Tác giả

Tác phẩm văn học giá trị phải vượt qua tính giáo huấn

Nhà văn Hàn Quốc Hwang Sun-mi cho rằng tác phẩm thiếu nhi không nên dừng lại ở những bài học, mà phải đưa các em đến với cái nhìn rộng mở đa chiều về cuộc sống.

Hwang Sun-mi là nhà văn Hàn Quốc nổi tiếng ở lĩnh vực sáng tác cho thiếu nhi. Sách của bà được dịch ra nhiều thứ tiếng, chuyển thể thành phim hoạt hình, được nhiều độc giả yêu mến. Nhân dịp sang Việt Nam, Hwang Sun-mi có buổi giao lưu, chia sẻ với bạn đọc sáng 24/11 tại Hà Nội.

– Bà có thể chia sẻ cảm nhận của mình khi tới Việt Nam?

– Tôi biết một số tác phẩm của mình được dịch và phát hành ở Việt Nam, nhưng không biết phản ứng của độc giả như thế nào. Hôm nay, tới Việt Nam được xem các em học sinh diễn kịch từ truyện của tôi, được sự quan tâm của độc giả, tôi rất vui.

Hôm qua tôi có buổi tọa đàm gặp gỡ sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội. Trò chuyện của các em sinh viên, được nghe phản hồi của các em, tôi biết rằng tác phẩm của mình được đón nhận tích cực ở Việt Nam.

Có lẽ tôi sẽ xin nghỉ một tháng tới Việt Nam để có thêm cảm hứng viết lách. (cười)

Nhà văn Hwang Sun-mi tại Hà Nội sáng 24/11. Ảnh: Tần Tần.
Nhà văn Hwang Sun-mi tại Hà Nội sáng 24/11. Ảnh: Tần Tần.

– Là người cầm bút, điều gì thôi thúc bà viết cho thiếu nhi chứ không phải đối tượng độc giả khác?

– Tôi là người theo học chuyên ngành về sáng tác văn học. 20 tuổi tôi đã theo sáng tác văn học, 40 tuổi tôi vẫn theo học sáng tác cho thiếu nhi. Khi tôi 20 tuổi, tác phẩm văn học thiếu nhi Hàn Quốc chưa nhiều. Lúc đó tôi viết tiểu thuyết, nhưng cảm thấy không thú vị lắm.

Khi tôi đến nhà bạn chơi, tôi và bạn nấu mì ăn, tôi thấy một cuốn truyện tranh thiếu nhi để trên bàn, dưới bát mì. Tôi mượn cuốn sách về nhà, vẫn dùng chúng để lót dưới bát mì. Cho tới khi đọc cuốn truyện, tôi thấy ở đó cách nói về thế giới giản dị, giản đơn mà ý nghĩa tới vậy.

Từ đó tôi lựa chọn sáng tác cho thiếu nhi. Phong cách viết văn của tôi bắt đầu thay đổi.

Tôi thường được biết đến như tác giả thiếu nhi. Nhưng bên cạnh đó tôi cũng sáng tác văn học cho người lớn, về đề tài người già, gia đình… Trong suy nghĩ của tôi người lớn và trẻ em không có gì khác biệt. Trẻ em rồi sẽ thành người lớn, và trong mỗi người lớn đều có một đứa trẻ.

– Bà làm thế nào để giữ được tâm hồn trẻ trung, để hiểu tâm tư tình cảm thiếu nhi khi sáng tác?

– Tôi nhớ được những ký ức còn bé của tôi. Đó chính là bí quyết giúp tôi sáng tác các tác phẩm thiếu nhi.

Tác phẩm của tôi có nhân vật không phải là những đứa trẻ kiệt xuất. Tôi muốn nói thay những người bình thường. Tôi được biết nhiều tác giả tiếp cận văn học thiếu nhi bằng cách lãng mạn, màu hồng. Nhưng tác phẩm văn học của tôi thường ảm đạm, không tươi sáng.

– Tại sao sách bà thường viết chuyện buồn trong sách cho thiếu nhi?

– Thời trẻ tôi rất khó khăn, không có gì trong tay. Mùa hè tôi tới nhà bạn, có đầy đủ điều kiện, đặc biệt là có phòng đọc sách. Nếu tôi có đầy đủ như bạn bè, có lẽ tôi sẽ viết màu hồng.

Ở Chó xanh lông dài tôi viết nhiều về cái chết. Cái chết là một phần của cuộc sống. Bởi thế tôi nghĩ nhà văn như tôi dù không nói ra, dần dần các em cũng trải qua những câu chuyện buồn. Tôi muốn gửi thông điệp: cái chết rồi sẽ đến, bởi thế chúng ta cần làm việc chăm chỉ mỗi ngày.

Một số tác phẩm của Hwang Sun-mi đã được dịch ra tiếng Việt.
Một số tác phẩm của Hwang Sun-mi đã được dịch ra tiếng Việt.

– Nên viết như thế nào về những con vật khác nhau, để các em không thấy rằng con vật ăn thịt là ác, mà đó chỉ là quy luật sinh tồn?

– Ở Hàn Quốc những năm 1970–1980 luôn phân biệt nhân vật thiện–ác rạch ròi trong sáng tác cho thiếu nhi. Khi đó, ở trường hay ở nhà, người lớn luôn dạy các em cách đọc với những bài học mang tính giáo huấn như vậy.

Theo tôi bản chất của văn học không chỉ đưa ra bài học, mà phải mang tới cái nhìn đa chiều, hướng các em tới đâu là điều thiện, đâu là điều ác.

Một tác phẩm văn học có giá trị phải vượt qua tính giáo huấn, mà phải mang tới cái nhìn đa chiều về thế giới. Trong Cô gà mái xổng chuồng, nhân vật đại diện cho cái ác là “mụ chồn”. Nếu trong truyện này mụ chồn bị thua thì đó là cái kết vô cùng đơn giản.

Khi viết tác phẩm, tôi lựa chọn nhân vật “mụ chồn” là từ khóa quan trọng. Và cái kết chính là điểm tôi muốn nhấn mạnh. Với tôi bên cạnh cô gà mái, mụ chồn cũng là nhân vật chính đóng vai trò quan trọng. Cô gà mái đã sống với ước mơ, làm mọi thứ để đạt ước mơ, thì mụ chồn cũng là người làm mọi thứ để đạt mục đích của mình.

– Bà có lời khuyên gì để giúp các em thiếu nhi dễ tiếp nhận các cuốn sách?

– Người lớn và trẻ em thường suy nghĩ không tương đồng. Chúng ta đừng ép buộc, mà hãy để trẻ em tự tiếp cận. Hãy đọc sách cùng trẻ em, đối thoại cùng trẻ em, đó là cách tốt nhất giúp các em tiếp nhận sách.

– Vì sao ngoài sáng tạo văn chương, một tác giả nổi tiếng như bà vẫn lao động chân tay? Công việc làm nông có giúp ích gì cho quá trình viết văn?

– Chồng của tôi đang làm nông nghiệp. Nên ngoài viết văn, cuối tuần tôi giúp chồng. Nhà tôi trồng đào, đào ở nhà tôi rất ngon. Tôi thường ở thành phố vì có nhiều việc phải làm, có giờ giảng ở đó nữa.

Tôi nghĩ rằng làm nông hay làm những công việc hàng ngày bên cạnh công việc viết văn có thể là chất liệu giúp tôi sáng tác. Nếu ngày nào cũng làm nông thì vất vả, nhưng cứ cuối tuần làm, thì tôi có cảm hứng để sáng tác.

Tôi phân chia các công việc của mình, ngoài sáng tác, tôi còn giảng dạy, thẩm định sáng tác của các bạn khác, làm nông nghiệp… Các công việc đan xen giúp tôi có năng lượng để làm việc.

Tần Tần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button