Tác giả

Salman Rushdie thách thức cái chết để sáng tạo sự huyền diệu

Tôn giáo và nền văn minh kì vĩ của phương Đông được nhà văn Anh gốc Ấn kết hợp một cách khéo léo để sáng tác những cuốn tiểu thuyết hấp dẫn khôn cưỡng.

>>> Xem thêm: Những tác phẩm đáng chú ý của Salman Rushdie

Salman Rushdie sinh ngày 19/6/1947 tại Bombay, Ấn Độ trong một gia đình trí thức giàu có. Mẹ của ông là giáo viên. Còn cha của ông, Anis Ahmed Rushdie, là một luật sư và doanh nhân từng học tại Đại học Cambridge (Anh), ngôi trường danh tiếng mà sau này Salman Rushdie theo học ngành lịch sử.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Salman Rushdie từng có thời gian làm việc trong lĩnh vực truyền hình, truyền thông và quảng cáo trước khi dành toàn bộ thời gian cho viết lách. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông là Grimus, xuất bản năm 1975, được viết theo lối giả tưởng, kỳ ảo, lấy cảm hứng từ những câu chuyện cổ tích Ấn Độ. Nhưng tiếc rằng tác phẩm này không được giới phê bình đánh giá cao.

Sáu năm sau, cái tên Salman Rushdie nổi lên trên văn đàn Anh như một hiện tượng với cuốn tiểu thuyết thứ hai Midnight’s chidren (nhan đề tiếng Việt: Những đứa con của nửa đêm). Tác phẩm này đã mang lại cho nhà văn giải thưởng Booker danh giá của Anh. Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh năm 1947, khi đất nước Ấn Độ trở thành một quốc gia độc lập sau hàng thế kỷ là thuộc địa của Anh. Mượn hình tượng nhân vật chính Saleem Sina – đứa trẻ sinh ra vào đúng “đêm lịch sử” của cả dân tộc, Salman Rushdie đã dùng rất nhiều phép ẩn dụ, ngoa dụ, phúng dụ cùng yếu tố kỳ ảo nói lên những khó khăn của đất nước Ấn Độ khi bước sang một giai đoạn mới.

Nhà văn Salman Rushdie. Ảnh: The Guardian
Nhà văn Salman Rushdie. Ảnh: The Guardian

Tuy nhiên, cuốn tiểu thuyết này cũng gây ra cho nhà văn không ít rắc rối. Chính trị gia, nhà lãnh đạo các phong trào cách mạng nổi tiếng của Ấn Độ Indra Gandi đã vô cùng tức giận vì cho rằng Salman Rushdie đã dùng cuốn tiểu thuyết này để bôi nhọ danh dự cũng như cố tình xuyên tạc về đời tư của bà.

Nhưng có một cuốn tiểu thuyết khác còn làm đảo lộn toàn bộ cuộc sống của tác giả. Thậm chí nó khiến cho Salman Rushdie suýt chút nữa thì… mất mạng. Đó là cuốn tiểu thuyết thứ tư của ông- The Satanic verses (tạm dịch: Những vần thơ của quỷ Satan), xuất bản năm 1988. Tác phẩm lấy cảm hứng từ cuộc sống của nhà tiên tri Muhammad. Nhưng những tín đồ Hồi giáo lại cho rằng Salman Rushdie đang phỉ báng nhà tiên tri vĩ đại, sứ giả của thánh Allah. Do kích động và một mực bảo vệ niềm tin tôn giáo, nhiều tín đồ Hồi giáo đã biểu tình, để ngăn không cho cuốn sách được lưu hành rộng rãi.

Một số tiểu thuyết của Salman Rushdie được dịch sang tiếng Việt.
Một số tiểu thuyết của Salman Rushdie được dịch sang tiếng Việt.

Salman Rushdie thực sự rơi vào vòng nguy hiểm khi lãnh tụ tối cao của Nhà nước Hồi giáo Iran – Ayatollah Khomeini đưa ra án tử hình vắng mặt đối với tác giả vào ngày 14/2/1989. Sau sự kiện này, một số chiến sĩ tử vì đạo của các phong trào Hồi giáo đã được giao nhiệm vụ ám sát Salman Rushdie. Nhóm người này đã lợi dụng đám tang của một người bạn định thực hiện âm mưu ám sát nhà văn. Để đảm bảo an toàn cho Salman Rushdie, chính phủ Anh đã phải bố trí cảnh sát bảo vệ ông và gia đình. Chính vì án tử hình vắng mặt đối với Salman Rushdie mà quan hệ ngoại giao của Anh và Iran thời điểm đó đã trở nên căng thẳng. Mãi đến năm 1998, bản án này mới được xóa bỏ.

Có thể là “cái gai trong mắt” những tín đồ Hồi giáo cực đoan, nhưng Salman Rushdi lại nhà văn danh giá của nước Anh. Không chỉ dành giải Booker năm 1981, tới năm 2007 ông còn được Nữ hoàng Anh Elizabeth II phong tặng tước Hiệp sĩ vì những đóng góp của ông cho nền văn học. Năm 2008, tạp chí The Time xếp ông đứng thứ 13 trong danh sách “50 nhà văn Anh vĩ đại nhất kể từ năm 1945”.

Không chỉ là người kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện thực huyền ảo với hư cấu lịch sử, Salman Rushdie còn lồng ghép những đặc trưng văn hóa phương Đông và phương Tây vào các tác phẩm của ông. Vì thế tiểu thuyết của ông khá “kén” độc giả. Khác với những gì thể hiện trong văn chương, trong cuộc sống đời thường, Salman Rushdie là một người đàn ông phóng khoáng và đào hoa. Nhà văn này đã kết hôn bốn lần, người vợ thứ tư của ông là người mẫu, diễn viên, người dẫn chương trình Padma Lakshmi. Cô trẻ hơn Salman Rushdie tới hơn 30 tuổi. Sau 5 năm chung sống, cặp đôi đã ly hôn vào đầu năm 2007. Khoảng một năm sau khi hai người chia tay, có nguồn tin cho rằng Salman Rushdie đang có quan hệ với một diễn viên người Ấn Độ.

Thụy Oanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button