Tác giả

Từ Chí Ma – Lãng tử đa đoan của thi ca Trung Quốc

Thơ của thi sĩ họ Từ mang nhiều phức điệu, trầm buồn nhưng cũng không kém phần quyết liệt và phóng khoáng. Hồn thơ đa thanh ấy bị ảnh hưởng bởi những bóng hồng đi qua đời ông.

Từ Chí Ma sinh năm 1896 tại Chiết Giang, trong một gia đình thương nhân giàu có. Ông được mệnh danh là “chủ soái” của phong trào cách tân thi ca Trung Quốc đầu thế kỉ XX.

Trong những sáng tác của mình, Từ Chí Ma đã dung hòa được giữa Đường thi cổ điển và thi ca hiện đại của Âu, Mỹ. Từ đây, “cái tôi”, tình yêu đôi lứa được cất tiếng nói của tự do, không chút e ngại trong thi ca Trung Quốc.

Sinh ra vào thời điểm nền Nho học cổ điển của Trung Quốc đã suy tàn, giống như nhiều thanh niên thuộc tầng lớp thượng lưu lúc bấy giờ, Từ Chí Ma thụ hưởng một nền giáo dục theo kiểu mới, ảnh hưởng bởi phương Tây, nơi tự do, bác ái và bình đẳng được đề cao. Nhưng là một người Trung Quốc, chàng công tử họ Từ vẫn phải tuân theo lệnh “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó” của Nho giáo.

Năm 1915, Từ Chí Ma quyết định tới Bắc Kinh học đại học. Cha của ông ủng hộ quyết định này nhưng vẫn muốn con trai “yên bề gia thất” trước khi lên đường. Từ Chí Ma kết hôn với Trương Ấu Nghi theo sự sắp đặt của hai bên gia đình bằng một đám cưới trang trọng, môn đăng hậu đối lúc bấy giờ.

Nhà thơ Từ Chí Ma.
Nhà thơ Từ Chí Ma.

Từ lâu đã bị ảnh hưởng bởi tư tưởng “tự do yêu đương” của phương Tây, Từ Chí Ma miễn cưỡng kết hôn vì đây là điều kiện mà cha của ông đưa ra để đổi lấy việc tới Bắc Kinh học tập.

Cuộc hôn nhân “đồng sàng dị mộng” này là khởi đầu cho chuỗi bi kịch của cả Trương Ấu Nghi và Từ Chí Ma về sau. Khi một người phụ nữ vì không nhận được tình yêu từ chồng mà phải sống như thể góa phụ, và một người đàn ông vì đã kết hôn mà không thể có được người con gái mình yêu.

Năm 1918, Từ Chí Ma tới Đại học Columbia (Mỹ) học ngành ngân hàng. Hai năm sau, ông đạt học vị thạc sĩ và chuyển tới Đại học Cambrige (Anh) tiếp tục theo đuổi chuyên ngành kinh tế chính trị. Tại đây, Từ Chí Ma đã gặp tình yêu sâu nặng nhất cuộc đời mình là Lâm Huy Nhân.

Từ Chí Ma vốn quen biết Lâm Trường Dân, cha của Lâm Huy Nhân. Trong một lần tới thăm nơi ở của Lâm tiên sinh tại Anh, chàng lãng tử ấy đã gặp cô tiểu thư Lâm Huy Nhân. Vốn được mệnh danh là “Đệ nhất hoa khôi” thành Bắc Kinh, Lâm Huy Nhân là một cô gái vô cùng xinh đẹp. Từ Chí Ma đã bị vẻ ngoài yêu kiều ấy cuốn hút, còn Lâm Huy Nhân cũng chao đảo trước vẻ lịch lãm và sự uyên bác của Từ Chí Ma.

Cả hai yêu nhau say đắm, từng thề non hẹn biển sẽ cùng nhau đi đến trọn đời. Nhưng khi biết Từ Chí Ma đã có vợ và một cậu con trai 2 tuổi, Lâm Huy Nhân không khỏi suy nghĩ và do dự.

Cô rất yêu Từ Chí Ma nhưng không thể vì yêu mà bất chấp đạo lý, làm tổn thương một người phụ nữ khác và phá vỡ một gia đình. Lâm Huy Nhân cuối cùng cũng quyết định chia tay. Cô về nước và nhanh chóng kết hôn với Lương Tư Thành, con trai cả của học giả Lương Khải Siêu.

Khi ấy, Từ Chí Ma tạm biệt Huy Nhân về nước, lấy cớ thăm gia đình, nhưng thực chất là quay về quyết tâm ly hôn Trương Ấu Nghi. Trở lại Cambrige với tư cách một người đàn ông độc thân, đã ly hôn vợ, Từ Chí Ma những tưởng sẽ được ở bên người tình.

Nhưng ông không ngờ Lâm Huy Nhân đã ra đi không lời từ biệt. Để kỉ niệm cho mối tình dang dở này Từ Chí Ma đã viết tặng Lâm Huy Nhân hai bài thơ Tạm biệt Khang Kiều (Khang Kiều là tên phiên âm tiếng Trung của đại học Cambrige) và Vô tình.

Châu Tấn trong vai Lâm Huy Nhân, Huỳnh Lỗi trong vai Từ Chí Ma trong phim Khúc nhạc tháng tư.
Châu Tấn trong vai Lâm Huy Nhân, Huỳnh Lỗi trong vai Từ Chí Ma trong phim Khúc nhạc tháng tư.

Về phần Lâm Huy Nhân, khi còn yêu Từ Chí Ma bà cũng đã viết tặng ông bài thơ Anh là tháng tư của trần gian. Năm 1999, đạo diễn Lý Khiết Anh dựa theo nhan đề của bài thơ này để đặt tên cho bộ phim Khúc nhạc tháng tư nói về cuộc đời của Từ Chí Ma và mối tình của ông với nhà văn, kiến trúc sư nổi tiếng Lâm Huy Nhân.

Từ Chí Ma và Lâm Huy Nhân không thể thành vợ chồng nhưng vẫn là bạn bè tri kỷ. Cả hai vẫn thường thư từ qua lại và làm thơ đề tặng nhau. Lương Tư Thành biết rõ chuyện này và tôn trọng sự riêng tư của vợ.

Sau khi chia tay với Lâm Huy Nhân, Từ Chí Ma gặp và yêu Lục Tiểu Mạn, một người phụ nữ phóng khoáng, tiếp xúc nhiều với văn minh phương Tây và đặc biệt rất giỏi khiêu vũ.

Khi gặp Từ Chí Ma, Lục Tiểu Mạn đã có chồng, bị trúng “tiếng sét ái tình” với nhà thơ điển trai, cô đã ly hôn để đi theo tiếng gọi của tình yêu. Điều đáng nói là trước kia Lục Tiểu Mạn đã từng hứa hôn với Lương Tư Thành, nhưng cô tự thấy mình không hợp sống trong gia đình khuôn phép như nhà họ Lương nên đã tự động từ hôn.

Khi Từ Chí Ma và Lục Tiểu Mạn kết hôn, cha của Chí Ma có đưa ra một điều kiện cho cuộc hôn nhân này, đó là: phải mời được Lương Khải Siêu, cha của Lương Tư Thành, đồng thời cũng là thầy của Từ Chí Ma làm chủ hôn.

Năm 1931, trong lần từ Bắc Kinh tới Thượng Hải dự buổi diễn thuyết của Lâm Huy Nhân, Từ Chí Ma gặp tai nạn máy bay, ông qua đời ở tuổi 34. Lương Tư Thành tới Sơn Đông, nơi xảy ra tai nạn để cùng gia đình của nhà thơ lo việc hậu sự. Khi trở về Lương Tư Thành có mang theo một mảnh thép từ chiếc máy bay bị nạn cho Lâm Huy Nhân. Bà đã để mảnh thép cháy xém đó trên bàn làm việc đến tận khi qua đời.

Thụy Oanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button