

Dạ Vũ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button