Tin tức xuất bản, điểm tin sách

Dịch giả Cao Tự Thanh chủ biên sách về học sinh miền Nam

Công trình dày 872 trang vừa ra mắt giúp độc giả hiểu rõ một cộng đồng giữ vai trò quan trọng trong lịch sử Việt Nam giai đoạn 1954-1975.

Từ năm 1954 đến 1975, hơn 32.000 học sinh miền Nam lần lượt theo xe bộ đội, đi tàu thủy, đi bộ vượt dãy Trường Sơn… ra miền Bắc học tập. Hàng chục nghìn người trưởng thành sau đó trở về xây dựng miền Nam.

Bộ phận trí thức này giữ vai trò quan trọng trong lịch sử dân tộc. Vì thế, người chủ biên – tác giả Cao Văn Dũng (tức nhà nghiên cứu, dịch giả Cao Tự Thanh) dành nhiều thời gian và tâm huyết để hoàn thành công trình sách mới. Là một học sinh miền Nam ngày trước, Cao Tự Thanh đã trở thành nhà nghiên cứu về lịch sử văn hóa, một trong những học giả Hán Nôm, dịch giả Hoa văn uy tín hiện nay. Ông có hàng chục tác phẩm nghiên cứu về các lĩnh vực, hơn 40 đầu sách dịch cùng nhiều công trình khác.

Quyển sách mới do nhóm Học sinh miền Nam ở Vĩnh Phú (giai đoạn 1968 – 1972) biên soạn. Họ gồm các tên tuổi như: Tống Quang Anh, Cao Văn Dũng, thầy Lê Ngọc Lập, Trần Thanh Phương, Nguyễn Minh Quang, Nguyễn Tấn Sỹ… Cao Tự Thanh cho biết, đã có không ít sách viết về cộng đồng học sinh này. Tuy vậy, nhiều công trình thường nghiêng về nhấn mạnh con người chính trị. Quyển sách Học sinh miền Nam – Tư liệu và Kỷ niệm chú trọng vào khía cạnh xã hội của họ hơn.

sach-hoc-sinh-mien-nam

Ở phần một, sách cung cấp 100 tư liệu và cụm tư liệu bao gồm các Chỉ thị, Nghị định, Quyết định, Thông tư, báo cáo… trực tiếp liên quan tới chủ trương đào tạo, chính sách sử dụng, chế độ đãi ngộ của Đảng và Nhà nước với học sinh miền Nam ở miền Bắc thời gian 1954 – 1975. Phần lớn tư liệu này hiện được lưu giữ ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. “Ngoài tính xác thực, phần này còn có một số tư liệu hay lạ có thể khiến nhiều người từng là học sinh miền Nam ngày trước bất ngờ”, ông Cao Tự Thanh cho biết.

Phần hai của công trình gồm các hồi ký, thơ, nhạc phẩm của hơn 20 tác giả là học sinh miền Nam và giáo viên. Trong đó, các tác phẩm tập trung vào hoàn cảnh, tính cách, số phận của các nhân vật.

Ngoài ra, bài viết “Học sinh miền Nam trong lịch sử Việt Nam” ở đầu sách đưa ra nhiều tư liệu, phân tích và kết luận có giá trị về việc phân loại, phân kỳ các thế hệ học sinh miền Nam..

Thất Sơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button