Tác giả

Thánh địa văn chương của William Faulkner

Thế giới con người mà William Faulkner thâm nhập ấy bắt đầu từ thánh địa Yoknapatapha, đã trở thành thánh địa văn chương của riêng của ông.

Trong lời tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển năm 1950, có đoạn viết: “Gần như cứ mỗi tác phẩm mới Faulkner lại càng thâm nhập sâu hơn vào tâm lý con người, vào cái cao cả to tát của con người, sức mạnh của sự hy sinh, sự thèm khát quyền lực, sự tham lam, sự nghèo nàn về tinh thần, sự thiển cận trong tâm trí, sự bướng bỉnh đến độ nực cười, khổ đau, khiếp hãi, và những thác loạn đốn mạt của con người”.

William Faulkner chào đời ở tiểu bang Mississippi vào năm 1897. Khi nhà văn tương lai được vài tuổi, gia đình dọn tới thị trấn Oxford, nơi có trường đại học của bang Mississippi làm quê hương.

Từ hình mẫu ấy, Faulkner đã tạo nên một thế giới hư cấu đầy ám ảnh Yoknapatapha, trở thành mảnh đất đầy quyền rũ, đầy chán ngán, nghiệt ngã trong hầu hết các cuốn tiểu thuyết của ông như Khi tôi nằm chết, Nắng tháng tám, Cọ hoang, Âm thanh và cuồng nộ. Đó là một thế giới hư cấu nhưng như một thế giới thật, “đầu độc” bất kỳ ai. Cả cái lãnh địa ấy gói gọi tất thảy mọi nỗi đời của con người, xoay vần tất cả quanh con người. Điều này ảnh hưởng đến Marquez với thế giới Macondo và Mạc Ngôn trong thế giới Cao Mật.

Thánh địa Yoknapatapha được Faulkner xem là “Nơi quá khứ không bao giờ chết”. Với nơi đây, ông “không chỉ là một nhà văn mà còn là một nhà sử học, một thông dịch viên của quá khứ”.

Tiểu thuyết Sartoris là cánh cửa đầu tiên mở vào thế giới của Faulkner, thế giới của thị trấn Jefferson trong lãnh địa tưởng tượng Yoknapatawpha. Nếu như Jefferson mô phỏng theo Oxford thì đại tá John Sartoris có hình mẫu là ông cố và ông nội của Faulkner, những người tiên phong của miền Nam xưa cũ. Cuốn sách được xuất bản năm 1929, bắt đầu đem lại danh tiếng cho William Faulkner.

Kề từ đó, trong ngôi nhà cũ của Faulkner ở Oxford, thế giới huyền thoại Yoknapatawpha chứa đầy hiện thực lớn dần với các nhân vật thuộc những gia đình Sartoris, Compson, Snopes, với những người da đen, với thiên nhiên hoang dã, đẹp đẽ, khắc nghiệt và bí ẩn

Nhà văn William Faulkner.

Miền đất bé nhỏ như một “con tem” này, “cái mỏ vàng” để ông khai thác, sẽ là vị trí lý tưởng cho những câu chuyện về miền Nam có liên quan mật thiết với lịch sử và giữa các họ tộc Sartoris, Compson, McCaslin, Snopes… Yoknapatawpha là biểu tượng của “miền Nam sâu thẳm”, quý phái và nông nghiệp, một trong những tế bào nguyên thuỷ của đất nước Hoa Kỳ, đang dần bị lãng quên bởi sự xâm nhập của một nền công nghiệp nhân tạo phương Bắc.

Đứng trước một vùng đất đai và thiên nhiên đang bị hủy hoại và nguyền rủa, cùng với nó là tâm hồn con người ngày càng khắc nghiệt, thế giới của Faulkner bao trùm bóng tối, tội lỗi và chết chóc.

Nó bày phơi những hiện thực khắc nghiệt, một vùng đất bị thiêu đốt dưới ánh nắng mặt trời chẳng có gì mọc nổi, khắp nơi chỉ là cát nóng bỏng, khô nghiệt. Dường như ít tìm thấy tình yêu ở nơi này. Hoặc đó là những mối tình đau đớn tột cùng, oan trái và nghiệt ngã tột cùng.

Ở kiệt tác Âm thanh và cuồng nộ, thánh địa Yoknapatawpha cũng là nơi diễn ra thảm trạng suy sụp tan vỡ của gia đình Compson, đã từng một thời quyền quý, giàu sang.

Những nhân vật chính của truyện gồm ông Jason Compson, bà Caroline vợ ông ta , bốn người con : Quentin người con trưởng, cô con gái thứ hai Candace (Caddy) và hai người con trai theo thứ tự : Jason, Maury sau này được đổi tên là Benjamin ( Benjy ) người bị mắc bệnh chậm phát triển tâm thần, một đứa bé 3 năm trong thân thể một người 30 tuổi, một người không đủ khả năng thiết lập được những nối kết giữa điều gì nhìn thấy, nghe được và những gì anh ta cảm nhận.

Không một sản địa tại miền Nam Hoa-Kỳ nào lại không có những người nô lệ da đen, gia-đình thảm thương Compson có Rosbus, Dilsey vợ anh ta và những đứa con, Versh, T.P và Frony, Frony cũng có một đứa con được đặt tên là Luster. Dưới mắt những người đầy tớ da đen này, cả cái thế giới nhỏ của gia đình người chủ da trắng đó quay cuồng, tranh cãi , xâu xé, hành hạ nhau…

Thánh địa Yoknapatawpha trong Âm thanh và cuồng nộ là một thế giới âm u, náo động, mãnh liệt và thấm đẫm tình người nhất mà William Faulkner đã tạo nên.

William Faulkner đã đến với nghệ thuật bằng một niềm tin mãnh liệt về con người, như chính ông từng khắng định: “Tôi khước từ chấp nhận sự tàn lụi của con người. Tôi tin tưởng rằng con người sẽ chiến thắng. Nó bất tử không phải vì giữa muôn loài nó có một tiếng nói không mệt mỏi mà là vì nó có một linh hồn, một tinh thần có khả năng trắc ẩn, hy sinh và chịu đựng.

Nhiệm vụ của nhà văn là phải viết về những điều này. Đó là đặc quyền của họ để giúp con người chịu đựng bằng cách nâng cao trái tim mình lên, bằng cách nhắc nhở con người về lòng dũng cảm và danh dự, hy vọng và tự hào, trắc ẩn và hy sinh những gì đã từng là vinh quang trong quá khứ của họ”. Cuộc đời ông có lẽ đã hoàn thành cái sứ mệnh văn chương mà ông luôn bám đuổi quyết liệt.

Là tác giả của 126 truyện ngắn (đáng chú ý là Con gấu, Bông hồng cho Emily, Mặt trời chiều hôm ấy), 19 tiểu thuyết (nổi tiếng nhất là Âm thanh và cuồng nộ, Nắng tháng tám, Absalom Absalom), William Faulkner xứng đáng là một trong những gương mặt sáng chói của văn học hiện đại. Ông từng đoạt Giải Nobel Văn học năm 1949 và hai giải Pulitzer vào các năm 1955, 1963.

Phong Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button