Tin tức xuất bản, điểm tin sách

Cây viết trẻ từng đoạt giải quốc tế ra mắt tập thơ đầu tay

Huyền Thư đã sáng tác gần 300 bài thơ, trong đó có 40 tác phẩm được đăng tải trên các báo, tạp chí. Năm 2016, cô được trao giải nhì trong cuộc thi thơ trẻ New Zealand.

Huyền Thư tên thật là Tăng Thị Huyền Anh, sinh ngày 29/11 tại Đông Hưng (Thái Bình). Hiện Thư đang theo học năm nhất ngành Quy hoạch đô thị tại Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Auckland, New Zealand. Nhưng cô gái này lại có một thế giới khác thể hiện qua những bài thơ đăng trên trang cá nhân.

Huyền Thư kể: “Bài thơ tôi viết đầu tiên là vào năm 16 tuổi, khi bản thân phải đối mặt với những chênh vênh của lứa tuổi trưởng thành. Cũng bởi vì tự lập và sống xa gia đình từ nhỏ, nên suy nghĩ của chính tôi dường như chín chắn hơn các bạn cùng trang lứa. Thơ ca đối với bản thân tôi giống như một người bạn biết tâm sự và giúp nói lên nỗi lòng mình”.

Dù thông thạo tiếng Anh nhưng Huyền Thư thường sáng tác thơ bằng tiếng Việt rồi sau đó mới tự chuyển ngữ sang tiếng Anh. Bài thơ Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu được trao giải nhì trong cuộc thi thơ trẻ New Zealand 2016 (National Schools Poetry Award 2016) do Trung tâm viết văn của Đại học Victoria tổ chức cũng được sáng tác theo thể thức như vậy.

Nhà thơ trẻ Huyền Thư.

Giám khảo của cuộc thi – nhà thơ, nhà biên kịch nổi tiếng Anne Kennedy nhận xét: “Trong bài thơ Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu, Huyền Thư đề cập đến trận lụt kinh hoàng và hậu quả của nó. Bài thơ này là minh chứng cho tầm quan trọng của nghệ thuật trong việc giúp con người vượt qua nỗi đau, bằng cách so sánh thảm họa với vẻ đẹp – vẻ đẹp của nhạc điệu và hình ảnh”.

Mới đây nhất, Huyền Thư vừa ra mắt tập thơ đầu tay mà tên tập thơ cũng chính là bài thơ được giải nhì Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu. Đặc biệt, tập thơ được nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên viết lời tựa.

Khác với nhiều cây bút trẻ khác, Huyền Thư bắt đầu làm thơ từ đầu năm 2015 và đặc biệt chú trọng đề tài viết về tình cảm quê hương, gia đình và xứ sở, Huyền Thư góp mặt trong một cuốn sách đã được xuất bản (in chung) mang tên Viết cho mùa gió trở. Ngoài ra, Thư còn có các tác phẩm xuất hiện trên nhiều tờ báo, tạp chí như: Tuổi trẻ, Tiền Phong, Tạp chí Sông Hương, Quân đội Nhân dân, Phụ nữ Việt Nam, Báo Văn nghệ,…

Đọc tập thơ Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu của Huyền Thư, độc giả sẽ nhận ra tâm hồn của một thiếu nữ đã rời xa gia đình, làng quê ra nước ngoài du học từ nhỏ nhưng vẫn nuôi trong mình cảm thức tiếng Việt và cảm xúc đồng quê để viết nên những bài thơ nặng trĩu nhớ thương, hoài cảm. Với hành trang là lời mẹ dặn: “Lẽ trần gian là họa ai gây thì người ấy trả / Nên đừng thấy lạ / cứ hiền và cứ ngoan”.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá: “Một lời dặn đơn sơ mà gan ruột của người mẹ cho con gái bước ra thế giới một mình. Tập thơ vì thế đọc thấy cả sự làm nũng của một người con với cha mẹ, của một người trẻ thử già nua để được hồn nhiên, của một cô gái với đất và người ở những nơi cô đã đến, đã sống. (…) Vậy “nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu” có thể là một câu hỏi cho người, nhưng phần nhiều là câu tự vấn mình, một khát khao tâm tình và sẻ chia, cả một day dứt, phân vân nữa. Nhớ đến bao nhiêu là nỗi nhớ đã nhiều? Đảo ngược nhan đề tập thơ có lẽ lại đưa đến một cách đọc thơ khác”.

Huyền Thư tâm sự: “Thơ với tôi một trong những điều tôi tâm đắc nhất trong suốt những năm tháng xa nhà, đơn thuần bởi vì tôi có nơi để tìm đến bộc lộ cảm xúc và để sống đúng với con người mình. Chính trong những ngày tháng xa nhà mà tôi cảm thấy chênh vênh và gặp nhiều khó khăn, thơ ca là động lực, là thứ nuôi dưỡng tâm hồn và gìn giữ tiếng Việt trong tôi một cách hoàn hảo nhất”.

Quỳnh Yên

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Mười Hai 26, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button