Tác giả

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Người khai phá hạnh phúc giữa đời

Cả cuộc đời thiền sư Thích Nhất Hạnh dành cho việc phát triển Phật pháp cũng như giúp những tâm hồn đau khổ tìm được hạnh phúc thật sự nơi cuộc sống này.

Vị thiền sư được người người kính trọng

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là bậc cao tăng nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới. Ông có vai trò to lớn trong cả Phật pháp lẫn các hoạt động xã hội, vận động vì hòa bình. Có thể nói, danh tiếng của thiền sư Thích Nhất Hạnh ở phương Tây chỉ đứng sau đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng mà thôi.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh tên thật là Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm 1926 ở tỉnh Thừa Thiên. Năm 16 tuổi, ông bắt đầu xuất gia ở chùa Từ Hiếu và học thiền theo trường phái Đại thừa của Phật giáo. Năm 1949, ông chính thức trở thành một nhà sư. Về sau, ông trở thành người lãnh đạo tinh thần của chùa Từ Hiếu. Năm 1966, ông được trao ấn khả trở thành thiền sư.

thien-su-thich-nhat-hanh-1

Thiền sư Thích Nhất Hạnh dành cả đời theo đuổi lý tưởng của Phật pháp, tìm kiếm hạnh phúc cho con người

Hoạt động của thiền sư Thích Nhất Hạnh không chỉ là giảng dạy về thiền, thuyết pháp mà dần dần, ông bắt dấn thân sâu hơn vào đời sống xã hội. Ông trở thành giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, tham gia các hoạt động xã hội hay các phong trào vận động mang tính quần chúng. Ông gặp gỡ và trò chuyện với nhiều nhân vật ảnh hưởng trên thế giới như Martin Luther King, Đạt Lai Lạt Ma, xuất hiện trong chương trình của “bà hoàng” Oprah Winfrey,… Khả năng thông thuộc nhiều ngoại ngữ như tiếng Pháp, Anh, Trung Quốc, Nhật, Sankrit, Pali… đã đưa bước chân ông đến thuyết giảng ở nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới.

Danh tiếng của thiền sư Thích Nhất Hạnh ngày càng được nhiều người biết tới. Đặc biệt, năm 1967, thiền sư được đề cử giải Nobel Hòa bình danh giá.

Là người lữ hành đi tìm kiếm hạnh phúc giữa đời

Khó có thể kể hết những việc làm và cống hiến của thiền sư Thích Nhất Hạnh dù với Phật giáo hay với xã hội. Thế nhưng đáng chú ý nhất có lẽ là những ý niệm, quan điểm và hướng dẫn của ông về con đường đi tìm hạnh phúc giữa đời thường

thien-su-thich-nhat-hanh-2

Thiền sư là tác giả của hơn 100 cuốn sách, được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau

Đến nay, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết và cho xuất bản hơn 100 đầu sách bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Tuy nhiên, đa số sách của ông đều có điểm chung là kết hợp các câu chuyện, yếu tố trong kinh Phật cùng với ứng dụng tâm lý học phương Tây, quan điểm riêng về cuộc sống… và hướng về mục đích là phục vụ con người, dẫn đường cho những ai đang tìm kiếm hạnh phúc thật sự và cảm giác an yên trong cuộc sống.

Mỗi cuốn sách của thiền sư, như một cuộc trò chuyện, đối thoại xuyên thời gian bằng kiến thức của các vị Phật, vị Bụt, tiền nhân…về những vấn đề muôn thuở của con người. Từ nỗi buồn, sầu não, phiền muộn, ước mơ, cuộc sống, sinh tử… đến việc đi sâu vào những cảm xúc bên trong chính con người như nóng giận, đố kị, ghen tị… đang giết dần giết mòn niềm vui và hạnh phúc của họ.

Mỗi một cuốn sách, cũng như một con đường dẫn thoát khỏi thế tục nhân gian để đi đến hạnh phúc. Thứ hạnh phúc đó không ở xa xôi nơi địa đàng nhưng chính trong tầm tay của ta, có thể sờ-với-chạm-nắm. Con người, có thể cắt đứt mọi vướng bận nếu biết cách khai thông và phát triển tuệ giác.

thien-su-thich-nhat-hanh-3

Cuộc gặp gỡ giữa thiền sư Thích Nhất Hạnh và đức Đạt Lai Lạt Ma

Không phải là lời nói suông hay những bài học sách vở chỉ đọc, suy ngẫm giây lát rồi quên, thiền sư Thích Nhất Hạnh còn chỉ rõ phương cách thực hiện cũng như tu hành, tập luyện để đạt đến cảnh giới nhất định. Đó là tuệ giác trong Hạnh phúc mộng và thực, là cách an yên trong Bước tới thảnh thơi, Muốn an được an, An lạc từng bước chân…

Có những tác phẩm là tập hợp những câu nói hay từ chiêm nghiệm của thiền sư với cuộc sống. Người đọc có thể tìm thấy chính bản thân mình trong đó, trân trọng bản thân và những gì mình có, chọn lựa cách sống vừa viên mãn vừa thanh thản như Bây giờ mới thấy, Hạnh phúc cầm tay,… Đặc biệt, thông qua các cuốn sách của mình, thiền sư còn phát triển phương thức “trị liệu tâm hồn” bằng thiền và diệt những cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng trực tiếp đến con người.

Tất cả những ý niệm của thiền sư, đều xuất phát từ con người và gần gũi với con người. Thứ hạnh phúc được Người khai phá đó, ai cũng có thể dễ dàng đi theo, và có quyền lựa chọn hạnh phúc cho riêng mình.

Đông Phương

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Chín 10, 2016 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button